Dự Trại sáng tác có 30 cây bút quen thuộc với bạn đọc đất Tổ, chỉ trong một thời gian ngắn đã gặt hái được hơn 100 bài thơ. Nhiều tác giả gửi chùm thơ từ 3 đến 5 bài thơ về Ban Tổ chức như: Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Quang Thuyên, Lan Thanh, Trần Thị Nương, Nông Thị Ngọc Hòa, Xuân Thu, Vũ Kim Liên, Nguyễn Thanh Bình, Khắc Bình, Hà Thành, Hoàng Như Hà, Nguyễn Đình Xán, Bùi Văn Phẩm...
Viết về Đảng là một chủ đề không dễ gì, vì trước đó đã có nhiều bài thơ hay nổi tiếng đã đi vào sách giáo khoa cho nhiều thế hệ học sinh học tập như: “Từ ấy”, “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của Tố Hữu; “Kết nạp Đảng trên quê mẹ”, “Người thay đổi đời tôi, thay đổi thơ tôi” của Chế Lan Viên, “Mồ anh hoa nở” của Thanh Hải, “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, “Đọc thơ Bác” của Hoàng Trung Thông...
Một cái khó nữa mà các tác giả phải vượt, đó là tìm “tứ” cho thơ. Tứ thơ phải mới, vì nó là cái riêng sáng tạo của từng nhà thơ làm nên thi phẩm của mình đến với bạn đọc thưởng thức, hướng tới Chân - Thiện - Mỹ, đó là thiên chức của thi ca!...
Những bài thơ viết trong Trại sáng tác kỳ này, dù trực tiếp hay gián tiếp về Đảng, nhưng đều tập trung vào một dòng chảy trong lớp sóng ngôn từ là ngợi ca và ghi nhớ công ơn như trời biển bao la của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã đem lại cuộc sống mới, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và cuộc sống đổi mới của đất nước.
Bài thơ “Đảng và đời tôi” của Hoàng Như Hà đã bộc bạch, tâm sự chân thành về công ơn của Đảng đối với gia đình anh với những ký ức không quên được hình ảnh lá cờ đỏ Búa Liềm và chân dung các Lãnh tụ:
“Tôi sinh ra, Đảng đã có tự lâu rồi
Nước Độc lập đã tròn mười tuổi
Nhà tôi treo cờ Búa Liềm và cờ Sao vàng đỏ chói
Chân dung Bác Hồ, ông Các Mác, Lê-nin...”
Cả quê hương anh bây giờ đã thay da đổi thịt, công nghiệp đã về làng, nhiều nhà làm ăn đã khấm khá giàu lên rất nhanh, nhưng thơ anh vẫn ánh lên màu cờ Đảng:
“Người làng tôi đi làm khu công nghiệp
Đang giàu nhanh giữa cơ chế thị trường
Tôi chợt nghĩ câu thơ viết về đời thường
Vẫn ánh lên thắm tươi màu cờ Đảng”
Trong chùm thơ của nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa lại hướng về truyền thống cách mạng của gia đình. Ấy là những lời mẹ ru xưa trong bài: “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu, từ thuở tác giả còn nằm nôi:
“Tôi được nghe mẹ ru các em mình
Bằng bài thơ: “Ba mươi năm đời ta có Đảng”
Mẹ bảo cũng hát ru tôi những lời thơ ấy
Khi tôi còn trong nôi”...
Lời ru ấy đã lắng sâu vào tâm hồn tuổi thơ trong trắng, phấn đấu suốt đời theo tấm gương cha, mẹ đã gieo mầm nhân nghĩa ở đời:
“Như mạch suối nguồn mát dịu
Nuôi mầm nhân nghĩa từng phút, từng giờ”
(Khi tâm thiện đã nảy mầm như thế)
Nhà thơ Trần Thị Nương gửi về Trại viết chùm thơ trong đó có “Bài thơ dâng Đảng”. Đây là những lời đầy tâm huyết từ đáy lòng mình với Đảng muôn vàn kính yêu, trên mỗi bước đường đời tỏa sáng bước con đi với những khát khao cháy bỏng vì lý tưởng:
“Câu thơ viết như con tằm rút ruột
Dâng Người
Năm tháng sắt son
Suốt cuộc đời chập chững trước sân con
Đi suốt chặng đường dài
Con yêu Người khát khao cháy bỏng”...
Chùm thơ của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, tiếp tục viết về Bác Hồ. Người khai sinh, dìu dắt Đảng ta trưởng thành mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mọi ngôn từ ngợi ca, coi như bất lực trước công ơn to lớn của Đảng và Bác Hồ vĩ đại:
“Đảng là Bác trong trái tim sâu thẳm
Mọi ngôn từ ngợi ca bất lực trước Người
Cả dân tộc lầm than có được tiếng cười
Được đứng dậy làm người nhờ có Bác”
(Người khai sinh ra Đảng - Nguyễn Hưng Hải)
Ngòi bút nhà thơ Nguyễn Đình Phúc lại hướng về những gương mặt bạn bè học tập và làm theo lời Bác dạy giữa đời thường. Đó là hình ảnh người trưởng khu hết lòng phục vụ nhân dân, là gương mặt những em gái giữ vị trí quan trọng trên mặt trận báo chí của Đảng ở quê hương đất Tổ rất đỗi tự hào:
“Diễn đàn các em lĩnh xướng bản hòa ca
Báo Đảng, Báo hình, Báo Văn Đất Tổ
Chuyện nữ nhi đảm đang thời nào chẳng có
Đất Tổ mình ơi! Sáng trong giá gương”...
(Gương mặt báo quê tôi)
Trong chuyến đi thực tế huyện Tam Nông, nhà thơ Nguyễn Đình Phúc có “Nửa ngày với Bí thư Huyện ủy”. Một hình ảnh Bí thư trẻ trung, tâm huyết, năng động, sâu sát, anh vừa lái xe, vừa thuyết trình các cơ sở kinh tế, văn hóa, lịch sử tiêu biểu của huyện rất cởi mở, thân tình:
“Ông đón chúng tôi bên kia cầu Cổ Tiết
Vừa lái xe, vừa là hướng dẫn viên
Cái đã biết từ ông thêm sáng tỏ
Những gì chưa như cây lúa ngậm đòng”...
Đảng ta rất bao dung, nhân hậu, mở rộng vòng tay cảm hóa những con người lầm lỡ nhất thời, biết rũ bùn đứng lên làm lại cuộc đời mình, trong lời thơ chân thành, cảm động của người con được kết nạp Đảng, cha mẹ biết được sẽ mừng rơi nước mắt:
“Nếu biết Đảng đã kết nạp con
Cha mẹ sẽ mừng rơi nước mắt
Từ bùn lầy con đã đứng lên
Hàn gắn những tháng năm đổ vỡ”
(Con đã đứng lên - Hà Thành)
Đảng ta thật là vĩ đại, nhưng Đảng cũng rất gần gũi, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, hồi sinh tất cả mọi tâm hồn trong trắng, như có nhà thơ đã viết: “Đảng lau khô từng giọt lệ đau buồn/ Đảng băng bó từng vết thương máu rỏ/ Đảng xoa dịu bao hờn căm nỗi nhớ/ Đảng hồi sinh tất cả mọi tâm hồn”.
Chúng ta nhớ đầu năm nay, đại dịch Covid-19 làm cả thế giới đảo điên, kinh hoàng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và cả hệ thống chính trị vào cuộc “Chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã thành công, được cả thế giới khâm phục. Hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, làm Tổng Tư lệnh chiến dịch, được nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên khắc họa rất cảm động trước vận mệnh của nhân dân và lo cho sức khỏe của Phó Thủ tướng chưa ngủ yên được:
“Trong căn phòng Ban chỉ huy chống dịch
tiền phương
Ngọn đèn thức cùng Anh
(Xem tiếp trang 29)
đã một đêm... hai đêm
và rất nhiều đêm rồi
Anh đứng ngồi ra vào, vào ra
Không thể ngủ!”...
(Ngủ một chút đi Anh)
Trong những ca nhiễm Covid-19, có bệnh nhân 91 người Anh tưởng như vô vọng, nhưng đã được các thầy thuốc Việt Nam cứu chữa thành công, thật là một điều kỳ diệu: Nếu không phải là Việt Nam, nếu không phải là đất nước của Hồ Chí Minh, thì liệu số phận anh Phi công 91 sẽ thế nào? Đây là một niềm tự hào chính đáng của nhân dân ta đã cứu sống một con người có ý nghĩa quốc tế:
“Nếu không phải Việt Nam, nếu không phải
đất nước Hồ Chí Minh thì sẽ chẳng có
Phi công Chín Mốt
Chỉ Việt Nam thôi. Chỉ Đảng của tôi thôi
mới cho anh sự hồi sinh kỳ diệu
Dưới bầu trời này, anh lại được tái sinh!”
(Chỉ có Đảng và đất nước Hồ Chí Minh -
Vũ Kim Liên)
Có thể nói: “Tiếng thơ dâng Đảng” từ một Trại viết tập trung vào một chủ đề có định hướng nhưng rất chất lượng. Bằng những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống, mỗi tác giả đều có những góc nhìn, những tứ thơ riêng khá phong phú, đa dạng, những cảm xúc rất chân thành từ đáy lòng mình về công ơn của Đảng kính yêu và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bên cạnh những bài thơ, các tác giả viết có tứ mới, sáng tạo, nhiều chi tiết, hình ảnh ấn tượng, song cũng còn một số ít bài thơ không có tứ, mà chỉ diễn cho đủ ý, hoặc dựa vào những câu chuyện đã in trên sách, báo về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, phiên ra thành thơ nên không có sự đồng cảm của bạn đọc, vì họ muốn được nghe những sáng tạo mới của nhà thơ.
Thơ ca không dừng lại ở những khái niệm chung chung. Thơ ca là trí tuệ và tình cảm phải nhuần nhuyễn trong giây phút thăng hoa của người viết thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật gợi cảm, hướng cho người đọc những liên tưởng phong phú, ý nghĩa nhiều tầng lớp của ngôn ngữ thi ca.
Khép lại bài viết này, tôi xin được trích một đoạn thơ của nhà thơ Cu Ba Phê rích Pi-ta-rô-đơ-ri-ghét trong bài “Tên Người là cả một niềm thơ” viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa cụ thể, vừa khái quát, cả tầm vóc rộng lớn, cao, sâu của Bác để chúng ta suy ngẫm:
“Có thể ca ngợi Người như ca ngợi biển cả, núi cao
như ngợi ca sông Cửu Long, sông Hồng Hà
Nói tới Người là nói đến Hạ Long, Điện Biên Phủ
Chùa Một Cột, là nói đến ruộng đồng đỏ ánh phù sa”...
“Tiếng thơ dâng Đảng” là những tiếng lòng nở hoa trong thi ca gửi tới chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII!
KIM DŨNG