Nhà tôi bố từng mười năm làm lý trưởng, nên gia phong có khác. Đàn bà con gái, nhất là bà chị dâu thứ hai, khổ vì luật riêng của mẹ chồng. Anh tôi về phép cưới vợ dăm hôm thì về đơn vị. Anh sáng đi thì tối mẹ bảo con dâu ôm chăn chiếu sang ngủ với mẹ. Ngủ cùng cũng chưa yên, mẹ ép chị ngồi bệt lên cái đệm rơm để bà đun một nồi lá xông mùi hăng hắc, bốc khói lùa vào cơ thể chị bỏng rẫy, mặc mồ hôi đầm đìa như dội nước. Ba đêm xông hơi, mẹ bảo, con đã tịnh thân.
Nhà tôi có khiên sách cụ để lại cho ông, ông để lại cho con, tính chắt là đời thứ bảy. Sách xếp gần chạm xà nhà, phần nhiều chữ nho, vài cuốn gáy đen, gián nhấm, mép giấy quăn queo do tay người nhiều lần nhấm nước bọt lần giở. Như cụ, như ông, bố đọc sách nhiều nhưng không lập ngôn, không thi thố, chỉ là một người đọc tu thân, sống khép kín, nhu thuận giữa làng.
Với nhà, cả năm, bố chỉ trang trọng dùng đến bút một lần, viết một chữ khai bút vào sáng mùng một Tết.
Từ chiều ba mươi, mẹ và mấy đứa chúng tôi sửa soạn, kéo án thư để dưới gầm ban thờ ra, lau chùi như li như lai. Sáng mồng một, con gái dẻo tay mài mực, phải mài mươi phút cho mồ hôi rịn ra ở cổ tay, mực thấm mồ hôi vừa sánh, vừa nhuyễn, nổi màu đen óng ánh mới được. Con trai là tôi đặt đĩa xôi trắng, con gà, rót ba chén rượu, ba chén nước và đĩa hoa. Mẹ bảo, hoa tặng, hoa mừng thì bó, hoặc cắm bình, còn hoa cúng phải đặt đĩa. Bố đội khăn xếp, áo the cầu khấn gia tiên, rồi mới quay lại cầm cây bút, cử chỉ vững chãi, như vận công, nhưng tay lại thả nhẹ, viết một chữ theo lối khải thư, nét gọn gàng, phân minh lên trang giấy gió màu vàng chanh. Có năm ông viết chữ Phúc, năm viết chữ Giản, năm viết chữ Tâm, năm viết chữ Lộc, chờ mực khô thì treo lên bên trái ban thờ. Chữ khai bút treo một năm, đến hai ba tháng Chạp dọn ban thờ cúng ông Táo lên trời, thì đem chữ năm cũ hoá cùng chân nhang và đồ tế của năm dồn lại.
Năm nay bố viết chữ An, là chữ trên có mái nhà vững chãi, dưới có bộ nữ mềm mại, quán xuyến. Năm nào mẹ cũng vui vì thấy chữ bố cho ứng nghiệm trong nhà.
Nhưng năm nay thì khác.
Mẹ nhìn chữ kín đáo buông nhẹ một tiếng thở dài.
Tôi định treo lên tường, mẹ bảo, để mẹ hỏi lại bố, cảnh nhà ta năm nay mà sao ông cho chữ An? Việc làng cũng vậy, mẹ nói, mới chỉ xới lên, đã biết ngô khoai thế nào mà An?
Thì có thế.
Ông Bí thư Kim Ngọc về làng, đứng trước bà con ngồi họp ở sân kho, đặt hai bó lúa lên mặt bàn. Ông cầm hai tay hai bó lúa, như là vật chứng việc nào đó, nói, hai bó lúa, một bên dé dài, hạt mẩy, một bên dé ngắn, hạt nhỏ và lép, là cùng một thửa ruộng. Bó lúa hạt mẩy dé dài là ngắt ven bờ, còn bó lúa xấu ngắt giữa ruộng. Vì sao một ruộng mà lúa chỗ tốt, chỗ xấu? Không phải do đất mà do người. Lúa ven bờ tốt, do người gánh phân đứng trên bờ quãi xuống. Còn lúa giữa ruộng xấu vì người gánh phân đứng trên bờ ném phân ra, được chăng hay chớ. Làm sao khắc phục điểm này? Ông Ngọc hỏi.
Cán bộ không nói. Nhưng có chị Ngân, chị tôi đứng lên nói rằng, ông Bí thư bây giờ mới biết lúa xấu, lúa tốt, còn người làng chúng tôi biết từ lâu.
Ông Kim Ngọc hỏi, hợp tác xã là nhà, xã viên làm chủ, sao làm chủ mà biết sai lại không sửa?
Chị Ngân bảo, là hợp tác xã dong công chấm điểm. Người chăm làm, gánh phân ra giữa ruộng quãi, cũng một công hai lạng thóc. Người biếng, ngay lưng đứng trên bờ quãi, cũng thế, một công hai lạng. Vậy thì tội gì phải gánh phân ra giữa ruộng. Cho nên lúa mới chỗ tốt, chỗ xấu là do người làm biếng.
Ông Kim Ngọc bảo, từ ngày mai, hết người làm biếng.
Rồi phổ biến làng thí điểm cơ chế quản lý mới, ấy là khoán sản, hay gọi là ba khoán sản, khoán ruộng đất, khoán công việc, khoán năng suất. Hộ gia đình là đơn vị kinh tế, không phải là hợp tác xã nữa. Để khoán sản, ruộng và công cụ lao động do dân góp cho hợp tác xã, nay trả lại cho dân, để dân chủ động làm ăn trên mảnh ruộng nhà mình, không làm ăn kiểu dong công chấm điểm.
Ông Kim Ngọc vừa nói thay đổi cơ chế quản lý mới, trả ruộng cho dân, dân còn ngơ ngác, thì ông Chí, Bí thư Đảng bộ xã đứng vụt dậy, nói, tôi xin hỏi đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, chủ trương khoán sản phá bỏ hợp tác xã đồng chí vừa phổ biến đã thông qua Trung ương chưa?
Bí thư Tỉnh uỷ nói, việc khoán hộ chúng ta còn đang làm thí điểm trong tỉnh để rút kinh nghiệm, thấy tốt, tháo dỡ được khó khăn của hợp tác xã, nâng cao đời sống của nhân dân thì báo cáo Trung ương để Trung ương nghiên cứu, cho nhân đại trà. Tôi muốn thí điểm cơ chế quản lý mới ở làng Bầu vì từ thời kháng chiến, tôi làm cán bộ quân đội, từng lăn lộn với anh em đảng viên ở đây, từng sống chết có nhau. Nay tôi nhờ các đảng viên làm nòng cốt triển khai khoán hộ để rút kinh nghiệm. Tôi cũng xin nói, việc này do tôi đề xuất, nếu đúng bà con được hưởng, nếu sai tôi chịu trách nhiệm.
Bí thư Tỉnh uỷ nói rút ruột, ông Chí không tranh luận thêm mà xin thôi làm Bí thư Chi bộ.
Ông Kim Ngọc nắn tay ông Chí, thân mật hỏi, vì sao đồng chí lại đột ngột xin thôi làm Bí thư Chi bộ khi tôi vừa phổ biến khoán sản?
Ông Chí nói, do trình độ ông kém, không có khả năng giải thích cho đảng viên, cho dân rằng vì sao trong một đảng lại chia đôi, chỗ này nghe Đảng bộ tỉnh, làm trái ý Trung ương Đảng? Còn chỗ kia thì ngược lại. Từ khi vào Đảng, nắm tay thề trung thành với Đảng, nay ông không làm sai ý Đảng. Ông xin từ chức là vậy.
Nghe ông Chí nói, xin từ chức, cả làng vỗ tay. Rồi ông Chí đề xuất chị Ngân, chị tôi làm Bí thư, làng cũng lại vỗ tay. Vỗ tay của người làng như là câu vâng. Vâng là chấp nhận, là nghe lời. Nhưng khi tiếng vâng mà kéo dài thành vâ..â ng, là phản ứng, bất tuân. Vỗ tay tuỳ dài ngắn, người làng nghe là biết thái độ của người vỗ. Lần này vỗ ngắn chỉ rộ một loạt là chấp thuận cùng nhau nhảy một bước dài, chuyển từ tập trung quan liêu bao cấp đói kém sang khoán sản, người người chăm lo mảnh ruộng nhà mình.
Rồi mùa ấy, một sào khi còn làm ăn hợp tác, cũng chỉ cho thu hoạch non tạ thóc. Nay sào đất năng suất gấp đôi, có nhà gấp ba. Ấy là chưa kể, ruộng trong tay dân thì đất không nghỉ, người không nghỉ, đất với người cũng một nhịp thở hì hục, để từ làm một vụ, nay hai vụ lúa, còn trồng gối hoa màu ngắn ngày, thành ba vụ. Đường làng rậm rịch người đi, không còn người héo mặt buồn thiu vì đói, mà nói cười hơ hớ.
Vậy năm qua với làng An là hợp.
Nhưng nhà tôi do chị Ngân đảo lộn nếp vốn có, nên chẳng treo chữ An?
*
Chị dâu tôi là người đàn bà đẹp, ăn nói nhẹ nhõm, không để mất lòng ai bao giờ. Năm kia anh trai tôi học kỹ thuật quân sự ở Liên Xô, được nghỉ phép mươi ngày, vừa đủ thời gian để cưới chị trước khi trở lại trường học tiếp. Chị là đảng viên trẻ, vợ bộ đội tháo vát, ngoan hiền, lại đã học hết cấp hai, chẳng mấy cả hai đoàn thể cả phụ nữ và thanh niên bầu làm Chủ tịch Hội phụ nữ và Bí thư xã đoàn, kiêm luôn chân Thư ký Uỷ ban. Hàng ngày, phận làm dâu chị vẫn không để trễ nải, về nhà là luôn chân luôn tay để sáng mai yên tâm đi họp xã, họp huyện.
Những năm đó, vì hai anh trai tôi còn ở tại ngũ, đều là sĩ quan cả nên bố mẹ không cho các con dâu ở riêng. Ông dựng ba căn nhà gỗ nhỏ, lợp lá cọ, cho hai chị dâu ở, còn ông bà và tôi, con út thì ở căn nhà từ thời các cụ để lại. Ngủ riêng nhưng cả nhà vẫn ăn chung một nồi, bữa nào cũng dọn hai mâm, ngồi sát vai nhau. Tổng quản việc gia đình hơn chục miệng ăn do chị dâu cả. Chị tính đếm chi ly sao cho đủ ăn, đủ mặc cho cả một tập thể nhiều lứa tuổi, tính nết khác nhau. Do chị chu đáo và luôn nhận phần thiệt về mình nên gia đình êm ấm.
Chị dâu thứ hai mà tôi đang kể, chị Ngân, hay đi công tác, vất vả chạy ngược chạy xuôi nên chị cả bàn với bố mẹ tôi là mua cho em dâu cái xe đạp. Mẹ bảo, mẹ có đôi mấm vàng do mẹ bà cho từ thời đi lấy chồng vẫn giấu ở hốc cột, con bán lấy tiền mà mua xe cho em đi lại đỡ vất vả. Bán vàng còn hơn bán thóc để nhà không bị thiếu ăn dịp tháng ba, tháng tám. Chị dâu cả cầm đôi mấm vàng của mẹ chồng lại giấu vào hốc cột, rồi đem bán đôi hoa tai của chị để mua xe cho em chồng.
Chiếc xe đạp Thống Nhất mới tinh mua ở mậu dịch do chị dâu cả chưa biết đi xe đạp, phải dắt về nhà như một sự kiện. Đấy là phương tiện đắt tiền duy nhất lần đầu có ở nhà tôi. Chiếc xe dựng ở sân, không chỉ bọn trẻ chúng tôi xúm vào xem, sờ vào khung, vào ghi đông, bóp thử phanh, quay hai bánh nghe tiếng líp xe nảy tanh tách mà người già như bố tôi, mẹ tôi cũng ngồi ngắm nghía cái xe nở nang mặt mũi.
Chị dâu cả tôi tuyên bố, chiếc xe này là để cô Ngân dùng để đi công tác, bọn trẻ không đứa nào được đụng đến.
Ngồi trên chiếc xe đạp mới, mặc quần phin đen, áo xanh cổ bẻ, đeo đôi guốc nhựa đen, lại đội mũ vải thay nón, chị dâu tôi chả kém mấy cô trên phố huyện, cũng mặt trái xoan, cũng cổ cao ba ngấn, cũng mắt bồ câu sáng màu hơi nâu, cũng da trắng, thân hình tròn… Có xe đạp chị tôi đi công tác nhiều hơn, rồi để hợp lý xã đề bạt chị tôi làm Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã. Quyết định này được huyện chấp nhận và bổ nhiệm. Chị tôi như con chim được chắp thêm cánh. Trước kia thì thường vài ba ngày chị mới đi họp xa một lần. Bây giờ giữ thêm chân Phó Chủ tịch xã, ngày nào chị tôi không làm việc ở Ủy ban xã thì cũng đi họp đâu đó. Thấy chị đi sớm về khuya, mẹ tôi bảo chị dâu cả, con Ngân họp hành vất vả, về nhà thì để cho em nghỉ lấy lại sức, không phải lúi húi làm việc nhà nữa. Không nói ra nhưng trong thâm tâm bố mẹ và chị dâu cả tôi thì chị Ngân làm cán bộ là niềm vui, niềm tự hào của gia đình, được tiếng thơm với làng xóm. Cho nên chị đi họp về nhà được kiêng dè, ưu ái lắm. Bấy giờ nhà không thiếu đói, nhưng nhiều miệng ăn, chủ lực cày cấy lại toàn phụ nữ nên tháng ba, tháng tám giáp hạt, nhà phải ăn cơm độn, khi sắn, khi khoai. Thường bát cơm có hai phần cơm, một phần khoai hoặc sắn. Mẹ tôi tuy già, nhưng thường tranh với con dâu ngồi đầu nồi. Bà cho rằng bà ngồi đầu nồi, đơm cơm cho từng người, ai nhiều cơm, ít khoai sắn thì bà lựa từng bát cho hợp miệng con cháu. Trong những người bà thường đơm nhiều cơm, gảy bớt khoai sắn cho mấy đứa trẻ và chị Ngân. Chị biết bà nhường cơm, nói, con thích ăn độn khoai sắn vì bùi, dễ nuốt, mẹ xúc nhiều khoai sắn cho con. Tuy nhiên bà vẫn lẳng lặng xúc nhiều cơm cho con dâu.
Thấm thoát đã qua ba năm.
Sau Tết nhà tôi đang vui bỗng có sự cố, không ai ngờ đến.
Ấy là một đêm gần sáng, mẹ tôi đang ngủ, bỗng chị Ngân đến bên giường, đánh thức mẹ, rồi quỳ xuống, vừa nói vừa khóc, rằng con có tội, không làm con dâu của mẹ được nữa, con lạy mẹ, lạy bố, lạy cả nhà cho con về nhà mẹ đẻ
Mẹ tôi ngớ người, vì con dâu đã hun khói tịnh thân mà sao bỗng dưng đàn đúm trai gái? Chị dâu tôi không nói, chỉ khóc, bảo con có tội bất chính với chồng, con phải chịu tội không dám ở lại làm xấu thanh danh nhà ta. Nói rồi chị lui, đeo cái tay nải đựng quần áo chạy nhanh ra cổng vì không muốn ai nhìn thấy chị ra khỏi nhà.
Sáng ra tôi mới biết chị đã đi. Tôi chạy một mạch đến nhà mẹ của chị ở cuối làng, để kéo chị về. Tôi cũng như cả nhà yêu chị, quý chị. Nhưng đến nhà mẹ chị, mới biết, chị cũng không về nhà. Chị đi đâu mọi người không biết. Ở xã mọi người cũng không biết, chị vắng mặt không báo cáo với chính quyền xã.
Cho đến nửa tháng sau, tầm nửa buổi sáng, chỉ tôi ở nhà, thì chị bỗng gọi tôi mở cổng cho chị vào. Tôi tò mò nhìn chị. Chị không còn thon thả như xưa, mà hai vạt áo hớt cao, da mái, mắt u buồn ngấn nước. Tôi bảo chị, chị về nhà đi. Cả nhà mong chị. Chiếc xe đạp của chị em lau sạch, dắt vào cất trong nhà cẩn thận.
Chị bảo tôi, chị cũng muốn về nhà với em lắm, nhưng không về được. Bây giờ một mình chị ở căn nhà nhỏ bên đầu núi. Chị không đi công tác nữa, nên không dùng đến xe đạp. Em lấy chiếc xe ấy mà đi học.
Từ đó, hôm nào trong lúc bố mẹ và chị dâu cả của tôi đang làm ngoài đồng thì chị Ngân vội ghé qua nhà, có khi vác một bó củi, khi bưng một rổ rau. Chị đến quét tước nhà bếp, rồi nấu cơm nấu canh, xong thì để đấy, lẳng lặng về nhà. Nhiều hôm nhà tôi có cô Tấm chăm lo bếp núc, nhưng không nán lại ăn uống, mà làm xong, thu vén mâm bát gọn gàng rồi về. Mẹ tôi, chị dâu cả đương nhiên biết ai là cô Tấm của nhà rồi, nên khuyên chị Ngân, em không ở với gia đình, thì chăm lo cho mình, đừng phải vất vả như thế. Chị Ngân nói với chị dâu cả của tôi rằng chị vẫn chưa làm tròn việc làm dâu, nên muốn làm để mong được hưởng ân phúc sau này.
*
Chuỵện nhà bỗng dưng nhỡ nhàng như thế, sao Tết này bố vẫn cho chữ An để mẹ không cho tôi treo lên tường? Tôi không đám hỏi, nhưng mẹ hỏi, ông không lo nghĩ à, mà vẫn cho chữ An?
Ông vẫn điềm nhiên uống hết chén trà, hút một điếu thuốc lào, rồi bảo chuyện thế mới là An.
Mẹ đay lại, tôi không biết chữ Thánh Hiền thâm thuý, nhưng từ chuyện nhà mà suy, thì còn An cái nỗi gì?
Bố ngửa cổ nhìn lên ban thờ, vầng trán nhíu lại rồi mới nói, như chỉ nói cho mình nghe, An là mọi việc do trời định cho hợp lẽ, hợp với phận người. Con dâu không còn lòng với con bà, thì đến với người khác hợp với phận nó. Xã hội cũng vậy thôi, cứ đảo lên, đảo xuống, va nhau, úp vào nhau, rồi đâu lại vào đấy, như đi tàu chật, lúc đầu thì co chân, chen vai, rồi tàu cứ chạy, sẽ đến lúc được duỗi chân, duỗi tay. Vì chữ An mà đóng chặt cửa, nhốt mọi bất bằng lại, cố gán ghép vào khuôn, thì vỡ ra, sao mà An được.
Rồi anh trai tôi được về nghỉ phép. Anh đẹp lắm, quần áo đẹp, hai cái va ly đẹp, đẹp hơn nữa là chiếc ra đi ô to như cái hòm, có bốn chân. Chiếc radio một người vác nặng này mà bắt sóng Đài Tiếng nói Việt Nam thì cả xóm có thể nghe thấy tiếng rào rào như mưa, mà tiếng người lại không tròn vành, rõ nét.
Anh tôi về một ngày thì buổi tối chị Ngân về, mặc quần phin mới, cái áo hoa cổ lá sen, đeo guốc nhựa đen như đi công tác. Chị bất ngờ quỳ trước anh tôi như phật tử quỳ trước tượng Adidà, lạy đủ năm lạy rồi nói, tôi có tội không chung tình với anh, nên tôi xin mẹ ra khỏi nhà ở riêng. Tôi cũng đã viết cái đơn xin ly dị anh vì lỗi ở tôi xin anh ký vào, để chúng ta không còn ràng buộc vợ chồng. Tôi tiếc người chồng là anh lắm. Người phá hoại đời tôi, không bằng cái gót chân của anh, nhưng tôi mê muội, tôi lú lẫn, tôi ngu ngốc mà bội tình. Nói xong, chị khóc như mưa trong nhà.
Anh tôi bảo, do anh đi xa lâu ngày, em lại còn trẻ, bồng bột dễ mắc sai lầm. Thôi thời chiến tranh, nên chín bỏ làm mười, ta về với nhau cho bố mẹ vui, gia đình vui. Vì sau đây tôi lại đi xa, cần có người giúp bố mẹ.
Chị tôi bảo, anh độ lượng như Phật, anh tha thứ cho tội lỗi của vợ, nhưng tôi nghĩ tình nghĩa hai ta như bát nước đầy, tôi lỡ hắt bỏ rồi, không thể lấy lại được. Không chỉ xin anh bỏ tôi mà tôi đã tự bỏ hết, sống một mình với em bé. Tôi chỉ xin anh, xin gia đình cho làm nốt cái phận làm dâu mà tôi chưa được làm trọn vẹn với nhà ta.
Tôi thấy trong nước mắt của chị có mùi sữa non.
Thế là chỉ hai chục ngày ở nhà, anh chị tôi ly hôn. Ly hôn hôm trước thì hôm sau chị tôi nhắn với mẹ tôi, tối chị dẫn người quen của chị sang gặp bố mẹ để nói với bố mẹ vài lời. Không biết từ đâu, chị dâu cả đã biết câu chuyện buổi tối sẽ diễn ra. Chị chép miệng bảo, bây giờ về hưu rồi mới lộ ra cái tổ con chuồn chuồn, chứ còn công tác thì bố bảo, vì sợ mất chức mà lị. Đương nhiên là tôi chả hiểu chuyện con chuồn chuồn là thế nào.
Buổi tối cơm nước xong, cả nhà còn đang ngồi uống nước ở chõng tre kê ở hiên trước thì chị Ngân vào, có một người đàn ông nhỏ ru rú đi sau. Vào đến nhà chị Ngân lên tiếng trước. Chị thưa mẹ, thưa bố, thưa các chị, lâu nay chị chỉ nói với cả nhà là chị có tội, nhưng tội với ai thì chưa nói rõ, vì người ấy còn đang là Bí thư Đảng ủy xã, nói ra thì bị kiểm điểm, bị mất chức, nên con thương tình, một chuyến đò nên nghĩa, con cắn răng chưa nói. Nay ông ấy về vườn rồi, nói ra cũng chẳng làm sao, nên con thưa với cả nhà, người làm cho con khổ, con mất hết là ông này, dù ông đã có vợ, có con đàn. Con dẫn ông ấy đến đây để ông xin lỗi cả nhà.
Chị dâu cả nhà tôi là người hiền lành, giống tính mẹ chồng như đúc, chả to tiếng với hàng xóm bao giờ. Ấy vậy mà bỗng chị tôi chanh chua đáo để. Chị nói em tôi có tội với chồng, với nhà này đã cắn răng chịu hết, bỏ hết để nhận tội sửa mình. Tôi quý cái tính đó của em, nên không nỡ trách làm đau lòng thêm. Nhưng với ông Thái (tên người đàn ông chị dâu tôi dẫn đến nhà) biết có tội mà vẫn mũ ni che tai, mặt dạn mày dày để giữ lấy cái chức, đến bây giờ mới lộ mặt thì hèn quá. Thôi em tôi dại, em tôi thiệt thân, chẳng nhắc lại chuyện cũ nữa. Mọi người về để bố mẹ tôi đi nghỉ.
Thế là chị dâu tôi dẫn người đàn ông ra cổng. Ra đến cổng, mỗi người rẽ một hướng, ai về nhà ấy, không đi cùng nhau.
Sau Tết, tôi treo chữ An lên cạnh ban thờ. Bố biết, để bố viết chữ khác, chữ Gỉản treo lên cho hợp. Mẹ nghe bố nói bảo cứ treo chữ An cũng được, sau mọi chuyện tôi lại thấy An. Để mẹ sửa cái lễ cho ông thắp hương, rồi treo chữ. Ý mẹ, sau Tết mới treo chữ An vào dịp sang mùa vào vụ giêng hai.
H.Đ.C