• TRANG CHỦ
  • Giới thiệu
    • Hình thành phát triển
    • Chức năng nhiệm vụ
    • Sơ đồ tổ chức
  • Video Clip
  • Tác giả
    • Mỹ thuật
    • Nhiếp ảnh
    • Âm nhạc
    • Múa
    • Sân khấu
    • Văn học
    • Thơ
    • Nghiên cứu phê bình
    • VHNT Các dân tộc thiểu số
  • Tạp chí văn nghệ Đất Tổ
  • Thông báo

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 125 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH (8/9/1891 - 8/9/2016) VÀ 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH PHÚ THỌ (01/01/1997 - 01/01/2017)

DANH MỤC
  • Tin tức - Sự kiện
    • Trong tỉnh
    • Trong nước
    • Quốc tế
  • Tác giả
    • Mỹ thuật
    • Nhiếp ảnh
    • Âm nhạc
    • Múa
    • Sân khấu
    • Văn học
    • Thơ
    • Nghiên cứu phê bình
    • VHNT Các dân tộc thiểu số
  • Nghệ thuật
    • Âm Nhạc
    • Mỹ Thuật
    • Nhiếp ảnh
    • Nghệ thuật biễu diễn
    • Kịch
    • Múa
  • Văn Thơ
    • Thơ
    • Văn
  • Phú Thọ đất cội nguồn
  • Phóng sự - Bút ký
  • Diễn Đàn
  • Nghiên cứu - Trao đổi
  • Tiếng nói văn nghệ sĩ
  • Văn học nước ngoài
  • Tác phẩm và dư luận
  • Chân dung văn nghệ sĩ
  • Giới thiệu sách
  • Chuyện làng văn nghệ
Đăng ký nhận bản tin

NHẬP EMAIL ĐỂ NHẬN ĐƯỢC NHỮNG THÔNG BÁO MỚI NHẤT TỪ CỔNG THÔNG TIN ĐÀO TẠO

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập : 24

•Máy chủ tìm kiếm : 16

•Khách viếng thăm : 8


Hôm nay : 4847

Tháng hiện tại : 166476

Tổng lượt truy cập : 3241675

ẢNH NGHỆ THUẬT

 

TÌM KIẾM
LIÊN KẾT TRANG

  1. Trang chủ
  2. Văn

Phía sau hạnh phúc

Ngày xuất bản : 30/09/2020

Những đụn lá vàng khô bị gió dồn đuổi trong tiết trời se se. Hai mẹ con như hai cánh lá dắt nhau đi về cuối con đường đã ngập thu. Thằng bé khoảng mười tuổi, khuôn mặt rắn giỏi nhưng không cưỡng nổi sự mệt mỏi sau chặng đường dài. 

Thỉnh thoảng nó giật áo mẹ đòi ăn, người mẹ đưa ánh mắt ướt nhưng cương nghị như muốn nhắc con cố gắng. Ngôi làng đã hiện ra trước mặt, chỉ qua khoảng đồng, đi thêm một đoạn đường bê tông là tới. Cái quán ăn nhỏ nép mình dưới tán bàng, lá rụng đỏ ối khoảng sân hẹp. Thỉnh thoảng vài cánh lá  nghiêng mình theo gió gọi. Ông chủ quán trạc tứ tuần xởi lởi mời họ. Hai mẹ con dắt  nhau vào, thiếu phụ nhỏ nhẹ: Bác cho mẹ con em tô cơm, bát canh rau mới vài miếng đậu. Lời đề nghị đơn giản gây sự tò mò, ông chủ liếc xéo qua người khách lạ. Khuôn mặt đẹp thời con gái với thân hình thon gọn còn vương đậm trên khuôn mặt bơ phờ. Cậu bé không giống mẹ, có nét của người tinh khôn trước tuổi nhưng giờ chỉ là đứa háu đói. Cậu đang thỏa mãn với bữa cơm dân dã trong khi người mẹ ăn như đếm hạt. Khoản tiền ít ỏi vơi nhanh theo từng chặng đường, lúc đi xe khách, khi ngồi xe ôm, giờ là đi bộ. Mệnh lệnh trái tim thúc giục, người mẹ cứ mạo hiểm dắt con đi, vừa đi vừa kiếm tiền sinh sống. Hai mẹ con đã dấn thân trên con đường vòng vo chưa biết đâu là điểm dừng.

Dọn dẹp xong nơi ăn chốn ở, chị dắt con vòng qua khu chợ, mua vài thứ lặt vặt. Xong mọi việc thì đã muộn. Chẳng biết sẽ phải dừng lại bao lâu và làm gì để sống ở khu nhà trọ này. Đêm ngủ đầu nơi làng quê lạ, chị thắt ruột lo lắng và mường tượng cuộc sống sau này.

Tuy gọi là làng nhưng ở đây sầm uất, dân chủ yếu là buôn bán và làm nghề nên dân vãng lai như chị về tìm việc khá đông. Ba giờ sáng chị đã dậy trùm cái khăn lên đầu ra khỏi nhà. Dưới ánh đèn đêm, lề đường đã túm năm tụm ba cả đàn ông lẫn đàn bà. Thu đã chờ sẵn, gọi luôn: Xoan, lại đây, có việc rồi. Hai người đàn bà ngồi lên sau chiếc xe của một thanh niên đã chờ sẵn. Họ đi vào màn sương, vòng vèo trong con hẻm tối, rẽ vào ngôi nhà hai tầng vừa xây, ngổn ngang gạch vỡ cát sỏi. Xuống xe và tắt máy, người thanh niên nói: Hai chị dọn dẹp xong cọ rửa luôn trong nhà để kịp về ở. Nói rồi anh ta quay xe đi luôn, bỏ lại hai người đàn bà ngơ ngác giữa căn nhà rộng còn chìm trong sương như đang say ngủ. Hai người cật lực làm, trời đã sáng rõ, họ bỏ khăn, mồ hôi đầm lên vai áo.


- Anh chàng này tên Cường, con cưng của Chủ tịch huyện đấy, nó mới về đây từ lúc khởi công. Vừa làm Thu vừa kể: Chủ tịch huyện là ông Quàng, không phải người ở đây, chả mấy khi ông ấy về. Cường bảo tao gọi mày đấy.

- Miễn công cao là được

Ngủ dậy, không thấy mẹ đâu, cu Dũng lững thững đi ra chợ, bụng nó đói. Qua mấy hàng quà bánh nó nuốt nước dãi mơ ước có cái bánh nóng hổi kia mà ăn. Nhìn trước nhìn sau, chẳng có ai Dũng nhanh tay lấy vội một cái, không ngờ bà chủ nhìn thấy, mụ hô: Ăn cắp, thằng ăn cắp. Mụ túm được đánh không thương tiếc. Mọi người xúm xít nửa tò mò nửa ái ngại. Chuyện đến tai, Xoan vội vã trở về: Tại sao con lại làm thế?

- Con đói

- Mẹ đã mua bánh để trong nồi sao không ăn?

- Con không biết. Vừa nói Dũng vừa tấm tức khóc

Xoan kéo con vào lòng, nước mắt giàn giụa: Lần sau không bao giờ được thế, nhớ chưa?

- Con nhớ

Đường về xóm trọ sau cơn mưa chiều lõm bõm nước, Xoan xắn quần sì sũng lội. Trong dãy nhà trọ, ánh sáng yếu mỏng hắt qua những cánh cửa khép hờ. Dũng ngồi ngay cửa ngóng mẹ, nó reo lên khi thấy Xoan xuất hiện đầu dãy nhà.

Nồi cơm nấu sớm, giờ đóng tróc đóng hòn, hai mẹ con ngồi dựa thành giường, mâm cơm được đặt trên cái chậu nhựa, bát canh rau cùng lọ muối vừng lọt thỏm trong mâm rộng thênh.

Đêm thu dài thật là dài, giấc ngủ như ngắn lại. Xoan trằn trọc trước những ngổn ngang không đầu không cuối. Mẹ con cô quá nhỏ bé giữa cuộc đời đầy giông gió. Ngoài kia mấy tàu lá chuối vỗ lạch phạch theo gió quất từng cơn.

Cường về nhà mới đã lâu, thỉnh thoảng anh vẫn nhờ Xoan dọn dẹp cùng nhiều việc vặt vãnh khác. Ông Quàng tối ngày với công việc, thành ra ngôi nhà vẫn hoang hoang vì thiếu hơi người. Chiều thứ bảy, Cường gọi Xoan nhờ ngủ trông nhà hộ. Như mọi bận, Xoan nhận lời. Đêm đã dầy, căn nhà quá rộng làm giấc ngủ như lỏng ra. Tự nhiên có tiếng gọi, Xoan trở ra mới biết Cường đã say bét từ đâu về, cô dắt được cái xe vào nhà, Cường phả hơi rượu ngay sau lưng:

- Chị có biết tại sao tôi lại phải quay lại không?

- Làm sao tôi biết.

- Không ngờ bố tôi lại suy sụp lâu như thế, mẹ tôi mất đã gần năm, vậy mà suốt bữa ăn ông ấy luôn mồm nhắc tới mẹ, vừa nãy tôi tận mắt chứng kiến, chẳng bụng dạ nào mà nuốt nổi, hai bố con toàn uống rượu. Khổ thân bố quá. Vừa nói nước mắt Cường vừa rơm rớm chảy. Thôi chị đi ngủ đi... Giá mà...

Xoan dắt con trở về xóm trọ lúc chưa rõ mặt người. Một ngày buồn trôi qua. Cơn mưa không to nhưng dai, những người làm thuê đã chẳng thể ra khỏi nhà. Nỗi buồn như chấu cắn trùm lên cả xóm, tiếng trẻ nô cùng tiếng quát tháo từ gian phòng nào đấy vọng ra. Nằm chưa ngủ, Dũng bỗng hỏi mẹ: Bố đâu hả mẹ? Bị bất ngờ, Xoan ngồi thẳng dậy, cu Dũng ngồi theo, Xoan nhìn sâu vào mắt con. Ôi, cái khuôn mặt, cái nốt ruồi dưới cằm phải... Cô bỗng dí ngón tay vào cái nốt ruồi như đã từng làm thế với Trung: Đây này, bố con đây này! Thế là sao hả mẹ? Bố con là bộ đội, rồi bố sẽ về. Cu Dũng tròn mắt trước những lời mẹ vừa nói. Dũng ngủ lâu rồi mà Xoan không thể chợp mắt, cô xót xa nghĩ về thân phận mình, thân phận con. Dũng ơi, có biết chính vì câu hỏi bố con đâu mà mẹ dấn thân chấp nhận tất cả... Chiến tranh đã qua lâu, người người đã đoàn tụ, vậy mà... Liệu Trung có biết mình còn có giọt máu đang lớn lên từng ngày và đang khắc khoải đợi chờ để được cất lên hai tiếng bố ơi!

Một buổi tối, đang xem phim nhờ bên hàng xóm thì Cường tìm. Xoan không muốn gặp nhưng Cường nói có việc quan trọng: Tôi đã bảo bố tôi xếp cho chị vào làm trong công ty của ông ấy! Cám ơn, nhưng để tôi nghĩ thêm! Không phải nghĩ nữa, bố tôi đồng ý rồi.

Xoan trở thành công nhân trong công ty mà ông Quàng ngầm là cổ đông lớn. Đành, với lại cu Dũng cần đi học. Ông Quàng bố trí nơi ăn ở hai mẹ con ngay trong cơ quan. Cường đã đi học lên đại học, ông Quàng cũng rời nhà tập thể về ở trong ngôi nhà mới. Nghiễm nhiên Xoan lại thường xuyên qua lại giúp ông  những việc vặt vào lúc rỗi hay ngày nghỉ. Bù lại ông hay mua quà, sách bút cho cu Dũng, thân mật như người nhà. Hy vọng cứ lớn dần, khi nào cu Dũng nghỉ hè cô sẽ xin nghỉ phép, hai mẹ con lại tiếp tục cuộc hành trình.

Vừa nhận lương, Xoan khấp khởi ra chợ định mua vài thứ cho hai mẹ con thì chuông điện thoại đổ: Xoan à, chiều sang giúp anh bữa cơm, anh có khách

- Vâng, các anh ăn gì?

- Đơn giản thôi, uống là chính, nhưng em phải tiếp hộ anh đấy vì đây là khách quan trọng.

Bữa cơm thân mật, hai người đàn ông nâng lên đặt xuống đến hết cả chai rượu quí, Xoan cũng phải nhắm mắt cố uống hai ba lần. Cu Dũng ăn xong trước, đòi về xem tivi, dọn dẹp xong khách cũng xin phép ra về. Còn hai người trong căn nhà rộng, rượu ngấm vừa tới, ông Quàng nhỏ nhẹ: Xoan, em có thể...

- Sao anh?

- Ý anh là... vợ anh mất đã lâu... em lại...

Người đàn bà trong Xoan đột nhiên bị đánh thức, trỗi dậy, mãnh liệt. Men rượu, sự ấm cúng thân mật. Tất cả ngời lên trong ánh mắt thiếu phụ. Nhưng hình như từ trong sâu thẳm tâm hồn trái tim đau thắt của Xoan nhắc tới mệnh lệnh mà vì nó cô đã bất chấp gian khổ mà dắt con đi.

- Em cám ơn anh đã giúp đỡ mẹ con em. Nhưng em vẫn tin bố cu Dũng còn sống. Em còn phải đi tìm dù hy vọng rất mong manh.

- Thì ra là thế. Vậy chồng em làm gì, ở đâu?

- Anh ấy là bộ đội, tên Trung.

- Không ngờ mẹ con em lại vất vả như thế. Mà em vừa nói chồng em tên Trung đúng không?

- Vâng

- Có biết Trung ở mặt trận nào không?

Em chỉ biết ở Quân khu 5 Kon Tum

- Không lẽ...

- Anh nói sao?

- Không. Anh chỉ mơ hồ...  Thôi em cố gắng đi tìm, khó khăn gì cứ bảo anh. Hy vọng...

Ký ức trận đánh định mệnh bỗng dội về. Trước khi kịp nghe tiếng nổ, Trung lao lên đẩy Quàng ngã dúi xuống một hố đạn pháo. Sau đó là một vùng thăm thẳm tối. Khi tỉnh lại lại là một vùng sáng trắng mênh mông trong bệnh viện dã chiến. Như đêm nay, ông đang chìm vào một vùng sáng trắng năm nào.

Xoan vội vã trở về lúc con đã say giấc, ti vi vẫn đang chiếu phim Tàu, những hình ảnh như nhảy nhót trước mắt, cô tắt vội cái thứ ánh sáng nửa vời cùng những âm thanh pha tạp. Đời con gái của Xoan đã kết thúc vào một đêm trăng khuyết trước ngày anh lên đường. Tình yêu trong sáng trước ngày xa nhau đã xóa nhòa hết mọi rào cản. Cảm giác dâng hiến lúc ấy thiêng liêng, Xoan đã cố gắng biết bao nhiêu lần để không làm hoen ố mối tình trong sáng ấy nhưng người đời đâu có hiểu cô...

*

*    *

Đây là trạm điều dưỡng thứ ba Xoan tìm tới. Vẫn những thương binh hạng nặng, người thiếu cái nọ người thiếu cái kia, họ túm tụm dưới những tán cây râm mát. Hai lần ở hai trạm trước, tất cả có bao nhiêu hồ sơ đã được lật tung lên để tìm cho ra cái tên Nguyễn Thế Trung. Hai lần thất vọng càng làm hy vọng lần này tăng gấp bội. Theo kinh nghiệm, Xoan dắt con vào thẳng trực ban đề nghị gặp lãnh đạo. Tất cả yêu cầu được đáp ứng nhanh chóng. Người cán bộ nhìn hai mẹ con với ánh mắt chứa chan, như thể họ chính là người thân của anh vậy. Khi cái tên Nguyễn Thế Trung được nhắc, anh reo lên: Vậy cô là vợ của Trung à? Xoan bỗng run người, gần như ngất xỉu. Vâng em là... vợ, còn đây là con anh ấy. Người cán bộ cúi xuống nhấc bổng cu Dũng lên: Ôi, con trai của Trung, cũng là con của toàn trại. Trung được cán bộ trực ban đưa lên văn phòng. Anh vô cùng hồi hộp, cái nạng gỗ như nặng gấp trăm lần. Anh không dám trở về, anh khai trong giấy tờ là không có người thân, anh cố trốn tránh. Anh đã cố gắng sống vui vẻ với đồng đội nơi đây, đây đã là gia đình của anh từ mười năm trước. Nhưng sâu trong tâm hồn, nỗi đau vẫn quặn lên vào những đêm vắng. Trung run run bước vào. Người phụ nữ xây lưng lại, thằng bé ngồi cạnh, bỗng nó quay lại, nhìn thấy khuôn mặt không ra khuôn mặt, nó vội níu chặt áo mẹ, lấm lét nhìn người mới đến. Xoan quay người, gặp ngay khuôn mặt rúm ró, mọi thứ trên đó không còn là hình thù của chính nó nữa. Cô rú lên và ngất xỉu. Khi hồi tỉnh, khuôn mặt đẫm nước mắt đang nhìn, trong giây lát, cô muốn lảng tránh, nhưng niềm tin, tình yêu và lý trí đã bật lên thành lời: Anh Trung! Họ ôm lấy nhau, bây giờ hình ảnh của họ giống như bức tượng hạnh phúc trước mắt mọi người. Giây phút xúc động tạm lắng xuống, người cán bộ nhìn kỹ lại thằng bé: Trời ơi! Trung đây chứ đâu! Trung rời Xoan ra, giơ tay ôm chặt cu Dũng vào lòng: Con của bố!

Hạnh phúc tràn đầy, Xoan hớn hở xin phép đưa Trung về thăm nhà. Cu Dũng đã quen với khuôn mặt kỳ dị của bố, nó quấn quýt đòi nghe chuyện chiến đấu, chuyện bố bị thương. Xóm giềng nghe tin nô nức đến thăm hỏi chia vui với gia đình bé nhỏ. Ông Quàng cũng khệ nệ xách túi quà tới, tươi tỉnh bước vào nhà Xoan. Trung từ trong buồng bước ra nhìn thấy Quàng bỗng thẫn người. Người đang đứng kia chẳng là Quàng, Quàng - Tào Tháo thì là ai?

- Xin cho hỏi, có phải anh là Quang... Tào... Tháo?

Sau vài giây lúng túng, ông ngập ngừng:

- Vâng... Anh là...

- Em là Trung, Trung điểm xạ đây!

- Trời ơi! Mày còn sống à Trung?

- Vâng! Em vẫn đang sống đây.

Hai người lính ôm lấy nhau trước sự ngạc nhiên tột cùng của mọi người. Xoan trân trân nhìn Trung, nhìn Quàng. Cô quay người nhìn con khóc nức nở...

Trần Hanh

Tin liên quan
  • Vẻ đẹp con người Hà Nội trong một tùy bút của Nguyễn Tuân (23/02/2021 2:32:49 CH)
  • Hạnh phúc mùa xuân (28/01/2021 2:40:55 CH)
  • Cầu thang (28/01/2021 3:42:19 CH)
  • Làm dâu (28/01/2021 3:49:53 CH)
  • Buồn vui xóm chợ (28/01/2021 3:55:14 CH)
  • Ông Đề Kiều (28/01/2021 3:24:32 CH)
Xem tiếp các tin khác
Các tin khác:
Video
  • Tiểu thuyết: Keo đỏ (P19)
  • Tiểu thuyết: Keo đỏ (P18)
  • Tiểu thuyết: Keo đỏ (P17)
Xem thêm
QUẢNG CÁO


MỘT GÓC PHÚ THỌ

MỘT GÓC PHÚ THỌ

THÔNG TIN

Bản Quyền thuộc về Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh Phú Thọ
Số 160 - Đường Lê Quý Đôn - Phường Gia Cẩm - Thành Phố Việt Trì - Tỉnh Phú Thọ
Điện thoại: 0210.3847.337
Chịu trách nhiệm chính: Cao Hồng Phương - Chủ tịch Hội Liên Hiệp VHNT Phú Thọ
Giấy phép xuất bản số: 17/GP-TTĐT ngày 07/11/2014 – Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ.
Gmail: Vanhocnghethuatphutho@gmail.com