Sẽ không ngoa khi nói mỗi làng Việt là một pháo đài bất khả xâm phạm. Sự thật làng Việt còn bền vững hơn những pháo đài xây kiên cố bằng tường thành, lô cốt và lỗ châu mai. Với thiết chế văn hóa và về sau có thêm những thiết chế hành chính cùng với những phong tục, tục lệ cổ truyền ngày càng bồi đắp dày hơn cho mỗi làng Việt cái kho báu văn hóa làng truyền thống, cái mà ngày nay ta gọi là di sản văn hóa dân tộc. Nhờ có di sản này mà các làng Việt vẫn tồn tại, đứng vững ngay cả khi mất nước. Nước mất nhưng làng còn. Nước mất nhưng nhà không tan. Còn nhà, còn làng nên cái hồn quốc gia dân tộc không bị mất, nhờ vậy, mà ngày nay dân tộc Việt Nam ta mới rạng rỡ ngẩng cao đầu với bè bạn năm châu.
Lịch sử ta cho ta thấy suốt ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm bị thực dân đô hộ, kẻ thù chỉ làm chủ ở các châu, quận, phủ và ở đồn bốt của chúng, còn các làng Việt vẫn do người Việt tự quản. Người Việt lúc nào cũng chỉ thờ cúng tổ tiên của mình, thờ các danh thần danh tướng, các thần Thành hoàng của mình, đặc biệt là tục thờ cúng Vua Hùng, các nhân vật thời Hùng như: Bà Trưng, Bà Triệu… Làng Việt đại thể không thờ ông thống chế hoặc ông hoàng đế xứ người.
Nếu ở làng nào đó có miếu thờ tướng giặc thì chỉ là tục thờ tà thần, thờ tạp thần giống như thờ thằng kẻ cướp, thờ thằng ăn mày chết giờ thiêng, có mối đắp. Thờ cho chúng khỏi quấy quả dân làng là chính.
Làng Việt xưa nghèo hơn nhiều so với ngày nay. Ấy thế nhưng làng nào cũng xây được đình, chùa, đền, miếu. Nhiều làng xây đến bốn năm ngôi đình lớn trị giá ngày nay hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Ngày nay không dễ gì trong việc huy động được dân đóng góp như vậy. Xưa dân tự bỏ tiền để mở hội. Ngày nay muốn tổ chức thể thao ca hát thì chính quyền phải bỏ tiền.
Nội dung của văn hóa làng truyền thống đã làm cho dân làng thật sự gắn bó yêu làng xóm của mình. Mọi cái của làng đều được dân làng coi là của mình hoặc của ta: chợ ta, đình làng ta, cây đa, giếng nước làng ta… thậm chí trai gái cũng là trai làng, gái làng.
Nhiều tục lệ ở làng Việt xưa không chỉ giúp làng mình ngày càng có nhiều công trình công cộng to đẹp mà qua đó còn để gắn kết cộng đồng, tôn vinh những người đem công của hiến cho làng làm công ích. Khi cần có một vạn đồng để làm trường học, xây cầu cống chẳng hạn người ta sẽ bán một số ngôi vị, trong đó có một vài ngôi to, mỗi ngôi một nghìn đồng, còn bảy tám nghìn là giá của các ngôi dưới. Ngôi thấp nhất chỉ mua hết dăm bảy chục một trăm. Người giàu mua ngôi cao, nhiều tiền sẽ có địa vị cao, họp hành ăn cỗ ở đình được ngồi chiếu trên, được miễn trừ phu lính. Người nghèo ít tiền hơn cũng được mua ngôi thấp để có những quyền lợi tuy ít hơn những người ở ngôi trên.
Thường là các làng bao giờ cũng bán nhiều ngôi thấp là để cổ vũ động viên dân làng cố làm ăn tiết kiệm để mua lấy tí địa vị danh giá ở đời khỏi bị dân làng khinh thường. Người xưa khinh hàng bạch đinh, nghèo, không mua được ngôi vị, tức là không có đóng góp tiền của cho làng. Phần nhiều người nghèo ở làng là do lười biếng, sống hoang phí và không biết làm ăn cho nên người đời khinh người nghèo cũng là dễ hiểu. Để khỏi bị cộng đồng coi khinh mà người ta phải cố làm ăn tích lũy để có tiền của đóng góp cho làng làm công ích, mua ngôi đóng góp cho làng tức là mua danh là thứ danh giá chứ không phải danh hão vì người mua ngôi, nhất là mua những ngôi cao còn được dân làng tôn trọng thì người ta sống phải giữ gìn để giữ danh tiếng của mình. Chẳng ai dại gì “mua danh ba vạn bán danh ba đồng” là vì vậy. Nhờ thế người xưa vừa có trách nhiệm xây dựng làng xóm vừa coi trọng nhân cách, coi trọng danh dự. Lòng tự trọng của họ luôn được đề cao. Chỉ ở cuối các triều đại phong kiến khi mà triều đình nhiễu nhương, đạo đức xuống cấp nhân cách bị coi thường, lòng tự trọng mất đi, làm mất đi cả liêm sỉ nên người ta lì lợm, trơ trẽn, không biết xấu hổ. Đó là lúc mãn triều. Là sự sụp đổ của một triều đại, một thể chế. Văn hóa làng cơ sở của văn hóa Việt Nam được sản sinh ra từ xã hội sản xuất lúa nước, với nền văn minh nông nghiệp, không nên so sánh với sức mạnh của các nền văn minh công nghiệp khác. Hơn nữa trước đây ta là một xã hội có nền sản xuất tiểu nông, tự túc tự cấp, có nhiều hạn chế, chậm tiến bộ, chậm phát triển. Tuy nhiên nền văn hóa lúa nước của ta lại phù hợp với cái khung xã hội lúc ấy. Mặc dù là nước nhỏ, lại bị kẻ thù o ép và tầng lớp phong kiến kiềm chế nhưng nó lại có sức sống bất diệt còn nhờ ở hệ thống tổ chức tự quản.
Cầm đầu các làng Việt ở thời Hùng Vương là quan bồ chính. Khi người Hán đô hộ thì quan bồ chính người Việt vẫn tồn tại ở các làng Việt. Do vậy mà khi bị đô hộ người Việt lúc nào cũng tự tôn dân tộc mình là vai trên, vai anh dân tộc Hán. Nhờ vậy mà xưa kia dân ta toàn gọi họ là chú khách, chú sạ phang, chưa bao giờ dân gian ta chịu hạ làm em họ.
Thời kỳ Bắc thuộc xã hội Việt Nam đầy biến động dẫn đến sự phân chia của người Việt – Mường thành hai nhóm tộc người: Mường và Việt (người Kinh). Người Mường lùi vào ở trong rừng sâu tiếp tục duy trì hình thức tổ chức của xã hội Hùng Vương với chế độ thổ tù lang đạo được tồn tại đến trước Cách mạng tháng Tám. Các làng Việt bỏ quyền thế tập (cha truyền con nối) của quan bồ chính trước đây. Người ta đã bầu người tài giỏi lên cầm đầu làng. Tuy thế bộ máy tổ chức tự quản của cộng đồng làng xã vẫn tiếp tục hình thức tổ chức tự quản từ xã hội Hùng Vương rớt lại. Dù sau này phong kiến thực dân có áp vào các làng một bộ máy hành chính, cấp thấp nhất của triều đình thì bộ máy lý dịch này vẫn dưới quyền quản lý của bộ máy tự quản ở làng xã. Bộ máy tự quản gọi là Hội đồng kỳ mục. Hội đồng kỳ mục dù là do triều đình phong kiến quy định, bao gồm những quan lại nghỉ hưu và đương chức ở địa phương nhưng nó có quyền hành trùm lên bọn lý dịch (ủy ban xã). Tuy thế thành viên kỳ mục không ăn lương của trên và không lấy công của dân, họ làm việc vì dân làng, trước hết là vì anh em họ mạc của họ. Người xưa rất coi trọng người đồng tông. Người giàu có quyền thế đâu mà để cho anh em trong họ nghèo khó đi ăn xin ăn mày, nhất là đi làm mõ, thì ông ta và cả họ ông ta bị tiếng xấu. Trong hoàn cảnh xã hội đề cao lòng tự trọng thì con người càng có trách nhiệm với nhau, biết yêu thương nhau. Nhờ vậy mối cố kết cộng đồng nhất là đồng tông (họ mạc) được gắn kết hơn.
Văn hóa làng còn giúp cho mọi người quen chung sống hòa đồng với nhau. Người giàu cũng phải dựa vào người nghèo đề phòng phải nhờ vả khi có hỏa hoạn hoặc trộm cướp. Người nào ích kỷ sống chỉ biết mình khi chết dân làng bỏ mặc thây. Khi có trống mõ báo động cứu hỏa, bắt cướp ai vắng mặt không có lý do chính đáng sẽ bị làng xóm ngả vạ, thậm chí nhà có người chết không được đưa ma qua cổng chính của làng, phải đi bằng cổng phụ là nỗi ô nhục trước dân làng.
Sự bền vững của làng Việt còn ở chỗ nó đã tạo ra được rất nhiều giá trị truyền thống như: Truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống yêu nước, truyền thống trọng lão, truyền thống cần cù yêu lao động, truyền thống đoàn kết cộng đồng, truyền thống hiếu học, v.v… Chỉ có nhờ vào tục thờ Khổng Tử, thánh sư nghề dạy học. Nhờ có ruộng khuyến học, gọi là học điền lấy hoa lợi nuôi thầy, làm trường. Nhờ có lệ làng giành những vị trí chiếu ngồi sang trọng ở chốn đình trung cho những học sinh đỗ đạt. Người đỗ cử nhân tiến sĩ không những được dân làng đón rước khi vinh quy bái tổ mà còn có chiếu ngồi ở các hàng trên nhất ở đình làng… Nhờ vậy mọi người mới coi trọng sự học. Truyền thống hiếu học cũng như nhiều truyền thống văn hóa khác đã được ra đời bắt nguồn từ các phong tục, lệ làng được duy trì từ đời nọ sang đời kia, lâu dần thành thói quen, thành những tập quán sống tốt đẹp mãi mãi duy trì và phát huy trong các làng Việt. Đó là sự hình thành các giá trị văn hóa truyền thống.
Nhờ có kho báu văn hóa làng kết tinh thành các giá trị văn hóa truyền thống ấy mà làng Việt mới có sức sống bất diệt, mới xứng đáng là pháo đài bất khả xâm phạm. Trừ những làng mới do các chính sách di dân của triều đình hoặc những làng do khai hoang phát triển dần để về sau thành làng còn lại phần nhiều là các làng cổ đã ra đời từ văn hóa tiền Hùng Vương hay từ thời tiền sử đến nay mà nhờ vào khảo cổ, truyền thuyết và các tài liệu điền dã dân tộc học đã chứng minh điều ấy.
NGUYỄN HỮU NHÀN