Tôi luôn nhớ tới bạn bè cùng trang lứa trên quê hương Đất Tổ, những đồng chí, đồng đội đơn vị chiến đấu cũ đã ra đi mãi mãi, hiến dâng cuộc đời thanh xuân tươi đẹp của mình cho các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý.
Tôi lần giở tấm dù hoa là kỷ vật thiêng liêng của liệt sỹ Nguyễn Văn Tĩnh, đã trao tặng tôi từ ngày xưa ấy.
*
* *
Chiều ngày 29/4/1969, các chiến sỹ mới chúng tôi sau 4 tháng trời hành quân vượt Trường Sơn vào Nam tham gia đánh Mỹ, đã tới K9 – Trạm giao liên Cà Tum (nay là xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Nơi đây là vùng rừng già rộng lớn thuộc chiến khu cách mạng giải phóng miền Nam, có các cơ quan: Trung ương Cục, Mặt trận dân tộc giải phóng, Bộ Chỉ huy Miền và hậu cứ các đơn vị của quân ta. Bất ngờ chúng tôi gặp một đoàn chiến sỹ cũ mặc quần áo quân giải phóng B2 may bằng vải polinphăng mỏng, màu xanh, vai khoác ba lô lộn ngược, không mang súng, từ cánh rừng trước mặt đi ra. Nhìn thấy chúng tôi, họ liền đứng nép vào đường, đưa mắt chăm chú nhìn mặt từng người, luôn miệng chào, hỏi thăm quê quán, mong tìm được người thân trong nhà và đồng hương. Tôi phấn khởi nhận ra 02 anh cùng quê xã Sơn Vi, đó là các anh: Bùi Xuân Tế, sinh năm 1942, nhập ngũ năm 1964, đi Nam năm 1965, hiện nay là Quân y sĩ của đơn vị Sư đoàn 7. Tôi biết anh Tế đã có vợ và 2 con nhỏ ở quê. Vậy mà lâu nay, dân làng tôi đồn là anh Tế bị thương nặng cụt chân, đang điều trị ở Quân y viện tỉnh Quảng Bình, làm vợ là chị Bùi Thị Xuân ở nhà khóc hết nước mắt. Sau đó, chị chẳng may bị chó dại cắn, không qua khỏi và qua đời, để lại hai đứa con nhỏ được ông bà nội nuôi dưỡng, chăm sóc. Còn anh Nguyễn Văn Khuynh, sinh năm 1948, nhập ngũ tháng 10/1965, đi Nam tháng 12/1966, là bạn thân thiết của tôi từ nhỏ ở quê. Ba anh em chúng tôi tay bắt mặt mừng, ngồi luôn xuống vệ đường chuyện trò rôm rả. Tôi kể cho các anh nghe về tình hình gia đình, quê hương vừa sản xuất, vừa chiến đấu, dồn sức người, sức của góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam, để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, ngày 12/3/1967, đế quốc Mỹ dã man tàn bạo đã ném bom tàn phá Nhà máy Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, rải bom bi làm chết nhiều người, trong đó có 21 người dân xã Sơn Vi và gây ra thiệt hại rất lớn về tài sản, nhà cửa của nhân dân địa phương. Hai anh thông báo với tôi về tình hình số anh em xã Sơn Vi đang tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam, đều phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, dũng cảm chiến đấu hy sinh, góp phần làm nên thắng lợi của đơn vị, xứng danh là con em nhân dân quê hương Đất Tổ anh hùng. Trong đó có các liệt sỹ: Bùi Xuân Tám, Bùi Văn Ngân, Nguyễn Bách Hợp… Anh Khuynh cho biết: Anh là chiến sỹ Đại đội 47, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 429, Đặc công Miền. Đơn vị anh vừa tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 đợt 1, tiêu diệt quân Mỹ ở Chi khu Dầu Tiếng, nay chuẩn bị tham gia chiến dịch đợt 2. Hôm nay, anh được giao nhiệm vụ cùng anh em đi lấy gạo và thực phẩm về cho đơn vị. Như chợt nhớ ra, anh Khuynh bảo tôi:
– Trong đơn vị tao còn có thằng Nguyễn Văn Tĩnh, cùng là bạn thân thiết với chúng mình. Nó có tinh thần chiến đấu rất dũng cảm, lập được nhiều thành tích xuất sắc, nên bây giờ nó đã được kết nạp vào Đảng, phong cấp bậc: Đại đội bậc phó (Thiếu úy), chức vụ Đại đội phó. Nó đang huấn luyện chiến sỹ mới bổ sung ở cứ. Mày theo chúng tao vào thăm nó nhé, để nói chuyện cho nó biết về tình hình gia đình và quê hương, chắc nó sẽ mừng lắm đấy.
Tôi liền xin phép cán bộ chỉ huy đơn vị, cùng anh Tế và Khuynh đi vào cánh rừng cạnh đó. Lần đầu tiên, tôi được chứng kiến các chiến sỹ bộ đội đặc công đang luyện tập kỹ chiến thuật chiến đấu dưới tán lá cây rừng, dưới sự chỉ huy của anh Tĩnh, Đại đội phó. Tất cả họ đều ở trần, đầu đội chiếc mũ cỏ ngụy trang, mặc chiếc quần đùi, tay cầm súng AK báng gấp và thủ pháo, lựu đạn đang bò dưới lớp lá cây rừng. Khi thấy 3 anh em chúng tôi đến thăm, anh Tĩnh liền reo ầm lên, giao lại cho một cán bộ khác thay quyền chỉ huy và đưa chúng tôi tới ngồi dưới một gốc cây xăng nẻ chuyện trò, hỏi thăm rối rít. Tôi thấy Tĩnh vẫn vậy, dáng anh cao gầy, nước da nâu sạm nắng, tính tình vui vẻ, nói cười hồn nhiên như thời còn ở nhà. Tôi kể cho Tĩnh nghe mọi chuyện về tình hình gia đình, tích cực tham gia công tác và sản xuất. Các bạn bè của chúng tôi hầu hết đã lên đường nhập ngũ vào chiến trường tham gia chiến đấu như: Triệu Đức Ký, Bùi Như Lai, Bùi Văn Hộ, Nguyễn Văn Tưởng… Ở quê giờ còn lại các bạn gái, đều tham gia lực lượng dân quân. Trong đó có Trung đội dân quân tập trung trực chiến gác phòng không bắn máy bay Mỹ trên trận địa đồi Rừng Núi. Ngoài ra, chị em lại còn tham gia xây dựng các trận địa pháo cao xạ của đơn vị bộ đội về bảo vệ vùng trời huyện Lâm Thao và Việt Trì. Khi chia tay nhau, Tĩnh mở ba lô tặng tôi 01 gói thuốc Ara (do Campuchia sản xuất), 01 gói chè Củ Măng, 01 gói bánh lương khô để mang về cho anh em cùng tôi liên hoan mừng ngày hôm nay gặp nhau ở chiến trường. Lúc tôi đeo ba lô lên vai, chuẩn bị bước đi, Tĩnh vội kéo lại, gỡ bỏ vòng lá ngụy trang trên ba lô của tôi, rồi tháo tấm dù hoa đang khoác trên người anh, choàng lên người tôi và nói:
– Tao tặng mày tấm dù hoa này, nó là kỷ niệm của tao trong trận đánh Mỹ ở Chi khu Dầu Tiếng. Mày dùng để đắp lên người khi đi ngủ cho ấm và ngụy trang khi ra trận.
Tiễn chúng tôi ra tận cửa rừng, Tĩnh ôm chặt vai tôi nói lời tạm biệt:
– Mày là con trai một, chúc mày sau chiến thắng còn sống trở về lo hương khói thờ phụng Tổ tiên, nhớ đừng bao giờ quên tao và bạn bè, đồng đội đã chiến đấu hy sinh trên chiến trường miền Nam nhé.
Anh Tế cũng căn dặn:
– Chúng mình vào đây tham gia chiến đấu, đều đã xác định chấp nhận gian khổ hy sinh, nếu mày mà may mắn còn sống trở về, đừng quên chúng tao đấy.
Ngay tối hôm đó, tôi ngủ tại Trạm giao liên K9, đã lấy tấm dù hoa của anh Tĩnh trao tặng đắp lên người, thấy được ý nghĩa sâu sắc của món quà kỷ niệm bé nhỏ mà thiết thực này. Nó là chiến lợi phẩm từ một chiến công đã thấm đẫm bao máu xương của chiến sỹ đặc công đơn vị anh. Nó cũng là lời động viên cổ vũ tinh thần ý chí quyết tâm chiến đấu cho một người chiến sỹ mới như tôi, vừa chân ướt chân ráo vào đến chiến trường miền Đông Nam Bộ, gian lao mà anh dũng. Tôi cũng cảm nhận ngay được tình cảm và hơi ấm của anh, những ngày xa quê đi chiến đấu làm tôi suy nghĩ và nhớ lại: Tôi, Tĩnh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình nông dân nghèo khổ ở xóm Ao Làu, xã Sơn Vi, lại có mối quan hệ tình cảm gia đình. Ông nội tôi là anh trai bà nội của Tĩnh, nên theo vai vế trong nhà, Tĩnh phải gọi tôi là anh, nhưng vì Tĩnh sinh năm 1947, hơn tôi một tuổi, nên cứ xưng hô với nhau là mày tao cho tiện. Ngoài giờ đi học ở trường, hai đứa chúng tôi thường cùng bạn bè rủ nhau đi chăn bò, cắt cỏ, kiếm củi, quét lá sắn trên đồi Vườn Sậu, rồi câu cá, đánh dậm, đẩy nhùi, mò cua, bắt ốc dưới đầm Con Lợn, để phụ giúp gia đình kiếm sống hàng ngày. Tĩnh giỏi hơn tôi về đức tính lao động cần cù, chịu thương chịu khó, nên bao giờ số cua, ốc, cá kiếm được cũng đầy giỏ hơn tôi. Bố Tĩnh là ông Nguyễn Văn Thúc, đảng viên, cán bộ Nhà nước đang công tác. Mẹ Tĩnh là bà Bùi Thị Cẩn, làm ruộng ở quê. Gia đình có 7 chị em, gồm 5 con trai, 2 con gái, trong đó Tĩnh là con trai thứ 3 trong nhà. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo đói lại đông con, nên học xong lớp 7, Tĩnh đã phải nghỉ học, về nhà tham gia lao động sản xuất. Năm 1965, Nhà nước có đợt xét tuyển sinh ưu tiên cho các con cán bộ, đảng viên địa phương được đi ra học nghề ở nước ngoài, Tĩnh thuộc diện đó, nhưng anh không đi. Tháng 01/1965, anh đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tháng 12/1966, trước khi đi Nam chiến đấu, Tĩnh được về phép thăm gia đình, anh đến thăm tôi trong bộ quân phục mới lạ, vì tôi thấy có hàng cúc cài khuy bó hai ống chân quần. Tĩnh phấn khởi, tự hào khoe với tôi:
– Tao là chiến sỹ đơn vị đặc công, được huấn luyện cả lái xe tăng các loại của Mỹ, nên gọi tắt là “Lính đặc công tăng”. Để mai mốt vào chiến trường miền Nam, chúng tao sẽ đánh vào chốt Mỹ, lấy xe tăng Mỹ đánh Mỹ và lái xe Mỹ về vùng giải phóng. Mày thấy có oai không?
Lúc đó, tôi vẫn là học sinh, còn đang học lớp 10, trường THPT Long Châu Sa, chỉ biết chiến công của bộ đội đặc công qua đài, báo đưa tin, nên tôi đã coi Tĩnh như thần tượng của mình và thầm mơ ước mình cũng đi bộ đội giải phóng, trở thành chiến sỹ đặc công như Tĩnh. Bây giờ, sau 3 năm vào chiến trường tham gia chiến đấu, Tĩnh đã phấn đấu trưởng thành là cán bộ Đại đội, đảng viên. Tôi rất tự hào có người bạn thân thiết ở quê hương như anh. Sau đó, tôi được điều động bổ sung về làm chiến sỹ trinh sát của đơn vị Quân giải phóng, tham gia chiến đấu trên các chiến trường từ miền Đông Nam Bộ, tới miền Trung Nam Bộ. Tôi vẫn luôn mang theo bên mình và sử dụng tấm dù hoa của Tĩnh trao tặng để vừa đắp ấm khi ngủ, ngụy trang khi đi công tác và chiến đấu. Hình như tình cảm thiêng liêng và hơi ấm của Tĩnh luôn quyện chặt tâm hồn tôi, giúp tôi trong một lần bị địch bao vây định bắt sống, mà vẫn thoát ra được và 4 lần bị thương trong chiến đấu, mà vẫn sống trở về. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy đó là điều tâm linh kỳ diệu, thật khó tin vào sự thật này.
Ngày 20/11/1974, tôi bị thương trong trận đánh ở Đồng Tháp Mười, được đi điều trị ở Quân y viện K20 của Quân khu 8, ở biên giới Việt Nam – Campuchia. Tôi bất ngờ và may mắn gặp lại anh Khuynh cũng đang điều trị và an dưỡng thương tật tại đây. Lúc này, anh Khuynh với cấp bậc Trung úy, chức vụ Chính trị viên Đại đội, đơn vị bộ đội đặc công Miền, vừa tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam Bộ, Quân khu 9 trở về. Anh sẽ ra Bắc tiếp tục điều trị và đi học tập nâng cao trình độ để phục vụ Quân đội lâu dài. Qua câu chuyện Khuynh kể cho tôi biết: Anh Nguyễn Văn Tĩnh đã hy sinh ngày 03/10/1969 trong trận đánh của đơn vị đặc công vào căn cứ Téc Níc của Mỹ. Căn cứ này vốn mang tên Technique, người chủ đồn điền Công ty cao su Đất Đỏ của Pháp, tại xã Quản Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Bình Phước). Năm 1964, đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu tiến hành cuộc “Chiến tranh đặc biệt”, trực tiếp đem quân Mỹ xâm lược miền Nam nước ta. Nhận thấy vị trí chiến lược quân sự ở nơi đây, chúng đã biến Téc Níc thành sân bay chiến lược khống chế cả chiến trường Đông Dương, xây dựng căn cứ quy mô rất lớn, trong đó có cả sân bay vận tải loại C130 lên xuống, Sở chỉ huy, kho tàng hậu cần, nhà để xe tăng, xe ô tô vận tải quân sự. Xung quanh căn cứ là hệ thống lô cốt, hầm hào phòng thủ kiên cố, vững chắc, với hàng chục hàng rào dây thép gai và các bãi mìn dày đặc. Nhằm gây khó khăn rất lớn cho bộ binh ta thực hành tiến công chúng. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chỉ huy Miền, Trung đoàn 429 Đặc công sau một thời gian nghiên cứu, lên phương án và xây dựng quyết tâm chiến đấu, đêm ngày 03/10/1969, Tiểu đoàn 5/E429 với 3 Đại đội (C46, C47 và C48), phối hợp với lực lượng du kích địa phương dẫn đường, dùng lối đánh của bộ đội đặc công bí mật, bất ngờ, táo bạo đã hình thành 3 mũi tiến công gồm: 2 mũi tiến công ở hướng Đông và 01 mũi tiến công ở hướng Tây. Đơn vị xuất phát từ Suối Cát, bí mật luồn sâu, ém sẵn, đánh hiểm. Đúng giờ G, tất cả cán bộ và chiến sỹ đơn vị dùng các loại thủ pháo, lựu đạn, súng AK và súng B40, súng B41 đánh thẳng vào các mục tiêu quy định: Hầm ngầm chỉ huy, kho xăng dầu, sân bay, bãi để các loại xe, nhà ngủ của lính Mỹ… đồng loạt gây tiếng nổ vang trời, khói lửa bốc lên nghi ngút, chùm kín cả căn cứ. Bị đánh bất ngờ, bọn lính Mỹ không kịp trở tay, bị tiêu diệt hàng trăm tên, phá hủy nhiều máy bay, xe quân sự, trận địa pháo và phương tiện chiến tranh các loại, phải 3 ngày sau, bọn Mỹ mới khôi phục lại được hoạt động ở căn cứ Téc Níc. Đến 3 giờ sáng ngày 04/10/1969, anh em ta rút lui về nơi xuất phát. Chiến thắng trận Téc Níc gây nỗi kinh hoàng, khiếp đảm cho kẻ thù, tạo thêm niềm tin tưởng, phấn khởi cho quân và dân cả nước ta, nâng cao tinh thần ý chí quyết tâm đánh thắng Mỹ, góp phần tạo ra bước ngoặt về cục diện chiến tranh trên chiến trường, có lợi cho phong trào cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng Tiểu đoàn 5 đặc công cũng phải chấp nhận nhiều tổn thất, một số cán bộ và chiến sỹ đơn vị đã dũng cảm chiến đấu hy sinh, trong đó có liệt sỹ Nguyễn Văn Tĩnh, người bạn thân thiết của chúng tôi và là người con ưu tú của nhân dân quê hương Đất Tổ, đã hiến dâng trọn cuộc đời tuổi trẻ của mình cùng với bao máu xương đồng đội đơn vị đặc công, thổi bùng lên ngọn lửa căm hờn tiêu diệt giặc Mỹ xâm lược.
Năm 2010, tôi gặp Đại tá Nguyễn Văn Khuynh nghỉ hưu ở Hà Nội, nhân một lần về thăm quê. Nghe tôi hỏi về công tác giải quyết chính sách thương binh liệt sỹ của đơn vị anh ngày ấy. Anh Khuynh giải thích:
– Bộ đội đặc công dùng cách đánh độc đáo “Nở hoa trong lòng địch”, đánh từ trong trung tâm đánh ra vòng ngoài căn cứ địch. Mục đích là đánh thẳng vào cơ quan đầu não chỉ huy, gây hoang mang tư tưởng và tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch trong thời gian rất ngắn, rồi nhanh chóng rút lui. Không có ý định làm chủ và chốt giữ trận địa như bộ binh. Khi quân ta không còn thế chủ động bất ngờ, địch bắn các loại pháo sáng lên trời soi rõ như ban ngày dưới mặt đất, chúng tổ chức phản công lại quyết liệt, nhằm đẩy lùi quân ta. Do đó, công tác giải quyết chính sách thương binh liệt sỹ của quân ta ở sâu trong trung tâm địch vô cùng khó khăn. Trường hợp hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Văn Tĩnh và một số liệt sỹ khác của đơn vị trong trận đánh ở căn cứ Téc Níc hôm đó tương tự như thế. Bây giờ, các CCB chúng tôi đã thành lập Ban liên lạc CCB Bộ đội Đặc công Việt Nam, có kế hoạch liên hệ phối hợp với các CCB Mỹ từng tham chiến ở miền Nam Việt Nam, để tìm kiếm những thông tin cần thiết phục vụ cho công tác giải quyết chính sách, tìm mộ các liệt sỹ của đơn vị trong trận đánh đó. Nhưng còn hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi thời gian lâu dài, mới có được kết quả công tác như mong đợi.
Từ ngày về nghỉ hưu, tôi vẫn thường đến gia đình anh Nguyễn Văn Tịnh ở khu 12, xã Sơn Vi, người đang thờ cúng anh trai là liệt sỹ Nguyễn Văn Tĩnh. Anh Tịnh cho biết: Trước khi bố mẹ anh qua đời, đã căn dặn các con hãy cố gắng đi tìm mộ liệt sỹ của anh trai, để ông bà yên lòng nơi chín suối. Bản thân anh đã 3 lần tổ chức anh chị em, con cháu trong nhà đi vào căn cứ Téc Níc cũ (Bình Long) để tìm những thông tin về liệt sỹ Tĩnh hy sinh ngày ấy, nhưng đến nay, vẫn chưa có kết quả. Anh đành phải sống trong mong đợi và hy vọng tới đây sẽ tiếp tục tổ chức thêm các chuyến đi như vậy bao giờ đạt được kết quả mới thôi. Tôi chỉ biết nói lời động viên, chia sẻ với anh Tịnh và thắp thêm nén hương tưởng nhớ công ơn, tình cảm của liệt sỹ Nguyễn Văn Tĩnh giành cho tôi đã gửi trọn vào tấm dù hoa trao tặng ngày xưa ấy. Giúp tôi giữ vững và phát huy bản chất truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Bây giờ, tấm dù hoa đã trở thành một kỷ vật thiêng liêng, vô giá, luôn nhắc nhở tôi và những người đang sống, hãy luôn nhớ tới công ơn to lớn của bao lớp người như anh, những chàng trai quê hương Đất Tổ anh hùng, đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân Việt Nam yêu quý.
Lời kết: Nếu truyện ký “Tấm dù hoa” được in trên Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, đó là điều vô cùng may mắn và quý giá, để cho tôi có cơ hội nhờ các CCB Việt Nam cùng đông đảo bạn đọc ở trong và ngoài tỉnh Phú Thọ, nếu ai biết được thông tin về liệt sỹ Nguyễn Văn Tĩnh, xin hãy cung cấp cho tôi biết (Địa chỉ của tôi xin Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ cung cấp). Gia đình liệt sỹ Tĩnh và tác giả trân trọng cảm ơn.
B.N.Q