Từ ngày cháu đi mẫu giáo đến nay, bước vào lớp năm, chưa năm nào hai bà cháu không đến nhà tổ họ nhận thưởng, ăn bữa cơm đoàn kết cùng gia tộc. Năm nay, không may bà Hà bị cúm, sợ lây sang các cháu nên bà bảo cháu Sơn đi một mình. Nhoáng một cái đã thấy cháu mồ hôi mồ kê nhễ nhại chạy về. Bà vội hỏi: “Sao về sớm thế?” Nó không trả lời, òa khóc! “Đứa nào đánh?” Nó càng khóc to. “Tại sao lại khóc? - “Cháu không được khen!” - “Sao lại không? Giấy khen, tiền khuyến học bà đã nộp đầy đủ”. Nó càng nức nở. Bà quên cả cúm chồm phắt dậy: “Cháu trông nhà để bà đến xem sao”. Bà hấp tấp vừa đi vừa chạy. Gần đến nơi đã thấy ông, bà, bố, mẹ nào con, cháu ấy, nét mặt hân hoan, rạng rỡ lũ lượt ra về. Họ chào hỏi rối rít làm bà càng bực, máu dồn lên mặt nóng bừng bừng. Bước vào nhà thờ tổ, may mà các ông trong hội đồng vẫn ngồi đông đủ. Chào hỏi xong, bà tiếp luôn: “Báo cáo với các vị, dạo này sức khỏe không được tốt nên hôm nay không đến dự lễ phát thưởng được. Nhưng giấy khen, tiền khuyến học tôi đã nộp đủ cho ông trưởng chi; không cho cháu nó dự bữa cơm đoàn kết thì thôi, cớ sao lại không phát thưởng cho nó làm con trẻ về khóc nức nở. Bà cháu tôi thấy tủi thân lắm!” Giọng bà nghẹn lại, nước mắt trào ra: “Hay nó là cháu ngoại?” Ông Chủ tịch hội đồng cũng bối rối: “Trước hết xin bà trẻ bớt giận. Cuộc họp trù bị vừa rồi hội đồng thống nhất năm nay chỉ khen các cháu đạt văn hóa giỏi, đạo đức tốt từ cấp trường đến các cháu đạt giải trong các kì thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và các cháu đỗ vào đại học nguyện vọng 1. Không khen học sinh tiên tiến, học sinh vào đại học nguyện vọng 2 và cao đẳng, vì cao đẳng đa phần trượt đại học. Không khen cả mầm non, không tổ chức ăn cơm đoàn kết nữa vì nhiều cháu giỏi không đến được, lại thêm cập rập tốn kém. Tiền khuyến học dồn tất vào phần thưởng cho các cháu. Bà trẻ không đến dự, chúng cháu có lỗi không báo cáo được cho bà. Mong bà thông cảm và cho ý kiến”.
Sở dĩ ông Chủ tịch hội đồng gia tộc xin ý kiến bà, vì gia đình bà là trưởng gia tộc họ Đặng. Chồng bà là bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, hi sinh cuối năm 70 thế kỉ trước. Lúc ấy con gái còn nhỏ, nhà mẹ góa con côi, lo không kham nổi công việc của họ, nên bà báo cáo gia tộc xin rút. Nhưng không ai nỡ truất cái vai trưởng họ của gia đình bà chỉ vì ông bà có mỗi cô con gái, lại là thời đại mới: nam nữ bình quyền. Xét về ADN thì nữ giới còn lưu truyền đến 50 đời, hơn cả nam, nên tốt nhất là cứ để nguyên và thành lập hội đồng gia tộc, bầu chức chủ tịch quán xuyến chung. Bà vẫn là trưởng họ, là thành viên của hội đồng như lệ cũ của họ đã tồn tại bao đời, mới dừng hoạt động từ kháng chiến chống Pháp. Bà Hà nghe thủng sự việc, thấy họ làm cũng có cái đúng. Phải mấy phút sau bà mới dịu giọng: “Tôi mới nghe một tai đã nói có điều không phải, xin các ông bỏ quá! Sau cảm ơn hội đồng cho biết có sự thay đổi tiêu chuẩn khen thưởng năm nay theo nguyên tắc dân chủ, thiểu số phục tùng đa số. Tôi không có ý kiến gì. Chỉ lưu ý từ sau quyết định vấn đề gì nên xem xét cả hai mặt tích cực và hạn chế. Tôi về làm dâu, được mẹ chồng kể: Làng ta có truyền thống hiếu học từ mấy trăm năm trước, mà: “Họ ta quý chữ hơn vàng/ Coi tài hơn mọi giầu sang trên đời!” nên thời phong kiến làng để cả chục mẫu nhất đẳng điền để làm ruộng học, gọi là “học điền”. Họ nhà mình được nhiều nhất làng, những hơn ba mẫu cho con nhà nghèo hiếu học. Thói thường những người xưa đến “cửa Khổng sân Trình” chỉ mong: “tiến vi quan, thoái vi sư” nhưng làng mình không chỉ “thoái mới vi sư mà cả tiến cũng vi sư”. Thời nhà Mạc làng có người đỗ tiến sĩ nhưng không ra làm quan, ở nhà làm thực ấp và dạy học. Nhiều ông cử theo gương cụ sống cuộc đời thanh bạch. Vài người tham chính có người làm đến tri phủ, nhưng về làng ra đình vẫn phải ngồi dưới ông đồ đỗ cao hơn. Truyền thống “trọng khoa hơn trọng chức” có từ đó. Người học hành đỗ đạt được cả làng quý trọng, nhất là các cô gái, yêu đến chết mê chết mệt vì: “Không tham ruộng cả ao liền/ Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ!”. Trai họ mình theo tân học nhưng các cụ vẫn dạy thêm chữ thánh hiền cho con cháu. Bố chồng tôi, đến nhà tôi đều thạo chữ Quốc ngữ, biết tiếng Pháp, lại viết được cả văn tự bằng chữ Nho. Vì thế sau Cách mạng vào Vệ quốc, cụ được cử làm lãnh đạo cả một tiểu đội quân chủ lực. Thỉnh thoảng còn được cấp trên gọi đi lấy cung những tù hàng binh Pháp. Nếu cụ không hi sinh trong trận đánh sông Lô năm 47 bây giờ chắc làm to lắm! Còn trai làng, sau cách mạng đều là giáo viên bình dân, chẳng thế mà chỉ sau mấy tháng cuối năm 45 đã diệt xong “giặc dốt” cho tất cả các cử tri tham gia tổng tuyển cử đầu năm 46. Không dám so với “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi” nhưng suốt thời kì đánh Pháp, đánh Mĩ đến giờ, làng có bao nhiêu tú tài, cử nhân, cả tiến sĩ, bao nhiêu người được giải tỉnh, giải quốc gia và quốc tế. Có được thành tích ấy ngoài nhờ có Đảng có Bác còn có sự động viên, khích lệ của từng gia đình, dòng họ... Các vị không khen cao đẳng, đại học nguyện vọng 2 tôi thấy nhiều trường đại học lấy xuống điểm sàn 13, 14 điểm, trong đó có em được đến 20 điểm, thậm chí 25, 26 điểm nhưng không vào được nguyện vọng 1, phải vào nguyện vọng 2; lại không khen cả các cháu mẫu giáo nữa... năm tới các vị nên xem xét lại! Chúng ta đều biết khoa thi Đinh Mùi năm 1247 đời vua Lê Thái Tông, đứng đầu trạng nguyên Nguyễn Hiền 13 tuổi, bảng nhãn Lê Văn Hưu mới 18 còn thám hoa Đặng Ma La mới 14. Đâu như bây giờ, 18 mới đủ tuổi thi tú tài...”. Mọi người không ngờ bà cụ hiểu sâu và rộng đến vậy. Ông Chủ tịch ghi nhận và hứa năm sau sẽ bàn lại. Bà Hà ra về, bước đi nặng trịch. Vừa đến ngõ, cái Sơn đã chạy ra: “Cháu có được khen không bà?” - “Cháu không được khen là do bà không kèm cặp cháu. Nhiều tối bà còn mở ti vi xem, làm cháu không tập trung học tập. Năm nay tiên tiến ở tiểu học đông quá, họ ta hầu như tất cả. Họ chỉ khen giỏi từ cấp trường trở lên, không khen tiên tiến nên cháu không đạt. Lỗi này là do bà!”. Sơn phụng phịu: “Không phải tại bà, tại cháu, tại bố cháu không phải họ Đặng!” Nó tủi thân, khóc tấm tức. Bà an ủi: “Cháu giống mẹ, mẹ cháu giống ông. Thời đi học, ông cháu cả mười năm phổ thông luôn tranh nhất nhì với một người họ Trần. Sau tốt nghiệp cả hai đều được cử ra nước ngoài học tập. Năm ấy cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự. Ông cháu xin đi làm nghĩa vụ xong mới về đi học. Vào bộ đội, mê luôn quân ngũ, được cử đi học rồi vào Nam chiến đấu. Hiệp định Pari mới về phép, lấy bà mới có mẹ cháu. Rồi ông lại lên giữ gìn ải Bắc và hi sinh ở đó cuối năm 79. Mẹ cháu học sư phạm, ra trường lại xin lên nâng cao dân trí cho đồng bào ở nơi ông cháu hi sinh. Mẹ cháu học hành chăm chỉ, có nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng biết lấy mẹ cháu là phải ở rể, nên đến rồi lại đi. Đến khi gặp bố cháu, anh lính biên phòng, bố mẹ đều mất trong chiến tranh, thấy phù hợp mới đi đến hôn nhân. Bố cháu khai sinh cho cháu với cái tên: Đặng Vũ Sơn. Đặng họ mẹ, Vũ họ bố, mẹ Thủy, con Sơn thật giàu ý nghĩa! Cả họ ai cũng quý mến bố mẹ cháu và cháu, cháu đừng phân biệt nội ngoại mà chạnh lòng tin yêu của gia tộc. Sau 6 tháng nghỉ đẻ, tiếp đến 3 tháng nghỉ hè là 9 tháng, mẹ cháu đành cai sữa để cháu ở nhà, bà nuôi bộ, lại lên biên giới công tác”.
Đó là câu chuyện của bà cháu Sơn những năm trước. Từ sau ngày Sơn không được khen, tối nào hai bà cháu cũng cùng nhau ngồi học. Tuy lúc nhỏ bà cũng đã học hết cấp hai, nhưng bỏ lâu nhiều bài toán, bài văn, bà không làm được. Nhất là toán nâng cao, bà cháu lại vác đèn đến nhà thầy hỏi. Thế là từ những năm sau, Sơn đều được khen và được giải cả cấp huyện. Năm học này, Sơn đã đỗ vào đại học với trên 20 điểm.
Sau ngày bà qua đời, cô Thủy con gái bà được chuyển về quê công tác. Từ một giáo viên tiểu học, giờ có bằng thạc sĩ. Năm nay lại được đề bạt Phó phòng Giáo dục huyện. Chồng cô - một người lính chưa học hết cấp hai, nay là một sĩ quan cao cấp có bằng cử nhân. Đặng Vũ Hà - em Sơn cả 5 năm tiểu học đều là học sinh giỏi, đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, được chọn vào lớp 6 trường trung học cơ sở cấp huyện. Gia đình được bầu là gia đình hiếu học tiêu biểu cấp tỉnh.
Trong chạp họ vừa rồi, có ý kiến tiến cử bà Thủy chức trưởng tộc. Người nhất trí cũng nhiều, người phản biện cũng không ít. Tranh luận cả tiếng đồng hồ, nhiều vị vã mồ hôi, ù cả tai mới lắng dịu. Chủ tịch chậm rãi: “Các vị phát biểu đều có cơ sở, đánh giá kết luận vấn đề gì đều phải nhìn từ hai phía, trước tiên phải là kết quả công việc. Trưởng tộc hay ủy viên hội đồng gia tộc là người phải rèn luyện vất vả, gương mẫu hi sinh về mọi mặt, không chỉ bản thân mà cả gia đình đều phải phấn đấu mới tạo được uy tín, mới đứng vững, có chức trọng quyền cao gì! Các cụ các ông, kể cả bà Thủy, do điều kiện công tác cũng có ai ở nhà mà lo được việc họ đâu! Mấy chục năm đói khát, loạn lạc không các cụ, các bà là dâu lo thì ai khói hương, giỗ chạp, tết nhất, rằm mùng đến khuyến học khuyến tài, vận động thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là xây dựng nông thôn mới, thi đua với các dòng họ khác trong cộng đồng. Từ nội trị đến ngoại giao đều trong ấm ngoài êm. Tôi thống nhất với các vị trong hội nghị không phân biệt trai, gái, dâu, rể cử bà Thủy kế vị chức trưởng tộc họ Đặng và là thành viên của hội đồng gia tộc. Xin ý kiến của toàn gia tộc!” Tiếng vỗ tay vang lên! Không ai có ý kiến thêm. Ông Chủ tịch: “Xin ý kiến bà Thủy”. Bà Thủy đứng lên châm ba nén hương cắm vào bát nhang, vái lạy tổ tiên, mắt rưng rưng lệ như thầm hứa sẽ làm hết sức mình để xứng đáng với tổ tiên và sự tín nhiệm của toàn gia tộc.
Truyện ngắn của Nguyễn Hựu