Tôi thức dậy trong sự hối thúc vội vàng. Chiếc va ly mở tung bị nhồi vào những bộ quần áo chưa kịp gập. Bố tôi ngừng lại một lát. Ông đẩy cặp kính mờ hơi nước “Về quê thôi con”.
Chiếc ô tô lượn vòng trên con đường đất ngoằn ngoèo. Suốt quãng đường đi, bố tôi hoàn toàn im lặng. Ông đang cố gắng tập trung vào con đường trúc trắc trước mặt hoặc đang suy nghĩ điều gì. Tôi đã quen với những biến cố, kể từ khi mẹ tôi bỏ đi. Bà biến mất với khoản nợ lớn để lại sau khi bị lừa gạt với những mối làm ăn và viễn cảnh kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng rồi vỡ tan như bong bóng xà phòng. Bố con tôi phải xoay xở với sự bám riết của các chủ nợ. Bán cả nhà cửa mà cuối cùng vẫn chưa yên bởi những khoản nợ không thể trả hết, bố quyết định đưa tôi về quê để yên ổn học hành.
Vượt qua những con dốc thoai thoải, nhà của nội tôi nằm dưới chân đồi lạo xạo đá nâu. Những bụi sim nở hoa tím lẫn với những bụi chè mọc hoang cằn cỗi vì nắng hạn. Tôi thở dài trước làn khói xe và bụi đất đỏ cuộn lên khi ông vội vã quay trở lại thành phố để xoay xở mọi chuyện. Ông dặn tôi giấu kín chuyện để ông bà được yên lòng. Tôi đứng im lặng nhìn theo, dưới cái nắng gắt của miền quê trung du. Chỉ có tiếng những bụi sắn bên sườn đồi xào xạc như nói lời an ủi động viên duy nhất dành cho tôi.
Ông bà nội đón tôi bằng niềm vui không tả xiết. Bà ôm lấy tôi, tựa đầu vào ngực tôi. “Thằng bé mới cấp 3 thôi mà to lớn quá này ông. Tôi mới đứng đến ngực nó”. Ông bà dành cho tôi những thứ tốt đẹp nhất, từ việc dọn cho tôi căn phòng nhìn thẳng ra sườn đồi chè xanh màu ngọc bích đến bộ chăn mới mua thơm phức. Bữa ăn tạm bợ qua quýt của hai ông bà già được thay đổi chăm chút bằng nhiều đồ ăn ngon, cá thịt, bởi bà nói, thằng bé đang tuổi ăn tuổi lớn, làm sao mà ăn chay như chúng ta được. Còn tôi, với sự già dặn trước tuổi được rèn luyện bởi hoàn cảnh đã củng cố niềm tin cho ông bà rằng bố mẹ tôi trên thành phố vẫn ổn. Không mảy may nghi ngờ, khi ông bà lại bận rộn với những công việc dở dang của mình, tôi mới khẽ thở phào.
Sáng sớm khi tôi thức dậy, ông bà đã lên đồi chăm chút cho những luống chè. Tôi ngồi thẫn thờ nhìn bông chè trắng mọc lạc ven cửa sổ. Tôi lại cảm thấy bức bối khi phải giấu giếm những chuyện quá lớn. Một mình tôi gặm nhấm nỗi lo lắng khi bố tôi phải xoay xở một mình trong căn nhà thuê tạm bợ, trong khi vẫn dằn vặt khôn nguôi vì không biết mẹ tôi đang ở đâu. Bà có ổn không khi những hối lỗi và lo sợ khiến bà không dám quay về. Những suy nghĩ như sóng cuộn khiến tôi như một gã trai trẻ đang mắc mối tương tư, chỉ biết đi ra đi vào mà thở dài. Cuối cùng, tôi quyết định giải thoát cho mình bằng cách đi bộ lên đồi chè. Những hạt sỏi nâu dưới chân mới quen thuộc làm sao, vùng đất mà bố tôi sinh ra với tuổi thơ cháy nắng mà đôi lần bố tôi vẫn hồi tưởng lại trong sự bồi hồi nuối tiếc. Những cây chè cứng cáp vươn lên trong nắng xanh lấp lóa màu ngọc bích. Những sườn đồi thoai thoải uốn lượn, mát rượi những cơn gió sớm mai. Tôi hít một hơi cho đầy lồng ngực cái bầu không khí trong lành và tươi mát ấy. Tôi để tầm mắt mình được trải ra xa trước khi bắt gặp một bóng người thấp thoáng. Tôi mừng rỡ khi gặp bóng dáng quen thuộc ấy.
Mùa hè của những năm trước, khi tôi còn là đứa trẻ 7 tuổi. Cũng trên đồi chè này. Tôi gặp nó khi đang theo chân bố mẹ đi hái chè. Nó đứng quay lưng lại với tôi. Đôi tay hái chè thoăn thoắt. Tôi với sự dạn dĩ đã muốn bắt chuyện với nó trước. Thế nhưng, cái thằng hàng xóm sát bên kia quả đồi vẫn tỏ vẻ dửng dưng và thờ ơ khi tôi rủ nó chơi những trò mà tụi trẻ con chúng tôi đều thích. Nó luôn tránh ánh nhìn của tôi như thể không muốn tiếp chuyện. Tôi bắt đầu bực bội bởi sự cởi mở của mình không được đáp lại. Cho đến hôm sau, tôi mới phát hiện ra một điều bất ngờ: Nó hoàn toàn không nhìn thấy gì. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi biết sau ánh mắt trong veo kia, chỉ là bóng tối; đằng sau những cử chỉ hết sức tự nhiên, không va vấp của nó là cả một quá trình tôi luyện. Nó di chuyển bằng trí nhớ. Vì bị khiếm thị bẩm sinh, nó thuộc lòng từng bậc lên xuống quanh cái đồi chè này. Vẻ tự nhiên của nó làm một đứa tinh ranh như tôi đến ngày thứ hai mới phát hiện khiếm khuyết của nó. Nó có một lòng kiêu hãnh của riêng mình: không thích bị người khác thương hại. Có lẽ vậy nên nó cứ cố tỏ ra xa cách, cố làm mọi thứ xung quanh nó trở nên hoàn hảo. Nó hái chè với cái công suất gấp 3 một đứa lóng ngóng như tôi. Trong khi những đứa khác mải mê những trò vui của mình thì nó học ngày đêm với những bảng chữ nổi. Nó đọc viết thành thạo, tính toán suôn sẻ hơn cả những đứa đồng trang lứa. Vì vậy, nó không có lý do gì để mặc cảm. Và tôi cùng giấu kín sự thương cảm của mình để khỏi chạm vào lòng tự trọng cao vợi của nó. Mà đúng là nó đáng nể thật. Chúng tôi chơi thân với nhau mà không hề có khoảng cách. Tôi không hề nhường nhịn nó với những trò vật tay, những màn đấu trí bằng những câu đố. Những chiều muộn, chúng tôi nằm dài hóng mát trên những đồi chè, nói những câu chuyện hóm hỉnh cho đến khi nghe thấy tiếng của bà, của mẹ gọi về ăn cơm. Rồi gia đình tôi chuyển lên thành phố.
Những người bạn mới, môi trường mới khiến tôi cũng dần quên đi nó. Đến hôm nay, khi gặp lại, những ký ức tuổi thơ trong trẻo lại ùa về. Tôi mừng rỡ vòng qua những vạt chè để đến gần nó. Cũng giống như tôi, nó đã trổ mã thành một thanh niên. Tôi khẽ khàng im lặng đến bên cạnh. Những người khiếm thị luôn có thính giác rất nhạy bén. Quả thật, càng lớn, khuôn mặt nó càng đẹp. Đôi mắt hơi nâu dường như chỉ đang lơ đễnh. Nếu tôi là một cô gái chắc chắn sẽ chìm đắm vào vẻ đẹp trai của nó. Tôi cứ đứng im lặng nhìn nó, để xem khi nào nó phát hiện ra. Sống mũi cao kiêu hãnh và mép nó khẽ nhếch lên cười: “Thôi cái trò ấy đi”. Tôi giật mình: “Sao biết hay vậy chú em?”. Tôi và nó luôn tranh nhau để được làm anh. “Anh nghe nói mày về từ hôm qua rồi” – tay nó dứt mạnh những ngọn chè bỏ vào giỏ. Cái thái độ khinh khỉnh này, tôi đủ hiểu là lời ngầm trách tôi đã quên nó suốt thời gian dài. Tôi là một thằng vô tâm, còn nó thì lạnh lùng và cao ngạo để gọi điện trước. Được cái, chỉ thoáng qua vậy thôi, chúng tôi lại vui vẻ như chỉ ngày hôm qua thôi chưa gặp.
Tối hôm ấy, tôi sang nhà nó. Sau một quãng im lặng, nó lấy cây đàn guitar, gẩy một bài nó vừa học được. Dưới ánh đèn vàng mờ rọi ra ngoài hiên, phía đồi chè đã phủ đầy bóng tối, những con thiêu thân và bướm cánh nhỏ bị thu hút, đâm đầu vào cửa kính, lòng tôi lại buồn man mác. Tôi khẽ thở dài khi trí nhớ bị lôi kéo về chuyện bố mẹ tôi. Điều ấy không qua được sự tinh ý của nó. Nó ngừng tay đàn, nghiêm túc hướng về tôi: “Sao vậy?” Không hiểu sao, khi ở cạnh nó, tôi từ một thằng lỳ lợm và kín miệng bỗng hóa thành bà thím hay than vãn. Suốt cả câu chuyện dài dằng dặc của tôi, nó chỉ im lặng. Đến cả khi tôi kết thúc câu chuyện, nó vẫn như đang ngẫm nghĩ điều gì. Nhưng không hiểu sao, chỉ với sự im lặng của nó, tôi như trút được gánh nặng, bức bối trong lòng. Nó chia sẻ với tôi bằng sự lắng nghe như vậy. Chúng tôi cùng nghe tiếng dế mèn từ ngoài cửa sổ vọng vào, nghe tiếng gió trên đồi chè xôn xao và những dòng suy nghĩ không ai bảo ai, đều cùng chung một hướng.
Hai chúng tôi cùng giữ bí mật ấy. Nó đẩy tôi ngồi vào màn hình máy tính. Chúng tôi tìm tòi, hỏi thăm tin tức về mẹ tôi qua một số người quen của bà trên tài khoản mạng xã hội. Cuối cùng, nó thúc ép tôi gửi lời nhắn cho mẹ với hi vọng bà sẽ đọc. Nó ngồi bên cạnh, nghiêm nghị đọc để tôi gõ máy. Thật sự, tôi không quen với những ngôn ngữ biểu đạt tình cảm. Tôi ngượng nghịu khi nói những lời ngọt ngào, mặc dù thật sự lo lắng và mong muốn mẹ quay về. Mặc tôi chần chừ, nó tiếp tục huých khuỷu tay. Nó nói, mọi phụ nữ đều luôn thích những lời ngọt ngào. Muốn lay chuyển họ, hãy dùng tình cảm chân thành. Nếu thốt ra bằng miệng, có lẽ tôi sẽ cứng miệng mà không nói được, nhưng nhắn tin thì có lẽ đỡ hơn. Tôi nhắn những lời chưa bao giờ dám gửi đến mẹ, đại ý là tôi và bố nhớ, rất lo lắng cho mẹ. Dù có chuyện gì, mẹ hãy quay về, tất cả khó khăn, chúng ta sẽ cùng nhau tháo gỡ. Chỉ cần gia đình còn ở bên nhau. Bố và tôi yêu mẹ, vẫn đang chờ mẹ. Chúng tôi gửi tin nhắn trong sự hồi hộp. Tôi tiếp tục thở dài khi nghĩ đến mớ bòng bong. Bố tôi vẫn cố gắng cầm cự, vừa đi làm, vừa giải quyết nợ nần. Vừa hôm qua, ông gọi về, dù không than thở, nhưng tôi biết ông mệt mỏi. Tôi liếc nó, khuôn mặt nó nghiêm nghị chỉ nước da hơi tái lại. Tôi thấy nó căng thẳng chẳng kém gì tôi. Rồi nó kêu có việc bận và đuổi khéo tôi về.
Bẵng hai hôm, khi tôi chuẩn bị sang nhà nó, vừa bước ra cửa tôi sững người khi thấy mẹ tôi đã đứng trước cửa từ lúc nào. Bà đội chiếc mũ sụp xuống che nửa mặt. Bộ quần áo tối màu bụi bặm và trông bà gầy đi thấy rõ. Bà buông chiếc túi khỏi tay, bưng mặt khóc khi thấy tôi. Tôi khẽ ôm lấy bờ vai bà đang run lên. May quá, mẹ về rồi, bố và con tìm mẹ mãi. Tôi nghĩ ngay đến việc gọi để báo cho bố biết mẹ tôi đã trở về. Mọi chuyện đã không thể giấu nổi ông bà nội tôi. Sau lời hối lỗi của mẹ, ông bà chỉ thở dài: Còn người là còn của, thôi vấp ngã lần này để rút kinh nghiệm. Lần sau có chuyện gì nói cho bố mẹ biết. Chúng mày cứ vật lộn một mình thế này, bố mẹ càng lo hơn. Không trụ lại thành phố thì về quê. Nhà mình đất rộng lo gì không kiếm nổi cái ăn. Giờ quan trọng nhất là để thằng bé học hành nên người. Tội nghiệp thằng cu Kiên nhà bên kia. Bị mù từ nhỏ giờ lại bị bệnh cột sống gì đó, không biết nó phải làm sao, tội nghiệp thằng bé.
Sau tiếng thở dài của nội tôi như chết lặng. Tôi ngồi đờ đẫn rồi hỏi lại nội để chắc mình không nghe nhầm. Tôi băng qua những vạt chè, mặc cho những cành cây cào cấu vào cánh tay. Tôi giận, nỗi giận dỗi của một đứa trẻ bị bạn lừa dối. Nó vẫn tiếp tục giấu tôi. Nỗi hờn giận cứ lớn dần lên chực vỡ tan khi tôi đẩy cánh cửa phòng nó. Nó nằm trên giường nhợt nhạt, nghe thấy tiếng bước chân tôi vào, nó khẽ đẩy người lên “Gì mà đến không báo trước thế?” Nó làm điệu bộ như vừa mới ngủ dậy, vẫn cố tỏ ra mình ổn. “Mày đừng làm trò nữa. Chẳng vui đâu. Mày thử một lần không gồng lên xem nào, để tao nhìn thấy mày yếu đuối xem nào. Mày cứ lừa dối tao như thằng ngốc”. Nó nghe thấy giọng tôi bắt đầu nghẹn lại. Nó đoán là tôi đã biết rồi. Chắc mấy hôm trước nó phải cố gắng lắm để ngồi hàng giờ nghe tôi kể chuyện buồn. Nó không hề than thở mặc dù tôi chỉ biết liên tục than vãn. Tôi khóc rưng rức như một đứa trẻ 7 tuổi khi xưa. Giọng nó cũng đã hơi run: “Thôi, có gì đâu, tao có chết được đâu. Chỉ là có thể sẽ bị liệt hai chân thôi”. Tôi không kìm nén được mà ôm chầm lấy nó. Bạn của tôi. Hãy để một lần tôi được tỏ ra thương cảm nó, để một lần nó dựa vào vai tôi, thay vì tôi cứ mãi dựa dẫm vào nó. Cuộc đời thật sự không công bằng với bạn tôi.
Chúng tôi lại ngồi cạnh nhau. Lần đầu tiên nó nói lên ước mơ của mình. Ngày nhỏ, nó mơ ước được một lần nhìn thấy thế giới xung quanh, thấy được khuôn mặt của những người mà nó luôn yêu quý, được một lần nhìn thẳng vào mặt trời để thấy ánh sáng của nó chói chang như thế nào. Nó biết cuộc đời xung quanh đẹp lắm, những đồi chè thênh thang nơi nó ở. Rồi khi lớn lên, khi nó biết ước mơ ấy không thể nào trở thành sự thật, nó lại mong ước trở thành anh nông dân sống giản dị nơi đồi chè này, đôi khi nó sẽ viết những bản nhạc cùng cây đàn của nó, để cảm nhận thế giới này bằng những âm thanh, bằng tiếng gió lùa qua những đồi chè rộng lớn vùng trung du này. Tôi soi mình vào những ước mơ nhỏ bé của nó. Thấy mình quá may mắn và cũng quá kém cỏi trước nghị lực của nó. Khi tôi hứa sẽ luôn ở cạnh khi nó cần, sẽ là đôi chân của nó, khuôn miệng đẹp của nó lại khẽ nhếch lên. Nó từ chối. Nó nói sẽ lại học lại từ đầu, với chiếc xe lăn. Còn tôi, hãy mang ước mơ của nó đi thật xa, thay nó thực hiện những ước mơ của cả hai. Tôi biết nó chỉ còn duy nhất một thứ mà cuộc đời không sao dập tắt được, đó là nghị lực, là tự trọng và niềm kiêu hãnh của nó. Tôi tôn trọng và nâng niu điều ấy – điều khiến bạn tôi không thể lẫn với bất cứ ai.
Chúng tôi lặng nghe tiếng gió lướt qua những vạt chè xôn xao, rồi thì thầm, vẩn vơ quanh những bụi sắn bên mé nhà. Gió lại bay lên không trung ngao du đây đó, rồi vòng về trên mái nhà với những câu chuyện kể của riêng mình. Tôi cũng nhắm mắt lại, chìm vào thế giới của bạn tôi, cảm nhận những tiếng động khẽ khàng nhất từ bên kia chân đồi. Một cảm giác yên tĩnh và ấm áp đến từ bên trong tâm hồn. Tôi nhận thấy sự kì diệu và tươi đẹp của vùng đất trung du mà tôi luôn yêu quý, bởi nơi ấy có bạn của tôi.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Loan