Thấy mẹ chồng cứ thở dài thườn thượt, nước mắt lưng tròng không chịu ăn uống, Bích thương lắm. Mấy đêm rồi không ngủ, cứ như người mất hồn mà Bích phải nuốt nước mắt vào trong, cố tỏ ra bình thường để bà đỡ lo lắng.
- Bọn chúng rút về nước rồi mà mẹ, mình ra đó làm nhiệm vụ canh phòng biên giới chứ có đánh đấm gì đâu mà mẹ lo.
- Nhỡ nó lại kéo quân sang?
Ông Phúc ngồi đọc báo, không định xen vào chuyện của hai mẹ con nhưng thấy vợ quá ủy mị liền lên tiếng:
- Nó lại sang thì oánh, sợ gì! Bà phải vui cho con nó yên lòng chứ. Lần sang Lào nó là chiến sỹ, lần vào Nam nó là sỹ quan cấp úy, lần này cấp tá là cái chắc. Tôi nói thế để bà hiểu, ngoài cái sự tiến bộ, trưởng thành thì cấp càng cao càng ít nguy hiểm. Bà đừng lo.
Bích cũng nói với mẹ chồng đừng lo, nhưng chị lại đến trạm xá xã nhờ tháo vòng để đẻ thêm đứa nữa. Tuy đã có hai con, đủ cả nếp, tẻ nhưng chị vẫn muốn có thêm con. Nói dại, nhỡ anh hy sinh thì mình còn một đàn con.

Trước khi về nhận công tác ở Sư đoàn B6, trung úy Trần Việt Hưng chồng Bích, được tranh thủ về thăm nhà mười ngày. Ở nhà thì cứ sồn sột thế chứ, với anh đơn giản chỉ là thay đổi từ cơ quan Quân khu xuống đơn vị thôi mà. Mười một năm trong quân ngũ anh đã bảy lần chuyển đơn vị nên cái chuyện thay đổi này quá đỗi bình thường. Tuy vậy, khi qua đò Vạn Rú anh chợt xao lòng, hụt hẫng, như vừa để rơi xuống dòng Lam mênh mang một cái gì thân thương, quý giá vô ngần. Biết bao giờ trở lại bến sông này? Biết đâu đây là lần cuối cùng? Đò cập bến mà anh cứ tần ngần khiến chủ đò giục anh mới sực tỉnh, đẩy xe lên bờ. Con đường từ bến đò Vạn Rú qua truông Đá Nhảy để sang Hương Ngàn, đúng như tên gọi. Đoạn đường dài 13 cây số toàn đá cục lổn nhổn, lại ngoằn ngoèo như rắn bò qua truông. Xe đạp cứ tâng tâng, nếu tay lái không vững thì cứ là ngã, không bươu đầu cũng què chân, sái tay. Qua hết truông, còn phải guồng tiếp 30 cây số nữa mới đến nhà.
Cái xe đạp nhãn hiệu Vĩnh Cửu đen bóng, mới coong, chắc chắn nhất trong các loại xe đạp, cũng chỉ được năm đầu là ngon nghẻ. Sang năm thứ hai đã phải thay săm lốp, rồi xích líp, pe dan. Năm thứ ba phải hàn lại khung. Bây giờ thì tã lắm rồi, anh đang tính phải thay xe khác, nhưng về đơn vị mới thì không còn lo chuyện mua xe mới nữa. Cũng chẳng còn lo chiều thứ bảy gò lưng đạp xe vượt năm chục cây số về nhà, chiều chủ nhật lại gò lưng đạp xe đến cơ quan Quân khu nữa. Nghĩ đi là vậy, nghĩ lại cũng luyến tiếc lắm thay. Đã quen nếp cứ cuối tuần lại được nghe con bi bô, ríu rít như chim, được thấy ánh mắt chan chứa, nụ cười rờ rỡ của vợ và sự hồ hởi của cha mẹ, bây giờ không còn được hưởng niềm vui thú cuối tuần ấy nữa rồi. Sẽ nhung nhớ lắm đây.
Bích không giấu chồng mình đã tháo vòng. Không hiểu ý tứ của vợ nhưng anh Hưng vẫn đồng tình vì thằng cu cũng ba tuổi rồi. Bà Phúc cũng hào hứng với quyết định tháo vòng của con dâu:
- Nếu đẻ con trai thì đặt tên là Biên Cương, con gái đặt tên là Biên Thùy. Mẹ thằng Túm nghe được không?
Bích phì cười, tên thằng cu là Tấn mà bà cứ gọi là Túm. Bà bảo gọi thế cho nó lành. Vậy mà bà lại chọn cho đứa chưa sinh cái tên rõ đẹp. Chắc còn chuẩn bị cả tên tục cho cháu rồi cũng nên.
- Tên đẹp quá mẹ ạ. Nhưng biết có được không?
- Sao lại không được. Lần trước tháo vòng là đẻ đó thôi.
Bích cũng đinh ninh vậy.
Là cô giáo dạy cấp ba ở ngôi trường mới thành lập gần nhà, công việc của Bích không quá bận rộn, bố mẹ chồng còn khỏe, việc nhà, việc chăm sóc con nhỏ được ông bà hỗ trợ tối đa nên việc có thêm đứa con nữa không làm Bích quá lo lắng. Chị chỉ lo không có mang thôi.
Hưng đèo vợ đi thị trấn mua sắm quần áo cho con, mua cho cả bố mẹ hai bên mỗi người một bộ áo quần mùa hè. Ngoài việc mua sắm họ còn muốn đi thăm nhà người bà con ở gần thị trấn Phố Châu. Đặc biệt là thăm lại ngã tư có cây ngô đồng ở gần chợ Nền Rạp, nơi họ có cuộc gặp định mệnh mười năm trước. Vừa ra khỏi cửa hàng bách hóa, sáp mặt một phụ nữ xinh đẹp, nhưng mải chuyện trò với vợ về cái sự lèo tèo, nhếch nhác của cửa hàng nên anh không biết là mình vừa gặp một người quen. Chợt có tiếng gọi: “Anh Hưng! Có phải anh Việt Hưng không?”, cả hai vợ chồng quay lại nhìn. Người phụ nữ chào vợ chồng họ rồi liến thoắng:
- Anh có gầy đi chút ít nhưng rắn rỏi hơn. Anh có nhớ em nữa không?
Tuy đã nhận ra những nét quen quen nhưng là ai, tên gì thì Việt Hưng không nhớ.
- Quên rồi chứ gì? Em là Thành, Thành ở Minh Phúc đây.
Cô ấy già đi và mập ú chứ không thon thả như mười năm trước, nhưng vẫn duyên dáng, bắt mắt lắm. Anh thầm nhận xét vậy.
- Quả thật là anh không kịp nhớ ra. Em mập hơn ngày xưa. Giới thiệu với em đây là Bích, vợ anh. - Hưng quay sang nói với vợ - Đây là cô Thành ở Minh Phúc, anh quen từ hồi đóng quân ở đó.
- Em không ở quê nữa. Nhà em ở thị trấn này, cách đây mấy trăm mét thôi, mời anh chị vào chơi cho biết nhà.
Thấy chồng ngập ngừng, Bích nhanh nhẩu:
- Cảm ơn chị. Vợ chồng tôi còn phải vào thăm nhà bà con nữa, hẹn chị dịp khác.
Thành tỏ ra luyến tiếc, gặng hỏi thêm về gia cảnh của vợ chồng Hưng. Biết anh có gia đình hạnh phúc, cô thành thật hoan hỷ và cũng chia sẻ hoàn cảnh không mấy dễ chịu của mình:
- Em bị ế phải lấy thương binh. Được hai đứa con thì đều là vịt giời, không như anh chị có trai, có gái.
- Chị còn đẻ nữa, thế nào cũng có con trai - Bích nói.
- Đẻ nữa mà chết à. Vừa nuôi con lại hầu ông thương binh, có đâu như người ta vợ chồng chung tay chăm sóc con cái.
Câu nói của Thành khiến Hưng xa xót. Hoàn cảnh của cô giờ anh mới biết nhưng nguyên nhân dẫn đến kết cục này thì anh cũng mường tượng được.
*
* *
Mười năm trước, đơn vị anh dừng chân tại Minh Phúc huấn luyện bổ sung một tháng, trước khi vượt Trường Sơn sang chiến trường C (Lào). Hồi đó Thành mơn mởn như lúa tháng hai, mặt trái xoan, da trắng hồng, mũi dọc dừa đôi môi không tô son mà vẫn đỏ tươi, hai má đều lúm đồng tiền, răng trắng ngà... xinh đẹp nhất làng. Các chàng trai trong đại đội đều thầm ao ước được em để ý, được em chọn làm ý trung nhân. Chí ít là được hôn vào cái lúm đồng tiền như mời gọi ấy. Nhưng em chỉ chọn Việt Hưng. Cái mã ngoài, bây giờ người ta gọi là phong độ, thì anh cũng khá. Không nhất thì cũng nhì đại đội, anh lại hơn các chàng trai khác, là thế mạnh đồng hương. Nhà anh ở Tây Sơn cách Minh Phúc chưa đến mười cây số. Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn... Thành nói vậy và không giấu giếm bạn bè mối tình với anh bộ đội cùng quê.
Nhưng rồi anh bộ đội cùng quê, phải chạy trốn mối tình vừa mới nhen nhóm ấy. Ông Tứ, chính trị viên đại đội nói: “Đồng chí là đối tượng Đảng, là nguồn đào tạo cán bộ, sỹ quan mà lại đi yêu con của một kẻ chống đối chủ trương, đường lối của Đảng là hỏng, là mất lập trường...” Hưng cãi: “Chính trị viên nghe ở đâu thế ạ. Cô ấy có anh trai đang ở chiến trường mà”. “Nhưng gia đình cô ta không vào hợp tác xã. Không vào hợp tác xã là chống đối chủ trương đường lối. Đồng chí đừng có mà mờ mắt vì sắc đẹp để một đời ân hận”. Gay rồi. Chính trị viên nói vậy thì phải nghe thôi. Cha Hưng, là đảng ủy viên, xã đội trưởng, chắc chắn cũng không chấp nhận một ông thông gia chống đối chủ trương, đường lối. Anh buồn bã, mất ăn, mất ngủ vì luyến tiếc. Biết nói thế nào đây để em khỏi hụt hẫng, đau buồn. Trằn trọc suy tính mãi anh quyết định xin đại đội trưởng cho mình đi trước theo đoàn tiền trạm sang chiến trường. “Chạy trốn chứ gì?” Hưng không chối. Đại đội trưởng bảo: “Không cần tiền trạm nữa, đã có trinh sát tiểu đoàn lo việc đó. Đơn vị cũng sắp hành quân rồi. Nhưng cấm hở ra đấy nhé”.
Suốt cả tuần không thấy Hưng đến, Thành bồn chồn lo lắng, anh ốm mệt, anh đi công tác hay nghe được điều gì không hay ho nên lẩn tránh mình?
Sẩm tối thứ bảy, đơn vị nghỉ sinh hoạt, Hưng đến, nỗi lo của Thành mới được giải tỏa. Tuy mặt trời đã tắt nhưng cái sân gạch mênh mông như còn lưu giữ được chút nắng chiều khiến anh thêm uy nghi giữa bốn bề tối sậm. Thành ùa ra ôm chầm người yêu. Hưng bối rối gỡ tay. Thành nói nhỏ:
- Chỉ mình em ở nhà thôi. Thằng Hơn vào trại cùng cha. Còn mẹ và chị dâu cùng con cún đi chơi bên ngoại. Đêm nay anh ở đây cùng em nha?
- Ui! Không được. Chín giờ đơn vị điểm danh rồi.
Thành kéo Hưng vào nhà, miệng ríu rít:
- Anh làm em lo thon thót, tưởng bị anh bỏ rơi. Bây giờ thì em bắt đền, anh phải bù đắp những ngày em khắc khoải lo âu.
Ôi! Em thật như đếm và ngây ngô nữa. Con gái đẹp phải làm cao tí chứ, ai lại hạ mình trước một thằng lính trơn, là anh thế ? Anh yêu cái thật thà đến dại khờ đó quá. Vậy mà phải trốn chạy, phải nói dối em. Anh là một thằng hèn. Không dám vượt qua cái ngáng trở vô lý để giữ lấy mối tình vừa nảy nở. Cũng không dám nói thật với em.
- Dịp này đơn vị nhiều việc quá. Sắp lên đường rồi mà em.
- Em biết mà. Anh ở gần các ông to nên đi đâu cũng khó.
- Ai nói với em vậy?
- Các anh ở gần nhà em. Họ bảo anh làm tổ trưởng liên lạc, làm bí thư chi đoàn, tiến bộ mau lắm. Chẳng mấy chốc mà thành sỹ quan.
Quả thật Việt Hưng cũng thầm hãnh diện với công việc mà mình đảm nhận, mới tám tháng huấn luyện anh đã được tặng hai giấy khen, được học trường hạ sỹ quan, được đi học lớp đối tượng Đảng. Thành biết được như thế khiến anh thêm tự hào nhưng cũng cảm thấy xấu hổ khi anh đang vì cái sự hãnh tiến mà chối bỏ cô gái đang yêu. Cảm giác có lỗi khiến anh thương Thành vô cùng. Anh quàng tay ôm rồi hôn nhẹ má nàng. Chỉ một khởi động nhỏ ấy thôi mà Thành run rẩy, nóng bừng như lên cơn sốt. Cô hôn lên khắp mặt rồi gắn đôi môi nóng hổi vào miệng Hưng khiến anh muốn ngộp thở. Người nóng bừng, các mạch máu đang rần rật chuyển động sau lưng và các cơ bắp căng cứng, một sự hưng phấn lạ kỳ mà anh chưa có bao giờ.
- Anh ơi! Anh bế em vào buồng đi. Anh bế đi nào...
Câu nói như tiếng chuông ngân phá tan sự tĩnh lặng đang bao bọc hai người khiến Việt Hưng bừng tỉnh. Anh buông Thành đứng dậy, không phải để bế vào giường như em giục giã mà để dừng lại, để không đi quá xa.
- Anh sao thế. Anh không yêu em sao?
- Anh không thể. Anh còn vào chiến trường, biết sống chết thế nào.
- Sống chết có số. Ở nhà cũng bom đạn rần rần đó thôi. Hai tháng trước khi các anh về đây, máy bay Mỹ ném vào làng này 6 quả bom, 8 người chết, 5 người bị thương. Hôm đó em suýt bị...
- Thế ư?
- Ấy, không phải bị bom.
- Không phải bị bom. Bị gì vậy?
- Nỏ nói ở đây. Vào buồng em nói cho mà nghe.
Việt Hưng trêu:
- Nỏ nói thì thôi, anh nỏ vô buồng.
Câu nói toàn thổ ngữ địa phương khiến Thành bật cười khanh khách, tiếng cười thật hồn nhiên làm Hưng xao lòng. Vì cái lý tưởng mơ hồ mà mình đành chịu mất em, chịu rời xa cái tiếng cười cười hồn nhiên này ư? Không! Không vào Đảng, không là sỹ quan thì mình vẫn là người lính. Đánh giặc xong thi đại học, nếu không đỗ thì đi trung cấp, có sao đâu?
- Đi anh. Lo lắng chi cho mau già - Thành vừa nói vừa lôi tuột Hưng vào buồng.
Hưng chống chế:
- Nhưng vào để nghe cái mà ở nhà ngoài nỏ nói thôi nha.
- Hi... hi.
Thấy Thành cởi áo Hưng ngăn lại:
- Khoan đã. Em hứa rồi mà, nói đi, em bị làm sao?
À, hi hi. Hôm đó, cái hôm mà làng bị bom ý. Cả nhà em ra đồng gặt lúa, lại còn thuê thêm mười người nữa. Nhiệm vụ của em là đi chợ mua hai cân thịt lợn, cùng rau, gia vị rồi nấu cơm cho cánh thợ gặt ăn. Ruộng nhà em gần sáu mẫu lại ở gần cầu Nầm, một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ nên phải gặt sớm để tránh máy bay. Mọi người ra đồng từ bốn giờ sáng, em cũng dậy sớm lo chợ búa, lo nấu nướng bữa trưa. Công việc thì nhiều nhưng rất may có anh Tuất, công nhân ở Ty Thủy lợi đang nghỉ tự túc ở gần nhà em, sang giúp cho một tay. Khi em đi chợ về, anh Tuất đã cắt tiết, vặt lông xong ba con rồi. Hai anh em nhặt rau, chế biến thực phẩm xong xuôi mà cái đồng hồ chuông nhà em mới binh boong bảy tiếng. Còn sớm nên em ra vườn chọc quả bưởi đường để anh Tuất biết cây bưởi nhà em ngon ngọt thế nào. Bưởi thì nhiều nhưng em lại thích chọn quả trên cao dọi nắng chín sớm, ngọt lịm. Đang loay hoay nối sào thì anh Tuất bảo không cần nối, anh leo lên chảng ba rồi lấy sào chọc một nhát, ba quả rơi một lúc suýt vào đầu em. Cả hai anh em cười no. Chưa kịp gọt bưởi thì kẻng báo động dồn dập và tiếng máy bay gầm rít như thể nó ở ngay trên ngọn tre ấy. Chúng em vội lao vào hầm trú ẩn. Rồi bom nổ uỳnh uỳnh, căn hầm rung lên, em có cảm giác như nhà em bị trúng bom. Máy bay cút rồi, trong tai em vẫn còn nghe tiếng ình ình nhưng em biết là mình không hề hấn gì. Chợt thấy mình đang ôm lấy Tuất và môi anh đang gắn vào má mình, em vội buông tay và ngật đầu tránh thì anh ấy càng ghì chặt hơn. Mấy cái cúc áo không biết tuột ra từ lúc nào, em muốn cài lại nhưng không rút được tay ra. “Buông em ra, em mỏi quá rồi, anh” Nhưng Tuất đâu có buông, lại còn vục mặt vào ngực em “Anh muốn được yêu, muốn cưới em”. “Yêu ơ gì, buông ra để còn nấu cơm, mọi người sắp về rồi”. “Còn sớm, em chiều anh đi”. Rồi anh ta kéo tuột áo, làm bật nịt ngực và nằm đè lên em. “Anh yêu em từ lâu, chiều anh đi nào”. “Thì anh cũng phải để cho em thoải mái tý chứ, thế này khác nào hiếp dâm?”. Anh ta triềng xuống để em dịch ra chỗ rộng hơn. Chỉ chờ có thế, em dậy, xô mạnh khiến anh ta đổ sấp vào góc hầm và em lao ra ngoài...
Câu chuyện làm Hưng bần thần cả người. Thương quá. Chỉ thiếu bản lĩnh một chút thôi thì em sẽ một đời ân hận Thấy anh lặng lẽ ra điều ngẫm ngợi, Thành băn khoăn lắm. Chắc là anh chê mình lắm điều. Chuyện như thế mà cũng phô ra.
- Sao với anh thì em lại...?
- Thế mà cũng hỏi.
- Anh là người yêu, với người yêu thì em không tiếc gì hết?
Thành gật đầu thừa nhận, rồi sán vào cởi khuy áo Việt Hưng nhưng anh cầm lấy tay cô giữ lại. Thành giãy ra không được liền thút thít khóc. Hưng ôm chầm, siết chặt tấm thân con gái mềm như bún nóng, rồi hôn lên đôi mắt đẫm lệ của cô:
- Cảm ơn em. Nhưng anh để dành...
Sau câu nói gấp gáp ấy, anh bước vội ra khỏi căn buồng như sợ đứng thêm chút nữa anh sẽ không thể cất bước.
Ba hôm sau, đơn vị nhận lệnh lên đường. Trước khi tập trung nghe mệnh lệnh hành quân, Việt Hưng xin phép đến chào tạm biệt Thành. Gặp lúc người đang đầy nhà nên anh chỉ chào chung mọi người, uống vội chén nước Thành trao rồi ba chân, bốn cẳng ra khỏi ngõ. Thành ra ngõ, tưởng anh chờ mình, nhưng anh đã chạy khá xa. Chỉ thấy cái lưng thấp thoáng, lút vào con đường đầy cành tre và lá cọ đan nhau tum toa như mái nhà, cuối xóm.
*
* *
Sau hơn một giờ hành quân toàn đại đội dừng nghỉ 15 phút. Đây là lần dừng chân đầu tiên của Việt Hưng và đồng đội trên đường ra mặt trận. Trên chặng đường hàng trăm cây số, họ còn có rất nhiều lần nghỉ nữa. Nhưng với Việt Hưng đây là một lần nghỉ cực kỳ thú vị. Mãi mãi anh sẽ không quên cái ngã tư nơi hai con đường đất màu gan trâu giao nhau cạnh chợ Nền Rạp, có cây ngô đồng cao vút. Anh vừa đặt ba lô cạnh gốc ngô đồng, đang hý hoáy điều chỉnh chiếc đài Oriongtong để nghe chương trình ca nhạc thì nghe phía cuối hàng quân có nhiều tiếng reo hò của bộ đội. Nhướng mắt nhìn thì thấy mấy cô gái đang đi đến. Tiếng chào hỏi, tiếng reo cứ như nước chảy ngược hàng quân. Việt Hưng và mấy bạn háo hức chờ đón. Rồi cũng đến lượt anh và mấy chàng lính trẻ được gặp các sứ giả làm cả hàng quân chộn rộn. Đoàn sứ giả có bốn cô gái. Thật bất ngờ trong số bốn cô lại có Bích, bạn học cùng lớp với Hưng.
- Ơ... Bích!
- Việt Hưng. À quên. Phải gọi là anh Việt Hưng chứ nhỉ. Bây giờ đã là anh bộ đội rồi mà.
Một cô bạn đi cùng Bích lên tiếng:
- Anh làm chức gì mà mà có đài đeo hông thế?
Việt Hưng chưa kịp trả lời thì các chàng lính trẻ nhao nhao lên tiếng:
- Làm cán bộ chính trị đơ... ới.
- Không phải, trợ lý chính trị viên.
- Em ơi, yêu anh thôi, anh Hưng có người yêu rồi.
Hưng nói:
- Họ đùa đấy. Anh là chiến sỹ, là lính trơn thôi. Bích và các bạn đi đâu về thế?
- Bọn em cáng người bị thương xuống bệnh viện. Hôm qua xã em bị trận bom, 12 ngôi nhà bị cháy, 7 người chết hơn chục người bị thương - Ngập ngừng một chút rồi Bích nói tiếp - Điểu chết rồi anh ạ.
Cái tin đau xót bất ngờ khiến Hưng giật mình thổn thức. Điểu là bạn thân của Bích. Tuy không học lên cấp ba vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng rất mê đọc sách. Hưng và Bích thường trao đổi sách cho nhau, Bích cho Điểu đọc ké nên cũng quen Hưng. Hưng nhờ Bích chuyển lời chia buồn gia đình Điểu.
- Này em hỏi nhé. Sao nhận thư mà không trả lời?
- À... ừ...
Đã từ chối lời tỏ tình của người ta, lại còn lên lớp nữa chứ: “Chúng mình mới 17 tuổi, còn phải lo học tập, phấn đấu đã Việt Hưng ơi. Bích có người chị năm nay 21 tuổi còn chưa lấy chồng, Bích yêu sớm sao được?...”. Viết thế mà không giận, không tự ái mới lạ. Việt Hưng nghĩ vậy nhưng không nói ra.
- Từ nay chúng mình nối lại nhé?
- Sang chiến trường anh sẽ gửi thư cho Bích.
Lạ thế, giận hờn bao lâu, tưởng là cạch luôn, vậy mà cô ấy vừa nói nối lại là mình quên hết. Hưng nghĩ vậy và định trêu: Chưa làm cô giáo mà đã lên lớp, giờ làm cô giáo chắc còn lên lớp hay hơn? Có điều phải nói trước là anh không làm học trò của em đâu nha. Nhưng tiếng còi toe toe báo hiệu hết giờ nghỉ, đơn vị tiếp tục hành quân. Anh nuốt nước bọt, nuốt luôn cả ý định nói với Bích câu nói ấy, bắt tay tạm biệt Bích và các cô gái rồi xốc ba lô lên vai.
Sau đó, khi đã có hòm thư mới theo quy định của mặt trận, Việt Hưng viết ngay thư cho Bích. Câu hỏi bất chợt “Sao không trả lời thư” chứng tỏ cô ấy vô tư chứ không phải làm cao, không phải chối khéo như mình tưởng. Dọc đường hành quân và cả sau này Hưng cứ bâng khuâng. Nếu không có cuộc gặp này thì mình sẽ mất Bích, cảm ơn trời phật đã run rủi thu xếp cho con được nối lại mối tình đầu!
*
* *
Sau khi từ chối lời mời của Thành, vợ chồng Bích, Hưng đến ngã tư chợ Nền Rạp. Cây ngô đồng không còn nữa, có thể bị bão làm đổ, hoặc người ta chặt hạ để mở rộng đường. Cái ngã tư rộng hơn, đường cũng rộng và đẹp hơn. Hai người bồi hồi như cuộc gặp của họ vừa mới hôm qua hôm kia và cái ngã tư như là của riêng họ bao nhiêu năm nay và mãi cả sau này.
- Nếu không có cuộc gặp đó thì chắc là anh sẽ cưới Thành?
- Không chắc đâu. Dạo đó anh hãnh tiến lắm.
- Anh có tiếc là đã cưới em không?
Việt Hưng lắc đầu. Bích chợt nhớ là mình đã hơn một lần hỏi điều này. Chuyện anh yêu cô con gái xinh đẹp của ông Tạ, người xin ra khỏi hợp tác xã thì anh cũng đã kể cho cô nghe rồi.
Đúng là duyên số tại trời. Đã định không về chủ nhật rồi nhưng các bạn trong phòng trọ về cả, ở lại một mình buồn teo nên Bích cũng về. Trận bom kinh hoàng làm bốn người chết, nhiều người bị thương, thiếu người cáng thương nên cô sinh viên sư phạm về nghỉ chủ nhật cũng được huy động tham gia. Nhờ vậy mà gặp được anh. Chị bâng khuâng nhìn bao quát ngã tư một lần nữa trước khi về nhà. Cây ngô đồng không còn, nhưng hai bên đường có hai hàng dổi đã tum toa xanh tốt. Gió hây hẩy, lá cây xào xạc, đung đưa như vẫy chào vợ chồng chị. Bất giác chị giơ tay vẫy vẫy, tạm biệt hàng cây như tạm biệt những người bạn thân thiết.
Chị chợt nghĩ: Hay là ta vào nhà Thành? Mình không có lỗi, không tranh mất Hưng của chị ấy. Mình không phải là người đến sau. Phải nói cho Thành biết điều này.
Nhưng Việt Hưng khi nghe vợ tỏ ý muốn vào nhà Thành lại không đồng tình. Mình chưa biết nhà, phải hỏi tìm nhà tốn thời gian mà trời đã xế chiều về nhà sẽ muộn. Với lại đã chối rồi, bây giờ vào cũng không hay lắm. Việc hỏi tìm nhà thì Bích không lo. Chồng chị ấy là thương binh nặng thì bạn chị làm thương binh xã hội thị trấn, sẽ biết. Nhưng anh nói cũng đúng, đã chối người ta, giờ lại vào nó thế nào ấy.
Trích chương I truyện của Nguyễn Hùng Sơn