Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Tư tưởng đó bổ sung vào học thuyết về Đảng Cộng sản của chủ nghĩa Mác – Lênin, trở thành cơ sở cho việc xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đạt chuẩn là đạo đức, là văn minh, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là thời kỳ đổi mới và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc bắt đầu từ Đại hội XIV. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, viết năm 1927, Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mệnh muốn thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công. Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin “làm cốt”. Người coi đó là “cẩm nang”, là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, “chủ nghĩa Mác – Lênin là thứ vũ khí không gì so sánh được”. Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, sự ra đời của một Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân. Còn đối với Việt Nam, Hồ Chí Minh cho rằng: Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Như vậy, Hồ Chí Minh đưa vào yếu tố thứ ba, đó là phong trào yêu nước, yếu tố này đúng với thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Với Đảng Cộng sản Việt Nam, Người chỉ rõ: “Về tính chất, sứ mệnh, mục tiêu, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, về đảng viên và mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, dân tộc với các vấn đề quốc tế” (Từ điển Hồ Chí Minh học, trang 570). Đảng là của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ. Mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, viết năm 1947, Hồ Chí Minh chỉ ra tính chất của Đảng trong 12 điều: (1) Nhiệm vụ của Đảng là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh. (2) Cán bộ, đảng viên phải hiểu biết lí luận cách mạng. (3) Đảng dựa vào điều kiện thực tế cụ thể trong nước và kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách, quyết định. (4) Đảng lấy quần chúng cách mạng làm thước đo tính đúng đắn của chủ trương, chính sách. (5) Mọi công tác Đảng phải dựa vào dân. (6) Đảng phải gắn bó máu thịt với nhân dân. (7) Đảng phải có sách lược khôn khéo để thực hiện mục tiêu cách mạng. (8) Đảng phải biết và dám thừa nhận các khuyết điểm để tự phê bình và sửa chữa. (9) Đảng phải xây dựng được đội ngũ cán bộ trung kiên. (10) Đảng phải luôn đấu tranh loại bỏ những phần tử tiêu cực. (11) Đảng phải giữ nghiêm kỷ luật. (12) Đảng phải kiểm tra, giám sát tốt việc thực hiện các quyết định, chủ trương của mình. Người nhấn mạnh: “Muốn cho Đảng được vững bền/ Mười hai điều đó chớ quên điều nào” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, trang 290).
Bằng sự nhạy cảm chính trị, bằng trí tuệ thiên tài và tấm lòng luôn đau đáu với mục tiêu giải phóng dân tộc gắn liền với xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người luôn chú ý đến từng vấn đề nảy sinh trong Đảng, chỉ ra những thành công to lớn, những sai lầm, hạn chế của Đảng cũng như dự báo kịp thời những căn bệnh có thể ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trong Di chúc, Người dành cho Đảng lời đầu tiên – “Trước hết nói về Đảng”. Người chỉ ra tính chất, vai trò của Đảng và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với nhân dân với Tổ quốc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, trang 622).
Quan điểm xuyên suốt của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng là: “Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Do đó, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên, không ngừng, không nghỉ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin “làm cốt”, vì:
Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Người khẳng định: “Đó là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng chúng tôi, làm cho Đảng chúng tôi trở thành tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi”, “Đó là thứ vũ khí không gì thay thế được” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, trang 549 – 590).
Thứ hai, Đảng được xây dựng theo những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng Mác – Lênin.
Các nguyên tắc tổ chức của Đảng là: (1) Tập trung dân chủ; (2) Đảng phải liên hệ mật thiết với nhân dân; (3) Tự phê bình và phê bình; (4) Kỷ luật nghiêm minh và tự giác; (5) Đoàn kết thống nhất trong Đảng; (6) Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới.
Thứ ba, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Vì Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Đảng cầm quyền nhưng dân làm chủ, dân là gốc. Đảng viên, cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đảng phải quan tâm đến dân quyền, dân sinh, dân chủ và thực hành dân vận.
Thứ tư, vấn đề đảng viên và cán bộ.
Đảng mạnh là do mỗi cán bộ, đảng viên mạnh vì Đảng là mỗi chúng ta. Do đó công tác cán bộ là gốc của mọi công việc. Mọi việc thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém. Cán bộ còn là dây chuyền của bộ máy, là tiền vốn của đoàn thể, là những người đem chính sách của Đảng và Chính phủ thi hành trong nhân dân… Không phải ngẫu nhiên mà 01 năm trước lúc đi xa, Người nhắc nhở: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng ta không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, trang 622). Do đó phải nêu cao tinh thần trách nhiệm; hết lòng, hết sức phụng sự cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân và phải có trí tuệ, phong cách công tác khoa học và nhân cách của người cách mạng… Đó là những người vừa có đức, vừa có tài… Cụ thể phải làm tốt 7 yêu cầu sau đây: “(1) Phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân. (2) Phải nghiêm chỉnh thực hiện cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết… của Đảng. (3) Phải luôn luôn tu dưỡng, rèn luyện và trau dồi đạo đức cách mạng. (4) Phải luôn luôn học tập, tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ về mọi mặt. (5) Phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân. (6) Phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. (7) Phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. (Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, trang 169). Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định xây dựng và chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong xây dựng có chỉnh đốn, trong chỉnh đốn có xây dựng. Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, nội dung trọng tâm có khác nhau. Hiện nay, trong công cuộc đổi mới, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Mặt trái của quyền lực, của nền kinh tế thị trường, của sự thiếu rèn luyện đạo đức cách mạng đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống… nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.. ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt từ Đại hội VI đến nay. Mặc dù từ Đại hội VI (1986) đến nay, Ban Chấp hành TW đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định, Kết luận chuyên đề… về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận 01 (khóa XIII), Chỉ thị 05/CT/TW (khóa XII), Quy định 08 (khóa XII), Quy định 37 (khóa XIII), Quy định 144 (khóa XIII)… Đặc biệt Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 (khóa XIII) nhấn mạnh: “Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… đưa xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới…”; thể hiện ở 05 nội dung chủ yếu sau đâu: (1) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng có mối quan hệ mật thiết với nhau trong đó xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. (2) Kết hợp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên các mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. (3) Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn. (4) Phải gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. (5) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn với sự lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó là công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai… đã trở thành xu thế không thể đảo ngược. Lênin đã chỉ rõ: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”. Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ là một thí dụ về sự sai lầm mang tính thời đại, về đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập. Do kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, nên “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
95 năm kể từ khi thành lập Đảng đến nay (03/02/1930 – 03/02/2025), 78 năm kể từ khi tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” ra đời (10/1947 – 10/2025); 12 điều căn dặn của Người về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và cho mai sau. Chúng ta đã thực hiện tốt và ngày càng tốt hơn 12 điều căn dặn của Người.
Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và Dân tộc Việt Nam anh hùng; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần đền đáp công lao trời biển của Bác Hồ – Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất như vinh danh của tổ chức UNESCO tại Nghị quyết số 24C/18.6.5 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
N.Đ.X
Tài liệu tham khảo:
- GS-TS Tạ Ngọc Tấn (chủ biên): Từ điển Hồ Chí Minh học, Nxb CTQGST, 2017.
- Bộ GD-ĐT: Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ chuyên chính trị, bậc Đại học, 2021.
- GS Trần Nhâm: Hồ Chí Minh nhà tư tưởng thiên tài, Nxb CTQG, 2011.
- GS, AHLĐ Trần Văn Giầu: Hồ Chí Minh vĩ đại một con người, Nxb CTQGST, 2023 (tái bản lần thứ 9).