Mấy hôm nay, xóm Réo nhỏ bé, bỗng xôn xao về chuyện nhà thằng Huến. Nhà nó nghèo rớt mồng tơi, bỗng đâu có tiền để chuẩn bị làm lễ Lập Tỉnh cho nó, mà có phải ít tiền đâu.
– Này, nhà thằng Tòn sắp làm lễ Lập Tỉnh cho con nó đấy!
– Thế à! Nhà nó nghèo thế, làm gì có tiền mà làm chứ, tốn kém lắm đấy!
– Thấy bảo, bố nó vừa săn được con hổ, giấu anh em trong phường, bán trộm nên mới có nhiều tiền vậy! Ông nội nó là trưởng phường săn mà lỵ.
Mấy bà đi nương kháo nhau. Có người độc mồm bảo:
– Mẹ nó đi rửa bát dưới thành phố, cặp được ông đại gia cho tiền nên về làm cho nó hoành tráng thế chứ. Nhà nghèo như nhà nó, có mà mục hết rễ cây trên núi Mã Trảm, cũng chả có tiền, lấy đâu mà hoành với chả tráng.
– Ôi dào! Chuyện nhà ai nấy lo, việc gì đến các bà mà nói thế ! Không sợ mắc tội mồm à?
Một đồn mười, mười đồn một trăm, người thông cảm lấy làm mừng, kẻ ghen ghét châm chọc. Người nửa tin nửa ngờ, thì để yên theo dõi.
Vợ chồng Tòn hàng ngày chăm chỉ đi rừng hái củi. Củi nhiều chất đầy hai đầu hồi nhà, trong bếp. Củi xếp đống trước sân, nơi cái sàn phơi bằng cây bương ghép lại. Ngan một đàn hàng mấy chục con, béo núc. Vợ chồng đèo nhau đi khắp xã, tìm mua lợn. Đặt tiền sẵn đấy, đến ngày bắt về dùng.
Xóm Réo thôn Hạ Sơn nằm cheo leo trên đỉnh núi Mã Trảm. Con gà rừng trên đỉnh cao nhất gáy, cả ba tỉnh cùng nghe thấy. Xóm độ ba chục nóc nhà, toàn người Dao đeo Tiền sinh sống. Họ là dân hạ sơn từ những năm sáu mươi, bảy mươi thế kỷ trước theo chính sách định canh, định cư của nhà nước. Tổ tiên lâu đời tít tận Vân Quý, di rời tới vùng cao Châu Mộc, cũng ba bốn trăm năm rồi.
Gọi là xóm Réo, bởi mỗi khi mưa đổ. Chỉ vài giờ sau, cái khe cạn trước mặt, nước đâu đổ xuống réo ầm ầm, cuốn phăng tất cả những gì cản trở đường đi của nó. Trâu ngựa của dân bản, bị cuốn trôi nhiều rồi. Đường lên xóm Réo dốc đứng, mưa trơn tuồn tuột. Người đi không quen, chỉ còn cách nhờ người mang xe xuống mà về.
Một lần, ba cán bộ đi khảo sát, làm đường tránh dốc Réo. Gặp trời mưa, chẳng dám xuống. Ông nội Huến, mời ở lại uống rượu. Các anh lo lắm, sợ không về được. Bố Huến bảo:
– Các chú cứ uống đi, tí nữa tạnh mưa, cháu đưa xuống. Với bọn cháu dốc này, nhạt toẹt!
Thế rồi, Tòn cùng mấy đứa mang xe xuống, mà chẳng hề sây xước gì thật.
Nhà thằng Huến nghèo lắm, bố nó chẳng có nghề gì thường chỉ ở nhà làm ruộng, làm nương, thỉnh thoảng theo thợ săn vào rừng, bắt con cầy con cáo. Tuy ông làm trưởng phường đấy, nhưng nghèo, chẳng giúp được con cái. Mẹ Huến xanh như dải cây mon thục, đã thế lại đẻ nhiều. Mới ngoài ba mươi mà đã có tới bốn đứa con, hai giai, hai gái. Lúc rỗi mùa xuống thành phố rửa bát thuê cho nhà hàng. Được cái các con rất hiếu học, cả bốn đứa đều học giỏi. Cứ lên cấp hai là được xuống huyện, học trường nội trú. Nhờ vậy gia đình cũng đỡ khó khăn phần nào.
Năm nay Huến mười ba, ở cái tuổi này trở lên, con trai Dao mà không làm được lễ Lập Tỉnh, mọi quyền lợi trong cộng đồng, chẳng có gì, thiệt thòi lắm. Vậy là bố mẹ cố gắng, dù nghèo cũng phải làm cho nó chẳng được như người giàu, cũng để cho họ khỏi khinh khi.
Nhà nó thuê hẳn một cái rạp, đẹp nhất từ trước tới nay. Anh em họ mạc, xóm giềng ở gần đến giúp việc xôn xao. Người bắc nước mổ lợn, người san bãi để xe, đón khách. Người lên núi Mã Trảm lấy cây, hoa chuối rừng giúp. Được cái nhà gần rừng, nên việc lấy cây, hoa chuối, dễ như ra vườn hái rau thôi. Tiếng lợn bị chọc tiết kêu eng éc. Năm con, toàn lợn tạ, nuôi sáu bảy năm trời, mình ngắn như con dúi, mặt nhăn những nếp cả rồi. Tiếng ngan cắt tiết khèng khẹc, đập cánh giãy giụa náo loạn cả vùng.
Đến trưa, mọi việc đâu vào đấy. Lợn, ngan mổ ra rồi, rau măng đầy đủ cả. Chỉ việc chế biến là bắt đầu uống rượu, chờ tối đến làm Lễ.
Cơm trưa xong, việc chuẩn bị hoàn tất. Thầy Cả, Thầy Hai, Thầy Ba có mặt đầy đủ. Mỗi Thầy theo sứ mạng của mình, mang theo dụng cụ, nghi lễ cần thiết để truyền dạy cho Huến. Thầy Cả là cậu, hoặc anh em về đằng mẹ. Thầy Hai, một người anh em đằng bố. Thầy Ba có thể là một trong hai bên, hoặc ai đó quan hệ thân thiết với gia đình.
Ban thờ được lập chính giữa nhà treo tranh Thánh Thần, tiền giấy, hương thơm, vải vóc, tiền xu, gạo tẻ. Các loại chén bát, bánh trái, những vò rượu hoẵng, và vô số đồ cúng khác đã sẵn sàng. Cạnh đấy, một cái quây bằng phên nứa. Trong có gì, chỉ người nhà, và các Thầy mới biết được. Sau nhà, nơi gần ban thờ, một cây tre tươi ngăn cho không người qua lại, đảm bảo tính tôn nghiêm của nghi lễ.
Bố mẹ Huến vui vẻ ra mặt, hết chạy lên chạy xuống, ngó chỗ này chỗ kia động viên mọi người giúp đỡ cháu. Mẹ nó lăng xăng, khi đám pha thịt, lúc ngó đám thổi cơm, khi ghé chỗ sắp mâm ríu ran chào hỏi:
– Các bác, các chú, cố gắng giúp nhà em với cháu nhé! Vất vả cho các bác quá, em chẳng biết nói gì, chỉ cảm ơn thôi ạ!
– Thím cứ lo cho cháu đi, còn thằng em nó nữa, cứ để chúng tôi làm hết. Việc nhà thím, cũng là việc của chúng tôi mà!
Cái khăn thổ cẩm trên đầu loáng chỗ này, chỗ khác như con thoi. Con người mỏng như sợi chỉ ấy, sao mà nhanh nhẹn thế chứ. Bố Huến tuy chậm chạp, nhưng cũng liền chân tay, đón khách mời mọc, hết sức nhiệt tình.
Người vui nhất có lẽ là thằng Huến. Nó được mặc bộ áo mới, có hoa văn quanh gấu và hai bên dải áo, đội khăn tua rua trắng đỏ, do các bà, các chị vấn cho cẩn thận. Cạnh nó, ba cô bé mang trang phục truyền thống. Các cô này sẽ hát cùng dân bản, trong suốt ba ngày lễ. Huến tự hào lắm, lễ xong nó sẽ thành người lớn, có quyền tham dự vào các công việc của cộng đồng. Người lớn tuổi, chưa làm Lập Tỉnh không có quyền đó.
Các mâm thịt rượu bày ra khắp rạp. Khách các nơi kéo về mỗi lúc một đông. Cả thầy cô giáo trường Huến học cũng tới dự. Chẳng mấy chốc kín chỗ. Rượu hoẵng rót như suối. Người người chúc tụng nhau, chúc cho thằng cháu mạnh khỏe, sáng tâm học hành thành đạt. Thôi thì, mọi sự tốt đẹp dành cho Huến cả. Đèn sáng trong sân, đuốc sáng ngoài ngõ, sáng nơi đầu nhà.
Thịt luộc thái to dày, lòng dồi, ngan băm miếng lớn, liên tục đưa ra. Mâm mang vào, mâm bê đi cứ đầy ăm ắp. Khách uống, khách mừng, chạm là uống. Lắm anh say, nằm vật vã quanh nhà. Anh còn tỉnh, cầm chén loanh quanh, tìm đối thủ gạ uống. Để rồi sau khi đó hát, rên, chán thì quay ra khóc lóc.
Thằng Bàn Thèn Tó, năm nay khoảng hai năm, hai sáu tuổi. Không nghề không nghiệp, hễ uống là nát. Ngồi chung mâm là thằng Lý Vằn Sềnh cũng tương tự. Hai thằng vừa ăn uống lè nhè, vừa tranh khôn.
Sềnh cầm chén đầy rượu, chỉ vào mặt thằng Tó nói:
– Mầy… là thằng vô tích sự…ự, nhà ai cũng chỉ đến u…uống, chẳng… chẳng biết giúp gì c…ả…ả ! Hôm nay, tao cứ nói thả…ả…ẳng cho mầy biết, mà… mà sửa đi… nh…á…á!
Thằng Sềnh có lý. Thằng Tó thế thật, nhà nó đông chị em, mỗi mình là con trai, nên được chiều lắm. Đến giờ, vợ con rồi vẫn chẳng biết làm gì. Trái lại, thằng Sềnh làm việc gì cũng được. Chỉ tội nát, nên cả bản gọi nó là “Sềnh nát”. Công việc nhà ai, chẳng nhờ cũng cầm dao đến giúp. Cốt có rượu để uống, sau thu dọn đồ thừa, gói về cho vợ con.
Thấy Sềnh nói thế, Tó bực lắm. Nó cầm miếng má lợn rõ to, chấm đầy muối tiêu rừng giã với ớt xanh nhét đầy mồm Sềnh. Thằng Sềnh trợn mắt, vội vàng ngậm miệng lại, làm gọn cả ngón tay thằng Tó, nó đau quá chửi tục:
Thế là cãi nhau, và thách đấu. Thằng Tó lôi Sềnh đứng dậy, bị bất ngờ thằng Sềnh suýt ngã. Tó lôi khỏe, Sềnh dúi dụi, nó cứ lôi. Sềnh không bước nổi, nó quàng tay xốc nách dìu đi. Ai không biết, ngỡ chúng đỡ nhau khi say. Mọi người nhìn theo, cười rũ rượi, thì ai còn lạ bọn này. Hai thằng khật khưỡng đến bãi để xe. Thằng nọ chỉ mặt thằng kia rồi lao vào nhau, tưởng đánh chết người bây giờ. Nhưng chúng vỗ nhẹ lưng nhau, như đôi bạn thân thiết lâu ngày gặp lại.
Vợ chồng Tòn hết chạy chỗ này chỗ khác. Vui vẻ cả với những vị khách say khướt như Sềnh và Tó. Ai ra về cũng được biếu một khổ thịt, cắt từ lưng đến bụng con lợn làm quà cho người ở nhà.
Tám giờ tối lễ rượu Thánh Sư, các Thầy mặc quần áo lễ theo sắc phục truyền thống. Thầy Cả, Thầy Hai áo dài ngang đùi, đầu chít khăn, lưng thắt dây đai sợi, dệt hoa văn như thằng Huến. Mỗi Thầy một cây tích trượng màu đỏ, đầu bọc thép nhọn. Xin phép Thần Linh, xin phép chủ nhà, bắt đầu làm lễ.
Sau các nghi lễ, là phần hội. Mọi người tự do ăn uống, nhảy múa, đủ ba ngày mới nghỉ. Thầy Cả, Thầy Hai mỗi người được một đùi, một đầu lợn mang về. Thầy Ba ít hơn, nhưng cũng tươm tất lắm.
Thức đủ ba đêm, ba ngày, thằng Huến thấm mệt. Để nguyên quần áo lễ, nó nằm vật ra chiếc giường kê tạm ngoài rạp, đánh một giấc đẫy. Bọn bạn nó chơi trò cồng kênh, ngay bên cạnh chẳng hay biết gì. Rượu, thịt, xôi bánh, liên tục bưng ra. Khách cứ ăn uống, chưa hết cỗ, chưa xong. Khuôn mặt vợ chồng Tòn tươi rói, mặc dù ai cũng mệt mỏi lắm rồi.
– Huến à! Dậy ăn cơm thôi nào! Mẹ nó lay nhẹ.
Thằng bé lăn bên nọ, lắc bên kia, chúi mặt vào chiếc gối mềm không dậy.
Tòn bảo vợ:
– Để yên cho nó ngủ thêm lát nữa. Xem còn ai về chưa có quà, chia nốt đi mà nghỉ!
Vợ vừa khuất sau cánh cửa, Tòn lăn ra cạnh thằng bé. Vài phút sau, tiếng ngáy như sấm vang lên. Ông bố đang ngồi tiếp khách, phải đứng lên lay dậy. Tòn vội vàng ra máng nước lần rửa mặt, lượn quanh nhà một lượt. Khách say vẫn lăn lóc, mỗi chỗ một, hai người chưa dậy nổi. Các bà, các chị tất bật giúp vợ chồng Tòn, thu nhặt dọn dẹp. Vừa lo công việc, vừa tiếp đón rượu chè, chân tay cứ rã rời ra. Ai cũng mừng cho vợ chồng Tòn.
Mọi việc xong xuôi. Vợ Tòn chia đủ quà cho những người làm giúp. Đôi mắt chị long lanh những tia hạnh phúc. Bao nhiêu vất vả, tích cóp, vay mượn, vợ chồng cũng được mở mặt, mở mày với hàng xóm, họ mạc gần xa.
Xóm Réo trở lại cảnh thanh bình vốn có. Các con Tòn lại xuống trường nội trú. Cuối năm học, chị em Huến đều được nhà trường tặng giấy khen, học sinh giỏi. Ông bà, bố mẹ nó vui lắm. Ông nội nghèo, cũng dành mỗi cháu một món quà. Là chiếc xe đạp cũ, mua lại từ những nhà khá giả. Vào năm học mới, có phương tiện mà dùng.
Cả nhà Tòn luôn vui vẻ, quây quần hạnh phúc. Tòn lên kế hoạch trả nợ. Chuẩn bị lo con thi chuyển cấp, dự định con thi đại học gì. Kế hoạch những năm tới, làm nhà, làm cửa ra sao. Hóa ra cái con người cù lỳ, chậm chạp mà tính toán chắc đáo để. Vợ Tòn dạo này có da có thịt, mắt chị ta cứ anh ánh lên, mỗi khi gần chồng. Có lẽ lại sắp thêm đứa nữa.
Truyện ngắn của ĐẮC PHƯỢNG