Văn nghệ sỹ Phú Thọ đã có những đóng góp cho dòng chảy văn học không ngừng phát triển,
trong đó có nhà văn Vũ Quốc Khánh và Tống Ngọc Hân.
Nhằm tôn vinh sự nghiệp sáng tác của
các nhà văn, ngày 02/6/2022, Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ phối hợp với Hội Nhà văn Việt
Nam tổ chức Hội thảo tiểu thuyết của nhà văn Vũ Quốc Khánh và Tống Ngọc Hân. Tới dự hội
thảo có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh
nguyên Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam;
lãnh đạo NXB Công an nhân dân; các đồng chí lãnh đạo một số Hội VHNT các tỉnh bạn, lãnh
đạo một số Sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành, thị trong tỉnh; lãnh đạo Hội Liên hiệp
VHNT Phú Thọ, Tạp chí VNĐT; các nhà văn Trung ương và địa phương cùng toàn thể gia
đình, bạn bè của hai nhà văn.
Trong lời đề dẫn hội thảo, nhạc sỹ Cao Hồng Phương – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Phú
Thọ đã giới thiệu khái quát cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của hai nhà văn. Nhà văn Vũ Quốc
Khánh sinh năm 1950 là người con sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi xã Tân Long – Yên
Lập, miền quê lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống trong các lễ hội như lễ cấp sắc, tết nhảy…
Nhà văn trải qua nhiều cương vị công tác: Lớn lên ông học Đại học Nông nghiệp I, rồi theo tiếng
gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc trong
chiến trường B tại Quảng Nam Đà Nẵng. Sau khi đất nước giải phóng ông tiếp tục trở lại học tại
mái trường Đại học Nông nghiệp I và làm giảng viên khoa cơ điện của trường rồi làm quản lý
lãnh đạo trong các công ty chè… Những thực tế mà nhà văn trải qua là vốn sống tích luỹ để nhà
văn cho ra đời những tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng trong sự nghiệp sáng tác của mình: “Phía sau
trận chiến”, “Seo Sơn”, “Keo đỏ”, “Vùng Xoáy” và mới đây ông vừa xuất bản cuốn tiểu thuyết
“Lãng Khuê”. Ông có 3 tập truyện ngắn, 5 tập thơ. Những tác phẩm ông sáng tác được giải
thưởng cao của Trung ương và địa phương. Nhà văn Vũ Quốc Khánh sáng tác bởi niềm đam mê
muốn được cống hiến cho đời những tác phẩm tâm huyết nhiều giá trị văn chương sâu sắc.
Nhà văn Tống Ngọc Hân sinh năm 1976, tại xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ,
miền quê giàu bản sắc văn hóa. Lớn lên chị đi học và lấy chồng rồi đi xây dựng vùng kinh tế
mới ở tỉnh Lào Cai. Chị đã mở cửa hàng thổ cẩm dân tộc ở đường Mường Hoa rồi mở rộng kinh
doanh thêm nhiều cửa hàng bán cho khách du lịch… Cuộc sống nơi miền núi đầy khó khăn vất
vả, chị chứng kiến cảm thông, chia sẻ với nhiều hoàn cảnh sống của đồng bào dân tộc thiểu số
nơi đây và xúc động ghi chép lại thành thơ. Năm 2003 chị được giải thưởng thơ của tỉnh Lào
Cai và được kết nạp vào Hội VHNT Lào Cai. Rồi chị tham gia sáng tác ở thể loại văn xuôi viết
truyện ngắn và thành công xuất sắc ở thể loại này. Hàng loạt truyện ngắn viết về đề tài miền núi
của chị ra đời. Năm 2009 chị được giải thưởng của Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam
và được kết nạp vào Hội. Chị liên tục gặt hái được nhiều thành công đạt nhiều giải thưởng
truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Lào Cai… Năm 2013 chị được kết nạp vào Hội
Nhà văn Việt Nam. Tính đến nay chị đã xuất bản được 10 tập truyện ngắn, 3 tiểu thuyết, 2 tập
thơ, 2 tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi. Chị đạt được nhiều giải thưởng cao của Trung ương và
2 tỉnh Lào Cai, Phú Thọ. Từ năm 2013, chị nổi tiếng nhất với 3 tập tiểu thuyết “Huyết ngọc”,
“Âm binh và lá ngón”, “Động rừng”. Năm 2017, chị trở về Phú Thọ sinh sống, chuyển tham gia
sinh hoạt tại Hội Liên hiệp VNHT Phú Thọ và tiếp tục sự nghiệp đam mê sáng tác. Chị để lại
trong lòng người đọc nhiều tác phẩm ấn tượng, chạm đến tận cùng cảm xúc, đặc biệt sự cảm
thông với số phận con người miền núi.
Tại hội thảo nhiều nhà văn, nhà Lý luận phê bình của Trung ương và địa phương đã tập
trung làm nổi bật giá trị tiểu thuyết của hai nhà văn. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đặt vấn đề
tham luận rất thiết thực “Vấn đề nông nghiệp – nông thôn – nông dân và liên kết 4 nhà qua tiểu
thuyết “Seo Sơn” trong đó nhà văn đã phân tích chỉ ra sự khôn khéo mà nhà văn Vũ Quốc
Khánh đã gửi gắm qua tác phẩm đó là mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa
học, nhà doanh nghiệp giúp đỡ nhau làm kinh tế qua đó giải quyết được vấn đề nông nghiệp,
nông dân, nông thôn và xây dựng được phương án phát triển nông thôn miền núi ổn định, bền
vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đây là vấn đề cốt lõi mà nhà văn Vũ Quốc Khánh
muốn gửi gắm qua tiểu thuyết “Seo Sơn”. Tác giả Nguyễn Đình Vỵ tham luận về tiểu thuyết
“Phía sau trận chiến” của nhà văn Vũ Quốc Khánh đã nêu lên những cảm nhận của mình khi
tìm hiểu cuốn tiểu thuyết, đây là cuốn tiểu thuyết viết về mảng đề tài chiến tranh, trong đó chứa
đựng biết bao khốc liệt về sự đau thương mất mát nhưng vẫn ngời lên tình cảm yêu thương gắn
bó, biết hy sinh gian khổ của nhân dân ta trong đấu tranh gian khổ như nhà văn Vũ Quốc Khánh
triết lý rất sâu sắc “Chiến tranh như con xoáy nhấn chìm hết thảy, chỉ để lại ở giữa một vòng
tròn định tâm hun hút. Ở dưới sâu kia, mọi sự đau thương mất mát, mọi sự dũng cảm kiên
cường đều hòa trộn vào nhau, tạo thành lực đẩy khiến cho dòng sông tiếp tục chảy xuôi, đưa
phù sa bồi đắp lên những cánh đồng phù nhiêu nơi hạ lưu quê hương màu mỡ” (Trích “Phía sau
trân chiến” trang 394).
Nhà văn Nguyễn Hiếu cũng bày tỏ quan điểm của mình về tiểu thuyết “Vùng xoáy” một tiểu
thuyết hiếm hoi viết về cổ phần hóa, nhà văn đã phản ánh một cách chân thực làm rõ một giai
đoạn lịch sử đó là sự chuyển đổi hình thức quản lý, phát triển kinh tế theo mô hình cổ phần hóa
trong mối quan hệ giữa 2 tuyến nhân vật, một bên là những người tốt sẵn sàng hy sinh, hết lòng
về công việc chung… và một bên là tuyến nhân vật luôn vụ lợi, tinh ranh, có chức có quyền, lợi
dụng khe hở để thu lợi cá nhân. Bằng sự am hiểu thực tế của mình nhà văn Vũ Quốc Khánh đã
bóc trần những thủ đoạn mờ ám của một bộ phận lãnh đạo thoái hóa biến chất, tìm ra phương án
mở hướng đi đúng đắn cho việc quản lý ở giai đoạn cổ phần hóa.
Tác giả Trương Huy cũng có cách nhìn nhận đánh giá về những tiểu thuyết đặc sắc của
Tống Ngọc Hân, với cách nhìn nhận cốt lõi rất đúng, trúng: Trương Huy nhận định tiểu thuyết
“Âm binh và lá ngón” là cuộc chiến với những hủ tục lạc hậu trói buộc con người trong cái
vòng luẩn quẩn đói nghèo, ít học, ngu dốt, lạc hậu, tảo hôn, nghiện hút… dẫn đến những cái chết
oan uổng. Qua đó đánh thức lòng thương cảm, khiến người đọc cùng nhà văn nhói đau, suy
ngẫm tìm ra cách giải thoát. Tác giả Trương Huy cũng nhận định tiểu thuyết “Động rừng” là
một cuộc chiến chống tham nhũng, chống lại cái ác, cái xấu. Tập tiểu thuyết này để lại cho
người đọc nhiều xót xa khi con người đối xử với nhau tàn ác, khi nạn phá hại tài nguyên rừng,
khoáng sản diễn ra nhức nhối, mà kẻ tiếp tay cho tội ác đó lại là các cán bộ có trách nhiệm trong
hệ thống công quyền. Thông qua tiểu thuyết “Động rừng” nhà văn Tống Ngọc Hân muốn gửi
gắm nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc mang tính giáo dục cao, hướng người đọc đến những giá trị
chân, thiện, mỹ.
Nhà nghiên cứu phê bình Bùi Việt Thắng đánh giá tiểu thuyết “Huyết học” của nhà văn
Tống Ngọc Hân viết rất tự tin vì chị viết ra những hiểu biết, trải nghiệm thực tế nên tự nhiên
gần gũi lôi kéo khiến người đọc như bị cuốn chìm vào không khí đặc sệt những mưu mô, toan
tính lọc lừa, những đau đớn vật vã, những trớ trêu phi lí của cuộc đời của những con người
trong một quần thể na ná “thập loại chúng sinh”. Nhà nghiên cứu phê bình Bùi Việt Thắng đọc
“Huyết học” đã cảm nhận “Văn Tống Ngọc Hân như hòn than cháy ủ tro vì thế có sức nóng
được giữ bền lâu”.
Nhà văn Phan Mai Hương đã đặt ra một số vấn đề trong cách thức nghệ thuật viết văn của
Tống Ngọc Hân. Nhà văn Phan Mai Hương cho rằng “Chị đã viết như những gì chị sống, dù ở
miền núi hay miền xuôi thì đời sống đi vào sáng tác của chị như cơm ăn nước uống, như không
khí ta hít thở hàng ngày, bằng cách viết không bóng bẩy hoa mỹ, Tống Ngọc Hân đã làm cho
người đọc nhớ đến văn chương của mình một cách lâu dài”.
Nhà văn Văn Chinh đã trình bày một số cảm nhận của mình về các tiểu thuyết của 2 nhà văn
trong đó nhấn mạnh những thành công của tiểu thuyết “Lãng Khuê” mà nhà văn Vũ Quốc
Khánh vừa mới xuất bản “Thành công của Vũ Quốc Khánh chính là thành công của cái nhìn,
cách nghĩ kinh tế học; của nguồn cảm hứng ngày xưa ông đã từng đánh nhau với cối xay gió
của quản lý doanh nghiệp trì trệ lạc hậu trong đời thực, văn phong chân chất, giàu cảm xúc; dễ
đọc và đọc cuốn hút”.
Đại tá Trần Cao Kiều – Cục phó Cục Truyền thông Bộ Công an, Tổng biên tập NXB Công an
nhân dân trong phát biểu của mình đã đánh giá cao hai cây bút xuất sắc có nhiều tác phẩm viết về
hình ảnh chiến sỹ công an nhân dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự bình an cho
nhân dân. Nhà văn Vũ Quốc Khánh và Tống Ngọc Hân là hai cây bút có vốn sống thực tế phong
phú, sức sống bền bỉ, là những người trải nghiệm, hiểu đời, do vậy tác phẩm rất giàu sức sống.
Tuy vậy mỗi nhà văn có cách thể hiện, cách cảm, cách nghĩ riêng tạo nên phong cách độc đáo ấn
tượng riêng cho mỗi người. Đây là những nhà văn được người đọc mến mộ, yêu quý vì đã để lại
trong lòng độc giả những tình cảm sâu sắc.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến của một số nhà văn, nhà Lý luận phê
bình như nhà văn Nguyễn Khắc Trường, nhà Lý luận phê bình Nguyễn Chí Hoan, tác giả Minh
Châu, nhà văn Phạm Hoa, tác giả Nguyễn Hữu Kiểm, tác giả Hoa Mai, tác giả Hồng Ngọc…
tham gia tham luận đóng góp về những tiểu thuyết của 2 nhà văn Vũ Quốc Khánh và Tống
Ngọc Hân.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong phần tổng kết hội
thảo nhấn mạnh: Bản chất của văn chương là khám phá bảo vệ cái đẹp, bảo vệ con người và
mang đến sự cảm thông chia sẻ lẫn nhau thì ở đây những điều cơ bản nhất, những điều quan
trọng nhất trong bản chất văn chương đã rõ ràng, đậm nét, tràn ngập trong tác phẩm của Vũ
Quốc Khánh và Tống Ngọc Hân, mỗi người mang lại một vẻ đẹp trong sáng tạo của mình
trong ngôn ngữ, trong hình ảnh, trong trí tưởng tượng… Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mong
muốn hai nhà văn tiếp tục có nhiều tác phẩm hay hơn nữa đóng góp cho nền văn học nước nhà
trong con đường đổi mới, đi lên xây dựng và phát triển.
Những đóng góp của hai nhà văn Vũ Quốc Khánh và Tống Ngọc Hân đã được khẳng định
trong sự nghiệp VHNT tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung đang nở rộ, hứa hẹn nhiều
thành công mới trên đà phát triển không ngừng.
Nhà văn Vũ Quốc Khánh và Tống Ngọc Hân xúc động khi được đón nhận những tình cảm
quan tâm, ghi nhận của các cơ quan, đoàn thể, cá nhân bạn bè, người thân đến chúc mừng và
tặng hoa hai nhà văn nhân dịp hội thảo. Nhà văn Vũ Quốc Khánh gửi lời cảm ơn về những tình
cảm yêu quý của tất cả mọi người. Trong không khí ấm áp thân tình, những cái bắt tay, cái ôm
thật chặt, những bó hoa chúc mừng rực rỡ sắc màu, những bức ảnh lưu niệm… sẽ còn ghi dấu
mãi; tạo động lực để các nhà văn thêm hứng khởi sáng tác những tác phẩm văn học mới có giá
trị.
T.L