Mùa xuân năm nay là một mùa xuân nhiều niềm vui và hy vọng đối với người dân Long Cốc (Tân Sơn) – một năm đánh dấu sự phát triển của vùng quê Nông thôn mới. Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi có dịp về Long Cốc cách trung tâm huyện 20 km về phía đông nam, xã có tổng diện tích tự nhiên là 2437,76ha, dân số hiện có là 3,796 nhân khẩu với 872 hộ. Xã có 7 khu dân cư và hai doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Năm 2024, nhờ thành công trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, xã Long Cốc đã đạt 19/19 tiêu chí; khu dân cư Nông thôn mới đạt thêm 01 khu, đạt 100% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,1 triệu đồng/ người/ năm đạt 100% so với kế hoạch. Về Long Cốc hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê nghèo khó năm xưa. Đi dọc những tuyến đường liên xóm được bê tông hóa rợp bóng cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu, người dân hối hả, tất bật vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trang trí xung quanh nhà bằng những chậu hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu để chuẩn bị đón năm mới. Có được những kết quả đó là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các chương trình dự án, chính sách an sinh xã hội cho người dân, từ đó nhân dân luôn yên tâm công tác, tích cực lao động sản xuất, tạo thu nhập ổn định, đời sống người dân ngày càng được nâng cao về vật chất, tinh thần.
Với mục tiêu “Xây dựng Nông thôn mới (NTM) là một quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, xác định chủ thể trong xây dựng NTM chính là người dân, nên Đảng bộ xã Long Cốc đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực thực hiện các tiêu chí NTM trên địa bàn. Đặc biệt là nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong xây dựng NTM nâng cao. Từ đó, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và huy động được mọi nguồn lực đầu tư phát triển địa phương. Ông Hà Văn Nhạt – Chủ tịch UBND xã Long Cốc cho biết: Hiện nay xã có 694,84 ha diện tích cây chè, trong đó diện tích chè cho thu hoạch là 688 ha, năng suất 152 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 10.457,6 tấn, giá trị ước đạt 41,8 tỷ đồng, cùng với đó toàn xã có 16 cơ sở sơ chế biến chè, (trong đó có 01 Hợp tác xã và 02 tổ HTX sản xuất chè). Cây chè mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân địa phương. Do đó, những năm gần đây, kinh tế – xã hội của xã Long Cốc có bước phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Hệ thống hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ đường giao thông được kiên cố hóa 96% đạt 101 % kế hoạch. Về tiểu thu công nghiệp, dịch vụ, hiện toàn xã có 16 cơ sở sản xuất chè và 04 hộ sản xuất và chế biến gỗ, 32 hộ có ô tô vận tải hàng hóa và hành khách. Ba trường học tiếp tục được đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ, hiện đại, nâng cao chất lượng dạy và học; tỷ lệ hộ nghèo giảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động văn hóa – thể thao, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực. Chương trình xây dựng NTM nâng cao đã trực tiếp mang lại những lợi ích to lớn cho người dân địa phương và những người hưởng thụ thành quả ấy không ai khác chính là nhân dân.
Đến xã Long Cốc chúng tôi còn choáng ngợp bởi những đồi chè xanh mướt, được ví như ốc đảo chè xanh mướt với những quả đồi to nhỏ như chiếc bát úp, trải dài nối tiếp nhau tới tận chân trời. Vào những buổi sớm mai, sương và mây lang thang trôi bồng bềnh trên đồi chè, tạo lên cảnh sắc tuyệt đẹp cho vùng trung du phía Bắc. Khu vực này bao gồm gần 700ha đồi chè, điều gây ấn tượng cho du khách là những đồi chè ở vùng Long Cốc nằm san sát nhau, từ trên cao trông như những chiếc bát úp khổng lồ, tạo nên sự nhấp nhô, trùng điệp kéo dài đến tận chân trời. Phía chân trời là những dãy núi đá vôi sừng sững, góp phần tạo nên cảnh quan độc lạ cho toàn bộ vùng đồi chè trung du này. Đồi chè Long Cốc khi nhìn ngang thì uốn lượn như sóng biển, còn nhìn từ trên cao lại tăm tắp đều đặn như được tạo hình từ bàn tay khổng lồ. Màu xanh của cây chè hòa quyện cùng sương buổi sớm ban mai tạo thành khung cảnh huyền ảo hiếm nơi nào có được.
Long Cốc được biết đến thông qua nhiều bức ảnh đẹp của nghệ sỹ nhiếp ảnh Út Mười, người đầu tiên khám phá ra “chốn bồng lai tiên cảnh” đồi chè Long Cốc hôm nay. Gặp gỡ nghệ sỹ Út Mười tại đỉnh núi Rồng, nơi cao nhất của đồi chè Long Cốc. Nghệ sỹ Út Mười cho biết: Đứng tại đây, phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh Long Cốc rực rỡ trong nắng mai, hoặc mờ ảo bồng bềnh trong mây thì tuyệt vời lắm! Vì yêu Long Cốc, yêu đồng bào dân tộc nơi đây nên tôi đã đầu tư xây dựng một khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại đỉnh núi Rồng này. Hiện tôi đã đánh xong con đường leo núi, ô tô con có thể lên tận đỉnh núi”. Ngôi nhà sàn của người Mường được nghệ sỹ Út Mười tạo dựng mang đủ các nét văn hóa, tập tục sinh sống của bà con dân tộc nơi đây. Với ý tưởng mang đến cho du khách những phút thư giãn, được uống cốc trà nóng trên đỉnh núi Rồng, ngắm nhìn không gian đẹp như trốn tiên cảnh có một không hai tại Phú Thọ và được hòa mình tìm hiểu các nét đẹp văn hóa đồng bào người dân tộc Mường, nghệ sỹ Út Mười dẫn chúng tôi đến từng khu vực, mỗi nơi là một ý tưởng mong muốn biến nơi đây là nơi có những câu hát Ví, hát Rang, cùng điệu múa Mường, tiếng cồng chiêng vang vọng… khiến du khách phải mê, cuốn hút cùng các món ăn dân tộc tại khu Văn hóa cộng đồng.
Chúng tôi được nghệ sỹ Út Mười dẫn tham quan Bản Nhội (làng Nhội), được thưởng thức các món ăn của người Mường tại nhà sàn của anh Đỗ Văn Thái. Trong bữa cơm trên ngôi nhà sàn ấm áp quây quần bên bếp lửa than hồng, được thưởng thức các món ăn ẩm thực gà hấp lá chanh, cá nướng, vịt suối lam hoa chuối, cá trắm kho chè xanh Bát tiên, xôi ngũ sắc, thịt chua, cá suối chiên… Chủ nhà thân thiện rót chén rượu men lá mời khách, chia sẻ về đời sống đói nghèo xưa, cho chúng tôi nghe về văn hóa, nếp sống của người Mường trong bữa ăn như con gái không được ngồi gần cửa Vóm vì đó là nơi dành cho những người cao tuổi trong nhà, vì sao đũa của người dân tộc Mường lại dài? Vì đũa dài trong mâm cỗ đông người ăn sẽ dễ gắp được các món ăn xa… Tiếng cười tiếng nói rôm rả trong bữa ăn khiến khoảng cách giữa chủ nhà với khách thêm gần gũi.
Anh Luận, chủ một homestay ở Long Cốc là một trong những thanh niên có khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau thời gian làm việc tại các tỉnh, đi nhiều nơi, khám phá cảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam, anh nhận thấy Long Cốc được thiên nhiên ưu đãi cho không khí trong lành, cảnh sắc nên thơ với những đồi chè thoai thoải, nếu phát triển đúng hướng sẽ là tiềm năng để thu hút du khách qua hoạt động cộng đồng. Đặc biệt vào những thời điểm du lịch sinh thái, nhiều khách đến đồi chè trải nghiệm không có chỗ ăn, ngủ, nghỉ; các hoạt động chỉ dừng lại ở check in chụp ảnh, săn mây… Anh Luận mạnh dạn thuyết phục gia đình mở homestay đón khách, kết hợp các hoạt động trải nghiệm như: Tự tay hái chè, tham gia vào một số công đoạn sản xuất chè, thưởng thức chè sạch, thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh, thưởng thức các điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc Mường.
Với thắng cảnh trời ban và khí hậu ôn hoà, Long Cốc là điểm đối với du khách gần xa, đặc biệt đã có nhiều đoàn khách Tây, tham quan và trải nghiệm các hoạt động đời sống đồng bào người dân tộc Mường nơi đây. Nghệ sỹ Út Mười cho biết biết mùa đến tham quan đẹp nhất là tầm giữa năm. Lúc này, chè lên xanh mát phủ kín cả ngọn đồi, tạo thành những tấm thảm xanh mướt. Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa cuối thu đầu đông, vùng đồi chè bao phủ sương mù huyền ảo, thu hút khách đến săn mây, đón bình minh trong sương mờ…
Công tác phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã được quan tâm chú trọng, xã hiện có 54 hộ kinh doanh cá thể, dịch vụ Homstay là 6 hộ. Vào dịp lễ, tết tại các điểm du lịch Đồi chè Bông 1, Đồi móng ngựa Măng 1, Đồi Măng Giang khu Cạn; Thác Tắp, Thác chín tầng, Đèo mây, núi Rồng (bản Nhội)… đã thu hút khoảng trên 3.000 người, số khách lưu trú tăng hơn so với năm 2023 là trên 500 khách. Các cơ sở chế biến sản xuất, kinh doanh dịch vụ đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương.
Chị Hà Thị Hương – Chi hội Trưởng Hội Văn nghệ Dân gian huyện Tân Sơn, phụ trách các Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian nòng cốt tại Long Cốc và các xã lân cận chia sẻ: “Từ khi đồi chè Long Cốc được khám phá đã thu hút nhiều khách tham quan, du lịch trải nghiệm, kéo theo các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Long Cốc được phát huy, các khách tham quan đến đây thích cùng đồng bào dân tộc Mường tham quan cảnh sắc nơi đây, đón bình minh, đi hái chè… đầy thú vị. Mỗi lần có đoàn khách các tỉnh, khách tây, các đoàn học sinh, sinh viên đến trải nghiệm, các Câu Lạc bộ chúng tôi tại Long Cốc lại có dịp thể hiện, khoe sắc. Các cô gái Mường trong trang phục truyền thống, những câu hát ví, hát rang, kết hợp với làn điệu nhảy sạp, đâm đuống, tiếng cồng, tiếng chiêng vang dậy tưng bừng cả đồi chè Long Cốc.
Tạm biệt Long Cốc, hy vọng một ngày không xa nữa Long Cốc sẽ ngày một phát triển, quảng bá, giới thiệu và bảo tồn được những nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường Long Cốc – Tân Sơn đến du khách, thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đời sống đồng bào dân tộc Mường từng bước được nâng lên. Một mùa Xuân mới lại về, những lộc biếc đang cựa mình, Long Cốc đang thay da đổi thịt.
Tr.L – T.L