Ông Phạm Văn Phin sinh năm 1942, hiện ở khu 5 thôn Nam Cường, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ – một Cựu chiến binh đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Ông Phin nhập ngũ năm 1962, vào chiến trường miền Nam năm 1964, khi vừa cưới vợ được mấy ngày. Từ đó biền biệt 11 năm trời không có bất kỳ một tin tức gì về ông. Sau khi vào chiến trường miền Nam được hai năm thì đơn vị báo tin về quê nhà rằng: Ông đã hi sinh…
Bà Ngô Thị Ngại sinh năm 1944 là vợ của ông kể lại: Khi nghe tin ông hy sinh, bản thân tôi và gia đình rất buồn. Rồi nỗi buồn ấy cũng qua đi, tôi hiểu rằng trong bối cảnh những năm chiến tranh khốc liệt, những đau thương, mất mát, sự hy sinh hoặc những người lính phải để lại một phần cơ thể của mình tại chiến trường cho dải đất hình chữ S thiêng liêng này được hòa bình là lẽ đương nhiên, rất đỗi bình thường… Nhưng tôi có linh cảm chồng tôi vẫn còn sống, mặc dù niềm tin mong manh, nhưng nó làm cho tôi tăng thêm nghị lực để chờ đợi, hy vọng.
Niềm tin và hy vọng của vợ ông Phin đã được đền đáp khi 11 năm sau ông đột ngột trở về. Bà Ngại tâm sự: Ngày đó tôi không bao giờ quên vào tháng 5 năm 1975, tôi như lạc giữa cơn mơ, hư và thực khi chồng tôi đột ngột trở về, trong sự ngỡ ngàng của cả thôn, sự vui mừng hạnh phúc tột độ của gia đình. Ông không chỉ còn sống mà còn rất khỏe mạnh. Khi đó, miền Nam giải phóng, đất nước đã thống nhất gia đình tôi cứ ngỡ ông sẽ xuất ngũ về quê; nhưng không ông chỉ được nghỉ phép 30 ngàym sau đó ông lại lên đường tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc, lại tiếp tục 9 năm dài đằng đẵng nữa. Tôi hỏi thế sao ông bà vẫn có nhiều con thế? Bà Ngại vui vẻ cười ngại ngùng tâm sự: Thì mỗi lần ông về phép hoặc tranh thủ tôi lại sinh thêm cho ông một đứa con. Mãi đến mùa đông năm 1984, ông mới chính thức nghỉ hưu, khi đó mới bốn mươi mốt tuổi.
Ông Phin thường ngồi cả giờ đồng hồ say mê kể về những trận đánh mà mình được tham gia tại các chiến trường, những quãng ngày gian khổ, đau thương tại chiến trường cho các con nghe, cũng như tôi hôm nay. Trong lời kể của ông thấm đẫm những giọt nước mắt, mỗi khi nhắc đến những đồng đội đã hy sinh, nhắc đến tình cảm đồng chí thiêng liêng. Những hình ảnh chiến đấu, đồng đội bị thương, phải khênh cõng, bế đồng đội đến trạm cứu thương, nhiều đồng đội không qua khỏi, hi sinh trên tay ông rất nhiều, nghĩ về những đồng đội đã hy sinh ông rưng rưng, bày tỏ lòng ghi nhớ, biết ơn với những hy sinh của các đồng chí đồng đội, đã làm nên hòa bình ngày hôm nay.
Ông thường kể với mọi người rằng, ông là một bộ đội đặc công, đã từng là lính trinh sát an ninh miền Nam, rất giỏi võ thuật, bắn súng. Những nơi ông đặt chân đến trong chiến tranh đều để lại nhiều kỷ niệm, ông muốn lưu giữ nên đã đặt tên các con theo địa danh mà mình đã từng đóng quân hoặc chiến đấu: Nam (Miền Nam) – Giang (Hà Giang) – Hà (Bắc Hà) – Bắc (Hà Bắc) – Thái (Bắc Thái)…
Anh Giang – con trai ông kể lại: Mùa đông năm 1984, thời tiết rất lạnh. Tôi còn nhớ, khi trời mới tinh mơ sáng, tiếng con gà trống nhà bà Mai hàng xóm cất tiếng gáy lần thứ mấy không rõ thì mẹ tôi gọi hai anh em dậy đi rải sắn (tức là phơi những củ sắn đã được thái lát thành từng miếng xuống nền). Hôm đó, mẹ tôi ngồi thái sắn từ chập tối, nhìn mấy cái thúng và 2 cái nong to chất đầy sắn đã thái, hình như bà ngồi cả đêm. Mà năm ấy được mùa thì phải, nên nhà nào trong thôn cũng tấp nập, í ới gọi nhau phơi sắn từ chiều hôm trước, hai anh em lẽo đẽo đi sau mẹ đang gánh 2 thúng sắn to đi trước, tôi rụi rụi mắt nhìn ra xa thấy sắn của nhà ai đó đã phơi một vạt dài trắng xóa ở ngoài đồi, để chuẩn bị đón nắng từ sáng sớm. Khi hai anh em đang lụi cụi nhặt từng miếng sắn trắng tinh xếp cẩn thận lên trên những ngọn cỏ còn ướt sương lạnh, đầu ngón tay buốt nhói, tê đi thì bà nội gọi toáng lên bảo chúng tôi về ngay. Chắc có chuyện hệ trọng, nên chúng tôi hốt hoảng ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Ôi! Thì ra là bố tôi về, về ở nhà không phải đi chiến đấu nữa…! Đây là kỷ niệm, là cảm xúc lâng lâng khó diễn tả mà tôi vẫn nhớ không bao giờ quên lúc bố tôi nghỉ hưu, khi đó ông 41 tuổi, tôi đang là một cậu bé con chuẩn bị vào lớp 1. Thế nhưng cuộc sống ở quê lúc đó rất khó khăn, nhà đông con, ngoài tham gia đội bảo vệ tuần tra của thôn ông còn làm mọi công việc trong nhà, đánh lờ bắt cá, thả đụt bắt tôm ở dưới Đầm Nam, túc tắc lấy thức ăn hàng ngày, hôm được nhiều cá, tôm thì mang ra chợ bán. Những năm 1990, khi nuôi một lúc mấy đứa con đi học, lương ông không đủ trang trải cuộc sống, ông vẫn cố gắng tần tảo lo cho các con. Tôi nhớ khi bố tôi được truy lĩnh tiền huân, huy chương đã dành tiền mua cho mỗi đứa con bộ quần áo mới, khi đó anh em tôi vui lắm. Tuy lam lũ vất vả nhưng bố tôi không mấy khi bị ốm, ông bảo: ông sống thọ được lâu là nhờ linh hồn đồng đội phù hộ.
Ông có thú vui thích uống chè, hút thuốc lào và thi thoảng vui thì uống rượu. Anh Giang con trai ông kể lại: Năm 1996, có bác Mạnh – người đồng đội năm xưa sang chơi. Sau hơn hai mươi năm mới gặp lại, tôi thấy hai ông nhắc tên từng người bạn một nhưng hình như họ đều đã chết. Hai ông ôm nhau khóc, xúc động, nghẹn ngào khi nhắc đến những đồng đội đã từng vào sinh ra tử, những người mà ông luôn tâm niệm rằng nhờ có họ mà ông mới sống thọ cho đến ngày nay. Hôm đó nhà tôi mãi mới ăn cơm trưa vì trong nhà chẳng còn gì ăn. Cả nhà 5 người chia nhau đi xuống đồng quây bắt mãi mới bắt được gà để thịt. Mâm cơm hôm đó có mỗi con gà rang lên cùng với rau rền mười luộc, chén rượu đặt lên hạ xuống và những câu chuyện kể của hai người lính tôi vẫn nhớ mãi như ngày hôm qua. Năm 2015, khi Công an tỉnh Thừa Thiên Huế có gửi giấy mời ông dự kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, bố tôi và ông Mạnh đi dự. Hôm đó, bố tôi cảm động, vui lắm.
Theo ông Phạm Xuân Mùi hàng xóm của ông Phin chia sẻ: Ông Phin là người chiến sỹ quả cảm, sống và chiến đấu hết mình trong thời gian quân ngũ, gia đình ông có nhiều đóng góp cho quê hương, bản thân ông khi mới nghỉ hưu tham gia nhiệt tình các hoạt động của thôn, xóm được đồng đội bà con yêu mến. Gia đình ông, các con, cháu đều ngoan, học giỏi, trưởng thành hòa đồng với mọi người trong khu.
Đồng chí Nguyễn Văn Thuận – Chủ tịch UBND xã Thanh Uyên cho biết: Ông Phin là người đã cống hiến tham gia 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ông là một trong số ít người lính Cụ Hồ còn sống ở tuổi hơn 80 trong xã chúng tôi. Suốt những năm qua, ông Phạm Văn Phin sống rất mẫu mực, luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, đoàn kết với bà con xóm, làng. Đó là những thế hệ đi trước có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Chiến tranh đã lùi xa, thời gian dần trôi, người chiến sỹ bao lần vào sinh ra tử, từng cõng bế cứu, chôn cất bao đồng đội năm xưa giờ đã hơn 80 tuổi. 5 người con của ông Phin đều đã có công ăn việc làm ổn định, con cháu đề huề. Những ký ức về người lính năm xưa xông pha nơi trận mạc, những kỷ niệm về tình đồng đội, sẽ là quãng thời gian đẹp nhất được ông Phin ghi nhớ.
Tr.L