Có một người, mỗi khi nhớ đến lại thấy câu nói “Thượng đế khi tạo ra con người chắc đã dựa một phần vào bản thân, nên con người cũng có khả năng đó” là thật đúng. Với hơn ba mươi đầu sách đã xuất bản và tái bản, cho thấy anh thật nghiêm túc với con đường sáng tác, một học hỏi bền bỉ để tự làm mới mình gần như suốt đời. Nhà văn, nhà thơ, là người viết chỉ có nghĩa ở chỗ luôn luôn là những cuộc làm lại từ đầu và anh đã hơn ba mươi lần làm được như thế.
Dù đã đọc nhiều tác phẩm của anh, hôm nay tôi lại thật hứng thú mở vội tập truyện ngắn “Người giữ Thành Hoàng làng”, tập truyện ngắn mới nhất của anh do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2021. Mười bảy truyện đã cuốn hút tôi ngay từ những trang đầu tiên, đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất bất ngờ khác. Có lúc tôi cười sảng khoái hoặc tủm tỉm một mình, lúc khác thì lại rưng rưng rưng lệ. Mỗi nhân vật, từng chi tiết cùng cảnh làng quê Việt Nam thời hội nhập cứ hiện lên trong tôi. Về sau, xem lại những chú dẫn ở tiêu đề mỗi truyện tôi chợt nhận ra rằng: thì ra tập sách này anh tập hợp toàn những câu chuyện viết về làng quê, đặc biệt là những truyện anh đã tham dự cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” do báo Nông thôn Ngày nay, báo Dân Việt điện tử phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Cuộc thi kéo dài hai năm (từ 2019 đến 2021). Những truyện in trong tập sách này đều đã lọt qua vòng sơ khảo, rồi chung khảo, đã được in trên báo và phát trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam mà tôi đã từng nghe. Một số truyện khác thì đã được các cơ quan báo chí trung ương và địa phương sử dụng. Đúng là một tập sách tuyển chọn những truyện ngắn hay mới sáng tác gần đây của tác giả.
Mở đầu tập truyện là truyện ngắn “Cái cơi đựng trầu”. Truyện kể về ông bác rể và bà già (gọi theo quê của tác giả, nơi khác gọi là bá, trong tôi thì gọi là dì). Hai người cùng sống đến 89 tuổi, trọn vẹn yêu thương, thủy chung gắn bó. Họ đã vượt qua bao gian khó của thời bao cấp, chăm chút cho nhau, nuôi con trưởng thành. Ông bác là nông dân thật thà chất phác, thật đến nỗi khi ông đi bán gà trên thị xã thì cán bộ phòng thuế yêu cầu ông nộp thuế nhưng ông không có tiền đã cho ông khất để bán được gà quay về thì nộp. Vậy mà, đúng hẹn, bán xong gà ông quay về qua trạm thuế giữa trưa nắng hè oi bức, đánh thức cán bộ thuế đang nghỉ trưa để nộp thuế. Nếu như người khác, họ sẽ nhân dịp đó mà vượt qua, trốn thuế, đằng này ông lại hồn nhiên làm vậy. Thật thà đến thế là cùng. Rồi những ngày ông ốm tưởng chết, bà già đã thuốc thang chăm bẵm ông như thế nào. Đến đoạn bà ốm đúng đợt dịch Covid ông đã mong bà ra sao. Rất nhiều chi tiết cảm động. Cao trào nhất, sợi dây kết nối truyện nhất đó là cái cơi đựng trầu. Bà nghiện trầu, răng móm rụng gần hết, ông giã trầu cho bà. Khi bà mất, các con cháu và mọi người quên chôn cái cơi trầu cùng bà. Ông đã ngồi ôm khư khư cái cơi trầu đó cùng chai rượu, nhìn di ảnh bà, nhớ nhớ quên quên. Ông nói những câu chuyện không đầu không cuối, lạc vào cõi mộng du. Rồi ông lần ra mộ bà. Các con cháu không thấy ông liền nháo nhác đi tìm. Cuối cùng họ thấy ông ngồi một mình trước mộ bà cùng cái cơi đựng trầu để ngay trên đầu nấm mộ. Hình ảnh ông hiện lên nhập nhoạng lúc chiều tối giữa bãi tha ma lập lòe vừa ma mị vừa xót thương. Khi các con ông đến, ông bảo họ chôn cái cơi đựng trầu đó xuống mộ cho bà. Đọc tới đây tôi đã không cầm nổi nước mắt. Tình nghĩa vợ chồng của người nông dân thời trước sao mà sâu nặng, thủy chung đến thế.
Truyện “Chấp chới cánh cò” cũng nói về lòng chung thủy với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thông qua hình tượng con cò, tác giả đã nói về con người, cảnh báo sự hủy hoại ô nhiễm môi trường, cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Làng cò xưa trù phú đông vui là thế, mối quan hệ giữa con người với cò thân thương là thế, vậy mà khi khu công nghiệp và du lịch thị trường đến đã làm đảo lộn tất cả. Họ nhà cò phải bỏ “làng tre” mà đi. Tuy thế, cụ cò với hai lần được cứu sống và một lần nhìn xác vợ vẫn không thể quên được làng Cổ Cò thân thương. Hàng năm, cụ vẫn bay vượt hàng trăm cây số về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Lần cuối, cụ bay dẫn thằng cháu nội đích tôn mới lớn về thăm quê mục đích cho nó biết quê cha đất tổ, nhớ về nguồn cội. Vậy mà lần ấy cả hai ông cháu suýt chết vì súng săn, vì mìn phá đá. Nhưng những người như cụ Canh, người đã cứu sống cụ cò lúc nhỏ đã không còn. Rặng tre, vườn vải cũng đã mất. Thay vào đó là biệt thự, nhà hàng, là sân Gold, là công trường phá đá… Sót lại mấy con chim cuốc cuốc, bìm bịp thì chúng phải sống chui sống lủi, lúc nào cũng nơm nớp lo mất mạng về tệ săn bắn của con người. Sự bình an không thể tìm lại. Mọi cái trở nên bức bối, ngột ngạt. Cụ cò vội đưa thằng cháu thoát khỏi nơi nguy hiểm, nơi đã từng là quê hương thương nhớ của mình trong nỗi ngậm ngùi, xót xa, cay đắng.
Tôi đã đọc đi đọc lại truyện ngắn lấy tên cho cả tập, truyện “Người giữ Thành Hoàng làng”. Câu chuyện dẫn từ bối cảnh thời hiện tại, khi chủ trương sáp nhập các khu dân cư đang rộ lên để dẫn dắt về nguồn cội của làng. Đình làng và Thành Hoàng làng là trung tâm của câu chuyện. Và người giữ Thành Hoàng làng là nhân vật chính. Nhân vật này không phải là một người mà là cả mấy đời người trong gia đình đó. Cụ đồ Đỗ Đình Thi, rồi đến con trai là cụ Đỗ Đình Cử, tiếp đến là cháu nội đại tá quân đội nghỉ hưu Đỗ Đình Thắng. Nhà cụ ở gần đình nên được làng giao cho nhiệm vụ trông coi đình, phục vụ các việc cho làng ở đình. “Ngôi đình còn nguyên vẹn đến giờ chính là nhờ thái độ kiên quyết, dứt khoát của cụ. Nếu không, nó sẽ là bãi đất trống như khu chùa, khu miếu cuối làng”.
Cụ Thi được làng gọi theo tên con trai là cụ Cử. Cụ mở lớp dạy học ngay trong ngôi đình. Lớp học chữ Nho. Khi giặc Pháp đến đòi giải tán lớp học. “Chúng xì là xì lồ tiếng Tây. Cụ Cử cũng xì là xì lồ lại”. Thì ra cụ cũng nói tiếng Tây với chúng, vì cụ đã tranh thủ học tiếng Tây tự lúc nào. Bọn Pháp ngạc nhiên. Hai bên lý sự. Cuối cùng cụ đồng ý dạy tiếng Pháp cho lũ trẻ để giữ được đình làng và lấy chỗ cho cán bộ Việt Minh hoạt động. “Dùng tiếng nói của nó chống lại nó chả tốt quá rồi còn gì. Bề ngoài là vậy, bên trong thì tính sau”. Vậy là ngôi đình tồn tại và là cơ sở bí mật của cán bộ Việt Minh. Đến thời cách mạng, có thời đập phá đình chùa, xóa tàn tích phong kiến, chùa, miếu, đền của làng bị phá hết. Đến ngôi đình, cụ Cử tẩm xăng ngồi giữa sân đình quyết sống mái để giữ lại ngôi đình. Những người thực thi toàn là học trò chữ Nho, chữ Pháp của cụ đã phải nhượng bộ, dừng chuyện đập phá đình. Sang thời chống Mỹ, máy bay Mỹ ném bom mấy lần làm sập mái đình, cha con cụ lại dọn dẹp tu sửa lại. Làng đi sơ tán hết, cụ Cử con vẫn đào hầm ở lại. Rồi một trận bom Mỹ đã cướp đi sinh mạng cụ.
Không thể không cười với “súng ống” của Tỵ móm trong truyện “Hội kéo co”. Dưới ngòi bút của tác giả, hội làng mùa xuân hiện lên thật tưng bừng rộn rã. Những trò chơi dân gian được tác giả khắc họa rất sinh động. Không chỉ thi đua trong lao động sản xuất, dân làng còn ganh đua với nhau trong các trò chơi. Màu cờ sắc áo của các xóm thể hiện rất rõ nét. Tiếng cười rộn lên dưới gốc đa làng ngày Tết thật thú vị. Để rồi không thể kìm được nước mắt với lão Gù, một người ngụ cư đầy tự trọng của làng Cổ Cò với những bản nhạc Trịnh và một cuộc tình buồn. Rồi tình yêu quê hương được kí gởi thật nhẹ nhàng với truyện “Nghệ nhân bánh giầy”, “Nhịp trống hồn Xoan”. Hay nối tiếp với những kí ức về chiến tranh, được tác giả kể lại thủ thỉ, mộc mạc nhưng gắn kết, chân tình, hy sinh cho nhau trong sống chết, gây thật nhiều xúc động. Đó là các truyện “Cô Lụa”, “Duyên biên cương”. Viết về chiến tranh, tác giả đã khéo léo để người đọc cảm nhận không khí địch ta hồi đó và tình huống bất ngờ khi đồng đội cũ gặp nhau, trở thành thông gia của nhau. Tất cả chỉ là nhắc nhớ kỷ niệm chiến trường xưa. Cái còn lại là tình người, là nhận rõ ra nhau để hướng về tương lai phía trước, xây dựng hạnh phúc cho con cháu.
Trong tập có hai truyện mang hơi thở thời đại với đại dịch Covid-19 toàn cầu, đó là “Đường về giỗ Tổ” và “Hạnh phúc bất ngờ”. Vẫn chủ đề quê hương nguồn cội, “Đường về giỗ Tổ” kể về một người Việt Kiều từ Mỹ về Việt Nam. Bà này theo chồng di tản năm 1975, sang đó với hai bàn tay trắng, rồi chồng chết, bà ở vậy vượt lên. Cuối đời, bà chỉ mong về quê hương một lần để ra Bắc viếng Mộ Tổ Vua Hùng. Về đúng đợt dịch, bà và cháu ngoại phải vào khu cách ly tập trung. Ở đó, bà có thêm thời gian để hiểu về đất nước sau bao năm xa cách. Rồi chuyến ra Bắc đã cho bà thấy Tổ quốc mình đẹp và đổi mới ra sao. Bà tự hào lắm. Bà đã gói nắm đất núi Hùng để mang sang Mỹ. Sau đợt này về, dẫu có nhắm mắt xuôi tay thì bà cũng đã yên lòng rồi. Còn “Hạnh phúc bất ngờ” kể về mối tình của anh lính trẻ với cô y sinh. Họ gặp lại nhau giữa những ngày đại dịch trên cùng một trận tuyến. Hạnh phúc bất ngờ, giản đơn nhưng thật ý nghĩa.
Cái chân chất ở rừng đồi thật khó xử với cái đài các, của dâu con phố thị. Nhưng cái tình thương con, thương cháu thì không dứt ra được của người quê, nên luôn là chờ đợi dành những gì tốt đẹp nhất cho chúng trong các truyện “Rộn ràng đường xuân”, “Sao đổi ngôi”, “Thấm đẫm ánh trăng”. Những câu chuyện tình thật cảm động. Trên hết là tình quê chân chất, thật thà, sẵn sàng hy sinh, dâng hiến cho nhau. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, họ là những người nông dân tiếp tục dấn thân làm giàu cho gia đình và làng xã. Hơi thở nông thôn thời hội nhập phả đầy trong những người nông dân tri thức, cần cù, chịu khó như ông Chiến (Gương đồng), vợ chồng ông Đồng (Vua cua đồng), Tỵ móm (Hội kéo co), bà Tịch, ông Có (Rộn ràng đường xuân), trưởng thôn Huy (Tấm thẻ cử tri)… Tất cả họ, những nhân vật của nông thôn thời hội nhập hiện lên thật đáng yêu dưới ngòi bút chăm chút của tác giả.
Khép lại tập truyện gần ba trăm trang giấy mà ngẩn ngơ với làng Cổ Cò, với đồi Hang Khay, với nghĩa trang làng có lão Gù, có những vì sao đổi ngôi những đêm hè mơn man gió hạ. Mười bảy truyện ngắn chọn lọc trong ba trăm trang sách đã làm nên một “Người giữ Thành Hoàng làng” thật vâm váp và hấp dẫn. Khép tập sách lại mà vẫn như còn luyến tiếc. Hình ảnh làng Cổ Cò thời hội nhập với những nhân vật đáng yêu vẫn còn ám ảnh trong đầu tôi. Tôi cứ như thấy ngôi làng đó, những nhân vật đó ở ngay trước mặt mình.
Sẽ hạnh phúc biết bao cho bất kì một tác giả nào, có được một làng Cổ Cò của riêng mình, để cảm xúc thăng hoa, tâm hồn rộng mở, để có được cái cảm giác run sợ, giật mình thon thót vì một lúc nào đó có lỗi với làng. Hoặc để rung ngân lên thành thơ, thành nhạc, thành những tác phẩm nghệ thuật ăm ắp bóng làng, hồn làng, để thêm yêu, thêm nhớ làng quê của mình hơn nữa. Tất cả những cái đó đều đến từ tâm hồn hơn là lý trí. Tác giả đã vượt qua cái cơ bản của chữ nghĩa, tác phẩm như được viết từ trái tim với từ ngữ đơn giản nhưng đầy cảm xúc. Chúc mừng Đỗ Xuân Thu. Anh đã thành công với một tác phẩm nữa.
Hàm Chương