Nguyễn Minh như tôi được biết là một người yêu thơ, sáng tác khá nhiều thơ đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương; đã xuất bản 4 tập thơ “Nghịch lý”, Nxb Văn hóa dân tộc, 2003 và “Đất nước vào xuân”, Nxb Văn hóa dân tộc, 2009, “Cổ tích đêm trăng”, Nxb Hội Nhà văn 2019 và trên tay tôi hiện có tập “Thư mùa thu cho người đi tìm báu vật”, Nxb Văn hóa dân tộc, 2015.
Tập Thư mùa thu cho người đi tìm báu vật khá thành công cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, đây là một tập thơ giàu cảm xúc và nhiều bài đậm chất suy tưởng, với phần lớn các bài thơ tự do, đan xen thơ lục bát. Nội dung cơ bản của tập thơ thể hiện hai chủ đề chính: Tình yêu con người, yêu cảnh sắc thiên nhiên, trân trọng những giá trị tốt đẹp thuộc về đạo lý của dân tộc (được gọi là thơ trữ tình, đặc sắc có Thư mùa thu cho người đi tìm báu vật, Khoảng trời bỏ ngỏ, Cuối xuân…) và một số bài thơ mang chất thép, có tính chiến đấu, mang nặng suy tư, suy tưởng đúc kết từ những chiêm nghiệm thực tế, trực tiếp hoặc gián tiếp đả phá những thói hư tật xấu còn hiện diện trong xã hội, chống chủ nghĩa cơ hội để làm trong sạch Đảng và thể hiện tính dự báo khá rõ nét (được gọi là thơ thế sự như Bạn hưu, Khúc giao mùa, Tắc kè…). Tất nhiên sự phân chia này mang tính tương đối bởi nhiều bài thơ tự sự vẫn có vẻ đẹp trữ tình và ngược lại, thấp thoáng trong những bài thơ tưởng thuần túy thơ tình vẫn có câu, có ý nặng suy tư về nhân tình thế thái.
Tiếp cận tập thơ, tôi tâm đắc mảng thơ trữ tình. “Thư mùa thu cho người đi tìm báu vật”, kể từ ngày xuất bản, đã gần chục năm trôi qua, tập thơ hôm nay anh tặng tôi vẫn còn “vuông thành sắc cạnh”, còn thơm mùi giấy mới. Cho hay, anh là người cẩn thận, cất giữ tác phẩm một cách trân trọng, nâng niu và điều đó đã khiến tôi bước đầu có sự cảm mến để tìm hiểu tập thơ của anh.
Nhan đề tập thơ có tính tự sự, như một lời kể chuyện, phảng phất âm hưởng của những câu chuyện người thế hệ sau kể lại cho người thế hệ trước nghe. Tuy nhiên, không chỉ có tính tự sự mà nhan đề cũng giàu chất thơ. Bởi vậy, không theo trật tự tuyến tính, không theo mục lục, bài đầu tiên tôi tìm đọc trong số 52 bài của tập này chính là “Thư mùa thu cho người đi tìm báu vật”, trang 57 của tập thơ 99 trang.
Câu thơ thứ nhất trìu mến, thân thương và nhẹ nhàng “Em! Anh muốn nói nhiều mà không biết bắt đầu từ đâu và phải như thế nào?”.
Đúng form mở đầu thư tình của thế hệ 5x. Tuy nhiên, không sáo mòn, không công thức bởi khi đọc tiếp cả bài thơ, người đọc sẽ nhận thấy cách “mở lời” kia là hoàn toàn chân thực. Miền ký ức quá phong phú và ngập tràn cảm xúc khiến cho chủ thể trữ tình lúng túng khi tìm sự bắt đầu. Khi mở lời thông suốt thì trùng trùng, lớp lang trong mớ ký ức ắp đầy sẽ dễ được thể hiện trong một mạch liên tưởng hợp tình, hợp lý. Qua bài thơ, thấy lá thư thật ấm áp, người được nhận thư hẳn sẽ thực sự vui và cảm động. Bài thơ được sáng tác theo thể thơ tự do…
“Em! Anh muốn nói nhiều mà không biết bắt đầu từ đâu và phải như thế nào?/ Tất cả đều khó nói và… lặng im/ Lặng im như đất trời trước cơn giông bão, có phải trước cơn giông bão nào trời đất bỗng lặng im?/ Cái lặng im của sục sôi gào thét/ Cái lặng im của xoáy cuộn dâng trào”.
Thơ tự do không hạn định câu chữ và ngay đoạn mở đầu bài thơ đã chứng tỏ chủ thể trữ tình (anh) là nhân vật hiện đang có một “trái tim không ngủ yên”. Cảm xúc dâng trào khiến người đọc có cảm giác vần điệu, câu chữ, ý tứ và nhịp thơ… đều không theo kịp nhịp sóng lòng.
Nguyễn Minh là tác giả có vốn từ phong phú, cách sử dụng ngôn ngữ giầu hình ảnh, đa dạng về biện pháp tu từ, cách sử dụng câu chữ, vần và nhịp thơ linh hoạt. Nhiều bài đọc có sức lôi cuốn. Sự lôi cuốn này trước hết bởi “thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp).
Tập thơ chia làm bốn phần Ký ức, Khúc giao mùa, Giấc xuân và Bạn thơ và tôi. Trong đó ba phần trên là thơ của anh, phần thứ tư là bài viết của tác giả và bài viết của người khác viết về thơ anh.
Phần Ký ức hiện lên rất giàu cảm xúc hướng tới các đề tài tạm biệt trường xưa, thầy giáo trở thành người lính trẻ lên đường nhập ngũ (Lời tạm biệt, Thầy giáo – người lính trẻ), các đề tài tưởng nhớ những người đã hy sinh trong chiến tranh như Viếng ông, Viếng em, Ngôi mộ gió ở Trường Sơn… có những kỷ niệm sâu sắc khi lần đầu tiên được vẽ Bác Hồ (Lần đầu tiên vẽ Bác), có kỷ niệm gắn với các địa danh như Điện Biên, Phú Bình v.v… nhớ Hạt gạo Điện Biên, nhớ kỷ niệm Bên chiếc xe tăng 843, 390…
Chỉ riêng nhan đề các bài thơ trong phần “Ký ức” cho thấy kho ký ức của tác giả ăm ắp tư liệu, gắn với những cảnh, những tình, những nỗi niềm không thể quên lãng, dẫu có trải qua nhiều năm tháng. Vâng, đúng là không thể quên hình ảnh “Đêm thượng tuần vồi vội trăng lên…” trong bài thơ Trăng muộn bởi ở đó có em, có những nét đẹp diệu kỳ của thiên nhiên và của tuổi trẻ: “Bờ cỏ êm anh đỡ lấy đêm/ Trăng nhú sáng mộng tròn môi thắm/ Gió thì thào tình ta say đắm/ Em hỡi em, hoa tắm trăng vàng?”.
Có thể gọi đây là những câu thơ xuất thần trong số những câu thơ hay của tập “Thư mùa thu cho người đi tìm báu vật”. Ở đó tình lồng trong cảnh, cảnh vừa thể hiện tình, vừa tiềm ẩn những thông điệp e ấp và nồng nàn đắm say, khiến cho ai đọc cũng lâng lâng một cảm giác muốn có người yêu (khi chưa yêu), hoặc muốn lưu giữ mãi khoảnh khắc hạnh phúc (khi đã yêu và được yêu). Gửi em theo vầng trăng sáng nhất vẫn là nhân vật trữ tình của Khoảng trời bỏ ngỏ nhưng đã được thời gian nhân lên vẻ đẹp theo dòng ký ức giàu chất thơ của tác giả.
Ký ức đúng là miền nhớ bởi đó là nơi lưu giữ kỷ niệm để đời. Ký ức về tình cảm thầy trò, về nỗi lòng của thầy giáo trẻ khi khoác áo lính thật sự đáng trân trọng. Khi Tổ quốc cần, thầy giáo trẻ tạm biệt mái trường, chia tay học trò lên đường nhập ngũ: “Thầy không thể dừng bước/ Khi miền Nam đang đỏ lửa chiến trường/ Chào các em, chào mẹ yêu thương/ Đường ra trận lời hẹn hò ấm ngõ…/ Hoa tím rơi, hoa tím rơi trên khăn đỏ/ Trên đường thầy đi rắc theo nỗi nhớ/ Hơi ấm lâng lâng từ một ngôi trường”…
Đó là những vần thơ giàu cảm xúc, dễ đọng lại trong tâm trí độc giả.
Phần Khúc giao mùa ghi lại nhiều chuyến đi tới các miền quê khác nhau như “Ghi ở chùa Cát Tường”, “Cảm tác ở chùa Vân Long”, khi lên Tam Đảo, khi đến Giếng Tiên, nơi nào tác giả cũng có những bài thơ giàu cảm xúc như “Gửi bạn thơ”, “Không đề 7”, “Không đề 8”…
Không đề 8 là bài thơ lục bát trìu mến thân thương “Chị đi tìm lại ngày xưa/Thân cò lặn lội nắng mưa dãi dầu” và trong ký ức về ngày xưa ấy có thân cò, có tép tôm,… có những biểu tượng mang đậm tính ẩn dụ về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam chắt chiu, hy sinh, chăm con gầy guộc tấm thân nhưng lòng ấm áp khi con khôn lớn. Ở đó, còn ý nhị lồng ghép “Cỏ mì nay đã trổ cờ/ Bát cơm ấm dạ, mấy đùa khách thơ…”. Những câu thơ lục bát vừa mang nét đẹp truyền thống vừa thể hiện vốn hiểu biết về tục ngữ, thành ngữ phong phú của tác giả, khiến người đọc cảm nhận đầy đủ sự ấm áp thân thương…
Phần ba Giấc xuân khởi đầu bằng Thư mùa thu cho người đi tìm báu vật và Khoảng trời bỏ ngỏ bên cạnh những cảm xúc dành cho người yêu cũ còn có tình cảm dành cho gia đình, Thăm con… cùng cảm xúc gắn với mùa xuân là chủ đạo như Xuân về, Giấc xuân, Cuối xuân, Tháng Giêng. Vẻ đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại được thể hiện rõ nét trong các bài thơ thuộc phần “Giấc xuân”.
Tôi dám chắc ai có con gái cũng mong con mình được hạnh phúc, được gia đình nhà chồng yêu thương như con gái tác giả Nguyễn Minh. Mang trong mình niềm vui và sự biết ơn đối với thông gia khi ông bà thông gia coi con dâu như con gái, Nguyễn Minh đã dùng tình cảm chân thành dệt nên tấm chân tình sâu sắc về lòng biết ơn và bày tỏ niềm hạnh phúc khi con gái mình được may mắn như vậy: “Con gái may đến là may/ Chọn được rể thảo như vay được trời/ Bấy năm làm dâu nhà người/ Ấm lòng cha mẹ vàng mười gửi trao”.
Thêm lần khẳng định Nguyễn Minh là một người giầu cảm xúc có vốn ngôn từ phong phú, anh đã từng đi nhiều nơi, gắn bó kỷ niệm với nhiều không gian, cảnh vật khác nhau và mỗi miền đất anh qua đều được gắn với bài thơ nhỏ xinh mang đầy nỗi niềm suy tư hoài niệm. Thơ Nguyễn Minh ăm ắp cảm xúc và sự kiện, thơ tự do nhưng mạch ngầm gắn kết là cảm xúc luôn ở độ cao trào và ngôn từ được lựa chọn, được gọt giũa, trau chuốt cẩn thận. Đan xen trong tập thơ trữ tình này là những bài thơ có tính phê bình dự báo hoặc có tính chất trào lộng nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà sâu sắc. Triết lý nhân sinh và những nghịch lý trong tình yêu “Vì sao người ta chỉ một lần sinh ra mà hai lần được chết”, “Sự ra đi êm ái cũng đẹp như cái chết” là nét đẹp riêng có trong thơ Nguyễn Minh. Nếu không thật sự sống đằm sâu với cõi người, Nguyễn Minh không thể có được những câu thơ ấy; con người ta, ai cũng giống nhau được một lần sinh ra nhưng có hai lần được chết. Cái chết sinh học được ghi lại cụ thể tới tận khắc, giờ, tháng, năm. Còn cái chết thứ hai phụ thuộc vào hoài niệm, hồi ức, vào sựu lưu dấu hình ảnh hoặc cảm xúc trong tâm khảm người đang sống và nhiều khi cái chết đó không đo được bằng tháng năm vật lý…
Con đường thơ là con đường của cảm xúc và sự cần mẫn luyện rèn. Nguyễn Minh có được cả hai yếu tố ấy. Đọc thơ anh, nhiều câu, nhiều bài có sức lôi cuốn, dẫn dụ người đọc theo một trường liên tưởng phong phú. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có câu thơ, bài thơ dễ dãi trong việc lựa chọn ngôn từ, đây đó còn câu chữ sáo mòn. Chắc hẳn, những bài thơ và tập thơ tiếp theo Nguyễn Minh khắc phục được hạn chế này. Tập thơ “Thư mùa thu cho người đi tìm báu vật” đạt giải C của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Phú Thọ là rất xứng đáng. Đặc biệt, tôi trân trọng những cảm xúc dạt dào trong bài thơ được lấy tên làm nhan đề cho cả tập. Cuộc sống này cần lắm những tấm lòng, những cảm xúc chân thành để kiến tạo tinh thần phong phú. Cảm ơn anh Nguyễn Minh đã tặng tập thơ, hành trang tri thức giàu thêm là năng lượng giàu thêm. Tôi tin vậy.
Đ.N.T