“Trở lại rừng Sác quê tôi
Mênh mông sông nước bồi hồi nhớ thương
Bao nhiêu bom đạn chiến trường
Bao nhiêu kỷ niệm tình thương mặn nồng”.
(Trích bài thơ “Một thời rừng Sác” – Đại tá, AHLLVT Lê Bá Ước)
Có câu nói rằng “Cuộc đời con người giống như chiếc xe đạp, nếu vòng bánh không quay thì chiếc xe sẽ đổ”, vì vậy cuộc đời mỗi người cần gắn liền với những chuyến đi, đi để khám phá, học tập, đi để trải nghiệm, trưởng thành và để hoàn thiện mình. Thật may mắn, trong chuyến đi trại sáng tác Văn học nghệ thuật 2024 của Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ tại Vũng Tàu, tôi được đọc tập hồi ký “Một thời rừng Sác” của Đại tá, AHLLVT Lê Bá Ước, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác Anh hùng biên soạn. Nếu không được đọc cuốn sách này thì hằn sâu trong suy nghĩ của tôi, chiến tranh đã mang đi hết những gì tươi tốt nhất của vùng đất Rừng Sác – Cần Giờ. Vì vậy, mỗi lần nhắc đến địa danh này ngoài sự tự hào, cảm phục về những chiến công hiển hách của các chiến sỹ còn là sự xót xa cho những giá trị sinh thái mà chiến tranh đã tàn phá. Bằng sự thôi thúc khám phá cùng tình yêu lịch sử, tôi trên chiếc xe máy sau 30 phút ngồi phà từ Vũng Tàu sang Cần Giờ với âm thanh bình yên cùng làn gió mát của sóng biển vịnh Gành Rái, thật ngỡ ngàng hiện ra trước mắt tôi là một rừng Sác yên tĩnh, ôm trọn lấy tôi, xoa dịu những căng thẳng và mệt mỏi đời thường. Sống trong sự chật chội nơi thành thị tôi như vỡ òa với thiên nhiên kỳ thú nơi đây. Bầu không khí trong lành không thể nào cưỡng lại, tôi nhắm mắt hít hà mùi nồng nồng của cây đước, cây mắm mà ngỡ như đang lạc vào thiên đường xanh ngắt… Là người con của Phú Thọ, tôi sinh ra và lớn lên nơi Đất Tổ, Vua Hùng linh thiêng nguồn cội dân tộc. Sài Gòn những năm 1960 đọng mãi trong ký ức tôi là những chuyện kể về chiến tranh với những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của lực lượng cách mạng. Cả Sài Gòn rung động khi xảy ra trận đánh làm nổ tung con tàu Victory của Mỹ, hay sau đó không lâu là trận đánh bom Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, lửa cháy ngùn ngụt suốt 12 ngày đêm.
Sau này lớn, đi học rồi đi làm, tôi có dịp đọc nhiều sách vở tài liệu và được biết đó là những chiến công gắn liền với các chiến sĩ đặc công rừng Sác. Tôi cũng được biết, ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền (gọi tắt của Bộ Tư lệnh các LLVT Nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam) ra quyết định thành lập Đặc khu quân sự rừng Sác (mật danh T10, sau đổi tên thành Đoàn 10 đặc công rừng Sác – cấp trung đoàn), với nhiệm vụ chủ yếu là án ngữ đường thủy chiến lược trên sông Lòng Tàu, phá hủy các kho tàng, bến bãi của địch và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta.
Tính ra trong 9 năm (1966 – 1975), Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã đánh gần 600 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch. Còn để tồn tại, ngoài nhu yếu phẩm do nhân dân giúp đỡ, bộ đội đặc công còn phải tự túc bắt cua, còng, cá, hái lá kìm, đọt chà là… Rừng Sác và lính đặc công “Việt cộng” là nỗi ám ảnh của nhiều lính Mỹ. Chính tướng Mỹ W. Westmoreland, Tổng Chỉ huy lực lượng viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam thừa nhận, đó là “một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ”. (Theo cuốn “Một thời rừng Sác” của Đại tá, AHLLVT Lê Bá Ước). Bởi thế, tại chiến khu này có 915 liệt sỹ đã hy sinh, trong đó có 33 liệt sỹ là người con của miền đất Vĩnh Phú xưa, nay là tỉnh Phú Thọ. Thân thể các anh đã hòa vào đất mẹ để đất nước được hòa bình, thống nhất. Đến nay vẫn còn 542 liệt sỹ chưa tìm được hài cốt nhưng tên các anh mãi còn đó trên bia mộ tưởng nhớ tại nghĩa trang Cần Giờ.
“…Xương trắng nở hoa tận đáy sông
Mênh mông rừng Sác nhuốm màu hồng
Năm trăm hài cốt tìm chưa thấy
Rừng đước bạt ngàn ngập chiến công…”
(Trích trong bài thơ “Thương nhớ” của Đại tá, AHLLVT Lê Bá Ước)
Nếu Củ Chi được ví là “căn cứ chìm” thì rừng Sác là “căn cứ nổi” và cả hai là biểu tượng của một Sài Gòn “gian lao mà anh dũng” trong kháng chiến chống Mỹ. Đến rừng Sác, điều tôi cảm nhận là khúc sông hay bờ cây nơi đây đều thấm máu và đằng sau đó là những kỳ tích. Chiến khu rừng Sác – địa danh gắn liền với các chiến sỹ đặc công Trung đoàn 10 thời kháng chiến chống Mỹ. Qua hơn 40 năm chiến tranh, những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của họ vẫn còn vang mãi.
Di tích căn cứ rừng Sác là rừng nguyên sinh ngập mặn thuộc huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, nằm ở hướng đông nam, cách trung tâm thành phố khoảng 40 km. Phía Bắc giáp huyện Long Thành – Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Phía đông giáp Phước Tuy, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phía tây nam giáp tỉnh Tiền Giang và Long An. Phía đông nam giáp biển Đông. Để vào tham quan nơi đây có 2 cách, đi bộ hoặc ca nô. Phần lớn du khách chọn ca nô để có những trải nghiệm thú vị để được hưởng cái cảm giác sảng khoái khi ca nô lướt vòng vèo dưới tán rừng đước rễ chùm to, đan xen chồng chéo lên nhau bám chắc vào bùn đất ven sông. Sau chừng 10 đến 15 phút lướt trên con lạch ngoằn ngoèo, ca nô sẽ cập bến. Dưới tán cây rừng Sác, một không gian nhỏ tái hiện gần giống như chiến khu năm xưa một phần cuộc sống và chiến đấu của bộ đội đặc công Trung đoàn 10 thời Mỹ ngụy. Những lán nhỏ mái lá rải rác khắp nơi là Hội trường, Trạm xá, Sở chỉ huy, nhà hậu cần, nhà chế tạo vũ khí tự tạo, những căn hầm trú ẩn… được nối với nhau bằng những con đường giữa rừng dựng từ tre nứa, thân mắm, đước.
Len lỏi trên kênh rạch giữa những hàng cây mắm, đước, bần chằng chịt, tôi dừng lại trước pho tượng đài cao vời vợi giữa rừng lặng lẽ mà hiên ngang. Điều đầu tiên làm tôi ấn tượng hơn cả là những bức tượng “sống” về các chiến sĩ đặc công rừng Sác được tạo dựng ở đây họ đang trình bày phương án và hạ quyết tâm tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè. Nhìn xa xa phía trước là những bức tượng một nhóm mình trần, quần đùi xà lỏn đang chuẩn bị vũ khí chiến đấu. Đi về phía tay phải dưới con lạch là một bức tượng chiến sỹ đang quần nhau với cá sấu. Chuyện kể rằng, trong một lần hành quân chiến sĩ Hoàng Dương bị cá sấu lao đến cắn vào vai trong giây phút nguy nan anh đã bình tĩnh rút con dao đeo bên người đâm vào mắt cá sấu khiến nó phải buông mồi, nhiều chiến sĩ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng đã thoát thân nhờ lòng dũng cảm, mưu trí đánh lại cá sấu.
Khó khăn là vậy, gian khổ là vậy nhưng những chiến sỹ đặc công rừng Sác vẫn chiến đấu đến cùng, người này ngã xuống người khác tiếp tục tiến lên bằng ý chí, nghị lực và cả sự thông minh, tinh tế, linh hoạt. Họ nắm bắt địa bàn rừng Sác trong lòng bàn tay, đến nỗi “một tiếng con heo, con nai kêu có thể đoán được vì sao nó kêu, một tiếng lội dưới nước phải đoán được tiếng lội của hai chân hay bốn chân”. Vì vậy mà các chiến sỹ vai trần chân đất từng là nỗi khiếp sợ của đối phương, nha cảnh sát Sài Gòn lúc bấy giờ đã phải treo thưởng hàng chục cây vàng cho ai bắt được đặc công rừng Sác, tướng Mỹ Óetmôlen đã phải thốt lên rằng: “Chưa có chiến trường nào kỳ quặc như chiến trường rừng Sác”. (Theo cuốn “Một thời rừng Sác” của Đại tá, AHLLVT Lê Bá Ước).
Là đơn vị độc lập nên Ban chỉ huy và Ban hậu cần T10 chủ yếu dựa vào sự che chở, đùm bọc của nhân dân vùng ven đô. Những nhu yếu phẩm như: gạo, đường, thuốc… đều do các gia đình cơ sở bí mật chuyển vào căn cứ. Có những thời điểm địch phong tỏa gắt gao, đơn vị phải tổ chức thu mua gạo từ xa, rồi ngụy trang mang, đưa được hàng chục tấn gạo vào căn cứ. Những năm tháng khó khăn (1969 – 1971), cán bộ, chiến sĩ phải ăn cháo, rau thay cơm vì địch phong tỏa các đường tiếp tế. Tuy nhiên, các chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ rừng Sác để chiến đấu với tâm nguyện “một tấc không đi, một ly không rời trận địa”. Toàn bộ rừng Sác là rừng ngập mặn, quanh năm không có nước ngọt, nhất là vào mùa khô, cán bộ, chiến sĩ phải chèo ghe ban đêm, luồn lách tránh biệt kích, máy bay để vào các ấp chiến lược chở từng can nước giếng. Chỉ một thời gian sau địch phát hiện, nắm được quy luật này đã tiến hành phục kích án ngữ các giếng, bờ ao. Bởi thế nhiều chiến sĩ đã phải đổ máu để có thùng nước ngọt. Ở giữa rừng Sác dưới những tán cây cao um tùm là bể nước mưa được hứng từ ngọn cây, do trong rừng thiếu nước ngọt để uống nên các chiến sỹ Đoàn 10 hứng nước mưa từ những tán cây ấy, bên cạnh đó các chiến sỹ còn lấy nước mặn để nấu thành nước ngọt theo kiểu chưng cất như nấu rượu. Trung bình 2 chiến sĩ nấu 24h đồng hồ thu được 300 lít nước ngọt đủ cho một trung đội ăn uống trong 1 ngày. Sáng kiến này đã giải quyết được 1 trong những khó khăn lớn nhất của Trung đoàn. Đến thăm rừng Sác mọi người được tận mắt nhìn thấy khung cảnh sinh hoạt, chiến đấu của những người lính Cụ Hồ trong lòng tôi trào dâng những tình cảm trân trọng, khâm phục xen lẫn sự biết ơn.
Tôi như được hòa mình trong thiên nhiên xanh và không gian huyền thoại. Cứ tưởng tượng giữa bầu trời thoáng đãng, thả mình lang thang trong rừng, ngắm mây xanh bồng bềnh, lắng nghe bản hòa ca hoang dại từ các loài chim ríu rít, ngắm nhìn những chú khỉ đùa mà không hề có gì e ngại con người, cuối cùng khám phá một thời huyền sử khi ánh nắng vàng vắt qua khe lá, một cảm giác thật lạ kỳ và tràn ngập hào khí. Nhắc đến rừng Sác hôm nay, người ta không chỉ nhắc đến một rừng Sác anh hùng, một rừng Sác đau thương, một rừng Sác huyền thoại mà thay vào đó là một rừng Sác tươi xanh với những hoạt động du lịch của hệ sinh thái rừng ngập mặn và những hệ thống giao thông, điện lưới được đầu tư hiện đại.
Rừng Sác – địa danh đã ghi nhiều dấu ấn lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hơn 40 năm sau chiến tranh, trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm và thử thách, bằng công lao của nhân dân và nỗ lực của chính quyền Cần Giờ đã mang một vóc dáng mới, Chiến khu Rừng Sác đã được tạo dựng thành một điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục về truyền thống chiến đấu dũng cảm của quân dân Nam Bộ. Được ví như một “vùng đất chết” bởi nhiều đau thương, mất mát trong những năm tháng chiến tranh nay trở thành một vùng đất có nhiều hứa hẹn trong tương lai. Đi tới đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng đước, những vuông tôm, những thửa ruộng muối trắng xóa lấp lánh dưới ánh mặt trời. Cuộc sống yên bình đang ngự trị trên vùng đất từng là chiến trường ác liệt. Hơn 3 vạn hécta rừng đã hồi sinh… Ngày 21/1/2000, UNESCO đã công nhận rừng Sác là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Ngày 15/12/2004, căn cứ rừng Sác đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Mảnh đất rừng Sác anh hùng đã trở thành biểu tượng của lòng uy danh, quả cảm, về sức sống, sức chiến đấu của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam.
T.T.L.H