Trời chiều. Núi, rừng, mây, sương bảng lảng, phảng phất ánh cuối cùng của hoàng hôn. Thảng thốt tiếng chim tu rúc gọi bạn tình… Thao thao tiếng hát cô gái Dao ngang lưng chừng núi. Bông chuối rừng phập phùng ánh đuốc đỏ. Đứng giữa bao la đất trời, tôi thả hồn mình lên tận ngọn núi Trâu Nằm Bò Chửa. Hoàng hôn vẫn đậu trên đó giống như ngọn đèn. Ánh chiều tắt. Thả vào đó là trăng. Sương chiều lã chã… Ấy là lúc lão Hiều rời núi về nhà. Nhìn thấy tôi, lão hỏi:
– Vớ, thế cậu chưa về xuôi à?
– Dạ, cháu mai mới về. Có lẽ mai mưa ông Hiều nhỉ?
– Vớ, lại bảo tôi dự báo thời tiết phỏng. Nếu mai mưa thì thầy chả về xuôi được rồi. Nước nó lại xối xả từ đỉnh núi Trâu nằm Bò chửa xuống thôi. Không đi được. Nhưng có lẽ mai chẳng mưa đâu…
– Nếu mưa, ở lại với ông Hiều nhé?
– Được chớ, được chớ… Ở lại uống rượu… chà, chà…
Lão Hiều gác cuốc vào vách chuồng bò rồi ra suối rửa chân. Nước suối trong mát. Suối Bương đã một thời ngầu đỏ vì dân bản đói nghèo phải đi đào củ mài, củ niễng sống qua ngày. Thế mà giờ con suối này, lúa đã mướt xanh. Lúa đương thì con gái. Đẹp. Mỡ màng. No đủ quá. Lão Hiều vã nước vào mặt rồi từ từ thả mình vào dòng suối. Cái nắng nóng mùa hạ tan dần, tan dần. Tôi lơ vơ lại gần ông Hiều.
– Lão Hiều đi vỡ thêm đất à?
– Tao vỡ được 5 mẫu rồi đấy. Còn sức khoẻ tao còn vỡ đất. Hôm nay vỡ thêm ở núi Say Sẩm. Đất thịt hơn tao nghĩ thầy giáo ạ.
– Nhà lão ít người, nhiều rừng nhiều ruộng lại có gần trăm con lợn lửng. Nghỉ ngơi cho khoẻ!
– Vớ, Đảng, Bác Hồ còn cho tao khoẻ mạnh. Tao phải làm chứ. Vợ con tao còn phải làm nữa là… Tao là đàn ông, tao là đảng viên phải gương mẫu chứ.
– Lão khai thác gỗ ở khu rừng Sịch chưa. Bạch đàn lớn đấy.
– Chỗ ấy tao tính sơ sơ được trăm triệu đấy. Sắn tao bán hôm trước rồi, được hai chục triệu. Tao gửi cho thằng út làm ăn dưới xuôi rồi.
– Nhà có nhiều tiền rồi, sao lão không sửa sang nhà cho khang trang hơn.
– Tao cho nhà Dinh nó vay. Nó còn nghèo lại đang thầu khu rừng Sim. Tao bảo nó cách làm ăn để dành tiền cho ba đứa con học hành.
– Lão tốt thế.
– Trước người khác giúp tao. Giờ tao có tiền phải giúp đỡ người bản chứ.
Lão Hiều bước lên bờ thì trăng cũng lắng lại nơi lòng suối. Nhóng nhánh. Mát lành. Lách rách tiếng nước chảy tựa bản nhạc của vùng sơn cước. Lão Hiều vào nhà cầm bình rượu chít và hai chiếc chén nhỏ ra sân. Tôi và lão cùng uống. Rượu chít thơm, ngon đến lạ. Lão Hiều uống rất chậm. Uống xong một ngụm lão lại đưa miếng thịt lợn rừng sấy khô trên gác bếp vào miệng nhai ngon lành.
– Thầy giáo phải tập uống rượu cho ấm bụng. Dạy con em chúng tao cho tốt. Cho nó cái chữ già Hồ để nó như thầy giáo.
– Cô Lan có về bản dạy học không lão?
– Nó theo chồng dưới xuôi. Không về được. Dà dà, nó về dạy con em bản có tốt hơn không. Bản cho nó đi học mà…
Lão chặc chặc, chà chà tiếc cô con gái cả là giáo viên nhưng phải theo chồng về xuôi. Thuyền theo lái gái theo chồng mà… Lão ngăn sao nổi.
– Dạo này, lão thấy đau trong người không?
Lão Hiều vỗ vỗ vào ngực, ực một ngụm rượu rồi nói:
– Có, có… Nó vẫn trong này này, trong này này, chà chà… Nó vẫn nhắc tao phải nhớ đấy.
*
* *
… Vào một sáng sớm, bản Phùng người Dao Đeo Tiền vẫn im lìm trong giấc ngủ thì nghe có tiếng trẻ khóc. Nhà lão Mùi – Bí thư Đảng ủy xã ở gần đấy nên dậy đầu tiên. Lão chạy ra nơi có tiếng khóc. Một đứa trẻ tím tái được cuốn trong những mảnh tã lót rách. Lão liền bế đứa bé vào nhà. Vợ lão đang ở cữ nên đứa bé cũng được bú no nê và ngủ một giấc dài. Lão Mùi thấy trong đống tã lót có tờ giấy viết bằng máu: “Xin ai nuôi con tôi. Vì hoàn cảnh tôi phải bỏ con chốn này. Tôi ở dưới xuôi. Xin rủ lòng nuôi con tôi“. Cũng may lão Mùi biết được nhiều thứ tiếng, có cả tiếng Kinh nên mới đọc được mảnh giấy này. Lão giữ lại mảnh giấy trong ống bương treo trên gác bếp.
Hiều lớn lên ở nhà lão Mùi. Được mười tuổi thì có một gia đình người Dao Quần Chẹt ở bản bên đến xin làm con nuôi. Hiều thành con ma nhà người Dao Quần chẹt. Làm lụng chăm chỉ, ngoan ngoãn nên Hiều được bố mẹ nuôi thương yêu. Tục lệ ở đây khá lạ, người dân nơi đây yêu thương con nuôi như con đẻ. Có khi đối xử còn hơn con đẻ nữa. Họ nghĩ rằng, người đến ở với nhà mình là trời cho. Nhưng ở trong một gia đình nghèo nên Hiều không thể làm lễ cấp sắc, lập tĩnh. Đây là lễ cúng ma công nhận một đứa trẻ thành người đàn ông trưởng thành. Mà không làm cái lễ này thì không thể thành người lớn được. Như thế sẽ không lấy được vợ, không được tham gia bất cứ việc gì của làng của bản. Mười bảy tuổi, Hiều vẫn chưa có cô gái người Dao, người Mường nào để sớm sớm chiều chiều tự tình bên suối Bương cả. Còn Hiều đã thầm thương trộm nhớ cái Són con ông Mùi – bố mẹ nuôi ngày trước. Cái con bé đẻ cùng với Hiều ấy. Cái Són xinh đẹp lắm, hát hay, dệt thổ cẩm đẹp lại chăm làm. Bao lần Hiều cũng đến chọc sàn ngủ thăm nhưng đều bị bố mẹ cái Són ngăn cấm. Lão Mùi làm Bí thư Đảng ủy xã tuy không câu nệ lệ tục, nhưng phép vua thua lệ làng. Với lại lão muốn con gái được học hành tử tế để có tương lai xa hơn nữa. Còn cái Són cũng thích và yêu thằng Hiều. Bao lần làm nương cuốc rẫy nó đã lén theo chân thằng Hiều thả trâu ven rừng. Nhiều đêm cái Són dối cha mẹ cho thằng Hiều vào ngủ thăm. Bản người Dao này, con gái đến tuổi cập kê thì thanh niên trai tráng trong bản được đến chọc sàn ngủ thăm. Nếu cô gái đồng ý thì người con trai được ngủ lại. Nếu cô gái có chửa thì được quyền lựa chọn những chàng trai đã từng đến ngủ với mình. Còn cô gái không đồng ý cho ngủ thăm thì sẽ cuộn chặt váy lại, người đàn ông không thể gỡ được. Người con trai cố tình ngủ sẽ bị cô gái lấy con dao giấu ở đầu giường doạ chém. Hiều và Són đã tự tình dưới gốc cây lộc vừng cổ thụ bên suối Bương. Những chùm hoa lộc vừng vàng vàng, trăng trắng toả hương dịu nhẹ khiến khứu giác con người như tê dại. Thi thoảng những bông hoa thơm dịu xoay xoay rơi lên mặt nước rồi trôi theo dòng tựa như má lúm đồng tiền của người con gái vậy. Thơ mộng. Gợi tình. Cảnh vật, con người như hoà chung làm một. Cái Són, thằng Hiều đã “ngủ thăm” ngay trên phiến đá giữa lòng suối. Thân thể cái Són trắng ngần, thơm mùi ngô nếp nướng. Chân cái Són dài thả vào dòng suối mát rười rượi. Thân thể cái Són tan ra theo nhịp thở của núi rừng, à không, theo nhịp tình của thằng Hiều chứ…
*
* *
Đất nước lâm vào cảnh giặc giã. Hiều dứt tình yêu đôi lứa, tay cầm lá đơn không có chữ mà chỉ là dấu vân tay bằng máu của mình đăng ký tòng quân. Hiều vào chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Phục vụ trong một đơn vị thông tin liên lạc. Hiều đã cùng đồng đội ghi bao chiến công lẫy lừng cho đơn vị. Hiều được phong Anh hùng lực lượng vũ trang vì đã lập thành tích vang dội, giúp quân đội ta đánh thắng giặc ngọai xâm trong trận chiến máu lửa năm nào. Cũng chẳng biết lúc ấy thế nào. Có thể, lòng quả cảm đã giúp Hiều làm được điều phi thường ấy. Đường dây liên lạc bị đứt, Hiều không ngần ngại lấy thân mình làm đường truyền cho dòng điện chạy qua. Dòng điện chạy Hiều như tê đi, người bị giật cong lên, hai con mắt như lồi ra, hai hàm răng cắn chặt, tứ chi tê dại. Toàn thân không còn cảm giác của đau đớn. Hiều tỉnh dậy khi quân ta đã chiến thắng vang dội. Trong trận đánh ấy, đồng đội của Hiều đã hy sinh chỉ còn lại duy nhất Hiều. Hiều khóc trong nỗi đau mất đồng đội. Hiều khóc trong niềm vui chiến thắng.
Hiều trở về quê hương với những thương tật và chiến công là huân, huy chương. Lúc ấy, Hiều đã là một đảng viên ưu tú. Ngỡ tưởng thương tật với những nhức nhối đau đớn Hiều sẽ chẳng làm được gì. Nhưng chính mảnh đất đã cứu sống, cưu mang, nuôi sống Hiều ngày nào lại cho Hiều được cống hiến. Bao năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tục lệ cấp sắc lập tĩnh đã khiến Hiều chẳng thể lấy được người con gái đã trao cái trinh nữ cho mình ngày ấy. Són đi lấy chồng. Con đầu của Són chả biết có phải của Hiều không? Hiều cũng không thể nhận nó được. Hiều lấy vợ người Mường là bà Siềng hiện giờ. Bà đẻ cho người anh hùng tên Hiều vài đứa con. Họ cũng là gia đình đầu tiên ở bàn Phùng này đào núi làm ruộng, trồng lúa nước. Gian nan. Vất vả. Máu. Nước mắt. Đất đã trộn với công lao khó nhọc của đôi vợ chồng trẻ. Họ muốn có cuộc sống ổn định, không du canh, du cư. Họ không cam sống cảnh ăn lông ở lỗ. Họ muốn bám chặt đất rừng nơi đã nuôi dưỡng họ lớn lên. Một đêm như bao đêm nào, Hiều bàn với vợ:
– Này, tao với mày vào núi Say Sẩm nhé.
– Vào làm gì?
– Đào núi làm ruộng
– Vớ, làm thế nào được. Trồng lúa nương à?
– Lúa nước.
– Tao không biết trồng lúa nước.
– Tao học rồi. Mày là vợ, phải đi theo tao chớ. Mai đi.
Hai vợ chồng đùm núm vào núi Say Sẩm. Hàng tháng trời ở trong đó. Mệt mỏi. Vất vả. Bệnh tật, ôm đau tưởng như chẳng thế làm nổi. Vợ bảo chồng:
– Về thôi, tao không làm được đâu. Về hay đi chỗ nào đấy đố rẫy làm nương thôi.
- Rừng đâu mà mày đốt mãi. Đốt hết thì sống bằng gì. Cố lên. Làm đi. Sẽ có gạo ăn mà…
Hai vợ chồng cùng nhau cố gắng đào núi moi ra từng cục đất để làm ruộng. Đá đè gãy một bên tay của vợ. Cuốc ăn mất một bên đùi của chồng. Vết thương bị nhiễm trùng, ròi bọ ở trong đó đẻ ra một bọc cứ muốn ăn cả xương của họ. Cũng may những lá thuốc của núi rừng cứu họ thoát chết. Sau chục năm trời vào những khe núi vỡ đất làm ruộng. Bao cuốc, bao mai, bao dao đều gãy. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua nắm khác, họ đã có hàng mẫu ruộng. Họ trồng lúa nước thành công, họ dạy dân bản làm theo. Người này làm theo người kia, người kia dạy người kia nữa. Dân bản đã biết trồng lúa nước, cuộc sống ổn định hơn. Lão Hiều đã xin UBND xã Phùng thầu khu rừng Sịch trồng bạch đàn, trồng sắn. Lão đi học hỏi làm kinh tế đồi rừng. Tiền tích cóp được trong bao năm trồng lúa nước, nuôi gia súc, gia cầm lão mua cây giống về trồng. Lúc đầu làm nhỏ lẻ, sau cứ lấy ngắn cắn dài lão đã có gần trăm ha trồng bạch đàn, cây nguyên liệu giấy và hoa màu. Vợ chồng lão còn chăn nuôi lợn lửng bán cho các nhà hàng khách sạn dưới xuôi. Lão không chỉ làm giàu cho mình mà còn làm giàu cho dân bản Phùng nữa. Lão cho họ vay vốn không lấy lãi, dạy họ cách làm để họ được giàu như lão. Nghe kể về lão và chứng kiến lão khi già vẫn ham làm việc tôi thực sự cảm phục. Tôi sờ vào bên đùi bị thương của lão, hỏi:
– Chỗ này còn đau không?
– Thỉnh thoảng nó vẫn hành tao đấy.
– Thế chỗ này… tôi đặt tay lên ngực ông?
– Mày hỏi thế là thế nào thầy giáo?
– Bà Són ấy.
– À, nó chồng con đề huề rồi. Giàu rồi. Con nó giỏi lắm là giám đốc một công ty lớn đấy. Nó đầu tư cho bản nhiều lắm. Cái trường cấp I là nó bỏ tiền ra xây đấy.
– Anh ấy là con lão à? Lão có dám nhận không?
– Không nhận được đâu. Nó cũng không gọi cái Són là mẹ đâu mà là chị đấy. Tục lệ ở đây là vậy đấy. Nó không là con tao mà là con của bản người Dao này. Thật là cảm ơn Đảng, Bác Hồ đã cho bọn trẻ cái chữ để chúng nó biết sống tốt hơn. Tao cũng nhờ có vậy mới biết làm giàu đớ. Dân bản tao cũng thế.
Nhìn lão Hiều mà tôi thấy đau đáu niềm tin của một lớp người tuy không được học hành nhưng họ đã làm giàu bằng chính đôi tay của mình. Đối với tôi, một giáo viên bị tăng cường lên đây mấy năm mới được về xuôi. Lúc đầu tôi coi là cực hình. Tôi thích ở thành phố nhưng gia đình tôi không đủ “đô” “chạy” được nên tôi phải chịu lên cái xứ này. Tôi buồn chán, tha thẩn chẳng muốn dạy gì cả. Nhưng ở mãi cũng thành quen, thành thân tự lúc nào không biết. Tuy là vùng sâu vùng xa nhưng bản Phùng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng như điện, đường, trường, trạm theo chương trình 135, 134 nên cũng đã khởi sắc.
Đến đây, tôi mới thấm hiểu được sức lao động, sức vươn của những con người đã một thời ăn lông ở lỗ, du canh du cư, đốt rẫy làm nương. Họ đã thực sự biết làm giàu. Làm giàu còn giỏi hơn nhiều người xuôi nữa. Ấy là họ có niềm tin, họ có niềm tin vào tương lai. Như lão Hiều ấy, một đảng viên kỳ cựu nhưng mộc mạc, một anh hùng lực lượng vũ trang nhưng lại gần gũi, đời thường, chịu thương chịu khó và giám hi sinh cho tương lai. Chính ông và những người như ông đã thay đổi bản làng để cho lớp con cháu như cô giáo Lan, con trai bà Són tiếp nối và cống hiến cho quê hương. Chính họ đã giúp tôi có quyết tâm định cư ngay chính mảnh đất này. Tôi thà làm bông hoa chuối rừng đốt cháy mình nơi núi rừng còn hơn làm cánh chim lạc bầy nơi phố thị. Chính vì vậy, mai tôi về xuôi làm thủ tục chuyển khẩu về đây. Ngày mai, trời sẽ không mưa đâu. Lão Hiều bảo thế.
N.T.H.C