Sau Tết, lính Đại đội 3 Tiểu đoàn 2 Sư đoàn B04 đa phần là người Cao Bằng, Bắc Cạn, Vĩnh Phú, chỉ số ít ở Tuyên Quang và một số tỉnh khác, rỉnh rảng bánh chưng, bánh khảo, bánh chè lam đem từ nhà xuống. Tối nay thứ bảy nghỉ sinh hoạt, cánh lính Trung đội 1 người bóc bánh chưng, bánh khảo, kẻ lấy con dao găm sắc lẹm ra cắt bánh chè lam thành từng lát nhỏ, ai nấy rộn rã: “Bánh chưng Trùng Khánh quê mình nổi tiếng gạo ngon đấy! Không tin các cậu nếm thử đi”. Lý Văn Tập dùng lạt cắt chiếc bánh gù thành từng lát mời. “Hí… hí bánh ngon phải là Bảo Lạc quê mình, đây các cậu thấy không? Bánh chưng lá cẩm tím hẳn hoi nhá”. “Đâu đâu… lạ nhỉ?”, mọi người xôn xao chụm đầu vào ngó, ngọn đèn dầu leo lét chao nghiêng ngả không đủ soi rõ mâm bánh đủ loại của cánh lính bày ra. Tuy nhiên cũng đủ rọi nét mặt tươi rói của Lục Tường. “Đâu thử xem nào?”. Trung đội trưởng Hà Dũng, quê Phú Thọ dáng cao to lừng lững, nước da đồng hun từ đâu xen vào; anh nhai bánh một cách chậm rãi để thưởng thức vị ngon, đậm đà hương nếp nhân đỗ xanh, thịt lợn nổi tiếng vùng Bảo Lạc mà cậu lính Lục Tường khoe, ăn miếng bánh chưng dẻo quánh, nhân đỗ xanh, miếng thịt lợn mỡ lẫn nạc dày cộp chín nhừ xong, Trung đội trưởng Hà Dũng gật gù nhìn cậu lính dong dỏng cao: “Ừ, bánh chưng Bảo Lạc của Lục Tường phải công nhận là ngon đấy!”.
– Cũng chưa biết là bánh vùng nào ngon hơn vùng nào Trung đội trưởng ạ! Anh thử nếm bánh vùng Hòa An quê em xem? Cậu Hoàng Bái xé một mẩu lá dong áp vào miếng bánh chưng xanh ngắt (vì gạo được trộn lẫn nước lá riềng giã nát lọc lấy nước riềng, để lâu vẫn không bị mốc bánh) thủng thẳng đưa cho Trung đội trưởng Hà Dũng:
– Cậu này quái nhỉ? Thôi được tớ thử miếng nữa… hà… hà! Trung đội trưởng đưa tay đón miếng bánh được bọc trong mẩu lá dong rồi nhẩn nha nhai. “Đét” Hà Dũng vỗ hai bàn tay reo lên: Ngon… ngon thật! Anh nhìn Hoàng Bái tấm tắc: Bánh vùng quê cậu cũng rất khá!
– Em nữa… em nữa, Trung đội trưởng nếm thử đi ạ? Các chiến sĩ nhao nhao.
– Khoan đã… Các cậu định biến bụng tớ thành cái nồi quân dụng à? Được rồi, bánh quê các cậu đều rất ngon! Mỗi vùng có vị ngon riêng được chưa nào? Trung đội trưởng Hà Dũng dang hai cánh tay, vừa lùi ra cửa vừa đầu gật lia lịa.
Mọi người ngồi quây quần trên sạp giường, ở giữa bày nào bánh chưng vuông, bánh tóoc (bánh gù) ở vùng Trùng Khánh, bánh khảo, chè lam cùng nhau rôm rả khen, chê lẫn lộn.
– Keng… keng… keng… keng… keng…keng! Từng hồi kẻng báo động vang lên dồn dập giữa lúc cánh lính trẻ đang hỉ hả trò chuyện. Xóm Đỗi, nơi Đại đội 3 đóng quân bừng thức. Những người lính vội vã bỏ bánh trái tại chỗ, rồi cuốn chiếu, gấp ba lô, chăn màn, quân tư trang, súng ống, đạn dược, nhiều người còn treo vào dây đeo ba lô lủng lẳng bánh trái. Khoảng vài phút sau, toàn đại đội đã đứng thành 3 Trung đội. Đứng đầu từng hàng quân là các Trung đội trưởng. Bóng những người lính đen thẫm lẫn vào đêm không trăng huyền bí.
– Đại đội chú ý “nghiêm”. Giọng Đại đội trưởng Trần Thám, quê ở mạn Tuyên Quang nhỏ mà đanh.
“Rộp!”. Một tiếng động đều răm rắp. Vài giây im phắc trôi qua. Đại đội trưởng Trần Thám dõng dạc: Các đồng chí Trung đội trưởng kiểm tra quân số xem có đồng chí nào ngoài quân tư trang, chăn, màn, tăng, võng, vũ khí, một cơ số đạn, 4 quả lựu đạn Hung hoặc lựu đạn mỏ vịt, xẻng công binh, một ruột tượng (10 kg gạo), 2 kg lương khô 2 túi gạo sấy, túi thuốc bông băng cá nhân ra, đồng chí nào đem gì thêm thì bỏ lại hết!
– Thế bọn mình phải bỏ lại bánh chưng, bánh khảo với cả chè lam à? Có tiếng thì thào.
– Không bỏ lại thì cố mà ăn hết đi đồ lợn gạo ạ? Tiếng ai đó khẽ lầu bầu.
– Ờ… mình lợn gạo còn cậu thì giỏi lắm! Vài hôm nữa vào trong ấy đừng có mà rên rỉ kêu đói! Có tiếng vặc lại nho nhỏ, chiến sĩ nọ vừa nói vừa miễn cưỡng tháo lạt bánh chưng buộc ở quai ba lô đặt ra khỏi hàng quân. Chỉ một lát sau, từng chồng bánh trái xếp la liệt dưới bầu trời đầy sao nhấp nháy.
– Nghiêm… Đại đội chú ý: Một phút vận động tại chỗ! Đại đội trưởng Trần Thám hô.
– Huỵch… huỵch… lách cách… lách cách!
– Đồng chí nào để lộ tiếng động chỉnh đốn lại ngay! Đại đội trưởng Trần Thám nghiêm giọng.
Thì ra tiếng động phát ra từ cậu Hoàng Bái, báng súng cậu ta thắt dây hơi dài nên va vào chiếc bi đông nước phát ra tiếng lách cách.
– Nghỉ! Giọng Đại đội trưởng nhỏ mà đanh.
Thượng úy, Đại đội trưởng Trần Thám nổi tiếng nghiêm khắc dáng cao gầy, nước da sạm đen, khuôn mặt góc cạnh, đứng trước hàng quân dõng dạc đọc mệnh lệnh hành quân dưới ánh đèn pin của cậu công vụ soi. “Mệnh lệnh số… 22 giờ, ngày… tháng… năm… điều động đơn vị Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 2 Sư đoàn B04 hành quân vào B chiến đấu… Đại đội trưởng Đại đội 3 chỉ huy đơn vị thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh này. Đại tá Sư đoàn trưởng Lê Thi đã ký.
Lục Tường thầm tiếc rẻ cặp bánh chưng được Trung đội trưởng Hà Dũng khen ngon! Ấy là còn dăm phong bánh khảo gói giấy xanh đỏ mẹ cố giúi vào ba lô anh chưa kịp đụng đến. Có lẽ không chỉ riêng Lục Tường tiếc của, đồng đội anh cũng chung tâm trạng đó. Liệu có đơn vị nào đến tiếp quản ngay không? Mong sao sớm mai, dân xóm Đỗi vào đồi bạch đàn khu vực doanh trại quét gom lá về đun sẽ phát hiện ra đống bánh trái của các anh bỏ lại, chứ không thì lũ chó, chuột đến phá phách, xâu xé phí lắm. Mải nghĩ Tường vẫn hối hả bước và đâm sầm vào chiến sĩ đang dừng ở phía trước khiến anh ta loạng choạng. “Cậu đi kiểu gì thế? Không nghe lệnh vượt cầu khỉ đơn vị phải đi chậm lại à? Tai cậu nút kín lá rồi à?”. Anh lính quay lại rít lên. “Ừ. Thì mình không nghe rõ”. Tường nhỏ giọng. “Kiểu này ngủ gật rồi!”. Có tiếng cười khẽ. “Ừm… đừng nói nhiều a”. Tường nói qua kẽ răng. Qua chiếc cầu khỉ (bắc bằng hai thân cây bạch đàn ngang qua con mương rộng chừng hai mét), đơn vị tiếp tục lặng lẽ giữ đúng cự li người nọ cách người kia một thước, chó trong xóm gần đường nghe tiếng động đua nhau sủa rộ, thôi thì con sủa ông… ổng, con thì ách…ách đủ giọng. Đêm nay những người lính phải di chuyển với tốc độ 7km/ giờ để vượt trên hai chục cây số ra ga Hồng Tiến trước 4 giờ sáng kịp chuyến tàu quân sự.
Tháng tư này, Lục Tường tròn mười bảy tuổi, anh giống pa (mẹ bảo thế) cao khoảng 1,7m nhưng hơi gầy, được cái anh rất ít ốm đau lại khá nhanh nhẹn. Lục Tường bỏ dở lớp mười lên huyện đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Anh đã khai tăng lên một tuổi, Tường lo nhất lúc khám tuyển, anh sợ bị loại vì cái dáng gầy của anh; nhưng cũng rất may điều đó không xảy ra! Giờ ra chơi, Lục Tường nhảy cẫng lên khi nhận được giấy báo trúng tuyển đi nghĩa vụ quân sự trước sự ngơ ngác của các bạn lớp 10C.
– Lục Tường này, cậu gầy như cây sào chống mảng thế này, có cõng nổi ba lô không? Một cậu bạn trong lớp nhìn Tường hoài nghi.
– Ây da, kiểu này bê quay sớm! Đi bộ đội chiến đấu chứ không phải đi cắm trại một ngày rồi về đâu! Một cậu khác khiêu khích.
– Để xem! Bê quay hay bê tiến! Lục Tường lườm cậu bạn nọ, giờ này chấp gì bọn học trò này nữa… mình thành chú bộ đội đến nơi rồi! Tường nhìn lũ bạn học bằng con mắt đàn anh.
Ngoài việc huấn luyện lăn lê, bò, toài ngoài thao trường; hành quân đêm, hành quân dã ngoại có khi cả tuần cõng trên lưng cục đất đẽo hình chữ nhật như chiếc ba lô nặng 30 kg cùng với súng ống, đạn dược, quân tư trang, cuốc, xẻng… thì Đại đội 3 còn phải tập tháo gỡ, rà phá bom mìn; 6 tháng huấn luyện cũng tạm đủ rèn sức trẻ cho Lục Tường và đồng đội dày dạn hơn nhiều; không kể ngày nắng hay đêm mưa, cứ nghe tiếng kẻng báo động là các chiến sĩ lại khẩn trương ba lô hành quân di chuyển. Nhiều đêm vượt đồi leo dốc Lục Tường bước hụt ngã dúi dụi. Đêm trung du, gió cuối đông ào ạt thổi bạt ngọn cây, các chiến sĩ mồ hôi nhễ nhại, âm thầm bám nhau đi. “Ngày ấy là tập hành quân còn bây giờ mới là vào trận thật sự”. Anh ngước lên bầu trời, ngàn vạn vì sao xa xôi nhấp nháy như những con mắt, phía sau Lục Tường là hướng Bắc, nơi ấy là vùng quê thân thương, là nơi anh gắn bó cho đến ngày nhập ngũ. Mỗi bước đi thêm xa quê hương, xa mẹ và gần kẻ thù hơn! Lục Tường cởi chiếc khăn mặt buộc ở quai ba lô ra lau mồ hôi chảy thành dòng xuống gò má xương xương, trong lòng anh chộn rộn lạ. Có lẽ giờ này ở nhà mẹ và em Ương đang ngủ say… pa ơi, ở cõi ông bà pa phù hộ cho con và đồng đội, vào nơi lửa đạn gặp nhiều may mắn nhé! Nếu có chết con cũng chết xứng đáng với pa. Lục Tường bùi ngùi nhớ pa anh đã hi sinh bên đất bạn Lào, đến nay vẫn chưa đưa được hài cốt về. Chiến tranh kết thúc, nhất định anh sẽ sang nước bạn Lào, tìm và đưa pa trở về quê hương. Anh thương mẹ và thằng Ương năm nay mới 13 tuổi quá, nó bị teo cơ chân trái từ khi mới hai tuổi sau một trận sốt cao biến chứng viêm màng não, để lại dị tật như bây giờ. Thật tội nghiệp cho nó! Lục Tường chỉ mang máng nhớ hình ảnh người cha cao, gầy với nụ cười hiền lành, pa mặc bộ quân phục màu cỏ úa, khi ấy anh mới năm tuổi! Còn thằng Ương thì mãi mãi không biết mặt pa! Bởi lúc pa sang bên Lào, nó còn nằm trong bụng mẹ.
Chiếc ba lô trĩu vai, Lục Tường bắt đầu có cảm giác nhức mỏi hai bờ vai, trước đây hành quân dã ngoại các anh đã từng cõng cục gạch nặng ba chục kg mà vẫn đi phăm phăm! Nhưng đêm nay hình như hành trang của người lính nặng hơn rất nhiều! Hồi đêm Lục Tường bước hăm hở lắm, khí thế lắm sắp được xung trận mà! Bây giờ không biết đã quá nửa chặng đường chưa nhỉ? Anh căng mắt nhìn ra xung quanh nhưng chịu, đêm tối anh không thể định hướng được. Sỏi đá dưới chân lạo xạo, những cái bóng lặng lẽ, nhấp nhô di động thành một hàng dọc dưới màn đêm ảo mờ, bầu trời ngàn sao nhấp nháy, hệt những con mắt dõi theo hàng quân. Tiếng chó sủa vẫn rộ lên từng chặp, từng chặp. Khẩu súng AK khoác trước ngực, bao xe đạn, lựu đạn, thắt ngang lưng cùng với chiếc ba lô căng phồng thêm chiếc cuốc chim, xẻng công binh làm cho Lục Tường thấy như sắp nghẹt thở “hay là mình bỏ lại cái gì đó cho nhẹ bớt?”. Ý nghĩ nảy ra trong đầu anh. “Nhưng bỏ lại cái gì bây giờ? bao gạo? lựu đạn? hay cái xẻng? cái cuốc chim? mỗi lúc chiếc ba lô như đè nặng thêm, vai anh xệ xuống, Lục Tường thở hổn hển. Bước chân anh chậm dần. Lục Tường đã thấm mệt. “Này cậu đi nhanh lên cho kịp đội hình”. Cậu lính đi sau anh giục. “Mình đau vai quá”. “Dà, hàng ngày tập luyện thế nào thôi? Mới đi có nửa chặng đường đã kêu là sao”. Hoàng Bái quê Hòa An, người chắc đậm khỏe như cây nghiến đi ngay sau anh nói nhỏ. “Không hiểu sao mình thấy ba lô nặng thế… muốn bỏ lại thứ gì cho đỡ nặng quá”. “Cậu điên à? Tất cả những gì bọn mình đem theo đều phục vụ cho cá nhân mình… thôi nào đưa súng đây! Thế mà còn đòi đem theo bánh trái nữa cơ đấy!”. Hoàng Bái chì chiết. Lục Tường im lặng vừa bước, vừa tháo quai khẩu AK quay lại đưa cho Hoàng Bái.
Bốn giờ kém 45 phút. Tiểu đoàn 2 đã tập hợp đầy đủ cả 3 đại đội trước sân ga Hồng Tiến, để đảm bảo phòng không, chiếc đèn bão treo trước cửa ga phủ một lớp giấy phía trên chỉ để lộ một khoảng sáng rất hẹp ra xung quanh. Nhiều cậu lính trẻ nằm gối lên ba lô thở, Lục Tường cúi xuống vỗ vai Hoàng Bái đầu gối trên ba lô, hai chân duỗi dài: “Ba lô mình đây đi đái cái đã”. “Ừa…”, anh nhanh nhẹn luồn sang phía đối diện đơn vị đang tạm nghỉ, gì thế này? Lục Tường bị vấp phải vật cứng suýt ngã, may mà đi giày không thì bay móng chân rồi! Lục Tường cúi xuống sờ: một thanh sắt rộng không đến gang tay, anh đi tiếp vài bước lại thấy thanh sắt song song với thanh sắt kia, giữa hai thanh sắt là đá dăm và những mảnh gỗ lắp ngang đều tăm tắp, Lục Tường còn sờ thấy cả cỏ dại ướt sương đêm mọc lẫn đá dăm và sỏi, anh không hiểu đó là cái gì!!! lát sau Lục Tường mò mẫm quay lại đón khẩu AK từ tay Hoàng Bái, rồi nằm gối đầu lên ba lô kể lại cho cậu bạn nghe về những thanh sắt, thanh gỗ nọ “Ơi đin phạ, cậu đúng là người rừng… đó chính là đường tàu hỏa đấy ngốc ạ”. Hoàng Bái bịt miệng cười khùng khục. “Mình chưa bao giờ nhìn thấy nó mà”. Lục Tường ngượng ngập. “Ừ, cũng phải”. Hoàng Bái thông cảm. Quê Lục Tường xa tỉnh cả ngày đường chưa có điện lại rất ít khi được xem phim, anh nhắm nghiền mắt, mặc cho mồ hôi chảy buồn buồn xuống gò má. Chợt có tiếng hô: “Các đại đội tập hợp thành 3 hàng dọc chuẩn bị lên tàu, đến ga Thanh Hóa Đại đội 3 xuống tàu nhận nhiệm vụ. Đại đội 1 và Đại đội 2 tiếp tục di chuyển vào tuyến trong”. Tiểu đoàn trưởng Đỗ Yên cao tầm thước, da đồng hun dõng dạc truyền đạt mệnh lệnh. “Rõ”. Các Đại đội trưởng đồng thanh đáp. Các chiến sĩ bật dậy khoác ba lô, súng ống lục tục đứng vào vị trí đơn vị mình. Đúng bốn giờ sáng đoàn tàu quân sự xình xịch rời ga hướng về phương Nam. Bỗng chốc nhà ga im ắng trong tiếng gà xao xác. Chốc chốc, từng làn gió ào qua. Lục Tường ngó ra cửa kính toa tàu nhìn lên: bầu trời vẫn đầy sao nhấp nháy như những con mắt tinh nghịch dõi theo các chiến sĩ ra trận.
Dọc đường đi, rất nhiều lần đoàn tàu phải dừng lại vì máy bay Mỹ oanh tạc, các chiến sĩ nhanh chóng sơ tán dưới những bụi cây, đám ruộng khô cằn trơ gốc rạ và cả dưới con mương hẹp và nông choèn lõm bõm nước. U…u…ú…ùng…oàng! Ngay sau tiếng rú của máy bay phản lực F4 trùi trũi lao xuống là những tiếng nổ lộng óc, cột khói đen hình nấm cuồn cuộn bốc cao cách đoàn tàu không xa lắm, một chiến sĩ nằm dưới bụi cậy lúp xúp bên bờ ruộng hoảng sợ vùng lên chạy. “Nằm xuống”. Có tiếng hét giật giọng. Chiến sĩ đó vẫn lao đến cạnh đồng đội rồi mới nằm úp xuống! “Tổ sư cái thằng nhát như cáy kia… để lộ mục tiêu thì chết cả nút”. Đại đội trưởng Trần Thám nghiến răng. Cùng lúc đó, cao xạ pháo của các đơn vị phòng không đồng loạt nã pháo lên tốp con ma đang bay trên cao rồi mất hút ra ngoài biển. Để lại những cột khói, những ngọn lửa thiêu rụi những căn nhà lợp rơm bình dị trong xóm ven đường tàu.
Người vùng chạy kia không ai khác chính là Lục Tường! Lần đầu tiên anh thấy mặt đất rung chuyển cùng với tiếng nổ kinh hoàng. Chiếc máy bay địch to như cây nghiến mấy trăm tuổi đầu nhọn hoắt dường như lao xuống chỗ anh. Lục Tường hoảng thật sự, vì ở vùng Bảo Lạc quê anh, bọn giặc Mỹ vẫn chưa tìm đến! Đến bây giờ Lục Tường mới hiểu thế nào chiến tranh, nghe bom nổ anh ngỡ như nổ ngay trên đầu mình, cảm giác choáng váng, sợ hãi xâm thực ý thức của anh. Ngay cả lúc này đã yên vị trên tàu anh vẫn chưa hết run. Những người lính rơi vào giấc ngủ rất nhanh chóng, nhiều người chứng kiến cái cậu lính cao dong dỏng nọ, chạy thục mạng dưới tiếng gào rít của máy bay và bom nổ, tuy vậy không ai lấy chuyện đó ra làm trò cười, châm chọc, họ dễ cảm thông cho nhau hơn lúc nào hết, biết đâu nay mai vào trong ấy còn khốc liệt gấp trăm lần, biết mình có đứng vững???
Đêm mịt mùng, vài người lính thức giấc căng mắt ngó ra ngoài cửa sổ, tuyệt nhiên chỉ một màu đen kìn kịt, có chăng là tiếng bánh sắt nghiến ken két trên đường ray và tiếng xình xịch của đoàn tàu lao về phía trước trong đêm u tịch. Dù sao cảm giác an toàn của bóng đêm, cũng làm cho họ bớt căng thẳng hơn là tàu chạy ban ngày rất nhiều. Ví như hồi chiều ở vùng Ninh Bình…
Lục Tường chập chờn giấc ngủ, anh thoáng lo: Chưa vào đến mặt trận mà bị hi sinh dọc đường thì cũng thật đáng tiếc! Còn nếu đã vào trong ấy, tiêu diệt được một số tên địch rồi có hi sinh cũng không sao! Anh cũng đã nghe thủ trưởng Trần Thám phổ biến: “Nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh hành quân, phải xác định dọc đường hành quân cũng có thể có đồng chí sẽ hi sinh vì bom đạn, vì các đơn vị trước trên đường hành quân cũng đã có một số đồng chí bị hi sinh do trúng bom, tuyệt đối không được lùi mà chỉ được tiến! Các đồng chí rõ chưa?”. “Rõ”. Nhiều tiếng đáp đồng thanh. Lúc này, Lục Tường mới cảm nhận được những cam go, thử thách mà người lính sẽ phải đương đầu. Lục Tường tự xỉ vả mình, sao lại bất ngờ bỏ chạy trong khi máy bay địch đang gầm rú bổ nhào, mọi người có ai bỏ chạy như mình đâu? Mày là một thằng hèn Lục Tường ạ! Từ giờ trở đi mày phải dũng cảm lên, linh hồn pa mày sẽ mát mẻ, mẹ mày hẳn đã rất tự hào từ hôm mày khoác ba lô lên đường rồi. Nếu mày có bị trúng bom hi sinh thì sự hi sinh nào của người lính cũng vì Tổ quốc, không có gì phải suy nghĩ cả. Lục Tường bỗng phấn chấn lạ. Anh thiếp đi từ lúc nào không hay.
– Đại đội 3 xuống tàu tập hợp thành 3 hàng dọc! Giọng Đại đội trưởng Trần Thám nghe như cái loa.
Những người lính bừng tỉnh. Cả đêm qua tàu không phải dừng để tránh bom.
– Tạm biệt các quê nhá! Rồi chúng tớ cũng sẽ vào trong ấy thôi! Cánh lính nhao nhao.
– Ừ. Tạm biệt các quê. Hẹn gặp lại các quê trong ấy nhá!
– Đi mạnh khỏe nhá!
– Nhất định rồi… các quê ở lại nhá! Bộ đội vẫy tay qua chào nhau ô cửa sổ tàu. Những người lính đeo ba lô đứng bên sân ga bồi hồi vẫy tay tạm biệt đồng đội dưới ánh sáng nhờ nhờ của buổi bình minh. Con tàu từ từ chuyển bánh. Tiếng rít của bánh sắt nghiến vào thanh ray ken két chói tai…
Đại đội 3 tập kết ở Nho Quan, lúc ấy đã quá trưa, có tiếng máy bay địch ầm ì vọng tới, tiếng pháo phòng không đáp trả, đánh chặn bọn chúng hòng đánh ra vùng ngoài. Dưới chân núi, nhà cửa san sát, nhiều khóm tre, những vòm cây mít, nhãn, xoan dính bom gãy ngọn, nhiều căn nhà bị sập, đổ nát, hố bom to bằng cả gian nhà, nơi đây tịnh không thấy bóng người dân, hầu như người già, trẻ mỏ đều đã đi sơ tán.
Ba Trung đội được nhận 2 chiếc xe chuyên dụng phá bom từ trường, trên xe còn có máy phát điện 4 kw AB4 của Liên Xô (dùng để kích hoạt phá bom từ trường), 2 chiếc xe Mô Nô đầu dài ngoằng được ngụy trang cành cây tươi rậm rì đậu dưới những lùm cây đã đợi sẵn bộ đội từ bao giờ. Các chiến sĩ được lệnh tản ra nghỉ và ăn cơm nóng do các cô, các chị phụ nữ nấu từ dưới hầm trong xóm ra phục vụ. Lục Tường, Hoàng Bái cùng đồng đội ăn bữa cơm ngon nhất từ trước đến nay: Đậu phụ sốt cà chua, món canh rau cải nấu với cá rô đồng ngọt lịm. “Ôi dà, mình chưa được ăn món canh ngon thế này bao giờ!”, một anh lính thốt lên. “Mình cũng chưa được ăn”, nhiều người tán đồng vừa xì xụp húp từng ngụm canh vừa tấm tắc. Lục Tường trầm tư thưởng thức ngụm canh cải bâng quơ: “Ở quê mình cũng có nhiều cá rô sao không ai biết nấu món canh này nhỉ?”; “ở quê các cậu lấy đâu ra loại cá rô đồng đen trũi đầy thịt này”. Trung đội trưởng Hà Dũng nháy mắt: Loại rô to cỡ hai ngón tay, màu đen, vảy cứng nấu canh cải là ngon nhất, loài cá này chỉ có ở miền xuôi thôi nhá. Người ta đem cá về rửa sạch, đánh vảy, đem luộc chín, tách thịt ra khỏi xương, chiên với hành củ, nước mắm, muối, sau đó đổ nước đun sôi rồi mới thả món rau cải non vào. “Ô, phải qua nhiều công đoạn như thế sao Trung đội trưởng”. Hoàng Bái tròn mắt. “Phải, rất nhiều công đoạn, nhưng làm quen rồi cũng nhanh thôi… còn hương vị thế nào thì các cậu biết cả rồi”. Trung đội trưởng Hà Dũng cười khà khà. “Nhưng sao lại phải cho thêm hành củ nhỉ?”. Một người thắc mắc. “Để thơm chứ sao nữa ngốc”. Một người nói. “Đúng vậy để thơm là một chuyện, nhưng nó còn có tác dụng khử mùi tanh của cá nữa”. Trung đội trưởng giải thích: Sau này kết thúc chiến tranh mời các cậu về vùng đất Phú Thọ, tớ đãi các cậu ăn mệt nghỉ. “Thật nhá Trung đội trưởng”. “Tất nhiên là thật rồi… hà… hà”. Trung đội trưởng Hà Dũng cười lộ cả hàm răng ám khói thuốc lá.
Đại đội 3 được lệnh hành quân vào lúc sâm sẩm tối. Rất may, cả buổi chiểu nay máy bay địch chỉ bay tầm rất cao, nhìn những con ma, thần sấm bé tẹo như chiếc đũa, chúng vòng vài lượt nghiêng ngó tìm mục tiêu, song không dám sà xuống thấp sợ dính tên lửa và cao xạ pháo, nên các chiến sĩ được rảnh rang đôi chút.
Lục Tường ngồi cạnh Hoàng Bái trên thùng xe Mô Nô mui trần. Đoàn xe từ từ chuyển bánh, bộ đội được các bà, các mẹ gói sẵn cho mỗi người một nắm cơm với muối vừng nóng hôi hổi. Những lời chúc, lời từ biệt, có cả những giọt nước mắt của các mẹ dù trên môi họ vẫn nở nụ cười, các chiến sĩ không khỏi xúc động. Họ hứa sẽ quyết tâm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng! Xin các mẹ hãy yên tâm.
Chặng đường vào Quảng Bình đã choán hết mấy ngày đi đường, hầu như đơn vị hành quân vào ban đêm. Nhiều đoạn đường bộ, đường xe lửa bị bom phá hoại thành từng hố sâu hoắm giữa lòng đường, sau mỗi loạt bom khói, đất đá vụn mù mịt tung cao hàng chục thước, các đơn vị thanh niên xung phong rất nhanh chóng lao ra san lấp hố bom, nhiều đoạn bị bùn lầy, nhân dân đã tháo dỡ nhà để bắc qua cho xe và quân đi, “xe chưa qua nhà không tiếc”, là khẩu hiệu được người dân viết bằng vôi trắng trên tường nhà và trên những mảnh ván rải trên đường cho xe qua. Cánh lính Đại đội 3 đã dạn dày hơn rất nhiều sau chặng đường hành quân vất vả, phải hứng chịu những loạt bom nổ lộng óc của máy bay giặc Mỹ trút xuống, kể cả những loạt bom rất gần làm rung chuyển mặt đất. Lục Tường cũng vậy, anh không còn cảm giác run sợ như buổi đầu nữa. Có lúc núp bên một ụ mối cao vồng, anh còn đếm được những quả bom trùi trũi từ trên trời cắm thẳng xuống.
Ngầm Thác Co nối hai bờ sông Nhật Lệ đêm nay yên ắng quá. Lục Tường tựa lưng vào căn hầm gần bờ sông ngắm mảnh trăng cuối tháng cong như lưỡi liềm. Anh nhẩm tính: Hôm nay là ngày thứ mười bốn, đơn vị anh mới đặt chân đến mảnh đất Quảng Bình máu lửa và đóng quân tại nhà mạ Cần ở xóm Vạn xã Hiểu Ninh. Mạ Cần có hai con trai đều đã tòng quân vào Nam, anh Chân đã hi sinh tại đất lửa Quảng Trị, còn anh Quý hình như đang ở mặt trận Quảng Ngãi: đã lâu mệ không nhân được tin tức thằng Quý mong là nó vẫn bình yên! Mệ Cần tâm sự với các chiến sĩ trong tiểu đội của Lục Tường. Đêm đầu tiên Lục Tường được phân công trực, anh ngồi trầm tư trên nóc hầm quan sát. Thực tình anh cũng chưa mường tượng được việc phá bom sẽ như thế nào? Mấy tháng trước, bọn anh chỉ thao tác trên cơ sở lý thuyết, còn bây giờ vừa nghe đài quan sát báo các vị trí bom rơi trên cạn và cả dưới lòng sông, chắc chắn hiểm nguy luôn rình rập. Đòi hỏi chiến sĩ phá bom phải hết sức thận trọng, bình tĩnh để điều khiển máy phá bom từ trường chính xác, hiệu quả. Đại đội 3 trải dọc theo chân dãy Trường Sơn; Trung đội 1 trực thuộc BM6 Binh đoàn Trường Sơn ở bên này sông bảo vệ ngầm Thác Co và đường 15. Trung đội 2 và 3 qua bên kia sông vào sâu tuyến trong bảo vệ các trọng điểm của tuyến đường Trường Sơn, một huyết mạch giao thông quan trọng bậc nhất của quân ta, vì vậy bọn đế quốc Mỹ đánh phá tuyến đường này rất ác liệt, ngày cũng như đêm dày đặc các loạt bom phát quang, bom từ trường… ngoài ra pháo của Hạm đội 7 của chúng ở ngoài khơi cũng nã pháo vào hòng khống chế và hủy diệt con đường tiếp quân lương, đạn được, các đơn vị vào chi viện cho miền Nam ruột thịt và chuyển thương binh ra tuyến ngoài.
– Lục Tường này, cậu vẫn nhớ cách sử dụng máy phát điện kích hoạt bom này chứ? Hoàng Bái hỏi.
– Ừ… nhớ. Lục Tường giọng ngái ngủ.
– Tốt rồi. Không biết lần đầu tiên phá bom từ trường sẽ thế nào cậu nhỉ? Hoàng Bái tay sờ chiếc máy phát điện để phía trong căn hầm, thở một hơi thật sâu.
– Cứ theo sách mà làm thôi, với lại mình hỏi thêm anh Nhỡ lính cũ nữa… ớ…. ờ… Lục Tường ngáp.
– Cậu ngủ được à? Mình thì không thấy buồn ngủ tí nào lạ thế chứ? Hoàng Bái chép miệng.
– Ừa, ngủ lấy sức đi đang yên tĩnh mà. Lục Tường giọng nhỏ dần.
“Cái cậu này, mấy hôm trước hoảng thế mà bây giờ có vẻ rắn rỏi ghê!”. Hoàng Bái nhìn cậu bạn đã ngoẹo đầu ngáy khe khẽ từ lúc nào thầm thán phục, đoạn anh cố nhắm mắt đi vào giấc ngủ, thế nhưng tiếng muỗi vo ve trong căn hầm nóng và không lấy gì làm rộng rãi này càng làm anh thêm tỉnh táo hơn. Hoàng Bái không biết được cuộc trò chuyện giữa mệ Cần và Lục Tường: Trước khi các con vào đây thì đã có Trung đội 3 Binh trạm BM6, mệ thương mấy thằng nhỏ Thắng, Định, Huy lắm, chúng nó mãi mãi nằm lại dưới dòng sông Nhật Lệ này. Mệ Cần lau nước mắt, giọng nghẹn lại. Lục Tường bỗng thấy lo lo, không lo sao được, bởi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. “Nhưng con ạ, hãy kiên cường lên…”. Tiếng máy bay bổ nhào đột ngột, xen lẫn tiếng bom nổ rung chuyển cả căn hầm các chiến sĩ đang nấp. Lục Tường vụt đứng dậy lao lên miệng hầm. “Con à, phá bom cẩn thận nha”. Dáng mệ Cầm nhỏ nhắn hiện lên trong bóng đêm từ lúc nào. Mệ đứng chắn ngay miệng hầm. “Mệ cứ yên tâm ạ. Mệ xuống hầm đi. Lục Tường nắm bàn tay mệ định đưa xuống hầm. “Con cứ đi làm nhiệm vụ mệ không sao đâu”. Giọng mệ dứt khoát. Ngay sau Lục Tường, Hoàng Bái cũng chạy theo anh đi về phía có tiếng nổ. Mùi khói bom khét lẹt, đất cát vụn lún cả bàn chân, các anh nhấc chân chạy một cách nhọc nhằn. “Lục Tường đấy hả”. Trung đội phó Nhỡ (quê Nam Định) cất giọng ồm ồm. “Vâng, trung đội phó”, “Ai nữa vậy”. “Dạ em, Hoàng Bái”. “Ờ, thế này hai cậu nhớ, ngoài số bom đã nổ, tớ đếm được 24 quả chưa nổ, trong đó 4 quả trên bờ, 20 quả dưới nước, có quả rất gần ngầm Thác Co đấy! Các cậu biết cách thao tác máy móc rồi chứ?”. “Dạ được, Trung đội phó yên tâm”. Lục Tường trả lời. Anh nghe rõ tim mình đập thình thịch. “Hai mươi bốn quả chưa nổ, gì mà nhiều thế không biết?” theo thông báo từ trên, thì tổ của anh bắt buộc phải khẩn trương phá bom, để sớm thông ngầm Thác Co và mặt đường, cho xe và người vượt sông vào tuyến trong, càng sớm càng tốt. Hạ sĩ Trần Thế Tài, lặng lẽ mở cửa xe chuyên dùng phá bom lên cabin, Tài quê ở Nam Định, anh đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm lái xe phá bom từ trường. “Hoàng Bái, tổ mình đêm nay chỉ có mình và cậu, cậu hãy ở lại, chứ nhỡ có làm sao hai thằng đi cả thì lấy ai phá bom” Lục Tường đặt tay lên vai bạn mỉm cười. Nhớ đến sự hi sinh của pa, cùng câu chuyện mệ Cần, kể về các chiến sĩ đã hi sinh nơi đây anh thấy bình thản lạ. “Cậu ở lại để mình đi”. Hoàng Bái giãy nảy. “Nào các cậu khẩn trương lên”. Tài thò đầu ra ca bin xe gọi. Lục Tường vội nhảy tót lên xe ngồi sau cỗ máy phát điện. Lần đầu tiên đi phá bom, anh hồi hộp, biết đâu chưa kịp dùng đến máy thì bom đã nổ ngay trước mặt? Hoặc giả anh thao tác máy phát điện sai… anh giả dụ các tình huống, rồi tự trấn an, trong khi tim anh đang gõ trống trong lồng ngực: Nếu có chết thì cũng vì nhiệm vụ! Thực ra, trong thời gian học rà phá bom mìn, Lục Tường đạt điểm rất cao, cách dùng máy kích hoạt bom ra sao? Thời gian bao lâu thì bom nổ… nếu kích hoạt mà bom không nổ thì phải làm thế nào? Lục Tường nhớ rất rành rọt. Một cảm giác tự tin dấy lên trong anh. Tuy nhiên, nguyên tắc phá bom từ trường là không được mang bất cứ thứ gì liên quan đến sắt thép, vì bom có nam châm hút sắt thép sẽ nổ ngay. “Cậu chuẩn bị nhá đến khu vực có bom rồi”. Tài nhắc nhở. Lục Tường lấy một hơi thở dài và chuẩn bị mở máy phát điện, đưa dòng điện vào khung từ, chuyển sang nam châm điện hướng về quả bom, “loại bom từ trường này luôn phát ra sóng điện để khi người, xe đi qua trong phạm vi 120 mét trở xuống bom sẽ phát nổ luôn, còn nếu bom không nổ có thể do biến thiên hỏng. Khi máy phát điện hoạt động, sẽ gặp luồng điện nam châm của bom và kích nổ, bom từ trường có 3 loại kíp nổ G ri Gơ 1, 2, 3 nếu kích đến G ri Gơ 8 mà bom không nổ thì kích hoạt lại hoặc chuyển sang kíp hình trụ, kíp lá gan hoặc kíp điện để kích nổ”, trong thời gian huấn luyện đồng chí giảng viên Công binh đã hướng dẫn kỹ càng như vậy. Lúc này Lục Tường nhớ như in từng động tác của đồng chí giảng viên đó. Chiếc xe phá bom di chuyển với tốc độ 3 km/ giờ vừa di chuyển chậm vừa rà bom. “Chuẩn bị nhá đến vị trí rồi”. Chiến sĩ Tài dừng xe. Lục Tường mở máy đưa dòng điện vào khung từ “Oàng”, chỉ vài giây sau đó quả bom thứ nhất đã nổ rung chuyển cả mặt đất. Lục Tường vui sướng vì thực nghiệm đã thành công, cứ thế từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng các anh đã phát lệnh thông đường. “Các đồng chí ơi đi may mắn nhá”. “Các em cứ yên tâm phá bom cho chuẩn… để các chị đây cho xe qua an toàn”. “Ơ… hóa ra là các thím bộ đội lái xe à?”. Hoàng Bái thốt lên. “Ờ… các thím đây… các chú ở lại phá bom cho kỹ vào nhá”. Giọng các cô gái lái xe Trường Sơn cũng đanh đá ra phết. “Tất nhiên là bọn anh sẽ làm hết mình vì các em”. Giọng Trung đội trưởng Hà Dũng cũng oai phong không kém. Các chiến sĩ đứng hai bên ngầm làm cọc tiêu cho xe qua, tiếng ầm ì của đoàn xe lừng lững đi trong đêm tối, xe chỉ được phép chạy đèn rùa để tránh máy bay địch. Lục Tường nhìn bóng những chiến sĩ nữ trong ca bin xe bụng đầy thán phục.
Khi các anh trở về đến xóm Vạn thì đã gần sáng. Điều làm các anh cảm động nhất là dân cả xóm Vạn đều đứng ngóng các anh trở về! “Tường ơi, chúng mày về đủ cả phải không con? Mệ và bà con đã nấu nồi cháo cá đợi chúng mày về đó. Ăn đi cho khỏe các con”. Mệ Cần nắm tay ôm từng chiến sĩ nước mắt lưng tròng. Những người lính Công binh quên cả căng thẳng, mệt mỏi sau cả đêm rà phá bom. Các mệ các chị đưa từng bát cháo cá thơm lừng cho từng chiến sĩ. Ai cũng rưng rưng cảm thấy sự căng thẳng giảm đi rất nhiểu, vì đây là đêm thử thách tinh thần đầu tiên của các chiến sĩ Trung đội 3.
– Ùng… oàng… oàng! Hú… hú… oàng! Những tiếng bom đột ngột phá tan sự tĩnh lặng làng quê ven sông Nhật Lệ.
– Chúng lại tọa độ rồi các đồng chí ơi! Trung đội trưởng Hà Dũng thét lên.
Trung đội chia thành 6 tổ phá bom, hôm nay Hoàng Bái được làm tổ trưởng, dưới tia chớp của bom đạn, của đơn vị pháo phòng không lóe lên sáng rực. Hoàng Bái nắm chặt tay cả mấy anh em trong tổ “Sao mà quê trịnh trọng thế?”. Chiến sĩ Tài lái xe rà phá bom ngạc nhiên. “Ừm, vào trận mà”. “Các cậu nhớ kỹ nhá, có 7 quả bom chưa nổ 3 quả trên bờ và 4 quả dưới nước, có quả rất gần ngầm Thác Co đấy”. Trung đội trưởng Hà Dũng làm nhiệm vụ đếm bom rơi thông báo. “Rõ”. Các chiến sĩ đồng thanh. “Đi thôi”, Hoàng Bái leo lên xe. Chiếc xe chở chiếc máy phát điện từ từ lăn bánh. Hồi lâu sau, “Oàng… Oàng… Oàng…”. Những tiếng nổ lộng óc, hơi bom tạo thành làn gió tạt qua như cơn lốc xô những người lính hướng về phía có bom nổ lo lắng. “Thế là bom đã nổ hết”. Trung đội trưởng Hà Dũng thở phào. Những bước chân rậm rịch trở về. “Các đồng chí ơi Hoàng Bái dính rồi!”. Lục Tường nhào đến bên chiếc xe phá bom. Ngực Hoàng Bái đẫm máu, Lục Tường nhìn người đồng hương qua ánh trăng lờ mờ. Hai mắt Hoàng Bái nhắm nghiền. “Đưa cậu ấy về tuyến sau ngay”. Trung đội trưởng Hà Dũng vội nói. “Có lẽ không kịp rồi Trung đội trưởng ạ”. Lục Tường tắc nghẹn giọng. Không ai bảo ai, mọi người đều cúi đầu lặng lẽ chia tay anh lính quê Hòa An dáng vạm vỡ khỏe mạnh như con gấu. Hoàng Bái nằm đó, nét mặt anh thanh thản lạ kỳ, bởi anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính Công binh rà phá bom mìn!
Trước khi Hoàng Bái hướng nam châm điện, trong máy phát về phía quả bom gần ngầm Thác Co, anh bảo chiến sĩ Tài lái xe, cậu lui lại phía sau đi, để tôi phá quả bom này. Được rồi cậu nhớ cẩn thận. Chiến sĩ Tài đánh tay lái chầm chậm lùi xe. “Oàng… Oàng”. Hai tiếng nổ liên tiếp gần hơn cự ly Hoàng Bái xác định. Cột nước tung lên cao hàng chục mét, đá sỏi, cát bay tứ tung. Tài vội chạy lại, Hoàng Bái quằn quại trong vũng máu. Chiếc máy phát điện bị đẩy ra xa…
Ngày 27 tháng 01 năm 1973 Hiệp định Pari được ký kết. Đế quốc Mỹ ngừng ném bom bắn phá miền Bắc.
Xế chiều, bờ sông Nhật Lệ dần thẫm lại. Dòng sông rộng mênh mang trở lại thơ mộng yên bình. Từ Vĩ tuyến 17 trở ra từ nay đã không còn bị bom đạn máy bay giặc Mỹ bắn phá. Người dân xóm Vạn không còn phải sống dưới hầm, họ sẽ lại ra khơi đánh cá dựng lại nhà cửa, khói lam lại lan tỏa trên những nóc nhà bình dị như xưa.
Trung đội 1 thuộc Đại đội 3 đêm nay sẽ hành quân vượt Trường Sơn vào tiếp vùng sâu chiến đấu. Dân xóm Vạn tề tựu đông đủ, duy chỉ thiếu mệ Cần bị ốm không ra tiễn các chiến sĩ được. Hai chiếc xe Mô nô đầu dài ngoẵng đang nổ máy bên ngầm Thác Co. Lục Tường lặng đi ngắm bờ sông đã cạn nắng, nhanh thật vậy mà các anh đã trụ ở đây gần một năm, bao nhiêu kỉ niệm vui, buồn, đau thương, mất mát. Hoàng Bái, Trung đội trưởng Hà Dũng, cậu Thà Vĩnh Phúc đã mãi mãi nằm lại. Đau thương nhất là Trung đội trưởng Hà Dũng, anh đứng trên vồng đất cao, bình thản đếm những loạt bom rơi! Khi tiếng bom dứt, mọi người không thấy Hà Dũng đâu vội chạy đến vồng đất! Thân thể anh đã rách thành từng mảnh! Vì một quả bom quái ác đã rơi cách chỗ anh đứng rất gần! Lục Tường nhìn dân xóm Vạn thầm hứa: Sau chiến tranh, nhất định con sẽ trở lại đây thăm mệ Cần và dân xóm Vạn, đã che chở và động viên chúng con, như những người thân yêu trong gia đình, trước mỗi giờ vào trận phá bom.
Đ.N.M