– Bầm, mở cửa cho con.
Cụ già giật mình khi có tiếng người.
– Bầm, mở cửa cho con.
– Mày á Miên?
– Vâng.
– Tao không có chìa khóa. Hôm qua vợ chồng nó kêu mất tiền với gạo nước gì đấy. Nó dặn tao không mở cửa cho ai cả. Vợ chồng, con cái nhà nó mỗi người đánh một cái chìa khóa rồi.
– Bầm… bầm có tiền không, con vay mấy đồng cho cháu nó đóng học phí. Con chưa bán được lợn. Mấy hôm nữa con giả bầm.
– Tao hết rồi. Hôm qua thằng bố Khiêm sang, tao đưa cho nó rồi.
– Bầm, cái mấm bầm đang đeo ở tai ấy. Con giật tạm nhá.
– Vợ chồng nó biết, nó nói tao. Đôi mấm này vợ chồng nó cho tao phòng khi ốm đau. Không được.
– Anh chị ấy thiếu gì. Con mượn…
Đang nói đến đấy thì người anh rể về.
– Có chuyện gì à dì Miên?
– À… anh Thà ạ… dạ không. Em lên thăm mẹ một tý xem tay mẹ đỡ hay chưa?
– Thế à? Chứ không phải vì việc khác chứ?
– Anh cứ đùa. Thôi. Bầm nghỉ đi, con về đi làm cỏ đây. Em về anh ạ.
– Dì về.
Anh Thà mang đồ vào nhà, mở cửa ra. Anh đặt âu cháo lên bàn, lấy bát múc ra rồi rắc ruốc bưng vào phòng đưa cho bà cụ:
– Bà ăn cháo cho nóng.
Một tay anh cầm bát cháo một tay cầm thìa bón cụ. Cụ Vĩnh vừa ăn cháo vừa rớt nước mắt:
– Tôi cảm ơn bố mày.
– Sao bà lại nói thế. Đấy là trách nhiệm vợ chồng con. Con trả còn chưa hết ơn sinh thành ra nhà con chứ chưa nói đến chuyện khi chúng con khó khăn, đi công tác xa bà chăm sóc các cháu lớn khôn. Bà đừng cả nghĩ.
– Nếu như thằng bố Khiêm nó được như bố mày thì tôi…
– Để con lấy thuốc cho bà.
Anh Thà không muốn nhìn thấy mẹ vợ khóc. Anh đi ra ngoài và thở dài cám cảnh cho cụ. Cụ ở bên này với vợ chồng anh nhưng tâm của cụ vẫn ở với người con trai bên xóm Chùa. Khổ vậy, “cá chuối đắm đuối vì con”. Có mỗi mụn con trai mà sao phải khổ đến vậy. Vừa lúc ấy, chị Thản cũng đi chợ về, đuổi mấy con gà đang bới đám rau muống trong vườn. Chị cất làn thức ăn vào bếp, cầm lên cho mẹ quả chuối:
– Bầm ăn quả chuối này. Thế nào, lại khóc thương thằng bố Khiêm à? Bầm còn chưa biết được lòng dạ của ông con trai giả nhân giả nghĩa ấy hay sao. Mẹ gãy tay gần một tháng rồi mà vợ chồng con cái nhà ấy có ai thèm thò mặt sang thăm không. Quân mất dạy.
Anh Thà nói với vào:
– Mẹ mày hay thật đấy. Sao lại nói bác ấy như thế.
– Ông còn bênh à? Con cháu gì, bà ốm đau đi viện như thế mà không thấy mặt mũi đâu. Ai cần đồng quà tấm bánh của chúng nó… Đồ vô ơn, đồ bất hiếu.
Bà cụ phân bua:
– Hôm nọ thằng bố Khiêm nó cũng có sang. Nó bảo: Bầm cứ ở đây ba năm nữa rồi con đón bầm về bên ấy ở với chúng con.
– Cái gì? Ba năm nữa á? Vẫn còn dám vác cái mặt dày sang đây à. Muốn đưa bà về bên ấy phải bước qua xác con này. Còn bầm nữa… Bầm có muốn sang bên ấy không?
– Ờ thì, bố nó bảo thế thì bầm biết thế. Lúc nào nó đón thì bầm về.
– Bầm vẫn chứng nào tật ấy. Bầm muốn đi đi về về để vợ chồng con muối mặt với làng xóm láng giềng à. Bao nhiêu tao nhiêu tuyết rồi. Bầm thích thì ở, không thích thì đi. Bầm không nghe người làng đồn ầm lên kia à. Người ta đồn là vợ chồng con đón bà về để đưa đi viện còn lấy tiền phong bì, để khi chết còn lấy lời lấy lãi. Bầm biết chưa?
Bà cụ Vĩnh khóc nấc lên ngồi xoay ra bên cửa sổ. Tay phải của cụ được băng bó cẩn thận và được treo lên ngang bụng bằng một băng vải màu đỏ. Cụ thẫn thờ nhìn ra ngoài sân. Nơi ấy một đàn gà mới nở đang kiếm mồi. Gà mẹ lông màu xám, chân ngắn, mọc rất nhiều bìu sần sùi. Những ngón chân cứng và xám xịt đang ra sức bới gốc cây ráy rồi cục cục gọi các con lại. Mấy chú gà con lông vàng màu nắng non thi nhau chạy đến, cướp nhau miếng mồi là một con giun bé xíu nhưng lại quá to so với một chú gà con mới nở. Con giun nằm giãy giọn ngang cái mỏ bé tý xíu. Con gà con ấy chạy đi, đàn gà con chạy theo cướp con giun. Chạy một lúc, gà con dừng lại ở gốc cây rau dền ra sức nuốt con giun…
Chị Thản khóc nấc lên. Chị thấy ức quá. Vợ chồng chị không muốn mẹ khổ, đưa mẹ về bên này chăm sóc lúc tuổi già. Nhưng bà cụ lại chỉ “lá rụng về cội”, lúc nào cũng muốn về bên con trai. Không thích ở với con gái. Nhớ những năm trước, cụ ở bên ấy, vợ chồng chị ngày nào cũng ba bữa mang cơm sang cho cụ ăn, tắm giặt cho cụ. Vợ chồng ông Khiêm – con trai cả của cụ – thì có hề động chân động tay làm cho bà cái gì đâu. Chồng thì nhu nhược. Vợ thì lăng loàn. Suốt ngày chỉ có ăn trắng mặc trơn, ngồi lê đôi mách. Chồng thì cùng cục đi làm đồng, rỗi rãi làm nghề thợ nề nhưng không dám nói vợ một câu. Vợ ông còn bận cắp cặp đi họp xã. Vợ là phó chi hội phụ nữ xóm Chùa. Chửi mẹ chồng như vãi mắm tôm vào mặt. Dám trộn cả muối vào bát cơm của mẹ chồng. Hàng xóm nhìn thấy thì bảo nhầm: Đấy, tôi suốt ngày bận bịu suy nghĩ cho công việc mà nhầm cái nọ xọ cái kia.
Trời thật chẳng thương cụ Vĩnh đã già yếu lại còn làm khổ cụ thêm. Hôm ấy, vợ chồng anh chị Thà đi ăn cỗ cưới ở làng bên. Cụ không có nước rửa mặt, đánh liều đi ra giếng để bơm bước. Nhưng nền giếng trơn, cụ trượt chân ngã. Trong lúc ấy có cả vợ chồng ông Khiêm ở nhà. Họ không thèm ỏ ê gì tới cụ. Họ còn bảo: Cho chết, cứ cậy có con gái với con rể tốt. Đợi chúng nó sang mà chăm sóc, mà đưa vào nhà. Cụ kêu lên nhưng không ai thèm đáp lại. Cụ cố bò vào nhà rồi rên rỉ bảo:
– Bố Khiêm ạ, tay bầm đau quá. Mày xem hộ bầm cái.
Ông Khiêm đã không hỏi han gì mà còn quát:
– Đi đâu mà mò ra đấy.
Gần ba tiếng sau, ông Thà mang cơm cho mẹ, thấy tay mẹ sưng vù hỏi thì cụ bảo:
– Tôi ngã.
Ông Thà nắn nắn thấy xương lạo xạo mới gọi con cháu đưa bà đi viện. Vợ chồng ông Khiêm giương mắt ra nhìn. Đã thế vợ con ông còn nói với mọi người rằng: “Tay bà cụ có làm sao đâu. Vợ chồng Thà đưa cụ đi viện để kiếm thêm phong bì”. Người làng biết cả cho nên họ chỉ cười. Đôi người còn đế vào: “Ai đời lại để bà cụ ở bên nhà con gái. Đón cụ ấy về. Nói thật rằng, chuyện đời muôn kiếp từ ngày xưa tới nay, có bao giờ con dâu thương mẹ chồng, mẹ chồng thương con dâu. Các cụ bây giờ già rồi nên hay giở chứng, giở thói lắm. Ăn rồi lại bảo chưa ăn… Nhưng ông bà Thà như thế là không được, dám vượt mặt cả anh chị cả. Sang mà đón cụ về”. Nhưng vợ chồng nhà Khiêm có dám sang đâu. Chỉ nói cho sướng mồm. Không sang thăm mẹ lấy một ngày. Sang thì hay sang lúc vợ chồng con cái ông Thà không ở nhà để còn chôm chỉa được cái gì hay cái ấy. Nhà ông Khiêm thì nghèo. Làm được đồng nào ăn đồng ấy. Nhà cửa tuềnh toàng. Con cái thất nghiệp cả. Bốn con trai với bốn con dâu chia nhau mấy sào ruộng mà làm ăn. Chúng cũng theo bố theo mẹ không sang thăm bà.
Bà cụ ở bên nhà anh chị Thà nhưng ruột gan cụ héo que héo quắt. Cụ thương thằng bố Khiêm không có cái gì mà ăn. Khi cụ ở bên ấy còn có đồng ra đồng vào. Các con gái cụ cho cụ tiền để ăn quà sáng, quà vặt thì cụ giấu đưa cho thằng bố Khiêm. Cụ không ưa gì con dâu nhưng thương con trai. Cụ vẫn dành phần cháo sáng sáng bố mẹ Thà mang sang cho thằng bố ấy nó ăn. Cụ còn nhờ người mua bịch mỳ tôm để dưới gậm giường, sáng sáng ủ cho con trai ăn, hay hôm nào nhỡ bữa, vợ nó không nấu cơm nó còn có cái mà ăn. Cụ nhờ hàng xóm mua cho con trai cái áo để mặc. Tội thằng bố, suốt ngày thấy mặc áo cũ. Đi làm hay đi ăn cỗ vẫn chỉ có mấy cái ấy. Tội quá. Thôi thì bà lấy của con nọ cho con kia. âu cũng lọt sàng xuống nia mà. Hai cô con gái út của bà thì suốt ngày sang nịnh bà cho tý tiền để đóng học cho con. Cụ bảo:
– Chúng mày đi lấy chồng thì co kéo ở nhà chồng. Bầm làm gì có.
Hai cô con gái bảo:
– Thế sao bầm lại lấy của anh chị Thà cho anh Khiêm?
Hai cô con gái cụ Vĩnh ngoay ngoảy bỏ về.
Bây giờ thì cụ Vĩnh đang ở nhà anh chị Thà – vợ chồng con gái lớn. Vợ chồng nó được cái đôn hậu. Thương anh thương em. Nhưng anh em thì cứ bòn rút thành ra vợ chồng anh chị ấy thấy cám cảnh quá. Vợ chồng Thà được ba đứa con, đều học đại học ra, công ăn việc làm ổn định. Dựng vợ gả chồng cho chúng đã xong, anh chị Thà chỉ muốn chăm sóc cụ Vĩnh lúc tuổi già. Sống bên bác cả thì khổ quá, thương quá. Cơm không được ăn, nước không được uống lại suốt ngày bị dằn vặt, bị con dâu mắng chửi thậm tệ. Nhưng cụ cam chịu, một điều nhịn là chín điều lành, thôi không chấp. Cụ chỉ muốn ở gần thằng bố Khiêm để chăm sóc nó. Kể cũng lạ, con người ta khi lớn lên, già cỗi mà trong mắt cha mẹ vẫn chỉ là một đứa trẻ con. Cụ cũng định sẽ về ở với bố Khiêm khi khỏi bệnh nhưng vợ chồng con mẹ Thà lại nghĩ ngợi. Ở đây, cụ sung sướng thật nhưng buồn quá. Tâm trạng đã nặng nề, nhà cửa lại im ắng suốt ngày. Vợ chồng Thà đi làm suốt, chỉ trưa, tối mới ở nhà. Con cháu thi thoảng mới về chỉ chào bà, chào cụ được một câu, hỏi thăm vài lời là lại ào đi. Chúng nó bảo bà ăn uống cho khỏe, đừng nghĩ ngợi gì, ở với bố mẹ cháu đến lúc chết. Bọn cháu bận lắm, không chăm sóc bà được. Công việc mà, bà thông cảm nhé. Bà không trách. Chúng là những đứa cháu ngoan. Chúng còn tôn trọng bà hơn con trai, con gái bà.
Hàng ngày cụ ngồi bên cửa sổ. Chẳng biết làm gì. Hết nằm lại ngồi. Hết ăn lại uống. Cụ chỉ có khung cửa sổ để nhìn ra bên ngoài. Cụ thèm được ra ngoài quét quáy cho đỡ buồn chân tay nhưng khốn nỗi tay chân cụ bị như vậy, bó bột nặng trình trịch, đau nhức không tả được. Cụ chỉ nhìn ra sân, ra vườn. Nhìn mấy chú gà đùa nhau mà cảm thấy như gia đình ngày xưa nghèo khó nhưng vui vẻ, anh chị em đùm bọc nhau. Bây giờ, chúng nó đã có gia đình. Mọi sự đã khác. Nước mắt cụ rớt trên má. Trong bếp vợ chồng Thà đang chuẩn bị nấu ăn. Mặt trời đã lên cao vót nơi ngọn tre trước nhà.
N.T.H.C