Hôm qua nhà ông Cang bị mất trộm. Mấy chục con gà ông túc tắc nuôi lấy trứng để bán, bóc ngắn cắn dài trang trải sống qua ngày qua buổi. Bay hết rồi. Giời ơi! Mà số gà đó có phải tài sản do tiền của ông mua được đâu? Đây là “cần câu cơm” từ Hội phụ nữ của phường hỗ trợ cho ông. Ôi, khốn khổ thay! Ông muốn lớn tiếng kêu trời, muốn chửi to đứa nào thất đức vơ vét “lũ con” của ông. Nhưng, ông chỉ ư ử lăn lộn thứ âm thanh tắc nghẽn trong cổ họng. Ông đau. Vành mắt như rỉ ra máu. Ông là đàn ông, cũng quá nửa đời người rồi, oang oang ăn vạ ai đặng? Số gà con mất mẹ liếp chiếp kêu như khóc, vẫn luẩn quẩn trong chuồng, chúng nó dáo dác tìm mẹ. Ông muốn bưng mặt, nhưng không thể… Than ôi tay ông! Ông bủn rủn chân, bần thần ngồi gục xuống, dựa lưng vào ngay cạnh cửa chuồng gà mà ngậm đắng nuốt cay. Mặc cho cái mùi hôi nồng nặc của phân gia cầm và không khí bẩn thỉu trong chuồng gà phả ra. Ông hít nó trong vô thức, hồn vía bay mất.
Ông thuộc diện hộ nghèo bền vững, bản thân lại là người khuyết tật, một đôi tay khòng khoèo run lẩy bẩy nhiều khi còn làm ông thấy dư thừa, vướng víu, như khúc cây khô cứng queo lại dị dạng, cố chấp gắn liền trên thân cây vốn đã chẳng có bao nhiêu sức sống. Chục năm nay ông bị bệnh, thường xuyên phải đi viện, tiền có bao nhiêu trôi bấy nhiêu không giữ được đồng nào. Căn bệnh làm cả người ông gầy đét, nước da sần sùi như bị ghẻ mãn tính dưới ánh mặt trời cũng chẳng dám sáng lên. Sáu mươi tuổi, ông neo đơn trong căn nhà nhỏ hơn cả cái góc áo của người sang giàu. Nhà này là tài sản gia đình, được ông Cung – anh trai ông nhường lại cho từ mấy chục năm trước. Đến nay, nó đã cũ kỹ tróc lở, từng mảng bong ra như những lớp vỏ hành càng bóc càng cay mắt. Bên trong chẳng chứa thứ gì đáng tiền, có khi kẻ trộm còn chê, liếc mắt một cái để nhòm ngó cũng lười ấy chứ! Chẳng bõ công chúng mò vào khuân vác. Chỉ có mấy chục con gà kia là thứ lọt vào con mắt khô cạn tình người của lũ đầu trộm đuôi cướp. Trong một đêm, gà nhà ông bị khoắng sạch sành sanh, sạch đến tàn nhẫn. Sáng ra, ông phát hiện sự tình, hai mắt căng nứt nhìn cái chuồng trống hoác, không có tiếng cục cục, ó o hay quác quác náo động như mỗi lần trước ông mở cửa cho “lũ con” của ông đón mặt trời. Phải! Lũ con của ông đấy! Ông thường gọi chúng như thế. Mỗi khi chúng ùa ra, luẩn quẩn quanh ông ngóng ăn, ông lại lẩm bẩm: “Các con tự đi kiếm ăn đi thôi. Nhà nghèo không đủ lúa ngô nữa rồi”. Đến tối chúng đủng đỉnh vào chuồng, ông lại lẩm bẩm cùng với chúng. Những nội dung ông nói ra với chúng, khi thì là tâm sự trĩu nặng, khi thì là chút niềm vui nhỏ nhoi vì bán được dăm ba chục quả trứng, khi thì động viên lũ con sống chung với ông phải chịu khó chịu khổ… Âu cũng là nỗi cô đơn của ông có chỗ trút, có bầu bạn. Với ông, con người hay con vật xét cho cùng đều là chỗ ký thác tinh thần qua cơn bĩ cực đấy thôi, ai cho ông là dở hơi cũng được. Ông thật sự thương lũ con của ông. Mất mát lại bi thống như muốn trào ra ngoài gương mặt khắc khổ.
Không biết qua bao lâu ông bất động ngồi đó. Chuồng gà dựng ở góc vườn đầy những cây chuối xòe lá hứng nắng mới, mấy cây ổi còi cọc cạnh rầu rĩ phơi cành mảnh mai, sát bên cạnh là cái bếp đắp bằng đất bị ám khói nhưng lại có một vẻ hiền lành tự nhiên gợi cho người ta cảm giác hoài niệm. Mặt trời chẳng biết nỗi lòng của ông, vẫn sáng chói rọi xuống, rực rỡ phủ lên chuồng gà tuềnh toàng xiêu vẹo trông đến là châm biếm. Những gà con bắt đầu mạnh dạn tìm lối ra, chúng lọt qua khe hở của tấm phên nứa quây chuồng, có con ngơ ngác đi ra từ lối cửa đã mở. Tiếng kêu non nớt của chúng như thức tỉnh ông khỏi cơn trống rỗng. Thất thểu đứng dậy, ông gượng lại tinh thần, nặng nề thoát ra những tiếng gọi “chích chích, cục cục” dẫn đàn gà bé xíu như cục bông kia tụ chung một chỗ. Ông quay người đi lấy ít thóc, bàn tay cong queo khó nhọc quải từng nhúm dụ chúng đến ăn.
“Ăn đi con! Phải tự lực cánh sinh rồi con ạ!”.
Đàn gà mất mẹ dè dặt quanh ông, cái mỏ khẽ khàng mổ thóc, nhưng vẫn có những con liếp chiếp gọi mẹ, trông chúng mới lạc lõng làm sao! Ông lại muốn chửi thằng trộm.
Chuyện ông Cang bị trộm gà nhanh chóng đến tai hàng xóm. Bà Dậu nghe tin, cầm cái nón đã hơi móp mép vừa phẩy phẩy cho đỡ nực, vừa ông ổng rướn cổ:
– Khốn nạn thế cơ chứ! Ăn của cả người què quặt thế có phải là con người không? Lũ chúng bay sớm muộn cũng bị quả báo. Quân ăn cướp!
– Ối giời! Chị Dậu chửi thuê cho ông Cang đấy à?
Bà Dậu không hạ giọng, đáp lời cô Lài đang đạp xe chở bao gạo đi tới.
– Chẳng thuê tôi cũng chửi. Tiên sư nhà chúng nó!
Cô Lài cười khúc khích lướt qua, không quên ngoái đầu đồng tình:
– Vâng, khổ quá chị ạ! Em cũng không ngờ… – Xe đạp bon bon trên đường nhựa, cô nói với: – Tội nghiệp ông Cang quá! Chị qua động viên ông câu.
Nói rồi bóng của cô cùng chiếc xe khỏe khoắn cũng đã đi khá xa. Nhà có xe máy xịn đấy, nhưng nhiều khi cô vẫn thích cái phương tiện giản dị mà không khói bụi gây ô nhiễm môi trường này, thỉnh thoảng lại dùng nó đạp đi mua gạo muối hay tập thể dục quanh khu.
Ở xóm, mọi người đều biết hoàn cảnh của ông Cang, hầu như ai cũng thông cảm, đôi khi cũng có lòng thương mà đỡ đần một tí lúc trái gió trở giời hoặc lúc khó khăn. Song, người có vẻ gần gũi nhất với ông là bà Dậu – một người phụ nữ tuổi xế chiều góa chồng gần ba mươi năm trước, có ba đứa con đều đã trưởng thành. Hai con gái của bà xây dựng gia đình ở xa, anh con giai út tên Thái hai mươi tám tuổi chưa chịu cưới vợ, gần đây ít khi về nhà. Bà Dậu với ông Cang biết nhau từ nhỏ, mà những người cùng thế hệ ở đây thì cũng đều biết nhau cả. Còn cô Lài là người nơi khác, vì cưới chồng ở xóm Hóc Tha này mới sống ở đây suốt ba mươi năm qua, đang công tác trong Hội phụ nữ của khu, nghe nói con cái nên người lắm! Đứa con cả của cô tên Hưng, hai tám tuổi, đã có vợ đẹp con khôn. Ngày xưa, Hưng học chung với giai út nhà bà Dậu, bây giờ vẫn chơi thân.
Ông Cang sau khi chật vật dọn được nửa cái chuồng gà đầy rơm rác với phân gia cầm thì từ trong đi ra, lúc này đã là buổi chiều, trông sắc mặt của ông còn tái mét hơn cả khi sáng phát hiện lũ con bị trộm bắt. Trên bàn tay co rút và lẩy bẩy của ông là một mặt dây chuyền vừa lẫn trong đó, ông nhặt được ngỡ là ý trời giúp ông tìm chủ nhân của nó – cũng là kẻ đã trắng trợn hại ông mất kế sinh nhai. Ông khòng khoèo nâng cánh tay, đang đau đáu mà khổ sở nhìn vào “vật chứng”. Đây là mặt dây chuyền bằng vàng khắc con giáp bản mệnh và tên của người đeo nó, có điều trông hơi khoa trương. Cái tên rất nhỏ, nhưng ông không mù, chòng chọc nhìn vào, thấy rõ. Song… hình như không còn rõ gì nữa!
Bà Dậu xách túi rau sạch và con cá trắm sang nhà ông Cang. Nơi này quen thuộc với bà từng ngóc ngách.
Ngày xưa còn nhỏ, cô bé Dậu thường xuyên ở đây chơi với cậu bé Cang nhút nhát. Họ chỉ hơn kém nhau vài tuổi. Cang bị tật ở hai cánh tay, vì xấu hổ nên luôn sợ việc ló mặt ra khỏi nhà, vốn dĩ rất cô độc. May có bé Dậu hồn nhiên chẳng sợ hãi, không chê bai anh Cang dị tật tay, hay lân la sang chơi. Bố của Cang bỏ vợ con đi theo người phụ nữ khác, đến khi về chỉ còn là cái xác thoi thóp, mấy ngày sau thì chết. Đứa con lớn mới lên mười chưa đỡ đần được gánh nặng gia đình khiến cô Vồng – mẹ Cang mới xấp xỉ ba mươi đã phải chịu đủ tủi cực. Nhà nghèo phận hèn, nuôi con trăm bề khổ, huống chi còn có đứa không lành lặn. Sau hai năm cáng đáng chẳng đặng, cô Vồng tái giá với ông trưởng xóm năm mươi tuổi trong làng. Lòng dạ người phụ nữ ấy đôn hậu và thương con. Cô tái giá cũng chỉ vì mong có chỗ dựa để đủ sức gánh vác hai đứa trẻ mình dứt ruột đẻ ra. Bố dượng của anh em Cang cũng tốt, ông không tách mẹ con họ, để họ sướng khổ có nhau. Dù sao ông cũng không phải phụ thuộc vào con cái, vợ trước thì mất rồi. Nhưng ngặt nỗi lòng người không phải ai cũng lương thiện. Con cái của ông trưởng xóm là người lớn cả rồi, có điều họ ác ý, thất đức, giở trò với mẹ kế và hai đứa bé. Anh em Cang vì thế dắt nhau về nhà mình ở, người mẹ toan theo con, không nỡ để chúng mồ côi. Song, sự tình cũng chẳng đơn giản như đã nghĩ. Ông trưởng xóm đột ngột qua đời. Là đột ngột, hay có ma quỷ làm càn, không ai biết! Sau, cô Vồng bị con riêng của chồng kế chèn ép, ngậm phẫn uất mà phát bệnh, dần suy yếu rồi qua đời ở tuổi ba mươi nhăm.
Hai đứa trẻ lăn lộn mà sống. Biết em trai thua thiệt, nhưng Cung không hắt hủi, ngược lại còn đùm bọc cưu mang. Cang cũng hiểu chuyện, ngoan đến đau lòng, hiền lành chất phác, chỉ tội mặc cảm chẳng dám qua lại với ai. Đến đôi mươi, ngoài Dậu ra vẫn không thân với người khác. Cung lấy vợ, được đôi năm thì vợ chồng theo nhau rời quê đi làm kinh tế mới, để lại nhà cửa cho Cang.
Còn trẻ, Cang có khuôn mặt sáng sủa, vóc dáng không tệ, nhưng đôi tay tật nguyền đã phá vỡ cái sự hài hòa ấy, đi ra bên ngoài thường cúi mặt không dám đối diện vẻ ngạc nhiên hoặc soi mói của người khác. Các thiếu nữ trong thôn xóm, cùng làng hay tủm tỉm cười chỉ trỏ vào Cang, thi thoảng những câu bàn tán của họ theo gió bay phất phơ.
– “Tiếc ghê! Mặt đẹp cũng bằng thừa nhỉ? Cái tay thế kia thì làm ăn được gì?”.
– “Tao bảo này! Mày thử tán nó xem. Biết đâu…”.
– “Phải gió! Giỏi thì mày đi mà tán. Tởm chết đi được!”.
Lần nào cũng vậy, Cang cúi gằm mặt hổ thẹn. Dậu nghe được thì xồng xộc phát bực, đanh đá không chịu nổi:
– “Mấy cái chị kia!!! Mắm tôm treo miệng các chị đấy hả??? Ăn nói mất nết!”.
Thậm chí, Dậu còn sấn tới, muốn giật hết mớ tóc của họ xuống, xem ai dám chê ai!?
Cang luống cuống ngăn lại, không thể dùng tay để kéo Dậu, cũng chẳng có sức mà kéo, đầu óc lẫn thân thể đều đã bị nỗi nhục nhã làm cho lạnh toát.
Dậu hay xót xa nhìn Cang, mau mồm mau miệng nhưng trái tim nhạy cảm biết bao. Cô gái ngày ấy như đọc được ánh mắt, thấu được cái đau, thương cho thân phận Cang. Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào… Cô ngày thấy mình khác lạ mỗi khi nghĩ đến anh. Nhìn thấy Cang, trông thấy nỗi buồn rười rượi ẩn sau đôi mắt hiền như Bụt của người thanh niên khiến cô nhộn nhạo, bối rối, rạo rực, ngóng chờ… và chờ gì đây! Dậu biết sẽ chẳng thể chờ được. Cang không bao giờ có tự tin để hiểu thiếu nữ ấy ngóng cái gì, khao khát gì ở mình! Than ôi Dậu bồn chồn! Tủi lắm! Mỗi lần nghe những kẻ ác miệng gieo vào lòng Cang nỗi khổ sở, rồi nỗi khổ tâm chẳng cần được tưới tắm cũng cứ sinh sôi thành hình hài một cái cây độc ăn sâu bám rễ trong lòng Cang, hút cạn hết thảy những phần tươi đẹp trong anh, lộ ra sự khô cằn nứt nẻ, dày vò… Dậu cũng ủ rũ theo.
– “Để Dậu chăm sóc anh Cang nhé! Được không?”.
Một đêm sáng trăng, khoảnh sân nhà Cang cũng sáng bừng lên một niềm riêng trong veo như thế, nhưng cũng xa vời như thế! Cũng chẳng rõ có phải yêu không? Hay là sự tri kỷ thăng hoa? Hay tình người vượt lên cái thân thiết thông thường để cứu rỗi đối phương? Ánh trăng lếnh loáng đổ xuống bậc thềm hai người đang ngồi, hóa thành sóng nước ươn ướt màu vàng dịu tràn vào trong mắt, rạng đến trong tim. Người ta không dám chịu trách nhiệm vì nhau khi họ chưa đủ lòng thương, nhưng một khi đã thương đến chẳng còn ích kỷ thì có cái gì không thể cho nhau? Không! Không phải thế! Còn một thứ họ chẳng thể, đó chính là sự ràng buộc. Cang không nỡ ích kỷ! Nhìn sang Dậu, anh vừa như bất ngờ lại như đã biết trước sẽ có ngày này. Dậu thanh xuân, Dậu đẹp nhất trong lòng Cang! Nhưng… Yết hầu anh khô khốc, bỏng rát, không dám nuốt nước bọt, sợ sẽ càng thêm khát. Cang khẽ lắc đầu, giọng bỗng nặng nhọc phá vỡ sự tĩnh lặng êm đềm.
– “Không nên đâu!”.
– “Em biết…” – Dậu cụp mắt.
Khoảng lặng kéo dài. Chỉ có tiếng côn trùng quanh vườn nỉ non như gọi bạn tình giữa không gian mênh mang. Dậu và Cang – hai chiếc bóng sóng vai nhau, cứ bình yên tĩnh mịch, cứ dịu dàng vô ngôn… Họ cùng ngước lên bầu trời đêm. Ánh sao rơi vào trong hai đôi mắt đang cùng nhìn một hướng mà sẽ chẳng chung đường.
Chỉ một câu nói thôi, họ đã hiểu lòng nhau.
Chỉ một câu nói thôi, họ không thuộc về nhau.
Dậu lấy chồng. Dĩ nhiên rồi! Đây là mối duyên không thuộc về sự lựa chọn của Dậu. Hai đấng thân sinh luôn thở ngắn than dài, bằng đủ mọi cách khuyên giải, dẫn dắt cô. Dậu cứ trơ ra không mảy may động lòng. Cực chẳng đã, mẹ của Dậu dùng biện pháp mạnh, lấy cái chết ép uổng, uy hiếp. Dậu uất ức lắm! Người cứng rắn như cô vậy mà nhiều đêm đẫm nước mắt. Tình và hiếu khó lưỡng toàn, đành nhắm mắt đưa chân theo sự sắp đặt của bố mẹ. Trước ngày cưới, Dậu trốn sang gặp Cang. Chỉ nhìn nhau cũng đã khiến cho cô không thở nổi, lao ào đến ôm lấy anh, đụng phải cánh tay xấu xí làm nó lóng ngóng quắp lại nhưng Dậu mặc kệ, chỉ nức nở khóc. Cang bất lực đứng lặng. Phải thế thôi! Cái tay chẳng làm được động tác âu yếm vuốt ve an ủi đối phương. Tóc Dậu rũ xuống, áo Dậu cũng trút xuống, bờ vai trần lồ lộ trắng ngần làm Cang hít thở khó nhọc. Điện không bật, chỉ có ánh sáng tù mù của chiếc đèn dầu. Chẳng biết ai bắt đầu trước, không kiềm chế nổi cơn rung động cuồn cuộn trào ra, họ dành cho nhau những mơn trớn đầu tiên, lần đầu tiên. Thuộc về nhau! Một lần thôi cho cả một đời. Tiếng chó trong xóm sủa inh ỏi mỗi buổi tối, hôm đó lại hòa chung vào những tiếng vụn vỡ nỉ non lẫn tiếng khóc khàn đặc của hai con người khốn khổ. Là thật hay mơ? Chẳng biết! Trời đêm quánh lại, đen kịt.
Chồng của Dậu tên Biền, là người đàn ông đàng hoàng, đúng thế! May mắn thay! Sống chung lâu ngày, cái tử tế ở Biền làm Dậu thấy cuộc đời vẫn còn thương xót cho mình. Dù không yêu người ta thì cũng bồi đắp nên tình nghĩa, mà tình nghĩa nhiều khi còn ràng buộc chặt chẽ hơn cả yêu. Hai vợ chồng ít khi lục đục va chạm, tính Dậu bộc trực nên đôi lần chua ngoa nhem nhẻm, nhưng chồng bực đến mấy cũng chỉ vài ba câu phê bình rồi lắc đầu ra chiều “một sự nhịn chín sự lành”. Thế là lại hòa bình. Dậu không dám gặp Cang suốt một thời gian dài, tránh cả hai khó xử. Song, người cùng làng vẫn dễ chạm mặt. Tưởng đâu lúc đối diện nhau sẽ gợi lên những áy náy, thương tâm. Nhưng không! Cang cứ hiền như cũ, hiểu chuyện đến đau lòng. Cười với Dậu, nói: “Thật tốt! Thế này là tốt rồi! Anh chẳng mong gì hơn”. Ý của Cang là về gia đình của Dậu, chồng tốt con xinh. Khi ấy, Dậu đã làm mẹ của hai bé gái. Biền thi thoảng cũng tình cờ gặp Cang, thái độ không có gì để chê trách. Số phận mỗi người cứ lặng lờ như thế mà qua thêm vài năm.
Chồng của Dậu đổ đốn. Đúng! Xưa khác nay. Chẳng biết ra ngoài làm ăn thế nào mà quen được cái thói xã giao, nhậu nhẹt, một vài lần không sao, nhưng lâu dài thành tính. Thế rồi dần sa đà, bị gái bẫy lên cả trên giường. Tất nhiên không hẳn là chồng Dậu bị hại. Cơ ngơi Biền làm nên cũng kha khá, song vì vụ này mà điêu đứng. Ả gái kia vác cả bụng đến ăn vạ, cả làng biết chuyện, sóng gió tứ phía đả kích tự trọng của người đàn ông vốn từng tử tế. Từ đấy, Dậu không còn thấy chồng bao dung nữa. Nhiều lần Biền say, không kiểm soát được hành vi đã gây thương tích cho vợ. Tình nghĩa rạn vỡ dần, chỉ thiếu điều nứt toác. Lúc khốn khổ này, dù là người phụ nữ cứng cỏi thế nào vẫn có những khi Dậu suy sụp, mềm yếu. Đôi lần ngã lòng nương tựa vào chút bình yên nơi Cang, hình như từ chốn bình yên ấy nảy ra một mầm sống… Nhưng sau khi chồng tự tử mất, người phụ nữ ấy cũng không bất chấp tất cả để đến với Cang, một mình ở góa nuôi ba đứa con.
*
Bà Dậu vào sân, không thấy bóng ông Cang. Ngó ngược ngó xuôi, gọi lên mấy tiếng mới thấy có động tĩnh trong nhà. Ông Cang tiều tụy bước ra, cảm giác lưng bị cái gì đè oằn xuống, nặng trĩu. Bà Dậu hấp tấp thả túi rau xuống góc sân, treo tạm con cá trắm lên cái đinh đóng ở cột gỗ, chạy tới dìu người bạn già đang lẩy bẩy.
– Khốn khổ thân ông! Hay là báo công an. Cả mớ tài sản của người nghèo thế này…
– Không! Tôi… – Ông Cang vội vã từ chối. Đoạn, bờ vai ông bất lực rũ xuống.
– Sao hả ông?
Ông chật vật thả vào tay bà một thứ làm bà theo linh cảm mà hoảng hốt. Mắt ông Cang ươn ướt đỏ. Bà Dậu từ khiếp đảm hóa mờ mịt…
– Mang về cho nó… Tôi… tôi không báo công an.
Bà Dậu nhận ra mặt dây chuyền, muốn thất thanh khóc lên, nhưng mọi âm thanh kẹt cứng trong cổ họng, đau xé gan xé ruột…
Hai mươi tám năm qua, bà vẫn khuyên dạy thằng út sống có trước có sau, kính trọng ông Cang. Thằng Thái từ tấm bé cũng đã quen với ông, đến lớn vẫn hay qua thăm phụ giúp những lúc người bạn già của mẹ khó khăn. Ông và bà Dậu chẳng lạ gì cái mặt dây chuyền này là tài sản của Thái. Nhưng đợt gần đây, giai út nhà bà Dậu đang tránh mặt mẹ, tránh mặt ông. Trước kia anh ta chỉ biết mình đang ở trong bụng mẹ thì bố mất sau vụ xô xát nặng nề với ả phụ nữ đã phá hủy thanh danh của ông. Những biến cố, sự tình quá khứ của người lớn Thái chỉ mang máng nghe qua, không phải sẽ biết tất cả. Cho tới hai tháng trước…
– Bà đưa nó… Đừng nói rơi ở chỗ tôi.
– Khốn khổ quá ông ơi… Sao lại ra nông nỗi này hả ông!? – Bà Dậu chảy dài nước mắt. Ai thấu cho lòng dạ bà bây giờ!
– Không sao! Tôi… không trách nó.
– Tôi… tôi không ngờ nó sẽ dùng cách này để làm khổ ông… – Bà càng nói càng tủi.
Người đàn ông thêm già nua trước tuổi, chỉ lắc đầu. Thân phận của ông, hoàn cảnh trớ trêu… Ông giời không thương cũng đành. Đời người chẳng cần cầu sang quý hay sướng vui, chỉ cần khi còn sống biết mình dù đói dù khổ vẫn không đánh mất cái nghĩa cái tình là được. Ai mà có thể thanh thản khi tình nghĩa mất đi?
…
Xóm Hóc Tha sau hai hôm âm ỉ vụ nhà ông Cang mất trộm gà, bỗng ồn ào lời ra tiếng vào chê trách nhà cô Lài dạy con không nên thân. Thằng Hưng đã bị công an tóm. Hắn bình thường tỏ ra đứng đắn, phải phép khiến ai cũng ngỡ là thanh niên sáng láng tương lai. Ai mà ngờ! Chẳng biết hắn làm gì để rơi vào túng quẫn, nghe đâu gái gú cờ bạc gì đấy. Cô Lài khi ấy cũng ngã ngửa, bị đứa con cả làm xấu mặt. Cô rấm rứt khóc, tủi hổ thay con xin lỗi ông Cang và Thái. Cô định rút ra khỏi Hội phụ nữ khu. Thằng con của cô đốn mạt đến nỗi lừa gạt bạn bè, thó đi sợi dây chuyền vàng của giai út nhà bà Dậu, chưa kịp bán lấy tiền thì đã rơi ngay “cái mặt” trong chuồng gà nhà ông Cang…
*
Sáng sớm mấy ngày sau, ông Cang như thường lệ dậy lúc năm rưỡi, loanh quanh một hồi vệ sinh cá nhân thì lọ mọ lê bước đến chuồng gà theo thói quen khó sửa. Lũ gà con mất mẹ giờ này đã bắt đầu liếp chiếp. Không chỉ thế, nghe tiếng gà quác quác như mới bị đánh thức trộn vào nhau giữa khung cảnh còn yên ắng làm ông sửng sốt, ngỡ mình bị ảo giác. Song, hai cái bu nhốt những con gà bên trong khiến ông không kịp định hình sự việc, người cứ ngây ra, đờ đẫn xen lẫn sợ hãi. Ông thấy một lồng có mấy con gà mái chen chúc, hẳn đang kỳ đẻ trứng. Lồng khác là khoảng chục con loại nhơ nhỡ choai choai đang lộn xộn xô nhau. Tuy chúng không phải lũ con trước kia của ông nhưng không hiểu sao ông chợt cay khóe mắt và cảm thấy một nỗi thân thiết khó tả. Nhưng ông chưa hiểu chuyện gì, ngổn ngang rối bời suy nghĩ. Giá như chúng là của ông… ông sẽ lại sung sướng tạ trời, ngày ngày lại tâm sự với chúng, tuy không thể chăm sóc chúng thật tốt nhưng đôi bên nương tựa tinh thần âu cũng là điều ông mong mỏi.
“Hãy nuôi chúng”.
Ngoài cổng nhà ông Cang, Thái dõi mắt thấy người đàn ông lọm khọm đang khòng khoèo gỡ mảnh giấy, nỗ lực vuốt ve từng nét chữ và đăm đắm trông vào cái lồng gà kia. Anh kín đáo thở ra thật khẽ, lẳng lặng quay bước sau một hồi tâm trạng phấp phỏng đứng cạnh hàng rào tre chờ đợi. Nhìn từ sau lưng, bóng dáng thanh niên vững chãi mà bình thản, lẻ loi trên đường cái. Anh hứng lấy vầng sáng ban mai đang từ từ lấp ló khỏi bầu trời…
Truyện ngắn của Viên Nguyệt Ái