(Nhân đọc tập thơ “Đà giang” của tác giả Nguyễn Văn Hiền)
Nhà giáo Nguyễn Văn Hiền – Hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ, Hải Phòng, hội viên Hội VHNT Lâm Thao. Ông vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Đà giang” – Nxb Hội Nhà văn. Đây cũng là tập thơ thứ 8 của ông. Sau các tập: “Giấc mơ tuổi thơ”, “Lưới nhện”, “Bờ cỏ”, “Con dê trắng”, “Màu nắng”… Khi viết tập thơ này cũng là lúc ông bước vào cái tuổi bát tuần. Kể ra sức viết của một cụ giáo U80 thì cũng thật là đáng nể. Trở lại với tập thơ gồm 66 bài, đa phần là thơ tự do, có 7 bài thơ lục bát truyền thống. Ta có thể chia nội dung của cả tập với 4 chủ đề chính. Đó là những bước chân lãng du của tác giả trong quá trình công tác. Rồi tình cảm với quê hương và những người thân yêu nhất, những cái nhìn về thế thời, những hoài niệm về tình yêu và hạnh phúc, những cái trân trọng và đáng quý với sự chín chắn, thận trọng của tác giả khi giãi bày những câu thơ như một chiêm nghiệm sống. Ta hãy cùng tác giả đi tới các vùng miền của đất nước – mảng đề tài này có 12 bài. Khi về thăm Côn Lôn, Kiếp Bạc, nhà giáo Nguyễn Văn Hiền đã nhớ lại vụ án Lệ Chi Viên mà ông đã giảng cho học trò của mình. Ở bài thơ này ông đã khắc họa được bức tranh, tâm trạng qua những cảnh thiên nhiên ở một vùng có nhiều dấu ấn lịch sử, cảnh ở đây vừa hiện thực, vừa đậm chất lãng mạn. Cái tình của tác giả trải ra cùng bè bạn, sẻ chia cho hậu thế, mà 300 năm sau vua Lê mới hóa giải được cho vụ án đẫm đầy nước mắt:
…”Cái họa bỗng ập đến
Từ lũ quỷ gian manh
Nỗi đau nào hơn thế
Nghẹn nấc cả trời xanh”
(Đến Côn Sơn nhớ về Nguyễn Trãi)
Tác giả đã khéo léo, tài tình dùng một câu cả tượng thanh và tượng hình “Nghẹn nấc cả trời xanh” trong văn cảnh này thì thật là đắc địa. Tác giả Nguyễn Văn Hiền có 5 năm dạy học ở Tây Nguyên. Những năm đó, đi lại khó khăn, tác giả nhớ quay quắt quê nhà, nỗi nhớ ấy đã bật thành thơ:
“Anh ở Tây Nguyên mùa khô nắng gió
Em ở quê nhà mưa lạnh lay phay
Xuân về nơi anh mai vàng vàng rực
Đất quê mình đào thắm hồng cây!”
(Nơi anh – Nơi em)
Bước chân lãng du của tác giả có dịp ngược lên vùng cao nguyên đá Hà Giang. Ở đó, ông quan sát, suy tưởng và bài thơ “Đá” đã ra đời. Bài thơ nhận được giải thưởng của Hội VHNT Hòa Bình: “Hàng rào đá vây quanh, cheo leo vách núi/ Tiếng khèn Mông bay đến chín tầng mây/ Sống trên đá/ Ngàn đời như thế/ Ở nơi này người sống như cây”… (Đá).
Những tên làng, tên núi, tên sông cứ ùa vào thơ ông như cuộc sống, ông lên rừng rồi lại xuống biển:
“Tôi đi trên bãi cát
nhìn con sóng xa bờ
thuyền nối thuyền san sát
hàng dương xanh đang mơ”
(Sa Vỹ)
Nhà giáo, tác giả Nguyễn Văn Hiền đến với thơ lễ độ và thận trọng. Với nhân vật trữ tình gần gũi là mẹ. Trong tập thơ, tác giả có hai bài viết về mẹ, bằng những câu thơ mộc mạc, chân chất, tác giả tạc lại mẹ mình bằng hồn: “Suốt đời đi chân đất/ Khăn mỏ quạ răng đen/ Miệng nhai trầu, đôi môi cắn chỉ”…
Nhưng phổ quát hơn, hình tượng hơn là những bà mẹ Việt Nam ở làng quê, quanh năm bán lưng cho đất, bán cật cho đời: “Mẹ đứng trên đôi chân gầy guộc/ Nuôi mầm xanh trải kín ruộng đồng/ Mẹ nuôi lửa ấm bếp nhà/ Xua đi giá lạnh đêm đông”.
Tác giả dùng từ “nuôi lửa” thì hầu như chưa ai nói, chỉ có nhà giáo tác giả thơ Nguyễn Văn Hiền mới có thần hứng nghĩ ra hai từ đó. Rồi hình ảnh quê hương máu thịt của ông (Sơn Dương, Lâm Thao) cứ thấm sâu trong từng con chữ. Nó làm toát lên tính chất mong manh vụt hiện của đời sống, của vẻ đẹp, của niềm tin, của hạnh phúc: “Tiếng cuốc đêm hè hồn quê nồng hậu/ Lũy tre quanh làng giờ biến đi đâu?/ Ngọn gió ngang qua cành tre vít lả/ Lá rơi đầy mặt nước sao sâu!” (Tiếng cuốc đêm hè).
Thơ tác giả viết về làng quê là một bức tranh tràn đầy màu sắc tươi tắn và rộn rã những âm thanh cuộc sống: “Làm sao trở về thăm chị được?/ Ăn bát canh mồng tơi, nấu cua đồng béo ngậy/ Thêm quả chanh vườn, ngon thật là ngon” (Nhớ quê, nhớ chị).
Hay: “Nếu tôi là một cánh đồng/ đồng nuôi cây lúa trĩu bông được mùa/ dồn điền đổi thửa khác xưa/ âm vang tiếng máy như mơ ngày nào?” (Nếu tôi là).
Tác giả cảm nhận sự “độc hành” của cuộc đời mình vào trong thơ để tìm đến giá trị chân, thiện, mỹ. Lòng ông ôm nhiều ước mơ, lòng vị tha là căn cốt để làm nên giá trị cuộc sống: “Giận anh lắm cái thời xa… Anh lầm lỗi/ Có một đứa con với người ấy mà giấu em?/ Giờ đứng trước linh sàng… tay run… ngọn khói/ Nước mắt con thương cha… thương xót cả lỗi lầm?” (Thương cả lỗi lầm).
Trong cái nhiễu nhương của cuộc sống thường nhật, thơ ông cũng cảnh tỉnh với nhiều cái “tặc”: Lâm tặc, cát tặc, không tặc, những câu thơ có giá trị trong cuộc chống tham nhũng của Đảng ta: “Họ tìm cách trao “quà” thật là tế nhị/ qua người thân hay nhờ tới bạn bè/ mỗi hiện vật mong bao điều ẩn giấu/ chớ nhận về mình… là một thứ bùa mê?” (Tâm sự người kiểm lâm).
Nhìn chiếc lá vàng sắp rơi, ông ưu tư bật lên thành thơ và ngẫm suy về cuộc đời: “Lá muốn nói một điều gì/ với cây với cành khẳng khiu/ tháng ngày gắn bó?” (Chiếc lá).
Nhưng có lẽ sâu lắng và nhiều ẩn ức, hoài niệm hơn cả trong thơ tác giả là những bài thơ tình, cái tình nhẹ nhàng, bay bổng nhưng luôn trăn trở một niềm riêng, một nỗi buồn man mác: “Hẹn nhau ngày ấy giếng làng/ Nên chồng nên vợ, dịu dàng lứa đôi”… (Giếng Khộp).
Điều đáng quý trọng thơ tác giả là sự chân thành, mộc mạc như chính cuộc đời giản dị mà ông từng trải, ông tránh được lối viết cầu kỳ, tỉa tót: “Màu tím là hoa hay áo em?/ Son sắt thủy chung mãi đi tìm/ Anh ngỏ lời yêu. Anh khát đợi/ Cho mai này, cánh võng ru êm”… (Hoa sóng).
Người ta có thể nói dối nhau ngoài đời, nhưng trong thơ thì khó lắm, nói như một nhà thơ Nga: “Anh có thể dối em, thơ anh không thể dối”. Vì vậy, tác giả tự sự với bản thân mình, cũng chính là nói lên cái đích của việc làm thơ: “Chim sẻ chăm chỉ nhặt thóc rơi trên đồng vừa gặt/ Chữ lấp lánh trong đời theo dòng trôi tôi nhặt” (Rơi và nhặt).
Thì ra việc nhặt chữ để chế tác nó là một lẽ tự nhiên, ông không đặt ra những hoài vọng viển vông, mà chỉ cần mẫn như con chim sẻ thường làm.
Thơ tác giả Nguyễn Văn Hiền có sự kết hợp hài hòa giữa hướng nội và hướng ngoại, vừa giản dị, vừa triết lý. Tác giả đã khéo léo kết hợp các giọng điệu thơ, vừa mang âm hưởng của những thể thơ lục bát, cái tự do thoải mái của thơ mới, thơ tự do. Tập thơ “Đà giang” của tác giả Nguyễn Văn Hiền đáng để cho các bạn yêu thơ tìm đọc.
B.V.P