Trong nền văn học dân gian Việt Nam, tục ngữ là thể loại có nội dung phản ánh rộng lớn nhất, bao quát cả một phạm vi phản ánh rộng, gồm cả tự nhiên, xã hội và con người. Với tính bách khoa, tục ngữ phản ánh muôn mặt của cuộc sống lao động như: các lĩnh vực đời sống vật chất, tinh thần, đấu tranh với thiên nhiên, tình yêu, hôn nhân, việc sinh nở, nuôi dạy con cái, quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè, thầy trò. Từ đó, ngành nghiên cứu văn học dân gian có nhiệm vụ phụ trách chính về sưu tầm, nghiên cứu lí giải những đặc trưng, thuộc tính và giá trị cơ bản nhất của nó.
Qua điền dã dân gian, chúng tôi thu về nhiều tục ngữ phản ánh kinh nghiệm, hiểu biết của con người về thiên nhiên và tổng kết những kinh nghiệm sản xuất của nhân dân lao động, đó là sự hiểu biết về thời tiết, khí hậu nhằm phục vụ cho các hoạt động sản xuất, như: Mùa hè đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa; Chớp Đông nhay nháy, gà gáy thì mưa; hay Gió đông là thông, lúa chiêm bấc là duyên lứa mùa.
Trong quá trình lao động sản xuất ở các ngành nghề nông nghiệp, ngư nghiệp, một số nghề thủ công lâu đời, nhân dân cũng đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm. Trong đó, những kinh nghiệm về làm ruộng chiếm đa số: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống; Chim cập cợi, mùa đợi nhau; Cơm quanh rá, mạ quanh bờ. Tục ngữ về lao động sản xuất thể hiện tinh thần sáng tạo của nhân dân trong lao động. Song chủ yếu là kinh nghiệm thực tiễn. Nhiều kinh nghiệm chỉ phản ánh những biểu hiện cụ thể của những quy luật tự nhiên ở địa phương, từng thời điểm nhất định.
Bên cạnh đó, nội dung quan trọng nhất của tục ngữ là phản ánh phong tục tập quán, đúc rút kinh nghiệm ứng xử của con người trong gia đình và ngoài xã hội: Cưới vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam; Dâu là con, rể là khách; Bán anh em xa, mua láng giềng gần. Đó còn là những ký ức của thời kỳ lịch sử xa xưa của dân tộc: Ăn lông ở lỗ; Con dại cái mang; Năm cha ba mẹ. Và một số hiện tượng lịch sử: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi; Hai mốt giỗ cha, hai mươi ba giỗ con; Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong.
Tục ngữ Việt Nam chủ yếu phản ánh những đặc điểm sinh hoạt gia đình và xã hội, sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân trong thời phong kiến. Phản ánh tổ chức gia đình và những quan điểm thân tộc của nhân dân ta trong xã hội phong kiến: Một người làm quan cả họ được nhờ; Chết trẻ còn hơn lấy lẽ; Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì. Phản ánh đời sống người lao động và những quan hệ xã hội trong xã hội phong kiến: Lấy bát mồ hôi đổi bát cơm. Tháng tám đói qua, tháng ba đói chết; Cá lớn nuốt cá bé.
Ngoài ra, còn có nhiều tục ngữ phản ánh những kinh nghiệm sống và lối sống của nhân dân, phản ánh truyền thống tư tưởng và đạo đức của nhân dân lao động, trong đó bao hàm những tư tưởng chính trị – xã hội và tư tưởng triết học. Tục ngữ thể hiện chủ nghĩa nhân đạo chân chính của nhân dân lao động. Tư tưởng này biểu hiện trước hết ở những quan niệm về con người: Người làm ra của, của không làm ra người; Một mặt người hơn mười mặt của; Người sống của còn, người chết của hết. Biểu hiện ở thái độ, đánh giá về lao động, cách xét đoán con người qua lao động: Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ; Hay làm đầu quang mặt sạch, chẳng hay làm đầu rếch mặt dơ; Của một đồng, công một nén. Tục ngữ thể hiện lòng tự hào, ngợi ca đất nước giàu đẹp, con người tài hoa: Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến; Ăn Bắc, mặc Kinh; Trai Cầu Vồng, Yên Thế, gái Nội Duệ, Cầu Lim. Nhiều tục ngữ thể hiện tinh thần đấu tranh của nhân dân lao động chống áp bức, bóc lột: Tuần hà là cha kẻ cướp; Muốn nói oan, làm quan mà nói; Ðược làm vua, thua làm giặc. Tục ngữ phản ánh khá phong phú những đức tính của nhân dân lao động, thể hiện truyền thống tư tưởng, đạo đức của nhân dân thông qua những nhận xét, suy gẫm rất sâu sắc về hiện thực: Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo; Có công mài sắt có ngày nên kim.
Nói về tục ngữ, người ta thường đề cập đến yếu tố tính nhiều nghĩa. Đây là một đặc điểm quan trọng của nghệ thuật nói chung và của văn học dân gian nói riêng. Rất nhiều câu tục ngữ ngắn gọn, nhưng ý nhiều, lượng thông tin rất cao (bao gồm nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa rộng, nghĩa hẹp, nghĩa trực tiếp, nghĩa gián tiếp…). Ví dụ: Cha lươn không đào lỗ cho lươn nằm; Làm thần nơi nọ, đứng xó nơi kia; Rút dây động rừng.
Nhìn chung các loại tục ngữ nói về hiện tượng và quy luật tự nhiên có tính khái quát cao hầu hết được dùng để khái quát về các hiện tượng xã hội. Ở tục ngữ, cái cụ thể thường kết hợp hài hòa với cái khái quát. Sự biểu hiện cụ thể cái chung của tục ngữ đúng với nhiều hiện tượng cùng loại, do đó nhiều câu tục ngữ vượt ra khỏi phạm vi kinh nghiệm về một sự vật, hiện tượng ban đầu để mang lại nghĩa rộng hơn. Cái cụ thể và cái khái quát liên quan với nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen (hoặc nghĩa hẹp) toát ra từ bản thân sự vật, hiện tượng do tục ngữ ghi lại, và nghĩa bóng (hoặc nghĩa rộng) do việc mở rộng ý nghĩa của sự vật hoặc hiện tượng cá biệt ấy vào nhiều sự vật, hiện tượng khác. Nghĩa đen và nghĩa bóng có quan hệ hữu cơ với nhau. Nghĩa bóng được thể hiện thông qua nghĩa đen, trên cơ sở của nghĩa đen. Chỉ có thể xới lật, bóc đúng các lớp nghĩa bóng khi đặt nó trong quan hệ logic với nghĩa đen. Tục ngữ khái quát hóa mà không trừu tượng. Nghĩa bóng đã tạo cho tục ngữ khả năng vận dụng năng động vào các trường hợp, và cứ mỗi lần được sử dụng ở những văn cảnh khác nhau thì nội dung, ý nghĩa kinh nghiệm, những lớp nghĩa bên trong và bên ngoài từ ngữ của nó lại giàu thêm.
Tính nhiều nghĩa của tục ngữ gắn chặt với những đặc trưng cơ bản của thể loại này như tính tập thể, tính hàm súc, giàu hình tượng. Nội dung của tục ngữ không chỉ phụ thuộc vào người sáng tác ban đầu mà còn phụ thuộc vào những người sử dụng về sau. Do đặc điểm này, số lượng kinh nghiệm và tri thức đúc kết lớn hơn rất nhiều so với số lượng các câu tục ngữ.
Nói tục ngữ có tính nhiều nghĩa là nói theo cách nhìn đồng đại. Đúng ra phải nói tục ngữ có tính mở rộng nghĩa (mở rộng nghĩa trong thời gian, không gian của quá trình sử dụng tục ngữ). Do đặc điểm này mà mỗi câu tục ngữ không chỉ là kết quả, là sản phẩm trí tuệ của một người, một địa phương, một thời kì lịch sử nhất định mà còn là phương tiện diễn đạt, thể hiện kinh nghiệm, tri thức, quan niệm của nhiều người thuộc nhiều địa phương và thời kì lịch sử khác nhau. Nhìn chung, số lượng kinh nghiệm và tri thức được đúc kết, phản ánh trong kho tàng tục ngữ của mỗi địa phương, mỗi dân tộc lớn hơn rất nhiều so với số lượng những câu tục ngữ mà họ đã sáng tác và lưu giữ.
Mặc dù là những câu nói ngắn gọn, súc tích nhưng tục ngữ lại hàm chứa những đặc trưng về giá trị nghệ thuật hết sức đa dạng. Điều dễ dàng thấy được ở nghệ thuật của tục ngữ là tính tiết kiệm ngôn ngữ. Lời ít, ý nhiều, tiết kiệm ngôn ngữ đến mức tối đa là nguyên tắc lớn nhất trong việc sáng tác tục ngữ. Tục ngữ ưa nói ngắn, vì nhân dân ta sáng tác tục ngữ để tổng kết kinh nghiệm và truyền đạt bằng phương thức truyền miệng. Câu càng ngắn gọn, hàm súc, càng gần với đặc trưng của tục ngữ; ngược lại, càng dài, càng xa tục ngữ và dài đến một mức độ nào đó thì mất tính tục ngữ và trở thành ca dao hoặc vè. Những sự kiện lời nói ngắn của tục ngữ dùng để “nói nhiều”. Đặc điểm này khiến cho tục ngữ trở nên ít lời mà nhiều ý. Khi nói đến đặc điểm này là nói đến khả năng cho phép hiểu ngầm của tục ngữ. Ví dụ: Tre già măng mọc; Quá mù ra mưa; Rau nào sâu ấy. Ngôn ngữ trong tục ngữ là ngôn ngữ hiện thực, sinh động, gắn chặt với cuộc sống phong phú nhiều màu sắc của dân tộc. Ngôn ngữ trong câu tục ngữ giản dị, dễ hiểu, gần với đời sống.
Song song đó, nhờ vào đặc điểm lối nói giàu hình tượng và sự việc cụ thể đã khiến cho tục ngữ ngắn gọn, cô đọng mà không trừu tượng, khô khan, khó hiểu. Phần lớn tục ngữ đều có tính hình tượng và sự việc cụ thể, sinh động. Hình tượng trong tục ngữ là hình tượng ngôn ngữ, được tạo ra bằng các biện pháp nghệ thuật cụ thể như miêu tả trực tiếp, ẩn dụ, hóa dụ, nhân hóa… Ví dụ: Cái nết đánh chết cái đẹp (nhân cách hóa); Chó chê mèo lắm lông (ẩn dụ); Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn (miêu tả trực tiếp).
Tục ngữ sử dụng triệt để hiệu quả của nghệ thuật ẩn dụ và nhân hóa. Nhiều hình tượng trong tục ngữ hiện lên rất linh hoạt và dí dỏm. Sự việc cụ thể trong tục ngữ sử dụng ngôn ngữ hiện thực, sinh động, gắn chặt với cuộc sống phong phú nhiều màu sắc của dân tộc. Tục ngữ là lối nói dùng hình tượng cụ thể để nói lên những ý niệm trừu tượng, dùng cái cá biệt để nói lên cái phổ biến. Do đó, có nhiều câu tục ngữ dùng những hình tượng khác nhau để diễn tả cùng một ý: Kiến tha lâu cũng đầy tổ; Tích tiểu thành đại; Có công mài sắt có ngày nên kim.
Để tục ngữ được lưu truyền, dân gian đã sáng tạo ra tính nhạc cho câu, từ đó tính nhạc trở thành nghệ thuật đặc sắc của thể loại tục ngữ. Tính nhạc thể hiện ở cách cấu tạo của các vế theo luật cân đối. Ở những câu tục ngữ có hai vế, mỗi tiếng ở vế thứ nhất có thể đối thanh với mỗi tiếng ở vế thứ hai. Nhưng nói chung, cách đối thanh chủ yếu nhằm tiếng cuối mỗi vế. Nhiều câu tục ngữ được cấu tạo theo luật đối ý rất chặt chẽ, cách sắp xếp, sắp ý phải làm thế nào cho hai vế song song với nhau trong một mối tương quan hoặc bổ túc hoặc tương phản. Ví dụ: Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân. Đa số tục ngữ đều có vần, bao gồm vần liền, vần cách, vần trắc, vần bằng. Vần liền: hai tiếng hiệp vần đi liền với nhau. Ví dụ: Ăn chắc mặc bền; Bút sa gà chết. Vần cách: hai tiếng hiệp vần đứng cách một từ hoặc hai ba từ, như: Con lên ba cả nhà học nói. Cách gieo vần lưng hình thành trên cơ sở những đặc điểm của ngôn ngữ Việt Nam. Tục ngữ sử dụng một cách triệt để khả năng ghép lại, xé ra, lồng với nhau những cặp tiếng đôi, khả năng sắp đặt các từ theo luật cân đối cả về âm thanh lẫn ý nghĩa, khả năng gieo vần ở những vị trí sinh động, như: Trăng mờ tốt lúa nỏ, trăng tỏ tốt lúa sâu; Nói hay hơn hay nói.
Nhịp điệu trong một câu tục ngữ cũng góp phần tạo nên tính nhạc. Tục ngữ có cách tổ chức nhịp điệu linh hoạt và đa dạng. Phần nhiều sự tổ chức nhịp điệu và sự tổ chức ý tứ trong tục ngữ ăn khớp, tương ứng với nhau, tạo ra sự thống nhất hài hòa trong mỗi câu tục ngữ. Ngắt nhịp trong tục ngữ không chỉ có tác dụng ngừng, nghỉ để lấy hơi, lấy giọng mà còn có tác dụng nhấn mạnh nội dung, ý nghĩa. Sự hòa đối trong tục ngữ được thể hiện dưới nhiều hình thức cụ thể khác nhau (đối ý, đối lời, đối cân, đối lệch…).
Tục ngữ chưa phải là thơ ca nhưng cũng không phải là lời nói thường mà là một lối nói cách điệu. Hầu hết các kiểu gieo vần, ngắt nhịp của các thể thơ dân tộc truyền thống đều có thể tìm thấy trong tục ngữ (lối thơ 2 tiếng, 3 tiếng, 4 tiếng, lục bát, các câu dài ngắn, các kiểu giao vần, ngắt nhịp…).
Mặc dù sản phẩm của tư duy duy lí, nặng về lí trí, khách quan nhưng tục ngữ vẫn có một số mang sắc thái biểu cảm. Những bộ phận tục ngữ về đề tài xã hội lịch sử, về quan hệ giữa người với người có rất nhiều câu mang sắc thái biểu cảm, bộc lộ thái độ khen, chê, đồng tình, ca ngợi hay phản đối. Ở bộ phận này, dù chủ nghĩ ẩn nhưng người nghe vẫn nhận biết khá rõ thái độ, khuynh hướng, giọng điệu của người nói, như: Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo; Môi hở răng lạnh; Con đau, của xót. Nhiều câu còn bộc lộ thái độ châm biếm mỉa mai thói hư tật xấu của con người như: Muốn nói oan làm quan mà nói; Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ; Kẻ trộm già mồm, con đĩ rắn răng. Tục ngữ không chỉ có một giọng mà tương đối nhiều giọng, nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau. Đó chính là giọng điệu thực của những con người cụ thể trong nhân dân thuộc các địa phương, các thời kì lịch sử xã hội khác nhau.
Mỗi thể loại văn học dân gian có cái hay riêng và có sức mạnh riêng của nó, đồng thời cũng có sự hạn chế và nhược điểm riêng của nó. Vì thế, không chỉ vì những khó khăn trong quá trình tiếp cận mà chúng ta lại phủ nhận ý nghĩa của những tác phẩm tục ngữ. Trong mỗi thể loại văn học dân gian lại có sự thành công nhiều ít, khác nhau giữa các đơn vị tác phẩm. Cái hay của một tục ngữ, không thể giống cái hay của một câu ca dao, và điều đó cũng là nét đặc trưng của thể loại tục ngữ. Tục ngữ đại diện tiêu biểu cho một loại phương thức phản ánh và biểu diễn quan trọng và được dùng rất phổ biến của văn học dân gian. Thiếu phương thức phản ánh và biểu diễn này thì chẳng những văn học dân gian sẽ thiếu đi một bộ phận quan trọng (tục ngữ và câu đố) mà còn bị ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận khác. Bởi vì tính chất tổng hợp và sự kết hợp giữa các phương thức phản ánh và biểu diễn hiện tượng và đặc điểm phổ biến, quan trọng của văn học dân gian. Sự có mặt ở mức này hay mức khác của tục ngữ trong các lĩnh vực văn học dân gian khác (như truyện dân gian, ca dao, chèo…).
Bản thân tục ngữ không phải là văn học hình tượng, nó không dùng phương thức phản ánh của văn học hình tượng, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, tục ngữ có quan hệ lâu đời và máu thịt với văn học hình tượng (bao gồm cả văn học dân gian và văn học viết). Sự có mặt của tục ngữ trong thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Xuân Hương, trong truyện Kiều của Nguyễn Du, trong văn thơ Hồ Chủ tịch… tuy chưa phải tất cả nhưng là những ví dụ tiêu biểu cho điều đó. Những câu tục ngữ: “Tức nước vỡ bờ”, “Lửa cháy đổ dầu thêm” và câu thơ Tố Hữu sau đây chẳng hạn, không chỉ có mối quan hệ về phương thức phản ánh nữa:
Càng tức nước, càng xui bờ vỡ
Lòng dân ta như lửa thêm dầu.
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Với những giá trị nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng, nếu văn học dân gian là ngọn nguồn và nền tảng của văn học viết, thì xét về nhiều phương diện, tục ngữ có thể được coi là nền tảng của văn học dân gian. Nghiên cứu và học tập văn học dân gian của bất kì dân tộc nào cũng không thể không chú ý đến kho tàng tục ngữ của dân tộc ấy. Bỏ qua tục ngữ tức là bỏ qua phần gốc của văn học dân gian.
ĐĂNG NGUYÊN
Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 29