Thời Hùng Vương mở nước tương truyền quanh năm là mùa xuân.
Không hiểu vì sao bỗng một hôm mùa xuân biến mất. Người ta bảo bà chúa Xuân về trời. Ngọc Hoàng trao quyền cai quản thế gian cho ông hoàng mùa Hạ. Tính ông cực kỳ vui nhộn, nhưng cũng nóng nảy ghê gớm. Ba tháng sau bà hoàng mùa Thu cầm quyền. Heo may hắt hiu bờ lau xám. Trời buồn người sầu chẳng có gì vui vẻ. Chín mươi ngày ra đi bà chúa mùa Đông về thay thế. Bộ hoàng bào màu đen của bà làm u ám cả đất trời.
Lúc bấy giờ ở kinh thành Phong Châu có đôi bạn học trò trường Lúa Minh Nông rủ nhau đi tìm bà chúa Xuân xin cho mùa xuân trở về cứu người cứu vật nước Văn Lang. Trò gái tên là Đào chạc độ 16 tuổi môi như hoa, mắt như sao, quê ở Kẻ Lú. Trò trai tên là Điều 17 tuổi có sức khỏe bẻ gẫy sừng trâu quê ở Kẻ Lời. Nhờ có Lạc Hầu dạy âm dương ngũ hành nên họ biết bà chúa Xuân ngự ở phương Đông. Từ lúc có tiếng gà gáy, nhìn sao Mai, họ nhằm hướng mặt trời mọc mà đi. Con đò đưa họ qua ngã ba Hạc tới cánh đồng khô hạn mênh mông, hai vợ chồng ngựa cào đất bới cỏ hý vang:
– Chàng nàng thư sinh đi đâu đấy?
Trò Điều nói:
– Chúng tôi đi tìm mùa xuân mang về cho muôn vật!
Vợ chồng ngựa lại hý bảo:
– Hay lắm! Người có học có khác. Đi bộ thì chậm. Hãy cho ngựa chúng tôi theo hầu nhé!
Trò Đào ỏn ẻn nói:
– Cảm ơn! Được hai bạn giúp đỡ thì còn gì bằng!
Thế là Điều cưỡi ngựa chồng, Đào cưỡi ngựa vợ. Phi nước đại, chẳng mấy chốc, đôi tuấn mã đưa họ tiến sâu vào rừng núi. Đến một dòng sông, ngựa vốn đói cỏ lại thấm mệt, bộ móng guốc như muốn long ra, nên phải dừng lại. Điều Đào khuyên vợ chồng ngựa nghỉ ngơi dưỡng sức, rồi đi tìm đò sang ngang. Bờ bãi hoang dại xác xơ, không một con thuyền. Điều lượm nứa khô Đào kiếm dây buộc thành từng bó, ghép thành bè. Điều lấy đá dập nứa đan mái chèo. Họ ngồi lên bè bơi sang sông. Thấy động, cá sấu bơi theo đớp vào bè. Trên bờ vợ chồng ngựa hý vang:
– Thuồng luồng kia! Không được hại người đi tìm mùa xuân!
Các sấu nhe miệng răng cưa lởm chởm nói:
– Thế hả? Tôi xin lỗi!
Ra đến giữa dòng nước chảy xiết. Bè vỡ. Hai con thuồng luồng nổi lên cõng Điều Đào vào bờ, ghếch đầu lên bến cho họ đi lên. Thuồng luồng nói:
– Tha thứ cho chúng tôi nhé! Chúc chàng nàng thượng lộ bình an! Nhớ mang mùa xuân về cho thủy tộc chúng tôi được nhờ.
Đi được một quãng đường thì trời tối. Cọp từ bụi lau nhảy ra vồ. Họ trèo phắt lên ngọn cây cao ngồi ôm cành đợi qua đêm. Sáng ra năm con hùm xám vẫn nhe nanh chẩu mõm múa vuốt. Đào phát hoảng nhắm nghiền mắt. Điều giơ nắm đấm phùng mồm trợn mắt quát:
– Lũ beo khốn kiếp cút ngay! Không chạy tao đốt tụi bay bây giờ!
Sợ lửa, bốn con hùm bỏ chạy. Một con quen ăn thịt người cứ quẩn quanh gầm gừ bên gốc cây. Một con mèo đi qua thấy vậy nói:
– Con hổ trò hư của ta kia! Sao lại cản trở người đi tìm mùa xuân cho cả thế gian hả?
Nghe tiếng mèo mắng, hổ xám nhe răng cười trừ:
– Nếu tìm mùa xuân cho cả họ hổ thì con xin lỗi ạ!
Thầy mèo quát:
– Biết lỗi thì xéo ngay!
Hổ cụp đuôi chạy đi. Đào Điều cảm ơn thầy mèo, tiếp tục lên đường. Đi một quãng thì họ gặp vợ chồng voi đi kín nước sông trở về. Voi chồng hỏi:
– Chàng nàng đi tìm mùa xuân hả? Chúng tôi giúp được gì không?
Đào Điều tươi cười:
– Phải! Xin nhờ hai bạn cho cưỡi nhé!
Voi vợ liền dùng vòi cuộn thân Đào đưa lên lưng voi chồng. Voi chồng đưa vòi cuốn thân Điều lên lưng voi vợ. Đôi voi cõng họ hết núi này đến núi kia. Ròng rã mấy ngày trời thì họ đến bờ biển ầm ầm sóng vỗ. Hai trò tạm biệt vợ chồng voi, đang băn khoăn tìm cách vượt biển thì vợ chồng rùa nổi lên mủm mỉm cười:
– Chàng nàng đi tìm bà chúa Xuân phải không!
Đào Điều hớn hở đáp:
– Hai vị hải qui giúp chúng tôi sao?
Vợ chồng rùa ghé mai vào bờ:
– Chính thế! Xin mời lên lưng!
Rùa chồng cõng nàng. Rùa vợ cõng chàng. Đôi mai rùa biển bồng bềnh trên khơi. Bỗng ngư mập tinh múa võ giương oai, vây dựng, mồm ngoác lởm chởm răng trông:
– Hai người đất liền kia nạp mạng cho ta mau!
Rùa biển chồng nghiêm giọng nói:
– Hãy liệu hồn! Đây là hai cháu nòi của Lạc Long Quân ! Họ mà gọi “Bố ơi cứu con với!” thì tụi bay nuốt quả cầu sắt nung đỏ cho coi!
Ngư mập tinh sực nhớ cái chết của cụ tổ Ngư Tinh thuở nào, mà sợ quá chuồn đâu mất tăm. Chẳng bao lâu vợ chồng rùa đưa họ tới một hòn đảo đầy châu báu san hô đỏ, đen, trắng, vàng. Lâu đài rực rỡ nguy nga làm bằng vàng bạc nạm ngọc trai đồi mồi. Chúa đảo là hai chị em người biển. Chị mười chín xinh đẹp tuyệt trần. Em mười bảy điển trai hào hoa phong nhã. Hai chị em ra nghênh khách từ ngoài cổng. Điều ngắm nữ chúa đảo tóc mây mắt nước mà ngây ngất. Đào liếc nam chúa đảo mà e lệ nép bên Điều. Chị dắt tay chàng, em dắt tay nàng bước lên thảm ngọc vào lâu đài vàng. Đào Điều đã từng thấy cung đình Dữu Lâu kiến trúc đồng thau nạm ngọc vàng cũng chưa là gì so với ở đây. Hai chị em chúa đảo tươi cười nói:
– Hai bạn thư sinh đến đây thì ở lại đây! Hãy cùng hai chị em ta tác hợp bạn – bầy uyên ương!
Điều Đào cảm động nói:
– Xin đa tạ lòng tốt của hai vị chúa đảo! Tình cảnh thư sinh chúng tôi đâu dám được hưởng diễm phúc như vậy! Vả lại tới đây với mục đích đi tìm mùa xuân mang về cho muôn vật nước Văn Lang!
Hai chị em chúa đảo nắm đôi tay khách nói:
– Nếu vậy! Chúng tôi không dám ngăn cản. Song hai bạn không bao giờ có cơ hội giầu sang phú quý và hạnh phúc lứa đôi nam nữ nữa đâu. Ta gọi rồng vàng đưa hai sứ giả Lạc Việt lên bồng lai Tiên Xuân.
Đôi rồng vàng trống mái có ngay. Rồng trống cõng nàng. Rồng mái cõng chàng, sánh đôi cùng bay lên trời xanh. Cung điện của bà chúa Xuân rát ánh bạc vàng mây ngũ sắc giữa một rừng cây đại thụ xanh biếc một màu vĩnh viễn dần dần hiện ra.
Đôi rồng hạ xuống sân chầu có những ngọn cỏ cùng ngồi với mặt trăng mặt trời. Hoa muôn sắc ngào ngạt hương thơm. Bà chúa Xuân mặc bộ hoàng bào lục thiên thanh, đội vương miện điểm hoa lê trắng ngà, ngự trên tòa hồng bạch khổng lồ giữa quần tiên và đoàn nhạc công với sáo đàn dìu dặt, trầm bổng, du dương giọng gió lời chim. Hai trò sụp xuống sân long năm quì năm lạy:
– Chúng con là Điều và Đào học sinh trường Lúa Minh Nông nước Văn Lang xin kính chào bà chúa Tiên Xuân!
Bà chúa Tiên Xuân tươi cười hoan hỷ nói:
– Ta chào hai trò Lạc Việt! Hai trò hãy bình thân an tọa trên ghế hoa trời! Ta biết hai trò vượt qua bao gian nan thử thách tới đây làm gì rồi! Ta khen hai trò biết giá trị mùa xuân của ta là hơn tất cả. Mùa xuân cho sự sống sinh tồn vĩnh hằng. Mùa xuân không giành cho ai ăn chơi hưởng lạc. Mùa xuân là phần thưởng cao quí nhất cho những ai lao động trí tuệ sáng tạo giầu đức hy sinh. Sau một thời gian cống hiến hết mình lại hồi sinh cho cuộc sống trường tồn vĩnh cửu. Ý trời đã sắp đặt xuân sinh sôi, hạ phát triển, thu kết quả, đông lụi tàn và chuẩn bị cho sự sống trỗi dậy. Vì thế ta không để mùa xuân ở mãi với hạ giới. Nếu mùa xuân ở mãi muôn vật chỉ biết hưởng lạc, khó mà có đột phá sáng tạo để đột biến tiến hóa được. Để cuộc sống luôn có đổi thay từ cũ ra mới, từ khuyết đến tròn, từ mầm cây phá vỡ vỏ hạt mọc ra lá hoa trái, từ chim nhi phá vỡ vỏ trứng, tung cánh bay vào vũ trụ bao la, vươn tới sự hoàn thiện tốt hơn. Mùa xuân phải có tuần hoàn. Xuân đi rồi xuân lại về. Và tất nhiên xuân chỉ về khi hạ giới có người khôn ngoan đi đón xuân. Nay hai trò nòi cao quí Tiên Long là sứ giả Lạc Việt đi đón xuân thật là quí hóa vô cùng. Vậy ta đồng ý cho hai trò cưng của ta đem mùa xuân trở về với điều kiện khi tới Văn Lang, phải hóa thân thành dấu hiệu đặc trưng của mùa xuân với loài hoa có cánh đơn nam hồng nhạt, có cánh kép nữ hồng đậm. Và mùa xuân hạ giới từ nay chỉ kéo dài mỗi năm ba tuần trăng tròn. Hai trò yêu quí của ta có ưng không?
Điều đưa mắt hỏi Đào. Đào lắng tai đồng tâm với Điều. Cả hai lại cùng năm quì năm lạy:
– Muôn tâu bà chúa Tiên Xuân! Chúng con ưng lắm ạ! Xuân về hồi sinh đất nước con người và muôn vật quê hương chúng con. Xin đa tạ bà chúa Tiên Xuân vạn vạn tuế!
Sau đó bà chúa Tiên Xuân mở tiệc linh đình thết đãi hai trò. Rồi cho xe song Loan trống mái đưa hai trò về nước Văn Lang cùng với mùa xuân.
…Từ ấy người Văn Lang gọi cây hoa Điều là Điều Huê, cây hoa Đào là Đào Huê, gọi chung là hoa đào. Hoa đào được trồng khắp đất nước của các Vua Hùng. Tết Nguyên đán hàng năm người ta bẻ một cành đào hoa ngoài vườn mang vào cắm trên bàn thờ để cầu mong năm mới giầu có, sức sống mùa xuân ở mãi trong nhà mình, nảy lộc khai hoa, an khang thịnh vượng, phúc dày họa tan, xua đuổi ma quỉ rủi ro và cũng để nhớ công ơn đi đón xuân về của trò Điều trò Đào.
Truyện ngắn của Lê Quốc Hùng