Ngày bác Lịch ốm thập tử nhất sinh, nghe đâu có hai người ở xa tìm về nhận anh em. Bác Lịch cố gượng dậy, ngồi tựa lưng vào tường, hổn hển đưa tay ra nắm tay một người, nước mắt trào ra rồi tắt thở. Sau này, hỏi ra thì một người chưa rõ tung tích, nên cụ thượng họ chỉ quyết định phát khăn cho một người. Đó là bác Hải. Từ nay họ Nguyễn nhà tôi thêm một suất đinh. Tôi có thêm một ông anh thúc bá. Vậy mà mãi đến lần về quê chạp họ này tôi mới được biết bác. Hàng năm, cứ đến ngày 10 tháng Chạp là anh em, con cháu họ Nguyễn nhà tôi ở tận đâu đâu cũng kéo nhau về nhận nhau, mừng mừng tủi tủi, ăn với nhau bữa cỗ, uống với nhau chén rượu, rồi kể lể cho nhau nghe bao nỗi thăng trầm của đời mình. Lớp chúng tôi, tóc đã bạc trắng, lọm khọm bước vào tuổi già. Con cháu đàn đàn, lũ lũ chúng nó chào ông, chào chú. Mình chỉ biết gật đầu cảm nhận. Thì ra họ Nguyễn nhà tôi cũng đa đinh lắm. Nhưng nó bị cơn lốc thời cuộc cuốn đi tha hương tứ xứ. Có người dạt lên Yên Bái, Tuyên Quang, có người ở ngay giữa Hà Nội. Riêng bác Hải thì sinh ra, lớn lên rồi về già hình như vẫn quanh quẩn ở cái xóm đạo nhỏ, nghèo bên bờ sông Lô, cách nhà chỉ dăm cây số.
Bây giờ, ngồi trước mặt tôi là một ông già, người nhỏ thó, khắc khổ, vai so lên trong chiếc áo va-rơi cũ, cử chỉ rụt rè ngỡ ngàng, đôi mắt luôn né tránh cái nhìn của người khác. Trên khuôn mặt ấy, tôi cố tìm một nét nào đó khả dĩ “chẳng giống lông, cũng giống cánh”. Đôi quai hàm banh ra, khiến cho khuôn mặt xương xẩu của bác hơi phàm. Đúng là khuôn mặt của bác tôi ngày xưa, ông Lý Dưng. Chỉ có đôi mắt là buồn, cái buồn của người nhiều lang bạt, từng trải,… Thì ra, có một thời, bác Hải đã là lính Cụ Hồ, từng lăn lóc các chiến trường Tây Bắc, Điện Biên… Bị thương gẫy dóng chân, bây giờ đi khập khiễng. Năm 1954 bác phục viên làm chân cán bộ phòng thuế. Vốn tính nóng như lửa, một lần bác đã đập bàn, sạc nhau với thủ trưởng rồi bỏ về. Chuyện rằng: Phòng thuế bắt được những người mang rượu lậu, hễ là người làng, bác chỉ cảnh cáo rồi tha hết. Cái hành động coi trời bằng vung ấy, sau mới thấy dại. Thất nghiệp một năm lên ngược buôn bè gỗ, may sao học được cái nghề thuốc chữa hen. Bây giờ ông cắt thuốc, bà đan nong nia, đời sống chẳng đến nỗi nào. Sáu người con, một trai, năm gái, đã “hoàn thành” cả.
– Chiều nay chú về nhà tôi chơi.
– Bác để cho em đến dịp giỗ tổ.
Từ sáng, thấy tôi về, vừa kịp uống một chén nước, đặt đồ phúng lên bàn thờ, cụ thượng thọ đã cho gọi đến:
– Chú thấy anh là người có học, đã làm ông giáo mấy chục năm, bây giờ về hưu, cũng phải làm một việc gì đóng góp cho họ chứ. Cái việc xây dựng “cây tộc phả” họ Nguyễn nhà ta, chú định giao cho anh đấy!
Thực tình, tôi cũng chưa hình dung ra cái “cây” ấy thế nào. Nhưng không dám từ chối. Ông chú tôi vốn tính gia trưởng. Hồi còn hợp tác xã cấp thấp, ông đã làm đến chức chủ nhiệm. Tuy trình độ văn hóa mới bổ túc hết cấp I, nhưng được cái tinh thần “chấp hành” thì nghiêm lắm. Một lần có cậu xã viên hỏi: “Thưa chủ nhiệm, năm tấn một héc ta là thế nào?” liền bị ông sạc cho nên thân. “Héc cái chết tiệt, trên bảo thì làm, lại muốn chống chính sách hả!”. Lũ thanh niên ôm bụng cười. Từ đấy, cả làng gọi ông là “ông chủ nhiệm héc”.
Trên chiếc tràng kỷ, ông ngồi rung đùi, kể vanh vách suốt bảy đời họ Nguyễn Khắc. Chi trên, chi dưới, từng người, tên tuổi bây giờ ở đâu, làm nghề gì, chức sắc xã hội ra sao… Tôi ngồi chép lia lịa như một cái máy… Đến mãi trưa, chừng như bà con trong họ đã đến đủ mặt, mâm cơm cúng trên bàn thờ đã tàn nhang cụ mới cho nghỉ tay. Cất cuốn sổ, ngồi vào mâm cỗ, chờ đến lúc hơi men đã ngấm, tôi mới dám hỏi:
– Thưa ông chú, ngày bác cả Lịch mất, ông chú đã phát khăn cho…
– À, ý anh muốn hỏi đến trường hợp anh Hải chứ gì? Cụ ghé vào tai tôi dằn từng tiếng:
– Thứ con ngoại tình, ai lại cho nhập vào tộc phả mình.
– Dạ, cháu thấy bác Hải giống ông Lý Dưng như bóc xác.
– Anh bảo, ở đời thiếu gì người như thế. Vả lại, việc phát khăn là chiều theo nguyện vọng của anh cả Lịch, chứ việc này còn nhiều uẩn khúc lắm. Anh cứ phải làm theo ý chú, nghe chưa.
Để hoàn tất cái nhiệm vụ ông chú giao, tôi phải tìm về nhà bác Hải.
Chiều mùa đông, sông cạn màu chì. Những làng xóm bên kia sông như xích lại gần. Trăng lên muộn. Gió sông thổi bờ tre xào xạc. Bác Hải nghiêng cái bình rượu thuốc, chắt ra hai cốc, gắp thức ăn vào bát tôi.
– Chú uống đi. Đêm nay ngủ lại đây sáng mai ta cùng về quê giỗ tổ.
– Báo cáo bác chiều nay em có việc phải về gấp.
– Cái việc “Cây tộc phả” chứ gì?
Sau mấy hớp rượu, mạch máu chạy căng trên thái dương, sắc mặt bác rân rấn đỏ, giọng nói trầm tĩnh, suy tư:
– Ngày mẹ tôi biết mình sắp về với tiên tổ, bà gọi tôi đến bên giường, nói những lời cuối cùng: Hôm nay, mẹ sẽ kể con nghe những nỗi niềm sâu kín về đời mẹ… Trước cách mạng, ở vùng Tam Giang này, khét tiếng hách nạt dân là ông Lý Dưng. Đi đâu cũng nhong nhong trên lưng con kim ô. Hễ về đến cổng bọn đầy tớ vội chạy ra, đứa dắt ngựa đứa phe phẩy quạt. Hôm ấy, ông Lý vừa ở huyện đường về, vừa bước lên thềm đã hắng giọng gọi:
– Thằng Nhỡ đâu, lôi con bé ấy lên đây!
– Người con gái tấp tểnh bước đến trước thềm, mặt trắng bệch sau một đêm bị giam trong chuồng ngựa.
– À ra con này, mày to gan nhỉ, dám buôn hàng cấm hả! Ông sẽ cho mày ngồi tù mọt gông!
Người con gái ngẩng lên van lơn:
– Con xin ông tha cho…
Trước đôi mắt đen láy, khuôn mặt bầu bĩnh, ướt đầm nước mắt, ông Lý bỗng dịu giọng:
– Thôi tha cho lần này. Nhưng đất có lề, quê có thói. Bà Lý mới ở cữ, ở đây giặt giũ cho bà ít ngày. Thế còn hơn ngồi xà lim, nghe chưa!
Cô gái giật thót như bị kim châm vào não, nhưng đành câm miệng.
…Lửa gần rơm… Một đêm tối trời, bỗng nhiên ông Lý mò đến thì thào, lay cô dậy bắt đưa sang sông, có việc trên thậm cấp. Đến giữa dòng ông Lý bắt gác chèo… Con đò, dập dềnh, trôi… Xòe diêm châm đèn. Ánh lửa soi tỏ khuôn mặt non tơ của cô gái, bộ ngực phập phồng, nây nẩy như trái chín… Đột nhiên cô gái bị dằn xuống sàn… Và như một con dê già… Về sau, một đứa trẻ con ra đời. Không cha, sống lay lắt trong nước mắt tủi nghèo của người mẹ, chính là con – cái thằng Hải khốn khó này…
Gần hết kiếp người, tôi mới biết cái uẩn khúc của đời mình. Ngày còn bé, mỗi khi hỏi mẹ về bố mẹ tôi chỉ ôm mặt khóc.
Bác Hải ngồi bó gối im lặng. Tôi bốc thêm trấu vào lò. Ngoài kia trăng lạnh.
– Về bác Lý, ký ức thời thơ ấu của em chẳng còn giữ được bao nhiêu, nhất là người đã khuất quá lâu…
Ngày ấy bệnh lao phổi của bác Lý đã ở thời kỳ nguy kịch. Sáng nào cũng vậy bố em bắt sang thăm bác. Trong gian buồng lạnh tối, đầy tử khí, ông nằm như một thây ma. Thỉnh thoảng lại ho khạc, thổ huyết vào cái giành gio để sẵn dưới gầm giường…
Hôm ấy bố em cúi xuống rất lâu, nghe từng lời trăng trối, rồi gật đầu như nhắc lại để tâm một điều gì bí mật lắm. Rồi một tiếng thở dài hắt ra, đầu ông ngoặt sang một bên, đôi mắt trừng trừng không vuốt nổi… Đã hơn năm mươi năm, nhắc lại chuyện cũ với một người già – bố em đã ở tuổi tám sáu – cụ chỉ gật rồi lắc, có lúc như vô cảm. Nhưng may quá, cái trí nhớ của người già, có khi nó như một tia chớp, chợt lóe sáng soi vào quá khứ, rồi tắt ngấm… Cụ đòi giấy bút. Khó nhọc lắm mới viết được một dòng run rẩy, xiêu vẹo. Nhưng nó có giá như một nhân chứng duy nhất để lại cho chúng ta…
*
* *
Đúng ngày giỗ tổ, cái “Cây tộc phả” được cuộn tròn hình ống sớ, đã buộc cẩn thận sau xe máy. Nó được giữ gìn như một báu vật. Một lượt giấy xi măng một lượt vải nhựa đã bọc chặt, phòng khi mưa ngang đường…
Trên chiếc sập gụ bóng như sừng, ông chú tôi ngồi xếp bằng tròn ở chính giữa. Hai bên là các cụ cao tuổi trong họ, vừa uống nước chè, vừa trầm trồ nhìn lên “Cây tộc phả” đã được treo trang trọng, che kín cả một khoảng tường. Các cụ tấm tắc gật đầu khen. Nào là “Trình độ quá” nào là “Có hoa tay” nam hồng, nữ thanh, rành rẽ như bàn cờ. Các cụ còn bàn nhau, sẽ mang ra phố huyện, phô tô lấy mươi bản. Rồi còn tổ chức về Quốc Tử Giám Hà Nội xin chụp ảnh mấy văn bia. Nghe đâu đời nhà Nguyễn, có mấy cụ trong họ đã được đi thi đình, đỗ đến bảng nhãn, thám hoa kia đấy… Tôi đang mừng thầm, thì bỗng giật thót: Ông chú đã phát hiện ra cái tên Nguyễn Hải đứng lừng lững ngay bên vai tên bác cả Lịch!
– Chú đã dặn anh, người ngoại tộc không thể để lẫn vào đấy!
– Dạ thưa chú, cháu đã đi Hải Phòng gặp bố cháu. Tuy hồi này cụ bị nghễnh ngãng nặng nhưng nghe xong chuyện cũ, cụ cố viết mấy dòng gửi về cho ông chú và cả họ nhà ta. Tôi rút trong túi áo rét ra một bức thư. – Thưa đây là chữ của bố cháu. Rồi đọc to: Kính gửi chú Ba và họ Nguyễn Khắc, ở bến Đò Lo, cháu Hải là giọt máu lang bạt của bác cả Dưng – ký tên.
Hình như chưa tin, ông cầm bức thư giơ lên sát mắt kính, soi xét từng chữ. Khi đã nhận ra đích thực nét chữ quen quen của bố tôi, ông bỗng ngẩn người, hình như chưa biết khu xử thế nào – Đối với cả họ, bố tôi là người được sùng kính kiểu như một già làng. Cụ là người làm cả họ hãnh diện. Nếu sống ở làng, với cái tuổi tám sáu, thì nghiễm nhiên cụ được ngồi ghế cụ thượng. Ngày trước cách mạng đã được lên tỉnh ăn học lấy bằng tú tài. Trong khởi nghĩa 45, cụ giữ chân trưởng ban giải phóng. Bây giờ, trong nhà treo bằng ghi công: “Lão thành cách mạng”. Với một người như thế, thì ông chú tôi đâu dám làm trái ý. Uống cạn một chén nước chè, quay sang phía tôi, giọng chùng hẳn:
– Cái việc này, ta phải sửa sai thôi. Con chim có tổ. Nước chảy có nguồn. Thì ra anh Hải cũng là một giọt máu của họ Nguyễn nhà ta. Sẵn xe máy anh phải đi ngay cho chú. Đến bến Đò Lo, sang sông hỏi xóm nhà thờ… Mà chú còn phải đi sửa cái lễ nhập họ cho anh ấy…
Nói đoạn, ông thắp nén hương lên bàn thờ tổ rồi lẩm nhẩm khấn những gì chẳng biết.
Truyện ngắn của Đỗ Văn Từ