Nhắc đến “tống biệt” thì không thể không kể đến những cuộc tiễn đưa trong chiến tranh. Chiến chinh khiến vợ phải xa chồng, con phải xa cha, những buổi chia li cứ thế diễn ra trong nước mắt. Ngược về những năm tháng “thuần hậu phong thủy”, khi những cuộc chiến tranh phi nghĩa cứ liên tục diễn ra, những người trai bị triều đình ép buộc tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa chỉ để bảo vệ ngai vàng cho vua chứ không vì mục đích cao cả của nhân dân. Chuyện người đi kẻ ở được nhắc đến bằng giọng điệu lâm li bi đát, người “chinh phu” chẳng muốn rời chân, người “cô phụ” ở lại vò võ mong tin chồng mà vẫn bặt vô âm tín:
“Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”
Với nghệ thuật so sánh: “nước mắt như mưa”, ta thấy được phần nào nỗi đau của người ra đi. Họ là lính xưa phải chịu chế độ quân dịch “ba năm trấn thủ” (đi lính trong ba năm), chịu cảnh lưu đồn. Lúc đó, đi lính là một thảm cảnh.
Mượn cuộc chia li để phê phán chiến tranh phi nghĩa đẩy nhân dân vào cảnh ngộ cách xa biền biệt, hạnh phúc vỡ làm đôi, Đoàn Thị Điểm khi diễn Nôm bản “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn đã khắc họa xuất sắc nỗi luyến tiếc, bịn rịn lẫn nỗi đau thấu đọng đất trời của đôi vợ chồng trong phút giây li biệt:
“Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
[...]
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”
Trong lời thơ có sự đối lập giữa hai miền không gian, một là nơi chiến trường mù mịt khói lửa, mang bóng dáng của sự tang thương (“cõi xa mưa gió”), một là nơi quê nhà quạnh hiu, người con gái phòng không gối chiếc (“buồng cũ chiếu chăn”). Nỗi sầu muộn của người đi, kẻ ở càng thêm dâng lên. Trong buổi chia tay có màu xanh xanh, xanh ngắt của dâu. Màu xanh ấy không làm cho cảnh vật thêm vui, ngược lại khiến nỗi đau chia li thêm chồng chất.
Thái độ của người đi, kẻ ở trong chiến tranh phi nghĩa với những cuộc chiến tranh vệ quốc hoàn toàn khác nhau. Khi đất nước có giặc, những người trai đã dứt áo ra đi bằng thái độ tự nguyện dấn thân, kìm nén nỗi đau riêng tư vì nhiệm vụ bảo vệ nền Độc lập dân tộc. Nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mĩ đã tái hiện khoảnh khắc chia tay mà vẻ đẹp của lí tưởng cứu nước, của cảm hứng lãng mạn đã nâng đỡ ngòi bút. Vì thế mà cuộc chia li diễn ra không đắm chìm trong sầu não, bi lụy, ngược lại rất nhẹ nhàng:
“Đó là cuộc chia li chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng”
“Sắc đỏ” vốn không phải là màu sắc của cuộc chia tay (thường là màu của ráng chiều, màu của sự u ám, tang thương...), đó là màu của lí tưởng, niềm tin, niềm vui. Cuộc chia li trong thời đại mới đã mang sắc nét riêng biệt:
“Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa”
Nhà thơ khéo léo chọn một không gian vô cùng tươi đẹp, đầy sắc màu, âm thanh, ánh sáng như không gian của tình yêu lứa đôi (không gian “vườn hoa”) để cuộc chia tay diễn ra. Nước mắt vẫn có, nhưng nó “long lanh” và đẹp hơn bao giờ hết. Đôi cánh của lí tưởng cao đẹp đã nâng đỡ cho buổi chia tay không hề xót đau, bi lụy. Hơn ai hết, họ hiểu rằng:
“Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”
Một cuộc sống ý nghĩa không phải là cuộc sống cho chính mình mà phải sống vì người khác, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.
Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” đã từng nhận xét về bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm như sau: “Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn cổ phong. Nhưng trong bài dưới đây (Tống biệt hành) lại thấy sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ”. Thâm Tâm không nói rõ người ra đi trong bài thơ này ra đi vì lí do gì, nhưng với không khí thơ cổ kính, lẫn chí lớn của con người thời đại mang dáng dấp của các “tráng sĩ thuở trước”, ta ngầm hiểu người trai ra đi thực hiện một lí tưởng cao đẹp, tìm ý nghĩa của cuộc sống. Không gian chia li đượm buồn, thái độ người đi dứt khoát:
“Đưa người ta không đưa sang sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”
Khung cảnh hoàn toàn không giống những buổi tiễn đưa xưa (không có sông, không có sóng, không có bóng chiều vàng vọt...), nhưng trong tâm trạng con người vẫn man mác nỗi buồn, tựa hồ như “đầy hoàng hôn trong mắt trong”.
Hình tượng người “li khách” ra đi với thái độ dứt khoát, mạnh mẽ, không đoái hoài tình riêng dẫu lòng còn thương nhớ. Những từ ngữ: “ừ nhỉ, người đi thật”, “thà coi như chiếc lá bay”, “thà coi như là hạt bụi”, “thà coi như hơi rượu say”... cho người đọc nhận ra lí tưởng cao đẹp của người trai: “nhất khứ bất phục hoàn” đang chiếm trọn trong lòng.
Trong văn học cũng có những cuộc chia li mà nơi người đi hướng tới không phải là chiến trường, trận mạc. Cuộc chia li giữa Thúc Sinh với Thúy Kiều có ánh trăng chứng kiến. Trăng được Nguyễn Du nhắc đến mang thân phận của con người, tượng trưng cho sự chia li cách biệt. Đó là vầng trăng bị xẻ làm đôi:
“Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”
Trăng vốn dĩ tròn đầy viên mãn, bây giờ bị xẻ làm đôi. Hai nửa vầng trăng, một nửa là Thúc Sinh giã biệt lên đường, một nửa là Kiều đợi chờ vò võ. Cảnh tượng ấy chua xót làm sao.
Trong khung cảnh chia tay thường xuất hiện hình ảnh “gió” và “trăng”. Hàn Mặc Tử đã từng viết:
“Hôm nay còn một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột!
Gió làm nên tội buổi chia phôi”
Còn Trần Tử Ngang lại tâm sự:
“Đừng làm thuyền trên sông
Thuyền chở người li biệt
Đừng làm trăng trên sông
Trăng chở người biệt li”
“Trăng” với “gió” mang tội vạ khi xuất hiện trong buổi chia li, bởi nó dự báo những cách xa không bao giờ trở lại, nó réo rắt vào hồn người, khiến cuộc chia li thêm nhuốm màu tang tóc, bi thảm và cõi người cũng đầy những xót đau.
“Tống biệt” trở thành đề tài phổ biến trong thơ ca. Phải tiễn đưa nhau là điều không ai muốn, nhưng vì một nguyên nhân nào đó nên người ta buộc phải tiễn đưa nhau, chấp nhận cảnh rời xa nhau, biền biệt phương trời. Vậy nên những buổi “tống biệt” diễn ra. Bằng sự kì diệu của ngôn ngữ thơ lẫn xúc cảm đang dâng lên trong lòng các thi sĩ đã thu hết không gian, thời gian, tâm trạng của người trong cuộc vào những vần thơ buồn trĩu ngòi bút. Thông qua đó, mỗi thi sĩ sẽ gửi gắm một tư tưởng, thông điệp hay một thái độ nhất định về con người và thời đại.
HOÀNG KHÁNH DUY