• TRANG CHỦ
  • Giới thiệu
    • Hình thành phát triển
    • Chức năng nhiệm vụ
    • Sơ đồ tổ chức
  • Video Clip
  • Tác giả
    • Mỹ thuật
    • Nhiếp ảnh
    • Âm nhạc
    • Múa
    • Sân khấu
    • Văn học
    • Thơ
    • Nghiên cứu phê bình
    • VHNT Các dân tộc thiểu số
  • Tạp chí văn nghệ Đất Tổ
  • Thông báo

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 125 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH (8/9/1891 - 8/9/2016) VÀ 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH PHÚ THỌ (01/01/1997 - 01/01/2017)

DANH MỤC
  • Tin tức - Sự kiện
    • Trong tỉnh
    • Trong nước
    • Quốc tế
  • Tác giả
    • Mỹ thuật
    • Nhiếp ảnh
    • Âm nhạc
    • Múa
    • Sân khấu
    • Văn học
    • Thơ
    • Nghiên cứu phê bình
    • VHNT Các dân tộc thiểu số
  • Nghệ thuật
    • Âm Nhạc
    • Mỹ Thuật
    • Nhiếp ảnh
    • Nghệ thuật biễu diễn
    • Kịch
    • Múa
  • Văn Thơ
    • Thơ
    • Văn
  • Phú Thọ đất cội nguồn
  • Phóng sự - Bút ký
  • Diễn Đàn
  • Nghiên cứu - Trao đổi
  • Tiếng nói văn nghệ sĩ
  • Văn học nước ngoài
  • Tác phẩm và dư luận
  • Chân dung văn nghệ sĩ
  • Giới thiệu sách
  • Chuyện làng văn nghệ
Đăng ký nhận bản tin

NHẬP EMAIL ĐỂ NHẬN ĐƯỢC NHỮNG THÔNG BÁO MỚI NHẤT TỪ CỔNG THÔNG TIN ĐÀO TẠO

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập : 24

•Máy chủ tìm kiếm : 16

•Khách viếng thăm : 8


Hôm nay : 4847

Tháng hiện tại : 166476

Tổng lượt truy cập : 3241675

ẢNH NGHỆ THUẬT

 

TÌM KIẾM
LIÊN KẾT TRANG

  1. Trang chủ
  2. Diễn Đàn

Từ thực tế đến trang sách

Ngày xuất bản : 29/12/2020
(Đọc Seo Sơn - Tiểu thuyết của Vũ Quốc Khánh, NXB Hội Nhà văn, 2014)

Seo Sơn là tên gọi địa danh một vùng đồi rừng thuộc tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi sinh sống của đồng bào người Dao, người Mường, người Kinh, lấy cây lúa, cây chè là nguồn canh tác chính. Họ sống thuần phác, lam lũ và yên ổn. Thế rồi đầu những năm 60 của thế kỷ trước, những người dân lao động từ các tỉnh đồng bằng lên miền núi khai hoang, đi làm kinh tế mới. Seo Sơn được đón những người từ Hà Nội đến, trong đó có hai mẹ con Cưởi (sẽ là nhân vật chính của tiểu thuyết). Cưởi mồ côi cha, mẹ đi làm thuê làm mướn kiếm ăn. Cưởi đang tuổi ăn tuổi lớn, đã bỏ học, chơi bời lêu lổng nhập vào đám trẻ con trộm cắp của ga tàu bến xe. Lên Seo Sơn Cưởi không có bạn, nó đi chơi lang thang một mình. Rồi Cưởi cũng nói thạo tiếng Dao, lại được ông trưởng bản người Dao Triệu Văn Thân nhận làm con nuôi. Ông có người con trai duy nhất đi bộ đội đã hy sinh ở miền Nam. Thế là Cưởi hưởng trọn cái xuất con nhà liệt sĩ ấy. Cưởi được đi học trở lại, rồi được ưu tiên đi học trung cấp nông nghiệp để làm nguồn cán bộ cho xã. Nhờ bố nuôi là người Dao. Cưởi ăn mặc như người Dao, nói tiếng Dao, tự xóa đi cái lối người Kinh trên người, làm người dân tộc như thật. Vốn bản tính láu cá, biết dối trên lừa dưới, năng nổ trong công việc làm vừa lòng mọi người. Học trung cấp xong, Cưởi được bầu là phó chủ nhiệm, rồi chủ nhiệm hợp tác xã Seo Sơn, được kết nạp Đảng, được công nhận là một chủ nhiệm trẻ và có học, có năng lực. Có quyền, có uy trong tay, Cưởi dần dần thu phục lòng tin của mọi người bằng cách mánh lới và đủ các ngón nghề, thủ đoạn. Với cán bộ đội sản xuất, Cưởi chỉ cần kiểm tra sổ sách là phát hiện ra ngay sự gian dối ghi công điểm để thu lợi của đội trưởng, đội phó và kế toán. Cưởi vừa đánh vừa xoa, lại còn dạy cho cách làm sổ sách để người khác khó phát hiện ra, khiến mấy “ông đội” vừa mang ơn, vừa mắc nợ, y như nhân vật ba bớp Trạch Văn Đoành trong Đôi móng giò của Nam Cao, để hạ mấy ông Chánh ông Lý ở xã ở làng. Trạch Văn Đoành chỉ khơi mấy vụ hà lạm công quỹ của dân là mấy ông chức sắc đổ như sung rụng (Xem ra luật pháp thời Chí Phèo cũng nghiêm minh đáo để!). Để thoát khỏi đi nghĩa vụ quân sự, Cưởi dùng cả mẹ mình đang ở tuổi hồi xuân, còn mặn mòi da thịt làm trò mèo chuột với chủ tịch xã Hà Đình Đông ở ngay nhà mình, rồi bắt tại trận. Thế là chủ tịch xã bênh Cưởi chằm chặp, quyết giữ Cưởi ở lại làm công tác hậu phương cũng là bảo vệ Tổ quốc! Rồi Cưởi làm nhà mới trên đất của ông bố nuôi thật thà cho không. Các “ông đội” chịu ơn Cưởi ùn ùn chở vất liệu đến ủng hộ chủ nhiệm chưa có nhà dung thân. Rồi Cưởi lấy con gái bí thư huyện để có cái ô vững chắc. Tiếp đến Cưởi cho chặt gỗ quý ở khu rừng cấm với lý do để trồng mới và trồng loại gỗ khác. Cùng lúc thu tiền trồng rừng mới từ trên huyện đầu tư do bố vợ là bí thư huyện đã đỡ đầu và tiền khai thác gỗ quý từ khu rừng cấm lèn chặt trong hòm Cưởi. Thấy vợ chậm có con, Cưởi tằng tịu với Ngát, một cô gái đẹp, nhưng quá lứa nhỡ thì, rồi đưa Ngát về Hà Nội trông coi cơ ngơi Cưởi mới mua bởi tiền tham ô mà có. Thế rồi kết quả của việc tàn phá hết rừng nguyên sinh là một trận lụt lớn biến Seo Sơn thành một thung lũng bùn, nhấn chìm hết nhà cửa ruộng vườn trong bùn, làm 12 người bị bùn cuốn chết như một đại dịch. Biết rằng không thể thoát tội. Cưởi đã cùng Ba Tòng, một người bạn trong nhóm trộm cắp từ thời bé, được Cưởi “giải quyết khâu oai” đưa lên Seo Sơn làm tay chân, vôi cuỗm hết tiền vàng biến về Hà Nội. Ở đây Cưởi và Ba Tòng lại lừa cô vợ hờ là Ngát uống thuốc ngủ rồi bán sang Trung Quốc để bịt đầu mối, chỉ giữ lại đứa con trai của Ngát rồi đưa vào tận Sài Gòn. Sự lưu manh táng tận của Cưởi chưa dừng lại ở đây. Cưởi còn cho tay chân trở lại Seo Sơn gieo cái chết trắng cho lớp thanh niên ở vùng núi này. Cưởi bắt bồ với Vân Thục, một người ham tiền, là vợ Tấn Phong chủ tịch xã Seo Sơn sau này, một người chưa hề biết Cưởi. Vân Thục đi buôn hàng Trung Quốc gặp Cưởi ở Móng Cái đang đóng giả ông chủ Ba Tàu. Nhưng rồi Cưởi cũng không thoát khỏi số phận khi gieo quá nhiều gió phải gặp bão. Cưởi mắc bệnh HIV. Cưởi chết, nhưng như quỷ Phạm Nham, chém đầu này đầu khác lại mọc ra. Seo Sơn thoát khỏi Cưởi thì lại mọc ngay ra Nguyễn Uyên, cũng là người ở nơi khác đến, cũng là người được bợ đỡ từ trên huyện. Nguyễn Uyên về làm trưởng công an, rồi phó chủ tịch xã Seo Sơn, một lưu manh đội lốt tri thức (vì Nguyễn Uyên từng là kỹ sư nhà máy giấy) vốn ghen ăn ghét ở, Uyên giấu mặt tung tin bí thư Đảng ủy xã Triệu Thị Bầu có chuyện bồ bịch với phó chủ tịch xã Hà Trọng Căn, rồi bỏ tiền thuê bọn du thử du thực đốt nhà ở trang trại của Hà Trọng Căn. Biết Vân Thục là vợ chủ tịch xã Tấn Phong ham tiền, ham tình, Uyên dắt mới cho Tư Phây, một gã trai lơ có  quyền, có tiền thành bộ ba Uyên - Tư Phây - Vân Thục kinh doanh làm ăn ngay trên đất Seo Sơn. Từ đây Uyên dần dần tha hóa Tấn Phong - chủ tịch xã, chồng Vân Thục bằng thuốc Tám Một có tẩm chất ma túy, khiến Tấn Phong thân tàn ma dại đến mức Tấn Phong phải bàn giao chức chủ tịch xã cho Uyên và thành kẻ tàng trữ chất ma túy qua thuốc lá Tám Một. Kết cục là Tấn Phong chết, Vân Thục chết một cách tức tưởi.

Bên cạnh đó là những nhân vật tích cực, dựng Seo Sơn trở lại làm ăn tấn tới là những bí thư Đảng ủy Triệu Thị Bầu, chủ trang trại Hà Trọng Căn, bí thư huyện ủy Hà Trí Lâm, chồng Triệu Thị Bầu, người từng bị Cưởi vu oan giá họa, rồi vợ chồng Tần - Dung (vợ cũ của Cưởi, con bí thư huyện) Đội trưởng Triệu Thị Hân cùng những người dân thuần phác Seo Sơn qua cơn sóng gió đã dần dần hồi phục, tự đứng dậy bằng đôi chân vững chắc của mình.

Một cốt truyện bề bộn, ngổn ngang các sự kiện, đủ sức hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối. Một không gian rộng lớn, một thời gian kéo dài mấy chục năm với một số lượng đông đảo các nhân vật tích cực, tiêu cực với đủ các chân dung quang minh chính đại lẫn mặt người tâm quỷ, tất cả dồn ép vào một quyển sách, có thể nói là quá dư dật về chất liệu, quá căng tràn về vốn sống, ngồi vào bàn là tất cả cứ tràn ra, không kiềm chế nổi, không tiết kiệm dè sẻn được nữa, đến mức như cặp vợ chồng Tấn Phong - Vân Thục chết là có thể kết thúc được rồi, nhưng truyện còn kéo dài thêm, vì vốn sống còn đầy ứ, không biết dùng vào đâu! Vũ Quốc Khánh đã viết gần mười năm nay, đã trở thành tác giả quen biết ở quê hương Đất Tổ Phú Thọ. Vũ Quốc Khánh có một cuộc đời từng trải. Vốn là sinh viên Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, năm 1972 nhập ngũ, sau khi huấn luyện thành thạo các loại vũ khí của bộ binh, Vũ Quốc Khánh đã cùng đơn vị hành quân sang đất nước bạn Lào, rồi lại được lệnh quay về quân khu 5, làm lính tỉnh đội Quảng Nam, ở đây Vũ Quốc Khánh được biên chế vào đơn vị gùi - gùi lương thực. Lúc này mặt trận ở đây rất thiếu lương thực, thực phẩm, đến mức không có gạo ăn là lính ta mất sức chiến đấu. Một tiểu đoàn gùi hình thành - Vũ Quốc Khánh đã gùi ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác! Với sức vóc thư sinh, vậy mà Vũ Quốc Khánh đã gùi 50, 70, rồi một tạ trên lưng! Phải có kỹ thuật gùi mới cõng nổi một tạ trên người, ấy là phải san đều, dàn đều số hàng trên lưng chứ không phải dồn xuống đôi vai. Vũ Quốc Khánh đã gùi như thế từ giữa năm 1973 đến giải phóng 1975. Sau giải phóng, Vũ Quốc Khánh lại về học tiếp để lấy bằng kỹ sư nông nghiệp. Trong cuộc đời làm kỹ thuật của mình, Vũ Quốc Khánh đã làm giám đốc đến hai công ty thuộc ngành chè. Ăn nên làm ra, sống chân tình năng nổ đúng với tác phong người lính nên được tổ chức và anh em tín nhiệm. Vừa đến tuổi nghỉ Vũ Quốc Khánh ra ngoài tự bươn trải, thành lập công ty riêng và có việc đều đều. Sống thư thái, kinh tế ổn định, Vũ Quốc Khánh thực hiện ước mơ đã ấp ủ từ lâu: Viết văn. Anh đã in một tập truyện ngắn và sau tiểu thuyết Seo Sơn này, Vũ Quốc Khánh lại hoàn thành một tiểu thuyết nữa cũng dày 500 trang như Seo Sơn, viết về chính đại đội gùi của mình ở chiến trường Quảng Nam để tri ân với đồng chí, đồng đội trong những năm gian khổ không thể nào quên. Đã trở thành người quen biết ở một khu vực, đã hình thành tác giả, đã vượt qua sự bản năng, bây giờ tiến tới có bản sắc riêng, có giọng điệu riêng, đấy là nhiệm vụ trước mắt của Vũ Quốc Khánh. Với những gì đã viết - thường là như vậy, tác giả tự rút ra rất nhiều điều cho chính mình, thấy phải bỏ qua những gì và bổ sung những gì để nâng mình lên. Tôi tin chắc rằng Vũ Quốc Khánh đã ngẫm được nhiều điều để làm một cây bút chuyên nghiệp. Từ việc lớn như vấn đề của truyện phải mang tính biểu tượng, khái quát, đến văn phong, giọng điệu. Khi nào cần dựng để câu chuyện hiển hiện lên trước mắt người đọc như nó đang diễn ra, khi nào chỉ cần lướt qua thì dùng văn kể, nói về quá khứ thì dùng phương pháp đồng hiện, khi nào thì dùng phương pháp dòng ý thức, thời gian không gian được xóa nhòa, câu văn không còn theo trật tự cổ điển nữa, các đối thoại của nhân vật được viết liền trong văn cảnh mà vẫn rõ ràng mạch lạc… Những điều ấy là bếp núc của nghề nghiệp, phải nắm chắc được cái ngón nghề mẹo mực để ngòi bút luôn làm chủ được các tình huống. Khi đi sâu vào nghề nghiệp, người ta không hỏi anh viết cái gì, mà hỏi anh viết như thế nào. Từ kể một câu chuyện, đến viết nội dung câu chuyện, từ miêu tả hiện thực đến suy ngẫm hiện thực là cả một quá trình chuyển biến từ văn chương kể chuyện thông thường nâng lên thành văn chương có đẳng cấp. Đấy là quá trình “luyện đan” để nắm lấy “bí kíp” của nghệ thuật ngôn từ.

Với tác giả Seo Sơn, Vũ Quốc Khánh là người cầu thị, ham học hỏi, rất nhiệt huyết với văn chương. Sau tiểu thuyết Seo Sơn Vũ Quốc Khánh đã biết từ thực tế đời sống để thành những câu chữ có nghệ thuật phải làm những gì. Vốn sống còn dư dả. Ham viết, nhưng đã bắt đầu sợ văn. Thế tức là nghề văn đã ngấm vào người vậy!

         

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường

                                           (Bài in trên tuần báo Văn Nghệ số 37 ngày 13 tháng 9 năm 2014)


 

Tin liên quan
  • “Chìa khoá” nào cho nghệ thuật truyền thống? (25/01/2021 9:18:36 CH)
  • Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam lần thứ X (2020-2025) (25/01/2021 3:39:02 CH)
  • Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ - đặc trưng hàng đầu tạo nên phong cách lôi cuốn của truyện ngắn Thạch Lam (18/12/2020 8:35:53 CH)
  • Di sản văn hóa đất Tổ nguồn lực phát triển du lịch (04/12/2020 8:20:42 SA)
  • Tiếng nói nhà văn: Sai sót trong sách giáo khoa lớp 1 là nghiêm trọng (27/10/2020 4:55:44 CH)
Xem tiếp các tin khác
Các tin khác:
Video
  • Tiểu thuyết: Keo đỏ (P19)
  • Tiểu thuyết: Keo đỏ (P18)
  • Tiểu thuyết: Keo đỏ (P17)
Xem thêm
QUẢNG CÁO


MỘT GÓC PHÚ THỌ

MỘT GÓC PHÚ THỌ

THÔNG TIN

Bản Quyền thuộc về Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh Phú Thọ
Số 160 - Đường Lê Quý Đôn - Phường Gia Cẩm - Thành Phố Việt Trì - Tỉnh Phú Thọ
Điện thoại: 0210.3847.337
Chịu trách nhiệm chính: Cao Hồng Phương - Chủ tịch Hội Liên Hiệp VHNT Phú Thọ
Giấy phép xuất bản số: 17/GP-TTĐT ngày 07/11/2014 – Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ.
Gmail: Vanhocnghethuatphutho@gmail.com