Đó là tinh thần của những thần dân có lòng yêu nước nồng nàn, sự quả cảm, hy sinh anh dũng, ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, khát khao chiến thắng, tin tưởng mãnh liệt ở tương lai của dân tộc, bất khuất trong đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm. Tinh thần dân tộc của mỗi người “con Lạc cháu Hồng” là tinh thần nhân nghĩa, thủy chung, bao dung, sẻ chia, đùm bọc, “không bỏ lại ai ở phía sau”, cùng trong hai chữ “đồng bào” thiêng liêng và thiết thực.
“Ngọc phả” là một bản sử ký của vương triều (cách gọi trân trọng so với “Gia phả” hoặc “Phả hệ”).
Ngọc phả Hùng Vương có tên gọi đầy đủ là “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” (Hùng đồ thập bát diệp Thánh vương Ngọc phả cổ truyền) do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470), hiện lưu tại Bảo tàng Hùng Vương, Đền Hùng, Phú Thọ. Ngọc phả gồm 21 tờ, 42 trang chữ Hán, tổng cộng gần 10.000 chữ. Ngọc phả Hùng Vương là sự tổng hợp thông tin từ các phong tục và di tích thờ Hùng Vương ở nhiều nơi, lưu giữ qua nhiều thời gian.
Ngọc phả Hùng Vương chính là “chìa khóa” về nguồn cội, là cuốn Thiên thư/ Sách trời giúp phân định được không gian, thời gian và con người Việt ở thời xa xưa nhất. Đây là một báu vật đúng như nó được ghi: “…Ngọc phả lưu tại viên quan lang phụ đạo, cháu chắt của Hùng Vương, cha truyền con nối cùng làng Trung Nghĩa là dân Hộ nhi Trưởng tạo lệ xã Nghĩa Cương coi giữ” hoặc “…để mãi ban cho hậu thế, con cháu dòng dõi lưu truyền muôn đời”. Tìm trong “Ngọc phả Hùng Vương” ta bắt gặp tinh thần dân tộc.
Xây dựng Quốc gia độc lập
Vua Hùng hay vẫn quen gọi là Hùng Vương, là tên hiệu các vị thủ lĩnh tối cao của nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt. Truyền thuyết kể lại rằng Vua Hùng bắt đầu từ thời xã hội Văn Lang tồn tại.
Nước Văn Lang có cương vực như toàn bộ lãnh thổ vùng Bắc Bộ kéo dài vào tới tỉnh Quảng Bình ngày nay. Theo Việt sử lược chép, nước Văn Lang do 15 bộ lạc hợp thành là: Văn Lang, Giao Chỉ, Việt Thường, Vũ Ninh, Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thanh Tuyền, Cửu Đức, Chu Diên, Tân Xương, Bình Văn, Kê Từ, Bắc Đái. Kinh đô là Văn Lang (nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi có đền thờ các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh).
Các Vua Hùng thay nhau làm chủ đất nước đầu tiên của dân Việt (Lạc Việt), truyền ngôi “Cha truyền con nối ”, thế tập tới 18 chi đời, thống trị giang sơn: 1. Kinh Dương Vương – chi Càn; 2. Hùng Hiền Vương – chi Khảm; 3. Hùng Quốc Vương – chi Cấn; 4. Hùng Hy Vương – chi Chấn; 5. Hùng Hi Vương – chi Tốn; 6. Hùng Diệp Vương – chi Ly; 7. Hùng Huy Vương – chi Khôn; 8. Hùng Ninh Vương – chi Đoài; 9. Hùng Chiêu Vương – chi Giáp; 10. Hùng Uy Vương – chi Ất; 11. Hùng Trinh Vương – chi Bính; 12. Hùng Võ Vương – chi Đinh; 13. Hùng Việt Vương – chi Mậu; 14. Hùng Định Vương – chi Kỷ; 15. Hùng Triều Vương – chi Canh; 16. Hùng Tạo Vương – chi Tân; 17. Hùng Nghị Vương – chi Nhâm; 18. Hùng Duệ Vương – chi Quý.
Ngọc phả Hùng Vương ghi rõ: “Từ đầu tính nước họ Hùng 18 nhánh truyền ấn phù quốc gia, 180 đời đế vương lên ngôi, nhất thống núi sông, xe sách trị nước, kiến dựng 120 điện thành. Cộng các năm trị vì, 18 chi đời Thánh vương di truyền, thánh tử thần tôn, triều đại đế vương, hưởng ngôi cộng là 2.622 năm, thọ 8.618 năm, sinh 986 chi hoàng tôn công chúa, sinh cháu chắt cộng là 14.370 người, trị ở nước Nam, đầu núi góc biển, vạn thế trường tồn, mãi mãi không ngừng”. Như vậy, theo nội dung Ngọc phả ghi lại, thời đại Hùng Vương có tới 180 vị đế vương, kéo dài 2.622 năm. Tính ra trung bình mỗi vị Vua Hùng trị vì khoảng 15 năm, thọ khoảng 48 tuổi. Đây là những con số hoàn toàn rất thực tế và hoàn toàn thuyết phục.
Tổ chức chính quyền 3 cấp
– Đứng đầu nước Văn Lang là các thủ lĩnh tối cao, được biết đến với tôn hiệu Hùng Vương. Hùng Vương đồng thời là người chỉ huy quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo. Con trai vua gọi là Quan lang; con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vị cha truyền con nối, gọi là phụ đạo.
Giúp việc bên cạnh vua có các quan Lạc hầu (gọi là Hồn).
– Lạc tướng là chức quan cai quản một bộ (tức 1/15 bộ của nước Văn Lang).
– Dưới Lạc tướng là chức Bồ chính đứng đầu các làng, bản. Trong làng, bản có dân sinh sống. Dân gọi là Lạc dân. Lạc dân làm kinh tế gia đình nộp tỷ lệ nhỏ sản phẩm cho Nhà nước Văn Lang. Nghề chính là cấy lúa nước kết hợp với chăn nuôi trâu bò, lợn gà, đánh cá, săn bắn. Ngoài ra còn có các nghề thủ công như làm gốm, chế tác đồ đá, đan lát tre nứa, đan lưới, dệt vải, nấu đúc đồng, rèn sắt, đóng thuyền, sản xuất đồ gỗ, đồ mỹ nghệ v.v… Đã xuất hiện một bộ phận thương nhân làm nghề buôn bán, đổi chác đồ vật.
Có một tỷ lệ nhỏ nô tỳ (gọi là xảo xứng, thần bộc, nữ lệ) phục vụ gia đình quí tộc trong nhà nước Văn Lang. Ở nước ta không thiết lập chế độ chiếm hữu nô lệ, đại đa số dân trong nước là dân tự do tức Lạc dân. Sách “Lĩnh Nam chích quái” thế kỷ 15 chép: Quan hệ giữa Vua Hùng và Lạc dân rất gần gũi “cùng cày ruộng, cùng tắm sông, cùng săn bắn, cùng xem hội”; sử cũ gọi là “đời hồn nhiên”.
Phát triển canh nông
Công cụ sản xuất bằng đồng thau trở nên phổ biến và bắt đầu có công cụ bằng sắt. Có nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, dùng sức cày kéo của trâu bò là phổ biến nhất. Ngoài ra còn săn bắt, chăn nuôi, đánh cá và làm nghề thủ công như đúc đồng, làm đồ gốm, dệt vải… Sự phân công lao động giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp đã xuất hiện.
Nước Văn Lang dù còn ở hình thức sơ khai và có phần sớm với sự phân hoá xã hội chưa sâu sắc nhưng đã đánh dấu một bước phát triển có ý nghĩa thời đại của lịch sử Việt Nam mở đầu thời đại dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lương thực của cư dân Văn Lang chủ yếu là gạo tẻ, gạo nếp nấu cơm; bữa ăn có thịt, cá, cua, lươn, ốc, ếch, rau, dưa, cà, kiệu. Gia vị dùng hành, tỏi, gừng, riềng, nghệ, ớt và nhiều loại rau thơm. Đã biết làm nhiều loại bánh kẹo, quốc tục là bánh giầy, bánh chưng. Rượu dùng cúng lễ, cưới xin, yến tiệc, đãi khách. Trầu cau dùng trong những việc đại sự như tế lễ, cưới xin, tang ma. Lạc dân thích trang trí nhà cửa đồ dùng, thích đồ trang sức, rất yêu văn nghệ ca hát nhảy múa, tổ chức các diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian. Nhạc cụ có sáo, nhị, kèn, trống, chiêng, cồng, mõ, đàn bầu, phách… Ca dao, tục ngữ và chuyện kể đã xuất hiện và từng bước phát triển.
Xác lập truyền thống đại đoàn kết dân tộc
Cùng với việc lập nước Văn Lang, Hùng Vương còn là người đặt nền tảng cho sự gắn kết ý thức dân tộc và tinh thần đoàn kết của cộng đồng người sinh sống trên đất Việt.
“Một bọc trăm trai” hay “Trăm con một bọc” là biểu hiện cho sự hùng cường của đất nước, sự hưng thịnh của quốc gia – đỉnh cao biểu tượng đại đoàn kết nơi cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Khái niệm “trăm con một bọc” không phải chỉ là số đếm mà còn là biểu tượng hội tụ đoàn kết toàn dân, thiêng liêng nơi cội nguồn dân tộc; và ở đây ta nên hiểu đúng là: Trăm trứng, trăm con trai hay “trăm con một bọc” với ý nghĩa cao cả bao trùm lên trên hết là nghĩa “đồng bào”. Trăm trai là biểu tượng của dương số tự nhiên phát triển cường thịnh. Niệm tưởng cùng một nguồn cội được thi vị hóa bằng biểu tượng cái bọc. Nhờ có cái bọc mà chúng ta có thể gọi nhau là “đồng bào” (cùng ở trong một bọc). Niệm tưởng cộng đồng là biểu tượng 100 trứng. Tất cả chúng ta đều là anh em. Tuyệt diệu hơn nữa 100 con đều nở ra một lượt và tất cả đều là con trai. Ý của tiền nhân muốn nói mọi công dân đều có quyền bình đẳng như nhau.
Đoàn kết để chinh phục thiên nhiên, để bảo vệ đất đai, để có cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các truyền thuyết như Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh – Thủy Tinh lại được đặt vào thời kỳ mở đầu công cuộc lập quốc và vệ quốc của dân tộc.
Từ hình ảnh người anh hùng nhỏ tuổi làng Gióng vung cây gậy sắt, nhổ bụi tre làng phá tan đạo quân xâm lược hung bạo của nhà Ân, gìn giữ vẹn toàn bờ cõi giang sơn; đến lòng dũng cảm của thần núi Tản Viên (tức Sơn Tinh), quyết đương đầu với phong ba bão táp với Thủy Tinh, cứu nguy cho trăm họ khỏi cơn bão lũ của “Nạn hồng thủy”. Tất cả đều nhấn mạnh đến tầm vóc to lớn của kết quả đạt được khi mọi người chung lưng đấu cật, góp sức hướng đến một mục đích cao cả ở phía trước.
Nếu không có nước Văn Lang, không có Vua Hùng, không có tinh thần dân tộc thì việc gắn kết rộng rãi ý thức dân tộc và tinh thần đoàn kết toàn dân sẽ phải mất khá nhiều thời gian sau nữa. Cho nên, chúng ta có thể nói rằng, chính Hùng Vương đã góp phần tạo nên bản lĩnh phi thường của người dân Lạc Việt và là người đầu tiên xác lập truyền thống đại đoàn kết dân tộc.
Trọng dụng hiền tài
Từ thời Hùng Vương dựng nước, hiền tài đã được coi là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí ấy chỉ xuất hiện trong những hoàn cảnh cụ thể. Nếu không có cái nhìn đặc biệt thì Vua Hùng cũng khó có thể phát hiện, thu hút, trọng dụng được hiền tài.
Chọn người đánh giặc cứu nước
Thời Vua Hùng thứ 6, quốc hiệu Văn Lang. Đất nước thái bình, đời sống người dân thịnh vượng. Nhà Vua không cống nạp triều đình phương Bắc nữa. Vì thế nhà Ân ở phương Bắc đem quân sang xâm chiếm nước ta. Vua sai sứ giả đi rao khắp nơi để tìm người tài ra đánh giặc giúp nước. Ở làng Phù Đổng có đứa trẻ lên ba chưa biết nói cười. Cậu nằm trong nôi, vục dậy bảo mẹ ra mời sứ giả vào tâu. Cậu xin Vua cấp cho một con ngựa sắt, một bộ giáp sắt, một chiếc nón sắt và một cây gậy sắt, thề sẽ đánh tan ngay quân giặc. Cậu ăn một bữa hết cả mấy nong cơm, vài nong cà. Ăn xong, cậu vươn vai đứng dậy thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Cậu từ biệt mẹ cùng dân làng, mặc áo giáp sắt, đội nón sắt, cầm gậy sắt rồi nhảy lên ngựa sắt. Ngựa phi phun lửa. Tráng sĩ vung roi xung trận. Giặc chết như ngả rạ. Roi sắt bị gãy, tráng sĩ nhổ ngay cả bụi tre ngà làm khí giới tiếp tục truy quyét quân địch. Giặc tan vỡ. Đất nước yên bình. Tới chân núi Sóc, tráng sĩ dừng lại, leo lên đứng trên một tảng đá to, cởi áo giáp sắt, vắt lên cành cây trầm hương, nhìn thẳng hướng nhà, cúi đầu lạy mẹ và dân làng, rồi cưỡi ngựa bay về trời.
Cốt truyện dung dị mà chứa đựng nhiều thông điệp của tổ tiên; song thông điệp văn hoá cao hơn cả là cách thức chọn lựa người hiền tài thật đặc biệt của Vua Hùng. Vua không chọn người hiền tài trong chốn vương phủ mà sai sứ giả đi khắp thiên hạ rao tìm. Trao cho một cậu bé lên ba sứ mệnh đầu quân đánh giặc phải là vị Vua có cái nhìn đặc biệt mới nhận ra hiền tài như vậy.
Chọn người kế vị ngôi Vua
Sau khi đánh đuổi giặc Ân từ phương Bắc tràn xuống. Vua Hùng thứ 6 thấy mình đã già, muốn chọn người kế vị bèn cho gọi đủ cả 24 người con về núi Nghĩa Lĩnh, mở cuộc thi tìm lễ vật dâng cúng tổ tiên để chọn người con nào có lòng kính hiếu mẹ cha, yêu nước thương dân sẽ nhường ngôi cho.
Hai mươi ba người con đã chia nhau mỗi người đi một nơi. Kẻ lên rừng, người xuống biển. Bới đất lật rừng tìm sơn hào, hải vị. Riêng vợ chồng Lang Liêu nghèo khó, không làm được như vậy nên rất buồn rầu. Bỗng trong giấc mơ, chàng thấy có bà tiên đến mách bảo rằng: Vật gì nuôi sống được con người thì vật đó là quý nhất.
Tỉnh dậy. Vốn có lòng thương dân, yêu lao động, tính tình hiếu thảo, lại được nhờ ơn trời mách bảo, vợ chồng Lang Liêu đã sử dụng sản vật nông nghiệp sáng tạo ra hai thứ bánh tượng trưng cho trời và đất: bánh chưng hình vuông (tượng trưng cho trái đất), bánh giầy hình tròn (tượng trưng cho mặt trời). Trong bánh chưng có nhân hành, thịt lợn, đỗ xanh tượng trưng cho động, thực vật cư trú trên mặt đất; lá dong bọc bên ngoài có lạt mềm buộc chặt tượng trưng cho sự đùm bọc của cộng đồng. Khi dâng lên, Vua Hùng ăn thử rồi khen ngợi: Bánh thì ngon, ý thì hay, tâm đức thì trong sáng. Vua rất hài lòng với món lễ vật của người con út và đã truyền ngôi cho chàng. Lang Liêu nối nghiệp là Vua Hùng thứ 7.
Chọn người hiền tài kén rể
Vua Hùng Vương thứ 18 có một người con gái rất xinh đẹp tên là Mỵ Nương công chúa, đã đến tuổi cặp kê. Vua ban truyền trong nhân gian để chọn người hiền tài, cho lấy Mỵ Nương về làm vợ.
Có hai vị thần là Sơn Tinh (Thần núi Tản Viên – Thánh Tản) và Thủy Tinh (Thần sông nước) cùng đến xin hỏi cưới. Cả hai đều tài trí hơn người. Sơn Tinh chỉ tay đến đâu núi nhô cao lên đến đấy, cây cũng mọc lên rậm rạp, um tùm. Thủy Tinh vẫy tay thì nước dâng lên cao, tôm, cá, ba ba, thuồng luồng nổi đầy mặt nước. Vua còn lưỡng lự. Bèn ra chỉ dụ, sẽ gả Mỵ Nương cho thần nào đến trước với sính lễ đủ đầy: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.
Hôm sau, trời còn chưa sáng, Sơn Tinh đã đến trước cổng thành với tất cả lễ vật cầu hôn công chúa. Giữ lời. Vua Hùng gả Mỵ Nương cho Sơn Tinh. Thủy Tinh đến trễ, biết Mỵ Nương đã theo chồng về nơi núi Tản. Lập tức đuổi theo đánh Sơn Tinh để đòi lại Mỵ Nương. Hai thần đánh nhau, trời long đất lở. Thủy Tinh làm phép dâng nước ngập núi, định dìm chết Sơn Tinh. Sơn Tinh hoá phép cho núi dâng cao. Thủy Tinh càng làm nước dâng cao, Sơn Tinh càng làm cho núi mình cao hơn. Cuối cùng Thủy Tinh đành phải chịu thua. Từ đó, hàng năm cứ vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch, Thủy Tinh lại nhớ đến thù xưa và dâng nước đánh Sơn Tinh.
Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh phản ảnh phần nào thiên tai chủ yếu mà người Việt cổ phải chống chọi. Nó cũng cho thấy sự đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh này đã trở nên sức mạnh vô địch.
Hình ảnh của Hùng Vương ngày nay được nhắc đến như người thật, việc thật, là Cụ Tổ bằng xương bằng thịt của người Việt Nam. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 (âm lịch) được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm, với sự tham gia của các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, của tỉnh Phú Thọ và các tỉnh góp giỗ. Thay vì nhằm thể hiện nguồn gốc chung của người dân Việt Nam “Con Lạc, cháu Hồng” trên khắp mọi miền đất nước, Hùng Vương đã trở thành sợi chỉ đỏ kết nối sự liên tục phát triển của lịch sử Việt Nam, về tinh thần dân tộc, về tính chính danh và sự kế thừa của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc toàn quyền đại diện cho cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Phạm Bá Khiêm