Thứ nhất: Nét họa trên đĩa trà được thể hiện bằng lối công bút, đặc tả rất chi tiết, tỉ mỉ từng cảnh vật nhỏ, hầu như toàn thể chiếc đĩa không bỏ sót bất kỳ một mảng trống nào. Người họa sĩ đã vận dụng tối đa lối vẽ viễn cảnh, lối điểm bút phá mặc đặc tả được đời sống thanh bình, an nhàn; đặc biệt lột tả được tính tiêu dao, an dật, tiêu sái, thoát tục. Thể hiện đầy đủ tinh thần nhàn tản của đạo Lão Trang trong phong cảnh sơn thủy kỳ tú của đất trời.
Thực chất bức tranh vẽ sơn thủy kỳ tú như vậy nhưng mục đích chính là muốn đặc tả hình ảnh con người trong cõi tiêu dao này, nhân vật được đặc tả ở đây là danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn, nhạc phụ của Khổng Minh – Gia Cát Lượng, người đã thử thách Gia Cát Lượng nhiều lần trước khi gả con gái Hoàng Nguyệt Anh, người phụ nữ sau này đã giúp Gia Cát Lượng rất nhiều trong việc toàn tâm phù trợ Lưu Bị tạo thế chân kiềng trong thời Tam Quốc.
Hình ảnh này được tả trong “Tam Quốc diễn nghĩa” hồi thứ 37 như sau: “Lưu Bị nhìn ra thấy bên phía tây, chiếc cầu nhỏ, có một người đội mũ ấm trùm đầu, mặc áo hồ cừu cưỡi con lừa, theo sau một tiểu đồng mặc áo xanh đi hầu, tay xách một bầu rượu, đang rẽ tuyết đi lại. Khi qua cái cầu nhỏ còn ngâm một bài thơ:
Một đêm gió lạnh lùng,
Muôn dặm mây đỏ ối.
Bời bời hoa tuyết bay,
Nước non hình sắc đổi.
Ngoảnh mặt trông lên trời,
Tưởng là rồng ngọc chọi.
Vây mai tua tủa bay,
Một lát khắp bốn cõi.
Cưỡi lừa qua cầu con,
Than vì mai gầy cỗi.
Họa cảnh này cho ta thấy người nghệ sĩ đã đạt đến cảnh giới trước và trong khi vẽ hoàn toàn đắm mình trong một trạng thái siêu nhiên khi tinh thần thăng hoa, hòa nhập vào vũ trụ mênh mông.
Đại sư D.T. Suzuki trong bài luận về Thiền và hội họa, trong quyển “Thiền Phật Giáo”: “Một nét khác biệt khác của mặc họa chính là sự nỗ lực chụp bắt cái Thần đang lúc nó vận động. Vạn vật luôn vận hành, không có gì tĩnh lặng trong bản chất của nó. Khi bạn nghĩ rằng bạn đang giữ yên được nó thì nó trượt khỏi tay bạn rồi. Bởi vì trong cái khoảnh khắc mà bạn giữ nó, nó không còn sự sống nữa. Nó đã chết. Nhưng mặc họa cố gắng bắt giữ sự vật cùng với sức sống của nó, một điều cơ hồ không thể đạt được. Vâng, sự nỗ lực của người nghệ sĩ muốn thể hiện một vật thể sống động trên trang giấy dường như bất khả thi, nhưng người nghệ sĩ có thể đạt được ý muốn này ở một giới hạn nào đó nếu mỗi nét bút đều phóng phát trực tiếp từ cái thần khí nội tại, không bị ngoại giới và tạp niệm ngăn trở. Trong trường hợp này ngòi bút chính là cánh tay vươn dài ra. Hơn thế nữa, nó chính là Thần khí của nghệ, sĩ, thần khí này ứng hiện trong từng nét bút trên mặt giấy. Khi hoàn tất, bức mặc họa chính là một thực thể sống, hoàn bị và không hề là bản sao của bất kỳ sự vật nào”.
Thứ hai: đĩa trà này khi vẽ con vật lại càng đặc biệt hơn khi người họa sĩ thể hiện hình tượng con chó. Trong văn hóa truyền thống Á Đông hình tượng con chó trong mỹ thuật có lẽ hiếm thấy hơn các con vật khác trong mười hai con giáp. Bởi lẽ, trong văn hóa Á Đông, người ta xem thường hình tượng con chó, cho nên, những nghệ sĩ thật sự dành cảm xúc trước hình tượng con vật này rất hiếm. Mặc dù chỉ là bộ phận phụ trong bức tranh nhưng khi đưa hình tượng con chó vào tác phẩm là một đĩa trà, người nghệ sĩ tạo hình đã mang đến một cái nhìn hết sức mới trong mỹ cảm. Nhưng với bức tranh này, khi thể hiện hình tượng con chó người họa sĩ muốn nói đến một câu chuyện tình đẹp khác. Mối tình Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh. Con chó trong bức tranh sứ này chính là con chó máy. Trong chuyện kể về việc Gia Cát Lượng tới Hoàng phủ như sau: “Gia Cát Lượng lần đầu tới Hoàng phủ đã rất cao hứng. Khi tới nơi, ông đẩy cổng bước vào, đột nhiên, hai con chó rất to ở hành lang giữa hai căn nhà chính nhảy chồm ra và lao thẳng tới chỗ Gia Cát Lượng. Một a hoàn ở dưới mái hiên thấy vậy liền chạy đến dùng tay phát mạnh vào trán hai con chó. Thoáng chốc, hai con chó đã dừng lại, không nhảy lên nữa. Khi a hoàn kia véo tai hai con chó thì chúng rất ngoan ngoãn và nhanh nhẹn đi về chỗ hành lang rồi ngồi xổm xuống. Gia Cát Lượng ban đầu có chút hoảng sợ, nhưng sau khi nhìn kỹ mới phát hiện ra hai con chó là hai cỗ máy được làm từ gỗ. Ông liền bật cười ha hả.
Hoàng Thừa Ngạn ra nghênh đón Gia Cát Lượng thấy vậy cũng bật cười vui vẻ. Gia Cát Lượng nhìn thấy Hoàng Thừa Ngạn bèn khen hai con chó gỗ được chế tác thật thần kỳ. Hoàng Thừa Ngạn nói: “Con chó gỗ là do tiểu nữ trong lúc rãnh rỗi đã làm chơi, không ngờ lại khiến tiên sinh sợ hãi, thật là có lỗi quá!”
Sau khi chứng kiến chú chó gỗ, bức tranh vẽ, hoa cỏ, Gia Cát Lượng sớm đã biết được tài năng của Hoàng Nguyệt Anh. Ngay thời điểm ở Hoàng phủ, Gia Cát Lượng biết rõ đây chính là người mà ông tìm, thậm chí ông còn cho là mình phải may mắn mới cưới được người vợ hiền đức lại tài năng này”.
Sau khi Hoàng Nguyệt Anh về chung sống ở nhà Gia Cát Lượng, từ việc nặng việc nhẹ trong và ngoài nhà, bà đều một tay thu xếp. Gia Cát Lượng hoàn toàn có thời gian và đặt hết tâm trí vào việc quốc sự.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” miêu tả Gia Cát Lượng lục xuất kỳ sơn (sáu lần xuất quân ra Kỳ Sơn), thất cầm Mạnh Hoạch (bảy lần bắt Mạnh Hoạch), uy chấn Trung Nguyên, lập ra Bát trận đồ, phát minh ra một loại phương tiện vận chuyển mới gọi là “Trâu gỗ ngựa máy”, phát minh ra vũ khí mới “Nỏ Liên Châu”, phát minh ra “Gia cát hành quân tán”, “Ngọa Long Đan”. Trên thực tế, những phát minh này đều là do vợ của ông chỉ bảo và giúp đỡ.
Gia Cát Lượng có cống hiến lớn cho nước Thục là điều ai cũng biết, nhưng mà cống hiến của Hoàng Nguyệt Anh kỳ thực không phải nhỏ, nhưng hậu thế hẳn rất ít ngươi biết về bà và những đóng góp của bà với nhà Thục.
Thứ ba: dưới đáy của đĩa trà có hiệu đề thuộc dạng rất hiếm gặp “Cực hiền minh ngoạn” hiểu Nôm na là “Người rất tài giỏi sẽ có thú chơi sáng suốt”. Hiệu đề được thể hiện bằng lối chữ triện dọc và cỡ chữ rất lớn so với kích thước của đĩa trà, xung quanh được bo hai đường viền lớn, nhỏ rõ ràng. Vì thế khi nhìn vào chúng ta thấy hiệu đề giống như một dạng ấn triện cổ.
Thứ tư: cốt đất của chiếc đĩa được tinh luyện rất sạch không còn tạp chất nên tạo ra sản phẩm có cốt rất mỏng, thấu quang mạnh, độ cứng cao, tiếng kêu rất trong sáng. Men phủ bên ngoài mỏng, trong sáng làm nổi bật hoa văn trang trí bên dưới. Màu men dùng để vẽ xanh nhẹ được họa sĩ sử dụng điều tiết đậm nhạt rất điêu luyện, tạo nên nhiều sắc độ cho chiếc đĩa, làm cho các họa hình cảnh vật, nhân vật có thần thái, linh động tự nhiên… Hai hòa sắc giữa men phủ và màu men cobalt qua thời gian đã tạo nên một dạng màu sắc rất đặc biệt cho chiếc đĩa, đó là màu trắng đục mà dân gian quen gọi màu “mỡ đông” một loại màu sắc rất đặc trưng trên đồ sứ thời Minh nay lại được thấy trên chiếc đĩa sứ thời Thanh này.
Thưởng trà là một thú vui, ngẫm thế thái nhân tình cũng là một nhã thú. Nhân đón năm mới (xuân Mậu Tuất), tác giả xin được giới thiệu cùng độc giả về một đĩa trà cổ mà tiền nhân mỗi sớm mai thưởng trà nhìn vào đó chiêm nghiệm nhiều điều về thế thái, nhân tình mà thêm ngẫu hứng. Có những câu chuyện ta dễ quên, có câu chuyện làm ta nhớ, có câu chuyện làm ta cảm phục. Và câu chuyện về chú chó máy của Hoàng Nguyệt Anh là một câu chuyện đáng cảm phục như thế. Vì đó không chỉ là câu chuyện về tài, đức mà là câu chuyện về sự hi sinh to lớn của người phụ nữ nói chung, mà thành công đối với họ là người đàn ông của mình có được công danh, sự nghiệp còn họ dù bị lãng quên thì như thế cũng là một niềm vui. Ngàn năm đã lùi xa, giờ chỉ còn lại câu chuyện được thể hiện bằng những nét đan thanh trên một đĩa trà để hậu sinh cùng “đàm luận thế gian vô hạn sự”.
Nhã Khai
(Theo Tạp Chí Mỹ Thuật)