Là đất cội nguồn phát tích của dân tộc, Phú Thọ nổi lên với 3 nền văn hoá cổ xưa độc đáo đó là văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun. Qua các lần khai quật, chúng ta đã được biết tới 40 di tích được phát hiện quanh Đền Hùng Phú Thọ thuộc niên đại Phùng Nguyên. Xung quanh Đền Hùng có tới 50 làng cổ và vượt ra ngoài phạm vi đó có tới trên 20 làng cổ khác mang những dấu ấn của thời đại Hùng Vương. Văn hoá khảo cổ học Phùng Nguyên (làng Phùng Nguyên huyện Lâm Thao) là khởi thuỷ của nền văn minh sông Hồng. Đó là đặc trưng tiêu biểu của một nền văn hoá văn minh không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là sự ghi nhận bước tiến hoá chung của loài người khu vực Đông Nam Á. Cùng với Đền Hùng, Phú Thọ còn có nhiều các lễ hội mang tính cộng đồng, các di tích đền chùa, miếu mạo có ở khắp các địa phương trong tỉnh với những nét độc đáo như Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa), Đền Lăng Sương (Thanh Thủy), Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông), Chọi trâu Phù Ninh…
Di tích mộ táng Làng Cả di tích Đông Sơn lớn nhất cả nước, nằm khu ngã ba sông thuộc thành phố Việt Trì ngày nay. Khảo cổ đã 3 lần khai quật khu mộ táng Làng Cả từ 329 mộ thời kim khí có niên đại từ thế kỷ 4 - 2 TCN, có mộ chôn theo trống đồng minh khí và đặc biệt chiếc "nha" nó là biểu tượng quyền uy tối thượng tù trưởng của những tù trưởng. Nhà nước xếp hạng di tích Làng Cả là di tích quốc gia và quy hoạch thành khu bảo tàng với quy mô 66.566m2 xứng tầm với Kinh đô Văn Lang cổ. Ngoài Làng Cả di tích Đông Sơn ở Việt Trì còn có Mã Lao (Minh Nông), Gò Tôm (Minh Phương), Nỗ Lực (Thụy Vân), Thậm Thình (Vân Phú), Gò De (Thanh Đình) ...
Tại huyện Lâm Thao, kề với núi Nghĩa Lĩnh Đền Hùng người Việt Cổ cư trú thời đá cũ để lại nền văn hóa Sơn Vi, làng cổ Tứ Xã với các lễ hội đặc trưng của vùng đất Cổ có niên đại vài vạn năm và cuộc sống liền mạch từ văn hóa Phùng Nguyên - Gò Mun cách đây 4.000 năm và văn hóa Đông Sơn cách nay khoảng 3.000 năm. Hệ thống các di tích qua các thời đại xưa và nay dày đặc khắp các địa phương trong tỉnh với 870 di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ. Tỉnh đã xây dựng và bảo vệ thành công 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Lễ hội Trò Trám, Lễ hội Đào Xá, Lễ hội Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Đền Lăng Sương, Nghi lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt và Lễ hội Đền Tam Giang, lễ hội đền Chu Hưng, Lễ cấp sắc của người Dao Tiền, Nghề làm nón lá Sai Nga, Tết nhảy của người Dao.
Văn hoá khảo cổ, văn hoá vật thể, phi vật thể thời đại Hùng Vương và các thời đại hoà quyện và kết tinh đã làm cho văn hoá vùng đất Tổ thêm rực rỡ và là nét độc đáo hấp dẫn du khách.
Về tự nhiên, Phú Thọ có các địa danh du lịch như Vườn quốc gia Xuân Sơn huyện Tân Sơn, khu nước khoáng nóng La Phù, H. Thanh Thủy, Hồ ao Châu, Ao giời suối tiên thuộc huyện Hạ Hòa. Vườn quốc gia Xuân Sơn (bao gồm địa bàn các xã Xuân Sơn, Xuân Đài huyện Tân Sơn) có rừng cây nguyên sinh, nhiều loài động thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ và hệ thống hang động nước ngọt hết sức lung linh huyền ảo…thiên nhiên môi trường ở đây rất trong lành, có thể phát triển nhiều loại hình du lịch trong đó có du lịch sinh thái. Mỏ nước khoáng nóng La Phù huyện Thanh Thủy trải rộng trên 1 km2, trữ lượng gần 20 triệu m3. Nước khoáng ở đây có nhiệt độ trung bình khoảng từ 37oC - 43oC, cao nhất là 53oC, nhiều hàm chất vi lượng để chữa bệnh. Giá trị của nó ngày càng được bộc lộ, trở thành thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng. Ngược lên phía Bắc thuộc địa phận huyện Hạ Hòa có Đền mẫu Âu Cơ, danh thắng thiên nhiên hồ Ao Châu (Xã Ấm Thượng) với 99 ngách nước và Ao Giời Suối Tiên. Ao Châu là hồ nước ngọt tự nhiên có 280 ha diện tích mặt nước, khoảng 20 đảo và bán đảo, 400 ha đất có rừng. Ao Châu có 99 ngách nước trong xanh len lỏi giữa trập trùng 99 quả đồi thấp, đồi cao, phong cảnh hữu tình hết sức hấp dẫn.
Để di sản văn hóa trở thành nguồn lực du lịch
Kinh doanh du lịch là sự tổng hòa giữa các yếu tố tự nhiên và nhân văn, tạo nên nguồn lực để chế biến ra các sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.
Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh trên cơ sở khai thác giá trị 02 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, gắn với giá trị tiêu biểu của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, di tích văn hóa Miếu Lãi Lèn - thành phố Việt Trì, Đền Mẫu Âu Cơ - huyện Hạ Hòa và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu tổng hợp, khách hành hương, tham quan du lịch đạt 6,5 - 7,5 triệu lượt khách mỗi năm. Riêng năm 2019, các cơ sở du lịch trong tỉnh đã phục vụ 610.000 lượt khách lưu trú, tăng 1,6% so kế hoạch năm; doanh thu du lịch dịch vụ khách sạn nhà hàng năm 2019 đạt 3.450 tỷ, tăng 1,4% so với kế hoạch năm, thu hút 3.850 lao động trực tiếp. Đây là nỗ lực lớn khi xác định du lịch là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên so với nguồn tiềm năng tự nhiên và xã hội cho phát triển du lịch của tỉnh thì những con số đó còn hết sức nhỏ nhoi.
Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu đưa du lịch Phú Thọ là khâu đột phá trong phát triển KT-XH của tỉnh, cần quan tâm đầy đủ tới các yếu tố khoa học về du lịch liên quan đến các vấn đề như sau:
Trước hết đánh giá làm rõ nguồn tiềm năng tự nhiên và xã hội trong tỉnh và vùng lân cận (các tỉnh trong khu vực). Xây dựng các tua tuyến điểm du lịch và kết nối giữa các tua tuyến trong khu vực và phụ cận. Mục đích là làm rõ tính hấp dẫn của điểm du lịch tới đâu có thể lưu du khách lại trong thời gian bao lâu. Đây là chìa khóa quyết định tới các hoạt động kinh doanh du lịch như vận chuyển khách, lưu trú và ăn uống.
Trong kinh doanh du lịch thì du lịch lữ hành phải được nhìn nhận cho đúng là khâu then chốt mà đích hướng tới là du lịch chủ động. Vì vậy, cần phải có những biện pháp quyết liệt đầu tư các nguồn lực xây dựng cho được một số tuyến điểm then chốt, đặc trưng các loại hình du lịch sẵn có nhiều tiềm năng tại địa phương, tạo các điểm nhấn làm bật dậy cho kinh doanh du lịch lữ hành chủ động.
Đi vào những vấn đề cụ thể:
Về du lịch tâm linh cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các dịch vụ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Đền mẫu Âu Cơ, đền Lăng Sương, các đền đài cung phủ di tích thời Hùng Vương ở Việt Trì như cánh đồng Vua Hùng dạy dân cấy lúa ở Minh Nông, nơi trồng thứ nếp thơm làm bánh chưng, bánh dày của hoàng tử Lang Liêu, vườn trầu ở Dữu Lâu, Lầu Thượng, Lầu Hạ, đền thờ Vũ Thê Lang – thầy giáo dạy các Hoàng tử con Vua Hùng, trường dạy bắn cung ở Nỗ Lực…
Đối với tua du lịch sinh thái đầu tư các điểm du lịch Công viên Văn Lang tại Việt Trì, khu du lịch Vườn quốc Gia Xuân Sơn, nước khoáng nóng Thanh Thủy, hồ Ao Châu. Theo đó xác lập các tua du lịch chủ động, đón khách đến, tăng thời gian khách lưu trú và sử dụng các dịch vụ du lịch như: Hướng dẫn du lịch vận chuyển khách du lịch, bán hàng lưu niệm, tăng thu hút lao động tại địa phương…
Xây dựng tua liên kết với các danh thắng du lịch Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo, Tây Thiên (Vĩnh Phúc), hồ thủy điện (Hòa Bình)... Tuy nhiên với các tua liên kết phải lấy Phú Thọ làm điểm xuất phát cũng như điểm cuối của hành trình. Vì có như vậy mới đạt được mục đích của kinh doanh du lịch chủ động.
Có thể thấy trong nhiều năm qua việc thu hút vốn đầu tư các dự án du lịch tại tỉnh hết sức khó khăn. Bởi thế trong điều kiện các đơn vị hoạt động du lịch đang hết sức khó khăn, cơ quan chức năng cần có sự tham mưu, định hướng về chuyên môn, cơ chế hỗ trợ về đất đai, thuế trong giai đoạn đầu để tăng cường huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp hoạt động du lịch đầu tư xây dựng điểm du lịch.
Khoa học nghệ thuật trong quản lý, kinh doanh du lịch còn là sự tính toán và đầu tư có lộ trình. Nắm bắt tâm lý du khách để thỏa mãn nhu cầu xem gì, chơi gì, mua sắm gì, ăn gì của du khách. Từ đó cân đối giữa nguồn khách đến với xây dựng khách sạn và đầu tư điểm, tuyến du lịch. Hết sức tránh tình trạng đầu tư quá nhiều vào lưu trú mà ít đầu tư các khu vui chơi giải trí tại các điểm du lịch như hiện nay.
Phải tạo cho được sản phẩm quà tặng lưu niệm đặc trưng mang thương hiệu của vùng đất Tổ.
Vai trò của quản lý Nhà nước về du lịch hết sức quan trọng, tạo cho các hoạt động kinh doanh du lịch bình đẳng, đúng pháp luật. Cùng với đó cần làm tốt công tác tham mưu xây dựng các chương trình, cơ chế, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa nhằm huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa. Lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội với xây dựng hạ tầng, đáp ứng thiết yếu về giao thông, điện, nước, an ninh trật tự, môi trường sạch.
Con người là nhân tố quyết định sự thành bại, căn cứ vào thực trạng của đội ngũ làm du lịch hiện nay thấy rằng đội ngũ này vừa thiếu vừa yếu không đáp ứng được nhu cầu, do vậy cần phải có kế hoạch đào tạo tuyển chọn, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ chuyên môn của người làm quản lý và lao động trong hoạt động du lịch nhất là hướng dẫn viên du lịch.
T.L