NGHĨ VỀ NHỮNG TRANG VIẾT ĐẦU NĂM
Mỗi độ xuân về, ngắm nhìn những cánh đào đang nở bung hoa, tôi lại nhớ về những năm tháng hào hùng của đất nước. Khi ấy, văn học như một người bạn đồng hành, sẻ chia những nỗi niềm, khát vọng của nhân dân ta trong ngày vui chiến thắng. Ngày nay, văn học đã khoác lên mình những chiếc áo mới, đa dạng và phong phú hơn.
Với tôi, viết văn là một cách để sẻ chia, để gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình giúp độc giả cảm nhận được sự chân – thiện – mĩ trong cuộc sống. Bằng kinh nghiệm và vốn sống của mình, tôi đã có những tiểu thuyết viết về nông thôn mới ở quê hương trung du miền núi, về cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp quốc doanh, về tầng lớp trí thức trong giai đoạn đất nước mở cửa và đổi mới, về cuộc đấu tranh xây dựng cuộc sống mới của đồng bào vùng biên viễn, về những người lính chiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta và đã đạt được một số giải thưởng văn chương. Trong giờ phút đất trời giao thoa giữa mùa xuân này, những dấu ấn đã qua, những sự kiện đang đến lại ùa về, làm trào lên trong lòng người cầm bút như tôi những dự định mới. Và một cuốn tiểu thuyết về mối tình chiến đấu thủy chung son sắt giữa hai dân tộc Việt Lào, qua “Cuộc hành quân Lam Sơn 719” đã ấp ủ và hẹn lên trang. Hi vọng sẽ làm vừa lòng bạn đọc trong năm Ất Tỵ.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Các văn nghệ sỹ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ và Chi hội Văn xuôi, bằng sáng tác của mình, đã tham gia tích cực trong việc sáng tác và quảng bá những tác phẩm “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng như tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều tác phẩm đạt được những giải thưởng cao quý của tỉnh và Trung ương. Đó là những tiền đề vững chắc để văn nghệ sỹ Phú Thọ chúng ta tiếp tục có những sáng tác hay hơn, tốt hơn.
Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, mùa xuân của đất trời sẽ hội nhập cùng với mùa xuân của dân tộc, tạo ra khí thế mới cho các văn nghệ sỹ Phú Thọ bay cao và bay xa hơn trong công việc sáng tạo Văn học Nghệ thuật, vượt qua những khát vọng hồng hoang để đến với vùng ngôn từ minh triết trong những trang viết của mình.
Trong không khí ấm áp của mùa xuân Ất Tỵ, chúng ta tưng bừng đón nhận những tin vui trong Kỷ nguyên cất cánh đang về cùng đất trời và dân tộc. Với tâm thế ấy, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả độc giả yêu Văn học Nghệ thuật nước nhà và mong muốn mỗi người chúng ta đều góp phần nhỏ bé của mình xây dựng thành công một nước Việt Nam: dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc.
VẺ ĐẸP CUỘC SỐNG LÀ MẠCH NGUỒN SÁNG TÁC
Mược cầm bút vẽ mỗi ngày là niềm hạnh phúc của mỗi họa sĩ. Người họa sĩ luôn mong muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc tuyệt vời của cuộc sống vào trong mỗi tác phẩm. Thế giới tự nhiên hiện hữu muôn hình muôn vẻ. Mỗi sự vật đều tàng ẩn những nét đẹp phong phú đa dạng. Là một họa sĩ, tôi không ngừng tích lũy kinh nghiệm cũng như khả năng phát hiện, nắm bắt vẻ đẹp từ cuộc sống để tái hiện trong các tác phẩm của mình.
Trong hành trình sáng tạo tôi luôn lấy hình tượng người phụ nữ làm đối tượng để nghiên cứu. Với tôi phụ nữ luôn là vẻ đẹp tuyệt vời của tạo hóa. Tôi muốn vẻ đẹp ấy tồn tại vĩnh hằng thông qua dấu ấn của những nét cọ. Những sắc hoa theo các mùa trong năm cũng làm tôi rung động xao xuyến. Mỗi loài hoa chứa đựng một vẻ đẹp riêng và hàm chứa những ý nghĩa tượng trưng của cuộc sống. Ví như hoa sen cao quý, thanh bạch; hoa huệ trong trắng, thanh khiết; hoa quỳnh là nữ hoàng của đêm; hoa hồng biểu tượng của tình yêu đôi lứa… Phụ nữ và hoa là hai mạch nguồn cảm hứng cho tôi sáng tạo.
Trong định hướng sáng tác của tôi, cuộc sống vẫn luôn là điểm tựa và là mạch nguồn cảm xúc vô tận. Con người, cảnh vật và những đổi thay từng ngày trên quê hương là những tác nhân tác động vào tâm thức để tôi chuyển tải vào trong tác phẩm. Ngợi ca vẻ đẹp của con người, cảnh vật quê hương đất nước không chỉ là sứ mệnh của riêng tôi mà là của tất cả những họa sĩ của Việt Nam nói chung và của tỉnh Phú Thọ nói riêng.
Năm 2025 đang tới, xin kính chúc các cô chú, anh chị em nghệ sĩ tỉnh Phú Thọ luôn mạnh khỏe, có nhiều tác phẩm trong năm mới!
NGUYỆN LÀM “ĐẦY TỚ TRUNG THÀNH” CỦA VĂN CHƯƠNG
Năm Ất Tỵ đất nước ta có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại: Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới hội nhập toàn cầu, mừng Hội LHVHNT Phú Thọ ngày càng không ngừng phát triển.
Yêu mến văn thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tốt nghiệp THPT tôi đỗ vào khoa Ngữ Văn – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trở thành giáo viên dạy môn Văn – Trường THPT. Thời điểm đó, mục tiêu của tôi là phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi, có học sinh giỏi các cấp và học sinh đạt điểm cao thi vào các trường Đại học có môn Văn. Khi nghỉ hưu, tôi mới có điều kiện sáng tác, nghiên cứu những tác phẩm của các nhà văn trong nước và quốc tế. Tôi đã nhận ra nhờ có tác phẩm mà tên tuổi của nhiều bậc văn nhân đã đi sâu vào tâm hồn độc giả. Điều đó làm tôi rất ngưỡng mộ họ… và tôi lại hướng tới một mục tiêu mới: Phấn đấu trở thành hội viên Hội LHVHNT Phú Thọ và Hội Nhà văn Việt Nam. Trước khi vào Hội, tôi đã sáng tác được 03 tập sách. 10 năm thành hội viên của Hội LHVHNT Phú Thọ và Hội Nhà văn Việt Nam, tôi xuất bản được 08 tập văn, thơ, nhận được 08 giải thưởng thường niên của Hội LHVHNT Phú Thọ, 01 giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương, 02 giải thưởng của Tỉnh ủy Phú Thọ, 01 giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; 01 giải thưởng của Liên đoàn Lao động Phú Thọ chủ đề “Công nhân Phú Thọ trong thời kỳ đổi mới”; 03 giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Lâm Thao về chủ đề “Nông thôn mới”. Khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tôi tự nhủ phải tu dưỡng, rèn luyện để có những tác phẩm được độc giả đón nhận, yêu mến.
Là hội viên chuyên ngành Lý luận phê bình, một lĩnh vực khó, vì thế tôi luôn phấn đấu học hỏi, trau dồi, lắng nghe những vấn đề cấp thiết của xã hội. Vào Hội Nhà văn Việt Nam với tôi không ngoài mục đích: Nguyện làm “đầy tớ trung thành” của văn chương, được tuyên truyền, quảng bá những tác phẩm Văn học Nghệ thuật có giá trị nhân văn cao đẹp đến đông đảo độc giả, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp văn hóa của đất nước, quê hương.
HẠNH PHÚC CỦA TÔI KHI VẪN CÓ THỂ XÚC ĐỘNG VỀ NHỮNG ĐIỀU MÌNH VIẾT
Gần hai mươi năm cầm bút tôi rất ít khi nói về nghề hay những chuyện “bếp núc” văn chương. Tôi đã xuất bản 16 tập sách. Trong đó năm 2024 xuất bản 1 tập truyện thiếu nhi và 1 tập truyện ngắn.
Khi viết tôi thường quên đi mọi khái niệm, khuôn mẫu. Tôi sục sạo trong thế giới truyện mà mình tạo ra, đắn đo, dằn vặt. Người viết đã thương nhân vật của mình trước khi độc giả thương. Đã đau cùng nhân vật của mình trước khi độc giả đau. Nhưng khi hoàn thành và đưa tác phẩm đến được với bạn đọc là tác giả đã hoàn toàn bước ra khỏi số phận của tác phẩm rồi. Tác phẩm ấy được độc giả yêu quý hay không? Nhớ đến hay không? Tác giả không còn quyết định được nữa. Một vài học sinh, khi cần phân tích một tác phẩm nào đó của tôi thường nhắn hỏi: “Cô có cảm nghĩ thế nào về nhân vật chính?”. Tôi luôn nói: “Đó là việc của độc giả, nó không còn là việc của tác giả nữa”. Khi đọc một bài phân tích, mổ xẻ từng lớp lang về tác phẩm của mình tôi thường thấy rất vui và thú vị. Bởi tôi được gặp lại nhân vật của mình, bước vào thế giới truyện mà mình đã tạo ra qua góc nhìn của bạn đọc. Khi viết, có khi mình rất dụng công, cũng có khi không nghĩ nhiều đến thế.
Nhiều khi tôi quên khuấy mất mình từng viết gì. Để rồi một lúc nào đó chính tình cảm của độc giả đã khiến tôi tò mò đọc lại tác phẩm của mình. Tôi chìm nghỉm vào những con chữ, trào dâng cảm xúc trước những nhân vật mình đã tạo ra. Điều đó đã giúp tôi nhận ra niềm hạnh phúc của một người viết là sau nhiều thời gian vẫn có thể xúc động về những điều mình viết. Càng hạnh phúc hơn khi độc giả đã giúp tôi nhớ tác phẩm của mình. Tác phẩm ấy sống trong lòng độc giả.
Có nhiều người hỏi tôi: “Chị viết tác phẩm ấy trong hoàn cảnh nào?”. Tôi vẫn nói với họ rằng khi ngồi xuống và viết một tác phẩm nào đó đôi khi không cần một hoàn cảnh đặc biệt nào, cảm xúc đến thì viết thôi. Hoặc cũng có thể những điều viết ra đã được tác giả đau đáu, ấp ủ rất nhiều năm như vùi đã vùi sẵn một hạt giống, đến một lúc nào đó có khi chỉ cần một cơn mưa thôi sẽ bật nảy mầm.
CẢM NHẬN MÙA XUÂN!
Mùa xuân, trăm hoa đua nở, cỏ cây xanh mướt, ánh nắng dịu dàng… luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những người làm nghệ thuật. Với các nghệ sĩ nhiếp ảnh đây là thời khắc đem đến sự rung động tinh tế trước vẻ đẹp tươi mới của thiên nhiên và con người. Người nghệ sĩ như tìm thấy sự đồng điệu với cảnh sắc trong từng khung hình của mình. Vì vậy, mỗi bức ảnh không chỉ ghi lại hình ảnh mà còn chứa đựng cả cảm xúc và tâm hồn của người chụp. Qua ống kính, họ mong muốn, gửi gắm thông điệp về sự tươi mới, hy vọng về những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới…
Với riêng tôi, mỗi dịp trải nghiệm mùa xuân Tây Bắc… thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, con người đậm chất văn hóa truyền thống luôn mang lại niềm cảm hứng bất tận. Hình ảnh về sắc hoa đào rực hồng, hoa mận trắng tinh khôi nổi bật trên nền núi non trùng điệp, xanh thẳm sẽ mãi là kỷ niệm không bao giờ phai… Từ nhiều năm qua, tôi đã sáng tác được một số ảnh đẹp về mùa xuân Tây Bắc. Trong đó có các tác phẩm: “Xuân về cao nguyên”, “Sắc xuân trên bờ rào đá”, “Xuống chợ ngày xuân” …
TRIỆU TIẾN CÔNG CON NGƯỜI CỦA KIẾN TẠO
N |
ói đến nhà điêu khắc Triệu Tiến Công là nói đến con người của kiến tạo, anh là họa sỹ, nghệ nhân, nhà điêu khắc, thầy giáo luôn dẫn lửa của môn học mỹ thuật bằng trải nghiệm và vốn sống. Anh có nhiều bài học hay giờ học tốt qua các hoạt động ở trường học như thi vẽ tranh, triển lãm tại trường và Hà Nội, cho nên thế hệ học sinh và phụ huynh quý trọng, yêu mến theo cách gọi trìu mến của người dân là thầy giáo làng. Anh là hội viên Hội LH VHNT Phú Thọ, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh tích cực tham gia các hoạt động triển lãm mỹ thuật Phú Thọ và các sự kiện triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam phát động, của Bộ Văn hóa như đề tài chiến tranh cách mạng, triển lãm tết, khu vực, toàn quốc, triển lãm quốc tế. Anh tham gia các hội thảo khoa học, nghệ thuật của các bộ, ngành, lĩnh vực mỹ thuật đã tạo được dấu ấn trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Đặc biệt những năm gần đây anh tổ chức triển lãm cá nhân lần 3, không chỉ vậy anh nhận được nhiều lời mời từ các quốc gia, cũng như triển lãm nhóm trong nước và quốc tế.
Là người nghệ sỹ sống tại quê hương Đất Tổ anh luôn nuôi dưỡng những giá trị văn hóa dân tộc đặc biệt về đề tài người phụ nữ vùng cao. Đây là nguồn cảm hứng xuyên suốt mà anh ấp ủ tạo nên dấu ấn mỹ thuật bản sắc riêng biệt để tạo nên thành công nối tiếp thành công từ niềm đam mê đó anh đạt giải thưởng VHNT lĩnh vực mỹ thuật giải A1, giải B2, giải C3, 1 giải khuyến khích cấp quốc tế… Để có những kết quả trên phải nói đến không gian văn hóa mà anh tạo dựng kể từ khi học xong sư phạm mỹ thuật. Anh về quê xây dựng xưởng gốm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên, các nghệ sỹ đến sáng tác gốm, gỗ… Nói đến anh là nói con người của kiến tạo từ giáo dục cho đến nghệ thuật, không gian sắp đặt của gia đình anh như bảo tàng thu nhỏ. Số lượng tác phẩm của anh ngày càng nhiều thêm và được các nhà sưu tập trong nước và quốc tế sưu tầm.
Trong những năm vừa qua anh rất thành công từ việc tổ chức triển lãm cá nhân đến tham gia triển lãm quốc tế gây được dấu ấn trong giới mỹ thuật. Với anh nghệ thuật và giáo dục là 2 lĩnh vực anh đều làm tốt và thành công. Anh chia sẻ: “Giáo dục đã gắn bó với tôi những thăng trầm của cuộc sống, nhưng chính vì thế thôi thúc tôi vượt qua chính bản thân mình có được ngày hôm nay tạo nên mạch nguồn cảm hứng sáng tác… Những tác phẩm của tôi luôn mang trong mình hồn cốt dân tộc và giá trị văn hóa”.
DUYÊN NỢ VỚI NGHỆ THUẬT
Đối với tôi, thật khó để nói cơ duyên nào cho một con đường đến với nghệ thuật. Đam mê thường không báo trước, thường không nằm trong kế hoạch tiến thủ. Có vẻ như chúng ta rất ngẫu nhiên để tiếp cận và làm quen với nó, vui buồn cùng nó… và rồi đến khi nó trở nên một phần tâm tư tình cảm khó gỡ thì ấy là có thể nói nó đã trở thành duyên nợ.
Năm 1990, sau khi tốt nghiệp một trường sĩ quan trong quân đội, công việc nghề nghiệp dường như không liên quan gì với ngành nhiếp ảnh, nhưng tôi lại chơi thân với một anh bạn cán bộ tuyên huấn của đơn vị. Những mẩu phim và những miếng ảnh đen trắng vớt ra từ trong phòng tối của anh ấy đã khiến tôi khá tò mò. Và rồi tôi bắt đầu tập chụp, tập tráng, phóng ảnh… với niềm thích thú.
Năm 1994, tôi trở thành phóng viên Báo Quân khu 2, được trang bị máy ảnh. Ngoài việc viết báo, tôi chụp rất nhiều trong môi trường quân đội. Dù vậy thì những tác phẩm đó mới chỉ dừng lại ở mức độ một bức ảnh minh họa, tư liệu… Tôi bắt đầu tìm hiểu qua sách, báo về những tác phẩm ảnh nghệ thuật bậc thầy khiến cho niềm đam mê đủ lớn để tôi thực sự dấn bước vào con đường nghệ thuật.
Năm 2016, rời quân ngũ, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian cho sáng tác. Mỗi chuyến đi thường là hàng nghìn km trên một chiếc xe máy hướng về các vùng sâu vùng xa, vùng biên giới phía Bắc để hòa mình vào với thiên nhiên, với con người và những nét văn hóa bản địa đặc sắc, từ đó khơi lên nguồn cảm hứng sâu sắc trong việc tái hiện cảm xúc và nhận thức qua từng bức ảnh. Cơ may là đáng quý, nhưng không thể là nền tảng cho sự phát triển bền vững, mà cần phải có kiến thức, trình độ nhất định về lý luận, văn hóa, tính thời đại để tìm ra cái mới, cái sáng tạo cho nhiếp ảnh mà không quá xa rời với nhịp điệu cuộc sống. Nếu không sẽ chỉ là sự sao chép mòn cũ, hoặc là tạo ra những tác phẩm thiếu ngôn ngữ, méo mó về nội dung, ý tưởng.
Nói là vậy, song để làm mới và thật sự sáng tạo không dễ. Bạn đã bao giờ trăn trở đến cháy bỏng cho một dự định nào đó, thì với tôi cũng từng có lúc đứng trước một ý tưởng sáng tác như vậy. Trước khi thấy thành công thì phải trải qua rất nhiều thất bại. Nhưng đó chính là những gì làm nên chặng đường đầu tiên để tôi tiệm cận tới nguồn sáng thật sự của ảnh nghệ thuật.
Tôi thường theo đuổi sáng tác thể loại ảnh chân dung và cuộc sống sinh hoạt đời thường. Ở đó tôi tìm trong mỗi gương mặt một trải nghiệm sống của cá nhân và tìm mối liên hệ giữa nhân vật với tác giả, với những nét văn hóa và phong tục tập quán nơi chủ thể của tác phẩm sinh sống. Tôi yêu sự bình dị mà nội tâm của những nhân vật mà ống kính của tôi hướng tới. Đó cũng là cách để lan tỏa những cảm xúc tích cực tới người xem theo cách mà con đường nhiếp ảnh nghệ thuật lựa chọn. Tôi đã 2 lần được Hội VHNT các DTTS Việt Nam tặng Bằng khen, 2 lần được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tặng Bằng khen, được UBND tỉnh Phú Thọ tặng Giải thưởng Hùng Vương.
ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ
Thơ đã mang đến cho tôi một cuộc đời ý nghĩa. Trước hết là niềm vui khi những bài thơ giãi bày cảm xúc, nghĩ suy về thời thế, nhân thế của mình được đăng tải trên các báo, tạp chí. Thứ đến là niềm vui khi thơ được độc giả đón nhận, quan tâm, trở thành ngữ liệu làm đề thi Ngữ văn của các trường học. Thơ giúp tôi hiểu rõ mình, hiểu rõ người; giúp tôi sống ở nhiều chiều không gian, thời gian, với nhiều cuộc đời khác nhau tùy theo trí tưởng tượng của mình. Giống như họa sỹ bằng những đường nét, màu sắc, hình khối tạo dựng nên những bức tranh của tâm hồn; như nhạc sỹ bằng giai điệu, tiết tấu của âm thanh mà đánh thức những cung bậc của cảm xúc; thơ thông qua cấu tứ, ngôn từ, những chiều liên tưởng đã mở ra một thế giới đầy mộng mơ, với nhiều sắc độ. Thơ đã giúp tôi trở thành người kiến tạo, thông qua những tác phẩm của mình, tôi được sống cuộc đời tôi mơ,… dù có thể thực tại tôi chưa từng trải nghiệm. Thơ mang đến niềm tự hào khi những tác phẩm của tôi trở nên ám ảnh với ai đó và họ tìm đến tôi để được lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm. Thơ đã cho tôi những người bạn, những độc giả, giúp tôi hiểu rõ hơn sức mạnh của văn chương. Vẫn biết có rất nhiều người chẳng cần thơ văn vẫn sống khỏe, sống tốt, nhưng với rất nhiều người, thơ văn đã làm phong phú tinh thần, làm đổi thay cuộc sống. Với cá nhân tôi, kể từ tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác thơ, văn, ca khúc nhân kỉ niệm 50 năm thành lập thành phố Việt Trì (4/6/1962-4/6/2012), giải A giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2021 của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ, tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X năm 2021, tôi đã có thêm một con đường, một hướng đi. Tôi trở thành hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ, Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019. Đến nay, tôi đã ra mắt 5 tập thơ: “Thành phố lên đèn” (Nxb Hội Nhà văn, năm 2017), “Đi về phía mặt trời” (Nxb Hội Nhà văn, năm 2018), “Nắng” (Nxb Hội Nhà văn, năm 2019), “Đôi mắt của bầu trời” (Nxb Nghệ An, năm 2021), “Kiệt tác” (Nxb Nghệ An, năm 2024). Trong năm 2024, tôi đã tham gia trại sáng tác văn học của Hội Nhà văn Việt Nam và trại sáng tác văn học nghệ thuật của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ. Mỗi một tác phẩm được ra mắt, mỗi một hoạt động được tham gia, mỗi một giải thưởng được nhận… đã giúp tôi hiểu thêm về đời sống văn học nghệ thuật và có thêm động lực, tình yêu đối với con đường mình đã chọn. Mong rằng, trên con đường ấy, những bài thơ tôi viết sẽ như những cây xanh tỏa bóng, mang hương thơm và trái ngọt cho đời.
LÒNG NHẸ NHÀNG THƠ VỖ CÁNH BAY
Năm 2024 với tôi là một năm đầy cam go, thử thách, nhưng cũng là năm đạt nhiều thành tựu trong sáng tác văn học.
Tháng 8 năm 2024 trong một tai nạn thể thao tôi bị ngã xẹp đốt sống lưng số 4 phải về viện Việt Đức đổ xi măng sinh học. Vết thương khá nặng, không chỉ xẹp đốt sống mà còn bị rạn nên rất lâu lành. Suốt 2 tháng chống chọi với cơn đau, nhưng bằng nghị lực tôi đã vượt qua: “Đúng là có phúc có phần/ Đau lưng tưởng chết mà dần dần lui/ Hôm nay gượng dậy được rồi/ Hai tay hai nạng tự tôi lò dò…/ Phải chăng tai nạn rủi ro/ Hay là thượng đế thử đo sức bền/ Trắng trời mưa gió triền miên/ Đã nghe nắng ấm phía miền trời xa/ 84 chưa phải đã già/ Vượt qua tai nạn vẫn là thanh niên!”.
Năm qua tôi đã được đăng 9 bài thơ: Văn nghệ Thái Nguyên 4 bài là các bài: “Nồm trời”, “Nụ cười mẹ cho”, “Tiếng hát mùa màng”, “Người về vô biên”. Văn nghệ Đất Tổ 4 bài: “Đổ ải”, “Lá rơi”, “Bón nắng cho nhau”, “Lấp lánh mặt trời”. Báo Phú Thọ cuối tuần 1 bài: “Tôi về”. Văn nghệ Ninh Bình 1 bài: “Phải lòng câu hát”. Năm qua tôi cũng thành công với 3 truyện ngắn “Vỡ mộng” đăng Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ. Truyện “Chị tôi”, “Tết đến nhà Hoàn” đăng Văn nghệ Tây Ninh.
Bước sang năm Ất Tỵ đạt tuổi 85 tôi phấn đấu giữ gìn sức khỏe, tiếp tục sáng tác trên tinh thần đổi mới: “Xác rắn phơi bờ gai/ Nhắc ta rèn câu chữ/ Học rắn thơ ơi/ Không chịu cũ/ Tắm nắng phơi sương lột xác để trường sinh/ Bỏ lại thói quen vợ bạn thơ mình/ Nghe náo nức đường xuân vẫy gọi/ Xác không hồn cài gai giữ lại/ Lòng nhẹ nhàng thơ vỗ cánh bay!”.
Nhân dịp đón mừng năm mới tôi kính chúc ban lãnh đạo Hội, Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ và toàn thể hội viên Hội ta dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý!
TÁC NGỎ ĐẦU XUÂN
Xuân đến mang theo hơi thở mới, làm dịu đi những lo toan của năm cũ và mở ra một hành trình mới đầy hy vọng. Trong thời khắc giao mùa này, tôi muốn gửi đến bạn đọc đôi lời tâm sự chân thành về bản thân và chặng đường sáng tác của mình. Tôi là hội viên Hội LH VHNT Phú Thọ, đã xuất bản bản 6 tập thơ và Trường ca do các nhà xuất bản: Văn học, Thanh Niên và Hội Nhà văn ấn hành.
Tôi luôn nghĩ bất kể ai, dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư, khi sáng tác đều mong muốn tác phẩm của mình đến tay bạn đọc. Được sẻ chia cảm nhận: Chất men say ngây ngất tình đời, được chắt chiu từ trong suy cảm rung ngân và giao hòa trước cuộc sống đang không ngừng vận động và phát triển.
Từng tác phẩm tôi viết ra đều được ấp ủ bằng những trải nghiệm chân thật, từ niềm vui, nỗi buồn đến những khát khao sâu kín. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy mình thật may mắn khi nhận được sự đồng hành và yêu thương từ bạn đọc. Chính các bạn đã là nguồn cảm hứng, là động lực để tôi không ngừng tìm kiếm và làm mới mình trong sáng tác. Mỗi lần cầm bút là một lần tôi khát khao sáng tác những thi phẩm mong sao cho chạm đến trái tim bạn đọc, để từng con chữ không chỉ nói lên tâm tư của riêng mình, mà còn là của các bạn – những người đã tin tưởng và sẻ chia.
Năm 2024 tôi xuất bản và ra mắt tuyển tập thơ “Bến thơ tròn nghĩa vuông tình” do Nxb Hội Nhà văn phối hợp với CLB Thơ Việt Nam, chi nhánh huyện Phù Ninh tổ chức vào ngày 27/9/2024 tại Trung tâm hội nghị huyện Phù Ninh Phú Thọ nhân dịp mừng thọ tuổi 85 và đón nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Gần 200 văn nghệ sĩ, bạn bè đã đến dự và được 8 tờ báo in và tạp chí điện tử trong nước và 3 tạp chí điện tử nước ngoài chuyển ngữ giới thiệu tác giả tác phẩm của tôi. Tạp chí điện tử kết nối Văn chương quốc tế đã giới thiệu tác giả Ngô Thái và chùm thơ song ngữ 3 bài “Gặp em”, “Ngày ấy”, “Lễ hội ruộng bậc thang”. Bài thơ “Gặp em” và “Vớt trăng” được chuyển ngữ giới thiệu trên Tạp chí Sauvarna của Bangladesh, Tạp chí Polis – Hy Lạp và Tạp chí Prodigy của Mỹ.
Nhân dịp đầu Xuân năm mới, tôi xin gửi lời chúc chân thành đến lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh, Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, các nhà văn nhà thơ các nghệ sĩ trên quê hương Đất Tổ và tất cả bạn đọc trong cả nước.
Chúc các bạn cùng gia đình và người thân một năm mới an khang, thịnh vượng, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, thành công.
LẶNG LẼ DÂNG ĐỜI CHÙM XUÂN NHO NHỎ
Tôi sinh ra trong một gia đình thuộc vùng chiêm trũng, ham học và ham viết.
Những năm tuổi đôi mươi tôi viết tâm thư bằng máu ra chiến trường đánh giặc. Rồi về viết sử cho Trung đoàn 4 pháo binh, Sư đoàn Đắk Tô – Binh đoàn Tây Nguyên. Những năm tháng vừa cầm súng vừa cầm bút, tôi viết về cuộc sống của người lính, viết về những khốc liệt, những gian khổ thời chiến.
Ngày trở về – với sự nâng đỡ của Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú trước đây và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ cùng các Nhà xuất bản và bè bạn… tôi đã ra mắt bạn đọc hàng trăm trang viết, cùng 6 tập sách do các Nhà xuất bản ấn hành… Song tôi chưa bao giờ ngộ nhận đó là “sự nghiệp văn chương”.
Nói về thơ tôi “nghiêng bút chủ tâm nói về cái đẹp của đạo lý văn hóa”. Cũng như bao người cầm bút khác, thơ tôi viết về nhiều đề tài, nhiều thể loại và một phần như nhà thơ Hữu Thỉnh thức ngộ “Tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”.
Mùa xuân – Tết đến… gắn liền với sự ra đời của Đảng Cộng sản quang vinh thì những cảm xúc trong tôi như ngọn lửa chạm bức thăng hoa, ký ức lặng lẽ trở về: rưng rưng… ngấn lệ: “Đêm Tây Nguyên đêm khói súng mịt mù/ Trong hầm pháo con giơ tay tuyên thệ/ Chính ủy bên con – con bên đồng chí/ Rưng rưng… đứng dưới Đảng kỳ…”.
Với miền đất Tổ – mảnh đất đầy ơn nghĩa – càng viết, lòng tôi càng thấy như mắc nợ mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn tôi qua mấy mươi năm gắn bó: “Nhân ái thế! Lòng người nhân ái thế/ Khát vọng vô tư chẳng sắc màu/ Con lặng lẽ dâng đời những chùm xuân nho nhỏ/ Và nhận về những hoài bão – khát khao”.
Nhân Tết đến và mùa xuân về qua diễn đàn của Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ – tôi kính chúc Ban biên tập cùng bạn đọc. Vui đón một mùa xuân hạnh phúc, với thật nhiều hứa hẹn”.
LỜI HỨA VỚI MÙA XUÂN
Chào mừng Tết Ất Tỵ năm 2025, chúng ta đều vui mừng phấn khởi đón Tết vui Xuân mới với nhiều thắng lợi mới. Mùa Xuân này, mỗi chúng ta cùng hướng tới những ngày lễ kỷ niệm lớn của dân tộc: 95 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1930 – 03/02/2025), 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2025). Đặc biệt, chúng ta cùng chào đón Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX nhiệm kỳ 2025 – 2030, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đây là những sự kiện lịch sử và chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân và dân ta, mang lại nguồn động lực mới cho đội ngũ văn nghệ sĩ quê hương Đất Tổ, có thêm nhiều cảm xúc, thăng hoa, sự tìm tòi sáng tạo và bút lực dồi dào, sáng tác ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật mới, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là công cuộc đổi mới quê hương, đất nước ngày nay.
Tôi là một cựu chiến binh, vốn mang trong tim dòng máu anh hùng của “Bộ đội Cụ Hồ” suốt đời “Trung với Đảng, Hiếu với Dân”. Từ khi trở về đời thường, tôi vinh dự được đứng trong đội ngũ văn nghệ sĩ Đất Tổ – Những chiến sỹ cầm bút xung kích tham gia mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng. Được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Hội và các văn nghệ sỹ, tôi đã viết được nhiều truyện ký chiến tranh cách mạng in trên các sách, báo, tạp chí văn nghệ, tạo dư luận tốt với bạn đọc. Trong đó, có những tác phẩm xuất sắc, tôi vinh dự được trao tặng giải thưởng văn học của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Phú Thọ (2023 – 2024).
Nhân dịp đầu Xuân năm mới, tôi thầm hứa với mùa Xuân sẽ phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục sáng tác thêm nhiều tác phẩm văn học mới, để góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển Hội LHVHNT Phú Thọ, phục vụ nhân dân và quê hương, đất nước.
ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ VỀ SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG
Mẹ tôi là công nhân Lâm trường Đồi Giòng – Thanh Sơn, Vĩnh Phú. Tôi sinh ra ở Ba Vì – Hà Tây (cũ). Tôi chào đời, mẹ tôi bị ốm nặng, mất sữa. Tôi được bà ngoại nuôi bộ bằng nước cháo và bú chực hàng xóm từ khi mới lọt lòng. Bà thường ru tôi ngủ bằng những câu Kiều của cụ Nguyễn Du. Truyện Kiều dài thế mà bà thuộc làu làu. Nhắc đến câu nào là bà lại đọc nối tiếp được ngay. Cứ thế nghe bà ngâm thơ mỗi đêm, dần dần thấm vào tôi một tình yêu đối với thơ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Do nhà ngoại ở gần trường nên tôi ở với bà cho tiện việc đi học. Năm 1972 tôi được mẹ đón về ở cùng. Từ nhà phải đi bộ 7km mới đến trường cấp II tôi học. Sáng đi trưa về nhưng rất vui, vì các bạn tôi tất thảy đều đi bộ đến trường. Trên đường cùng đến lớp tôi đã kết thân với Nguyễn Tham Thiện Kế, người bạn học lớp dưới. Cả hai chúng tôi đều yêu văn học, thích viết thơ. Hễ viết được bài thơ mới lại đọc cho nhau nghe, cùng tranh luận. Tuy chúng tôi không bổ sung được nhiều cho nhau. Vì cả hai đều là những người tập viết, nhưng lại rất bổ ích. Sau này Kế đi bộ đội và trở thành nhà văn quân đội Nguyễn Tham Thiện Kế.
Những năm tháng này tôi bắt đầu ghi nhật ký, nhật ký bằng thơ. Kể về những gì mình thấy, mình trải qua. Năm 1975 khi mà tập Sáng tác Mới của Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú ra đời, tôi thường xuyên đến hiệu sách để mua và đọc. Tôi đọc ngấu nghiến, đọc đi đọc lại. Có những bài thơ tôi thích thì đọc đến thuộc lòng. Thời ấy sách rất hiếm, muốn đọc phải mua và chúng tôi truyền tay nhau để đọc.
Năm 1977 có một cuộc vận động sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú trên tập Sáng tác Mới, tôi đã mạnh dạn gửi bài. Bài thơ tuy không được sử dụng nhưng tôi đã rất vui vì có thư của nhà thơ Vũ Đình Minh trả lời. Lá thư rất ngắn, chỉ vẻn vẹn có ba câu: “Chúng tôi đã nhận được tác phẩm dự thi “Cô gái trồng rừng” của em. Nhưng tứ cũ, lời sáo nên không thể sử dụng được. Mong em đọc nhiều thơ của người khác để rút kinh nghiệm cho thơ mình. Chúc em học giỏi và sẽ sáng tác hay”. Tôi chưa được gặp nhà thơ Vũ Đình Minh, nhưng tôi rất quý ông. Lá thư đã trở thành nguồn động lực cho tôi phát huy năng khiếu của mình. Tôi đọc đi, đọc lại lá thư, trăn trở về ý kiến đóng góp của nhà thơ. Tôi vỡ lẽ ra mình đã quá lạm dụng mĩ từ mà chưa tìm tòi sáng tạo để phản ánh được cuộc sống thực tế và những điều muốn gửi gắm vào thơ.
Sau này, khi đã đi công tác. Có vốn sống thực tiễn, tôi hay tham gia viết theo phong trào báo tường của cơ quan. Do được sống, làm việc cùng những người công nhân lao động, nên những bài thơ tôi viết có cuộc sống lao động, có tâm tư tình cảm của họ trong đó. Nên nhiều bài thơ được đồng nghiệp truyền tay nhau đọc, được sử dụng vào các đợt liên hoan văn nghệ của cơ quan.
Năm 2007 khi đoàn của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ đến Lâm trường Tam Sơn đi thực tế, trải nghiệm sáng tác và giao lưu với cán bộ công nhân viên Lâm trường do nhà thơ Kim Dũng làm Trưởng đoàn. Tôi mạnh dạn đọc thơ của mình giao lưu, cùng các nhà thơ, các tác giả trong đoàn. Được nhà thơ Kim Dũng khen và biên tập một chùm thơ tôi gửi in vào Văn nghệ Đất Tổ năm đó. Cuối năm tôi được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ.
Vừa sáng tác, vừa học hỏi, trau dồi tới nay tôi đã có 6 tập thơ, trong đó có 2 tập thơ dành cho thiếu nhi. Và cũng giành được một số giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Điều mà tôi vui nhất, hạnh phúc nhất là sau khi tôi xuất bản tập thơ “Kiến con”, tôi gửi biếu cho thư viện nhà trường nơi tôi ở thì các cháu học sinh, các phụ huynh gọi tôi là ông Kiến con…
Những năm gần đây, tôi viết truyện ngắn, truyện ngắn đầu tay của tôi được biên tập in trên Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ. Thật may mắn truyện ngắn này đã được giải Khuyến khích trong cuộc thi truyện ngắn ba tỉnh: Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai. Nguồn động viên đó đã thúc đẩy tôi tiếp tục viết văn xuôi. Tôi nhận thấy văn xuôi gửi gắm chuyển tải được nhiều thông điệp hơn cho cuộc sống muôn màu muôn sắc. Hiện nay, tôi đang hoàn thiện để đầu năm 2025 cho ra mắt bạn đọc một tập truyện ngắn và một tập thơ thứ ba dành cho thiếu nhi.
Nhân dịp đầu xuân năm mới Ất Tỵ. Xin được chúc quý vị, bạn đọc một năm mới sức khỏe, bình an, thành công và nhiều may mắn. Chúc Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ mãi mãi là ngôi nhà chung của nền Văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
MÙA XUÂN VỀ GỌI NHỮNG MÊ SAY
Mùa xuân về gọi những mê say, những rộn ràng náo nức cho con người và vạn vật. Mùa xuân với người cầm bút luôn là thời điểm tối ưu để thể hiện tiềm năng sáng tạo, sẽ khởi phát từ khai bút đầu xuân.
Vâng, xuân năm nay 2025 tôi cũng sẽ khai bút bằng một bài viết tâm đắc, cùng với đó là dự định trình làng tập Tiểu luận phê bình và một tập thơ 1-2-3.
Tôi vốn là học sinh chuyên văn, là giáo viên dạy môn Ngữ Văn và từ mái trường trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương yêu dấu, trời thương, cho mình theo nghiệp viết. Khi còn đứng trên bục giảng tôi từng viết bài cho Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, viết đam mê sau khi bài “Sóng của Xuân Quỳnh – Những cung bậc tình yêu” được đăng tạp chí năm 2001. Cái cảm giác bài lần đầu được đăng báo sung sướng đến khó tả. Vẫn là bài của mình, từng câu, từng chữ, từng dấu phảy dấu chấm hay biểu cảm bằng tu từ… là của mình nhưng sao vẫn thấy khác giữa bản gốc và bản in báo. Cái khác ấy chính là cảm xúc, đọc đi, đọc lại, thậm chí đem theo niềm sung sướng vào tận giấc mơ êm đềm.
Và từ đó đến nay tôi đã in riêng 4 tập sách, in chung khoảng gần 10 tập, chủ yếu bài tham khảo cho giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn hoặc thơ nhà giáo. Các bài báo lẻ trên báo và tạp chí Trung ương và địa phương cũng khá nhiều. Riêng năm 2024 có 63 bài với 85 lượt xuất hiện trên các báo in và báo điện tử. Tôi đã mở rộng phạm vi nghiên cứu ra các tác phẩm ngoài nhà trường và bên cạnh những bài cảm thụ còn có những chuyên luận Vai trò mở đường của Nguyễn Minh Châu trong văn học Việt Nam sau năm 1975 hoặc bài viết về sự so sánh thơ Nguyễn Bính và Phạm Công Trứ và có nhiều bài thiên về lý luận văn học, các giải pháp nâng cao chất lượng công tác lý luận phê bình, và giải pháp phát triển hội viên… Năm 2024, tôi có in 01 tập tiểu luận phê bình “Đi tìm vẻ đẹp văn chương” tập 3 và có nhiều lần xuất hiện trên truyền hình tỉnh Phú Thọ, 01 lần xuất hiện trên truyền hình Trung ương, tất cả đều bàn luận về sách văn học hoặc việc dạy văn trong nhà trường.
Năm 2025 sẽ in tập thứ tư về tiểu luận phê bình, tuy nhiên có thể sẽ đặt một cái tên khác (mặc dù bản chất vẫn là đi tìm vẻ đẹp văn chương) và 01 tập thơ 1-2-3, thể loại thơ đang có chiều hướng phát triển, ra đời năm 2018 và tới nay đã có hàng ngàn tác giả say sưa sáng tác.
Nội dung các tác phẩm của tôi, cho dù là lý luận phê bình hay thơ vẫn luôn khai thác vẻ đẹp nhân văn trong lẽ sống con người. Năm 2024, khá vui vì tôi luôn bận rộn, thấy thiếu thời gian để viết. Tôi cho rằng đó là hạnh phúc vì khi luôn dành thời gian cho viết thì không còn thời gian để phải nghe những thông tin tiêu cực hoặc thị phi len lỏi trong đầu. Với tôi, tác giả nào cũng đáng trân trọng, cơ quan văn học nghệ thuật hoặc báo chí nào cũng đáng tin cậy vì đã giúp tôi thể hiện tâm tư, tình cảm, giúp tôi lan tỏa vẻ đẹp của tác phẩm văn chương và những thông điệp giá trị, tích cực của cuộc sống. Điều đó ngõ hầu khiến cho “người gần người hơn”. Đó cũng là sứ mệnh của người cầm bút.
Mùa xuân xinh đẹp đã về, chúc cho tất cả các văn nghệ sỹ dồi dào bút lực và năm 2025 thành công viên mãn.
DUYÊN ĐẾN VỚI VĂN CHƯƠNG
Là một nhà giáo nghỉ hưu, nhớ lại những ngày tháng khi mới vào ngành, vất vả, lương ít, đa phần các nhà giáo phải tìm thêm nghề phụ để có điều kiện sống. Tôi chọn nghề “nấu rượu, nuôi lợn” để tăng thêm thu nhập. Một ngày chủ nhật ở nhà nấu rượu, tôi nhìn ra cây gạo đầu ngõ đã bắt đầu trổ hoa. Tôi nghĩ đời mình có được như bông gạo kia không? Và ý thơ bật lên: “Kham khổ suốt mùa đông/ Chắt chiu dồn năm tháng/ Đỏ lên cùng sắc nắng/ Thắp lửa lên trời cao”.
Bài thơ may mắn được Báo Phú Thọ cuối tuần đăng tải. Rồi tôi được làm quen với nhà văn Xuân Thu trên mặt báo, được nhà văn Xuân Thu động viên và khích lệ. Tôi viết tiếp những bài thơ sau và gửi cho Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ. Sau đó năm 2006 nhà văn Xuân Thu và nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã giới thiệu tôi vào Hội. 19 năm sinh hoạt trong Chi hội Thơ, tôi được tiếp xúc với nhiều nhà thơ, tác giả thơ mà tôi ngưỡng mộ như: Nhà thơ Kim Dũng, nhà thơ Nguyễn Đình Phúc, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh, nhà thơ Nông Thị Ngọc Hoà, nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên… Các anh Đàm Tuất, Đỗ Văn Từ, Giang Châu. Các tác giả trẻ như Phạm Việt Đức, Hà Thành, Vũ Kim Liên đã truyền cảm hứng cho tôi với lối viết và cách sử dụng ngôn từ. Ngoài sáng tác thơ, tôi còn học và làm câu đối của tác giả cố nhà giáo Phan Chúc. Từ năm 2012 mỗi dịp tết đến xuân về, tôi lại nhận được từ 10 – 12 tờ báo tạp chí đăng tải câu đối của tôi trên mọi miền Tổ quốc. Trong gần 20 năm ấy, tôi đã nhận được một số giải thưởng trong các cuộc thi thơ của Hội phát động, rồi cuộc thi thơ viết về lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, giải thưởng câu đối toàn quốc viết về chủ đề Đền Hùng. Tôi thực sự vui mừng khi được sống trong ngôi nhà chung của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ. Ở đó có đội ngũ văn nghệ sĩ luôn đoàn kết – sáng tạo – đổi mới và Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ là một minh chứng hiện hữu cho thành công của Hội.
Năm mới đã đến, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tôi cầu chúc cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà luôn có sức khỏe dồi dào, luôn có khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả. Hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim của toàn dân tộc. Xứng đáng với niềm tin yêu và hi vọng mới của Đảng và nhân dân.
TÔI LUÔN GIỮ CHO MÌNH ĐAM MÊ SÁNG TÁC MỸ THUẬT
Tôi sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Yên – một thị xã cổ nhỏ bé và xinh đẹp của tỉnh Vĩnh Phú nay là tỉnh Vĩnh Phúc. Cả cuộc đời tôi được phục vụ trong ngành văn hóa thông tin của tỉnh Vĩnh Phú – Phú Thọ. Niềm đam mê mỹ thuật của tôi luôn song hành cùng công việc của cơ quan là công tác kẻ, vẽ pano, tranh cổ động, baredon… tuyên truyền cho các nhiệm vụ chính trị của địa phương và của cả nước.
Trong bộn bề những khó khăn, vất vả của cuộc sống thời bao cấp, tôi vẫn luôn giữ cho mình niềm đam mê sáng tác mỹ thuật. Ngoài những công việc hàng ngày, tôi vẫn dành thời gian vẽ tranh bằng bột màu – chất liệu phổ thông và rẻ tiền của các họa sĩ thời kỳ đó.
Năm 1981 tôi mạnh dạn tham dự cuộc thi tranh cổ động do Ty Văn hóa – Thông tin Vĩnh Phú phát động và may mắn đạt giải ba. Đến năm 1985 tôi gửi tranh tham dự triển lãm mỹ thuật do Hội VHNT và Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh tổ chức với các tác phẩm “Phố trưa”, “Rubic” và “Cô gái và con mèo” được họa sĩ Nguyễn Việt Thọ nhận xét “Cậu vẽ có gu lắm…” sau đó tôi được vinh dự kết nạp hội viên Hội VHNT tỉnh. Tất cả những điều đó là nguồn động viên cho tôi tiếp tục trên con đường sáng tác của mình và đã đạt được một số thành tựu nhất định, nó là niềm vui của bản thân và góp phần nhỏ bé vào đời sống mỹ thuật tỉnh nhà: Giải ba tranh cổ động Vĩnh Phú, 1981; giải khuyến khích tranh cổ động Dân số – KHHGĐ Vĩnh Phú, 1990; giải khuyến khích tranh cổ động ATGT Vĩnh Phú, 1996; Giải khuyến khích biếm họa ATGT Vĩnh Phú, 1996; giải thưởng VHNT Phú Thọ, 2013; giải khuyến khích tranh cổ động Bộ Công an, 2019; tác phẩm được Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu dự giải Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 2024.
Ngoài ra nhiều tác phẩm của tôi được trưng bày trong các Triển lãm Mỹ thuật khu vực 3 (Tây Bắc – Việt Bắc) và Triển lãm tranh cổ động do Tổng cục Chính trị phát động sáng tác về đề tài Quân đội.
Những ngày cuối năm 2024, tôi xin trân trọng cảm ơn Hội LH VHNT Phú Thọ, Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ đã cho tôi được bày tỏ những suy nghĩ của mình và xin kính chúc Ban Biên tập cùng toàn thể các văn nghệ sĩ tỉnh nhà luôn dồi dào sức khỏe để phục vụ đất nước trong giai đoạn Tổ quốc chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
VIẾT NHỮNG TRANG VĂN CHÂN THỰC VỀ VĂN HOÁ, CUỘC SỐNG VÀ CON NGƯỜI TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ 4.0
Tôi là hội viên đang sinh hoạt trong Chi hội Lý luận phê bình và văn nghệ dân gian, đồng thời là một cán bộ quản lý, một thầy giáo dạy môn Ngữ văn ở trường THPT, vì vậy, trong những năm qua, ngoài công việc dạy học, tôi còn dành thời gian để viết các bài tản văn, nghiên cứu, ghi chép, phê bình về văn hóa, văn học, viết các bài ký về thiên nhiên, quê hương, đất nước, cuộc sống và con người. Với tôi, dạy học và viết văn, viết báo như một cái duyên, một niềm đam mê, mang đến cho tôi những trải nghiệm về vẻ đẹp cuộc sống xung quanh ta.
Với tôi, những trang viết là sự trải nghiệm ý nghĩa và thi vị về những điều mình gặp, cảm nhận và chiêm nghiệm. Bởi lẽ, trong cuộc sống hôm nay, có biết bao điều tác động đến con người. Có những điều thuộc về quá khứ, là những trầm tích văn hóa, những nét đẹp xưa cũ, những phong tục tập quán, những di sản văn hóa và những giá trị đạo đức, ứng xử… Có những điều thuộc về cuộc sống hiện tại như mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, con người với con người, những thay đổi trong lối sống, văn hóa giữa thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Dù viết ở lĩnh vực nào, quá khứ hay hiện tại, tôi luôn tìm về, khai thác những vẻ đẹp đang hiện hữu ngay trong cuộc sống của chúng ta. Những góc nhìn trong sự tìm tòi, phát hiện và cảm nhận về những vẻ đẹp dung dị, đời thường của thiên nhiên, cuộc sống và con người luôn được tôi đưa vào những trang viết chân thực của mình.
Giữa vòng quay hối hả của cuộc sống trong thời đại công nghệ 4.0, tôi nghĩ rằng, con người đôi khi mải miết chạy theo nó mà quên đi những vẻ đẹp cuộc sống xung quanh mình. Trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, chắc chắn ai cũng có những mong muốn quay trở về miền kí ức xa xăm, đằm ngọt, mong có những giây phút sống chậm để tìm về sự thư thái trong tâm hồn. Bởi vậy, viết chân thực sẽ tạo nên sự lắng đọng trong cảm xúc của người đọc, sẽ tạo nên sự kết nối bền chặt giữa con người với cuộc sống, sẽ tạo nên sự đồng cảm trong tâm hồn. Với tôi, lối viết trung thực, dễ hiểu và giản dị về đối tượng viết trong mỗi trang viết của mình sẽ tạo sợi dây kết nối giữa trang văn với độc giả. Tôi luôn cố gắng viết như thế để khi đứa con tinh thần của mình ra đời, nó sẽ được đông đảo người đọc đón nhận vì ai cũng đọc được, hiểu được và nhận ra mình qua mỗi trang văn.
Đến nay, tôi đã xuất bản được 8 cuốn sách ở các thể loại như tiểu luận phê bình, bút ký, ghi chép, tản văn cùng hàng trăm bài viết được đăng tải trên các trang báo. Mỗi cuốn sách là những trải nghiệm của tôi về thiên nhiên, cuộc sống và con người trong những khoảnh khắc khác nhau. Trước thềm xuân Ất Tỵ 2025, tôi mong muốn các văn nghệ sỹ, các cây bút chuyên và không chuyên luôn dồi dào sức khỏe, phong phú về tâm hồn, sáng tạo không ngừng để tiếp tục mang đến cho bạn đọc và cuộc sống những sản phẩm tinh thần có ý nghĩa.
VĂN CHƯƠNG ĐÃ NÂNG ĐỠ TÂM HỒN TÔI
Tôi bén duyên với văn chương cũng đã gần mười năm, từ khi đoạt giải nho nhỏ trong một cuộc thi viết trên báo. Kể từ khi ấy đến nay, tôi vẫn cần mẫn với việc viết lách. Và cũng từ ấy, những sáng tác của tôi, từ thơ, tản văn, truyện ngắn cũng lần lượt ra đời rồi có mặt trên các trang báo, tạp chí Trung ương và địa phương từ Bắc vào Nam. Với tôi, việc sáng tác văn chương không chỉ là niềm đam mê, mà nó còn là cách để tôi giãi bày nỗi lòng, mở cánh cửa tâm hồn cho cảm xúc của mình chảy thành con chữ.
Tôi dám chắc rằng, với nhiều người khi đọc những trang viết của tôi sẽ đoán tác giả là một anh giáo trường làng, hoặc một ngành nghề nào đó có liên quan tới chữ nghĩa, có người đã gặp tôi cũng đã tưởng như vậy. Thực ra, tôi lại làm một nghề, mà khi nói ra ai nấy đều bất ngờ và hoài nghi, tôi là một anh công nhân ngày ngày nặng gánh mưu sinh, làm bạn với máy móc ầm ào, ca kíp lu bu. Ấy thế mà anh công nhân ấy sau những giờ tăng ca mệt nhoài vẫn dành thời gian cho viết lách, để cho ra những sáng tác nhẹ nhàng, mơ mộng như chính tâm hồn mình vậy.
Có người từng bảo văn tôi hiền quá, sao không thử với một đề tài gai góc, một cốt truyện có điểm nhấn, cao trào sẽ làm nên sự chú ý chăng? Tôi cũng đã từng nghĩ như thế, nhưng có lẽ cái tạng của tôi nó vậy, cứ nhẹ nhàng, bình dị như những lời thủ thỉ vậy thôi, không thể nào khác được. Tôi cũng lại nghĩ, để chạm được tới lòng người đọc thì có lẽ nhẹ nhàng, giản dị cũng là một điều khiến người ta rung động, lên gân hay gò ép mình sẽ tạo nên sự gượng gạo, khô khan.
Cho đến hiện tại, tôi cũng có một số lượng các sáng tác khá khá, đấy là so với suy nghĩ của tôi và với điều kiện sáng tác riêng của bản thân mình. Thế nhưng hầu hết trong số đó mới chỉ đăng báo, tạp chí chứ chưa in vào tuyển tập riêng. Tôi chỉ mới có một tập tản văn, một số bài thơ, tản văn, truyện ngắn in chung mà thôi. Có những lúc cũng muốn gom những tản văn, truyện ngắn để in thành sách, nhưng chuyện cơm áo lại kéo tôi đi, để lại những dự định mới chỉ manh nha trong ý nghĩ. Dù vậy, tôi vẫn viết những lúc rảnh rỗi, hoặc khi có cảm xúc như là một cách lấy lại cân bằng giữa bộn bề lo toan cuộc sống. Có những lúc khó khăn, mềm yếu, văn chương như là điểm tựa để tôi bám lấy mà gắng gượng đứng dậy bước tiếp. Văn chương đã nâng đỡ tâm hồn tôi, xoa dịu những tự ti, buồn phiền, làm lắng đi những bi quan để tôi có niềm tin hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc đời này.
Trước thềm xuân mới, tôi xin gửi tới mọi người một cành đào hạnh phúc, nhen lên ngọn lửa an vui, chúc cho nhà nhà ngập tràn tiếng cười đón những điều tươi mới, may mắn và thành công!
TÔI VẪN NỢ QUÊ HƯƠNG
Tôi là người phụ nữ dân tộc Cao Lan, con của bản mường, người con của Đất Tổ. Bản mường đã nuôi tôi khôn lớn, Đất Tổ đã cưu mang đùm bọc đời tôi. Đảng và Nhà nước đã cho tôi học tập để trở thành người công dân có ích. Ngay từ khi tôi còn là một thiếu nữ, tôi luôn có một ước mơ hoài bão giản dị đó là phải làm được gì cho quê hương, mường bản. Đời sống xã hội ngày càng thêm phong phú, điều đó đã thôi thúc tôi tham gia các hoạt động, vận dụng kiến thức nhà trường đã trang bị vào đời sống theo con đường sáng tạo nghệ thuật. Tôi được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ từ năm 2006. Hội đã chắp cánh cho tôi trên bước đường sáng tạo nghệ thuật. Tôi yêu quê hương đất nước ngày càng phát triển, yêu quê hương Phú Thọ đổi mới mỗi ngày. Cuộc sống hôm nay xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, bản Cao Lan cũng được đổi mới. Tôi yêu ông bà, cha mẹ đồng bào thôn bản đến cánh đồng, dòng sông Lô, rừng cọ đồi chè. Tình yêu ấy ở trong tim tôi, động viên nhắc nhở tôi lao động sáng tạo nghệ thuật.
Mùa xuân Ất Tỵ đã đến, Phú Thọ vang danh từ thời dựng nước, nay rộn ràng khí thế đổi mới đi lên, tươi đẹp, ấm áp vô cùng. Tôi được viết, được vẽ các tác phẩm ca ngợi về quê hương đất nước, ca ngợi tình đoàn kết dân tộc. Người Cao Lan Phú Thọ luôn ghi sâu trong tim ơn Đảng, Bác Hồ, từ đó tôi đã phấn đấu vươn lên và đạt được những kết quả tốt đẹp trong sáng tác, hàng năm có tranh tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực lll (Tây Bắc – Việt Bắc). Ngoài ra tôi còn sáng tác thơ và truyện ngắn, tham gia các cuộc vận động sáng tác tuyên truyền về nông thôn đổi mới và tác phẩm “Đêm hát Sình Ca” đã đạt giải của Sở Văn hóa TDTTDL tỉnh Tuyên Quang tổ chức; tác phẩm “Vạ đất” đã đạt giải do Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ và Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ tổ chức; tác phẩm “Bên mái nhà sàn” và tập thơ “Đêm hát Sình Ca” do Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ trao tặng. Tôi đã xuất bản được 3 tập thơ song ngữ Cao Lan – Việt và sáng tác thơ bằng tiếng Cao Lan. Tôi còn truyền dạy loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian Cao Lan ở các bản nơi tôi đang sinh sống để góp phần vào việc bảo tồn di sản văn hóa dân gian phi vật thể ở địa phương.
Tôi mừng vui và tự hào thấy cuộc sống người dân miền Đất Tổ ngày càng phát triển. Tôi nhận thấy mình chưa làm được gì nhiều cho quê hương vẫn nợ với quê hương, và lòng luôn tự nhủ bản thân mình cần phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Trước thềm xuân mới tôi xin được gửi tới các độc giả, lời chúc sức khỏe tốt đẹp, chúc các độc giả luôn thành công trên mọi lĩnh vực cuộc sống.
HỮU DUYÊN DUYÊN KHỞI!
Quê tôi ở làng Dòng (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Từ thời xa xưa, xã Xuân Lũng đã có nhiều nhà khoa bảng tài cao, đức trọng và truyền thống học hành, đỗ đạt đó như một dòng chảy để đến nay làng tôi tự hào với hàng trăm người có trình độ Tiến sỹ, Phó Tiến sỹ, hàng nghìn người trình độ đại học, trên đại học… Nhiều người cho rằng, một địa phương có nhiều hiền tài như thế hẳn là nơi có “núi bồi mạch quý”!
Tôi sinh năm Ất Tỵ, bố tôi bảo: Đấy là tuổi có năng khiếu văn chương, hùng biện, tâm hồn nghệ thuật và là người lãng mạn, nhân ái… Chính vì niềm tin như thế nên từ nhỏ tôi đã được bố tôi đọc cho nghe truyện Kiều và thường giảng dạy về những việc làm nhân nghĩa ở đời!
Năm 1983, tôi thi vào khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (đỗ đầu khối C của huyện Phong Châu lúc bấy giờ). Sau 6 năm dạy học, tôi chuyển sang làm báo chuyên nghiệp ở Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Phú (nay là Đài PT&TH Phú Thọ). Môi trường mới, được đi nhiều, trải nghiệm cùng chiêm nghiệm tạo cho tôi một nguồn cảm hứng sáng tác để rồi những tập thơ, truyện lần lượt ra đời. “Lãng đãng tình thu”, Nxb Hội Nhà văn 2006; “Câu chuyện tối thứ bảy” tập truyện thiếu nhi – Nxb Hội Nhà văn 2008; “Bồ kết” – Nxb Văn học 2013; “Oải hương” – Nxb Văn học 2016; “Trong cõi vô thường” – Nxb Hội Nhà văn 2019; “Hoa rơi cửa Phật” – Nxb Hội Nhà văn 2022 và chuẩn bị xuất bản tập thơ mới…
Đối với tôi, thơ không phải để kiếm sống, cũng không phải là nghề nghiệp chính nhưng sống và làm thơ đúng là “Hữu duyên duyên khởi”, tứ thơ như tự nhiên đến, tuôn trào thật khó cưỡng lại được! Theo tôi, thơ hay trước hết phải có cảm xúc; hay nói cách khác: Cảm xúc chính là “hồn” thơ; nếu không có cảm xúc, không chạm được đến trái tim người đọc, người nghe thì đó mới chỉ là cái “vỏ” ngôn ngữ mà ai cũng có thể lượm lặt, sắp xếp lại được!
Văn học nghệ thuật (nói chung) và Thơ (nói riêng) bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống và quay trở lại phục vụ cuộc sống. Người làm thơ cần có một tâm hồn nhạy cảm, thấu cảm cùng với lòng trắc ẩn để kịp thời nắm bắt hơi thở của cuộc sống; từ đó phản ánh và hơn thế là “đi trước” với những dự cảm, dự báo về cuộc sống xã hội!
Tôi vui mừng vì đã có nhiều bài thơ được đọc trong Chương trình Tiếng thơ (VOV 6 – Đài Tiếng nói Việt Nam); được các Tạp chí Văn nghệ: Đất Tổ, Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Điện Biên, Suối reo (Sơn La), Sông Hương (Huế), Đối ngoại (Phú Thọ), các Đặc san PTV, Bình minh Văn Lang… và nhiều báo sử dụng! Điều đó cho tôi những nguồn năng lượng tích cực để tiếp tục sáng tác thêm nhiều tác phẩm mới; góp phần tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như thể hiện tình yêu con người, quê hương, đất nước!
Nhân dịp năm mới Xuân Ất Tỵ, tôi xin gửi đến quý bạn đọc xa gần của Văn nghệ Đất Tổ lời chúc mừng năm mới, sức khỏe, hạnh phúc và tiến bộ!
SỰ RUNG ĐỘNG CỦA TRÁI TIM
Văn học đến với tôi một cách tự nhiên. Giống như mỗi buổi sáng tôi thường mở cửa đón ánh nắng ban mai và ngắm nhìn những chú chim nhỏ bé bay lượn trên cánh đồng mênh mông trước hiên nhà. Tự nhiên như những câu chuyện bố kể bắt đầu bằng “ngày xửa, ngày xưa” để trong đầu tôi luôn văng vẳng câu nói “ở hiền thì gặp lành”.
Ngày trước, nhà tôi sống xa làng, không điện, không ti vi,… chỉ có một chiếc radio nhỏ. Qua radio tôi được nghe đọc truyện. Có một truyện mà tôi rất ấn tượng đó là tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán. Tôi chăm chú nghe và bật khóc vì thương những bạn nhỏ trong truyện. Cũng từ đó tôi cũng tự thấy những khó khăn, thiếu thốn của mình chẳng là gì cả.
Hồi còn đi học, tôi không phải là học sinh học giỏi môn văn. Nhưng tôi thích đọc tất cả các văn bản trong sách Tiếng Việt và sách giáo khoa Ngữ văn. Càng đọc càng thấy tiếng Việt phong phú và đẹp đẽ. Có một đoạn trích trong sách giáo khoa mà tôi nhớ mãi: “Người ta kể chuyện thời xưa, một nhà thi sĩ Ấn Độ trông thấy một con chim bị thương rơi xuống bên chân mình. Thi sĩ thương hại quá, khóc nức lên, quả tim cùng hòa một nhịp với sự run rẩy của con chim sắp chết. Tiếng khóc ấy, dịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca”. Với tôi đoạn trích ấy như một chân lí, giúp tôi xác định rõ hơn về mục đích sáng tác của bản thân mình.
Khi lên đại học, tôi theo học ngành kế toán nhưng tình yêu văn học vẫn luôn hiện hữu. Tôi thường viết những bài cảm nhận hoặc truyện ngắn gửi đến blogradio, mỗi bài viết được đăng tải, phát sóng trên web đều khiến tôi cảm thấy rất vui. Tôi vẫn thường đùa với bạn bè rằng “điều đó khiến tôi vui hơn việc nhặt được tiền”.
Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn miệt mài sáng tác. Và thành quả là những bài viết của tôi đều đặn được đăng trên các báo và tạp chí. Có người từng hỏi tôi rằng: “Có thấy mệt không khi ban ngày đi làm, đêm về vẫn lọ mọ viết đến khuya?”. Tôi mỉm cười bảo: “Mệt nhưng vui”. Bởi lẽ với mỗi áng văn tôi được tự mình khám phá một thế giới mới, tâm hồn cũng vì thế mà rộng mở hơn. Trong quá trình viết những điều bất ngờ luôn xảy ra để đến một ngày nào đó tôi đọc lại tác phẩm của mình và thầm nghĩ “sao khi ấy mình lại viết được như thế này”. Việc sáng tác giúp tâm hồn tôi thư thái, vui vẻ sau những giờ làm việc căng thẳng.
Với số lượng và giá trị tác phẩm sáng tác còn khiêm tốn nhưng với tình yêu đến từ sự rung động của trái tim tôi luôn tự dặn lòng mình phải cố gắng trau dồi, học hỏi để sáng tác thêm nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa.
Trong không khí đầu xuân năm mới xin được gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các độc giả của Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ. Chúc mọi người một năm mới an khang và thịnh vượng.
ĐỀ TÀI TÔI LUÔN ẤP Ủ LÀ VỀ QUÊ HƯƠNG ĐẤT TỔ
Nhìn lại kết quả hoạt động sáng tác âm nhạc của mình trong năm tôi luôn nghĩ đấy là một năm thu hoạch tốt của mình.
Tôi đã vinh dự được đóng góp ca khúc “Xuân Nguyên tiêu” để mở màn Ngày Thơ tại Quốc Tử Giám – Thủ đô Hà Nội với sự dàn dựng và biểu diễn múa hát của Đoàn nghệ thuật Hà Nội.
Hai tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được phát trên sóng VOV3 (Đài Tiếng nói Việt Nam) và Ngày Âm nhạc Việt Nam tại Phú Thọ.
Ca khúc “Điện Biên lừng lẫy địa cầu” được in Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ và ca khúc “Tự hào Hà Nội trái tim Việt Nam” đã được Đài Truyền hình Hà Nội phát sóng và biểu diễn tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm; tham gia dự thi cuộc thi sáng tác VHNT chủ đề 80 năm lực lượng Công an nhân dân Việt Nam tôi đã gửi thi 2 tác phẩm cho năm 2025.
Tuy nhiên một đề tài tôi luôn quan tâm và ấp ủ đó là sáng tác về quê hương Đất Tổ. Trong tổng số 15 ca khúc tôi sáng tác năm 2024 thì có khoảng 7 ca khúc viết về đề tài này. Có được thành công đó phần lớn là nhờ sự chuyển tải thường xuyên của Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ tiếp sức cho tôi. Lấy nguồn cảm hứng từ các bài thơ luôn chắp cánh cho tôi trong sáng tác ca khúc như một kho tàng văn học, một bà mẹ đỡ hướng đường đi và bồi bổ cho tôi tràn đầy năng lượng. Với một số bài thơ tiêu biểu tôi đã say mê chọn lựa viết ra những ca khúc như: “Mùa thu lên Việt Bắc” lời nhà thơ Kim Dũng, “Những ngày này cả nước vững tin” lời thơ của tác giả Vũ Kim Liên, “Mùa xuân nồng nàn câu Ghẹo câu Xoan” lời thơ của tác giả Dương Quốc Vinh, “Tình trung du” lời thơ của nhà thơ Vũ Trọng Hải v.v…
Và gần đây nhất tôi đã đồng cảm và thổi hồn vào bài thơ của tác giả Bùi Văn Phẩm “Dòng sông Thao yêu thương” đã được thu thanh và biểu diễn được rất nhiều khán thính giả gần xa yêu thích.
Trước thềm năm mới tôi rất tự hào là người con của quê hương đất Tổ Vua Hùng. Tôi sẽ biến tình yêu quê hương ấy thành những cảm xúc mới để viết nữa, viết mãi, lấy đề tài đất nước quê hương để tạo ra những món ăn tinh thần cho bản thân và đóng góp cho cuộc sống như dòng sông màu mỡ phù sa, như hồn thơ của tác giả Bùi Văn Phẩm đã được in trong Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ: “Tình chứa chan lưu luyến vẫn chảy mãi trong ta”.
GIÁP THÌN RA ĐI ẤT TỴ BƯỚC TỚI
Người bạn thời gian lại đến gõ cửa từng nhà. Năm 2024 sắp kết thúc năm 2025 đã cận kề. Nhà thơ Mác-xắc (Nga) đã viết trong bài “Cuốn lịch”: “Mỗi lần năm mới/ Nó tới từng nhà/ Mặt tươi như hoa/ Người thì béo tốt/ Quả đất xoay vần/ Tháng ngày cạn hết/ Nó mỏi mòn dần/ Cuối năm biến mất” (Quang Huy dịch).
Mỗi người viết, người làm sáng tạo nghệ thuật đều nhìn lại mình, một năm đã qua đã làm được gì? Những dự định cho năm 2025 là những gì chúng ta đều có kế hoạch.
Cuộc sống, công nghệ hiện nay thay đổi từng giây mà sức lực con người thì có hạn, về tuổi tác, trí tuệ với những người tuổi đã cao đâu có thuận lợi gì?
Chúng ta luôn có niềm tin và hy vọng vào công cuộc đổi mới, chuyển mình mạnh mẽ của toàn xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Nhưng với người làm thơ, hiện thực cuộc sống phải được trưng cất qua rung động trái tim với xúc cảm thật mãnh liệt, thật riêng biệt mang tính cá nhân! Trong sáng tạo không cho phép ta lặp lại ta, lặp lại người khác.
Đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Ngổn ngang trăm mối bên lòng/ Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình”.
Với thơ, cái khó nhất để thay đổi hay đổi mới chính là thi pháp. Nên cấu tứ bài thơ là điều khó khăn nhất, nó đòi hỏi người viết phải đi, phải đọc, phải trải nghiệm theo thời gian.
Tôi đã đọc những bài thơ hay trên Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ và đón đọc những bài thơ mới lạ trong năm 2025. Rất nhiều niềm tin và hy vọng.
Chúng ta đi tìm Thơ ngay trong bản thân mỗi chúng ta, đấy mới là hướng đi cho tất cả mọi người.
ĐÔI ĐIỀU TÂM SỰ
Từ những ngày học phổ thông, tôi đã yêu thơ. Thưở đó, đất nước còn chiến tranh với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, chúng tôi chỉ được tiếp cận dòng thơ cách mạng với Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu…, với Việt Bắc, Từ ấy, Người đi tìm hình của nước… và chuyền tay nhau chép những bài thơ tình của Nguyễn Bính, Thế Lữ… Lớn lên, tôi vào bộ đội, dọc đường hành quân, khi thấp thoáng bên sườn núi bông hoa chuối đỏ tươi, tôi hiểu thêm cảm xúc của Tô Hữu khi ông viết: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng. Chúng tôi đi như: Quân đi rung lá ngụy trang/ Xôn xao như sóng trường giang trùng trùng… Cứ thế những vần thơ ấy theo tôi suốt chặng đường đánh giăc. Cũng có đôi chút khả năng nên tôi thường làm thơ, những vần thơ mộc mạc, giản dị ban đầu về tình đồng đội, về nỗi nhớ hậu phương và cũng được đọc cho đồng đội nghe.
Chiến tranh kết thúc, tôi trở về học đại học. Do tính chất nghề nghiệp và công việc thường xuyên đi công trường nên cả một khoảng thời gian dài sau đó, tôi ít có dịp làm thơ. Mãi đến đầu những năm 2000, khi cuộc sống dần ổn định,tôi mới trở lại với thơ ca. Được những tác giả có uy tín như: Điền Ngọc Phách, Cao Văn Định… khuyến khích, động viên, tôi bắt đầu sáng tác với chủ đề chính là về đồng đội, về đất và người quê hương tôi và về thành phố, nơi tôi đã sống và làm việc cho đến khi nghỉ chế độ. Đặc biệt, năm 2011, tôi vinh dự được kết nạp vào Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ để từ đó tôi có dịp tiếp xúc, học hỏi nhiều hơn về kinh nghiệm, kỹ năng sáng tác. Ngoài sáng tác thơ, tôi có một say mê khác là viết truyện ngắn. Do không được học tập bài bản nên tôi viết bằng cảm nhận của mình, tìm lối viết riêng cho chính mình, bên cạnh đó tôi cũng được sự góp ý, chỉ bảo của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn và một số tác giả khác.
Tôi viết không nhiều, trong sự nghiệp sáng tác của mình cho đến nay mới chỉ xuất bản được một tập truyện ký và mấy tập thơ. Với suy nghĩ sáng tác là để trải lòng mình, là tâm sự với bạn bè, đồng đội, hướng tới một cuộc sống thanh thản, thương yêu và độ lượng. Phần thưởng lớn nhất đối với tôi, ấy là mỗi lần những người lính chiến trường năm xưa họp mặt, đồng đội tôi lại yêu cầu tôi đọc thơ về chúng tôi trong và sau chiến tranh để rồi động viên nhau trong những năm tháng sau này.
Một mùa xuân nữa đang về, đôi dòng tâm sự tản mạn với lời cầu chúc năm mới cho tất cả chúng ta, những người cần bút một sức khỏe, bằng an để tiếp tục cùng nhau xây dựng ngôi nhà văn hóa trên quê hương Đất Tổ thân yêu ngày càng thành công và phát triển.
TÂM TÌNH XUÂN ẤT TỴ
Nhìn lại một năm của bản thân năm 2024, tôi cũng tự thưởng cho mình những giờ phút thư giãn, trải nghiệm cùng các thi huynh thi hữu trên những nẻo đường quê hương, đất nước xa gần. Mỗi chuyến đi ấy hình như nó lại cho tôi một cảm xúc rất mới, một nguồn năng lượng dồi dào, giàu chất thơ hơn…
Ở cái tuổi lục tuần, đã bước qua thời kỳ “gân đang xoăn và thớ thịt đang căng” nhưng tinh thần vẫn vươn tới những gì mà bản thân mong muốn. Đó là được đi chơi, được đọc sách và được sáng tác văn chương v.v…
Khi trở thành hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, tôi cũng đã có những năm tháng khoác áo lính, áo thợ, áo cảnh vệ của Công ty Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm thao với khoảng thời gian ngót 40 năm.
Nói về công việc là vậy, còn về văn chương thì tôi yêu thơ từ bé. Rất may cho tôi là có người mẹ đẻ có lời ru ngọt ngào. Từ khi lớn lên đã được nghe mẹ ru em bài thơ “Bầm ơi” của nhà thơ Tố Hữu. Thế rồi tôi cũng thuộc bài thơ ấy từ lời ru của mẹ. Tôi yêu thơ, có thể nói thơ nó nằm trong tiềm thức của tôi thành đường đại lộ không có điểm cuối…
Đến nay tôi đã có hai tập thơ để chia sẻ cùng bạn bè: “Tình khúc mùa hạ” (năm 2018); “Dáng thu” (2022) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép. Ngoài ra có nhiều bài thơ đăng trên các tập chí, tập san của các ngành, các CLB.
Năm 2024 tôi có 4 bài đăng ở Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, 8 bài đăng ở Báo Phú Thọ, 1 bài đăng ở báo tỉnh Điện Biên, 1 bài đăng ở Báo Lào Cai, 1 bài đăng trên Tạp san Sa Pa. Ngoài ra còn đăng ở Tập san Văn nghệ Lâm Thao, Văn nghệ Vân Sơn.
Hiện nay tôi đang làm Phó chủ nhiệm CLB thơ Hải Hà thuộc CLB thơ Việt Nam tỉnh Phú Thọ, Ủy viên Ban chấp hành CLB thơ Việt Nam tỉnh Phú Thọ. Với tôi: “Nắng phơi tay dệt tranh thơ/ Ghép vần, đan tứ trải mơ cuộc đời/ Vẫn ham du ngoạn mọi nơi/ Mừng xuân, mừng Đảng đất trời thêm xuân”.
Vâng! Đôi điều tâm tình cùng xuân Ất Tỵ và bạn bè thơ phú. Kính chúc thi huynh, thi hữu mạnh khoẻ, hạnh phúc và nhiều thành công. Hân hoan chào đón xuân Ất Tỵ.