Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình tổng kết sâu sắc và toàn diện thực tiễn 35 năm đổi mới xây dựng đất nước. Đó là một cống hiến rất quý báu vào kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam, thể hiện trình độ và bước phát triển mới của tư duy lý luận của Đảng ta bắt kịp với yêu cầu của thời đại. Với hệ thống lý luận cơ bản, vững chắc và giàu sức thuyết phục. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ ra rất rõ khát vọng nghìn đời của nhân dân ta về cuộc sống của đất nước và con người Việt Nam: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thật sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỉ của một số cá nhân và phe nhóm. Chúng ta cần phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để đảm bảo môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường…”.
Nói lên những khát vọng nghìn đời của dân tộc để dẫn đến một xác quyết: Chỉ có đi theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng thì nhân dân ta mới thực sự có được cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Điều đó đã được chứng minh qua lịch sử.
…
Văn hóa gắn liền với kinh tế, văn hóa gắn liền với xã hội và con người. Đồng chí Tổng Bí thư viết: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn…”.
So với các văn kiện trước đây, quan niệm về văn hóa lần này của đồng chí có sự phát triển. Đó là không nói văn hóa theo lối khép kín mà nói văn hóa gắn liền với phát triển đồng bộ và hài hòa với kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội. Như vậy xem văn hóa là lĩnh vực luôn luôn mở, xem phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội là điều kiện để phát triển văn hóa.
…
Con người là kết tinh của văn hóa. Tột cùng của văn hóa là con người. Con người quyết định tất cả. Đó là ưu tiên của mọi ưu tiên, đúng như Bác Hồ đã từng nói “Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết “Chúng ta xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới”.
Thực tế qua những năm đổi mới chúng ta thấy việc xây dựng con người khó khăn, gian khổ, phức tạp biết nhường nào. Bởi vì chúng ta không đóng kín để xây dựng con người. Mà chúng ta có thị trường, có mở cửa, có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. Con người không chỉ có nghĩa vụ mà còn có trách nhiệm và quyền lợi. Pháp luật thừa nhận quyền con người trong mục đích cống hiến cho xã hội và mưu cầu hạnh phúc cho bản thân. Con người có quyền chăm lo cho bản thân. Hơn nữa, thị trường lại cho phép cạnh tranh lành mạnh. Thế thì làm thế nào để con người có quyền chăm lo cho hạnh phúc gia đình và bản thân nhưng không giẫm đạp, không chộp giựt, không “cá lớn nuốt cá bé”, không tự mình đối lập với xã hội. Vì vậy con người mà chúng ta xây dựng phải là con người có văn hóa, sống lương thiện, hòa hợp đồng thuận với cộng đồng, con người biết “thương người như thể thương thân”. Con người đúng như nhà thơ Tố Hữu đã nói:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu Người sống để yêu nhau”
Trong sức mạnh cao cả đó, vai trò của văn hóa, của văn học nghệ thuật vô cùng quan trọng.
…
Bước vào đổi mới, văn học nghệ thuật có bước phát triển đột phá về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sống động hiện thực mới, đề cao những vùng sáng mới, mạnh mẽ phê phán những biểu hiện tiêu cực làm cản đường đi của dân tộc. Nhiều tác phẩm đi vào những cuộc đấu tranh để hoàn thiện đạo đức xã hội, cảnh báo rất sớm lối sống vị kỉ, tôn thờ đồng tiền, chà đạp lên mọi giá trị đạo đức truyền thống. Nhiều tác phẩm trở lại đề tài lịch sử, về hai cuộc kháng chiến với cách tiếp cận mới, có nhiều phát hiện nghệ thuật sắc sảo, đề cao lòng yêu nước, ý chí vì độc lập tự do, có tác dụng giáo dục sâu sắc, đặc biệt đối với lớp trẻ. Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị tổng kết về kho tàng lý luận truyền thống của dân tộc, làm cơ sở để tiếp nhận những thành tựu và tinh hoa lý luận của nước ngoài. Nhiều tài năng trẻ xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực đem đến sinh khí mới cho đời sống văn học nghệ thuật. Công tác giao lưu, hội nhập với quốc tế được đẩy mạnh, vừa giới thiệu quảng bá thành tựu văn học nghệ thuật dân tộc vừa thiết lập được tình cảm hữu nghị, tranh thủ sự ủng hộ đoàn kết của thế giới với Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu rất to lớn và cơ bản văn học nghệ thuật còn bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập. Tác phẩm thì nhiều nhưng độ kết tinh còn chậm. Còn ít những tác phẩm có sức khái quát nghệ thuật cao đủ sức gây nên những hiện tượng nghệ thuật tạo được dư luận xã hội rộng lớn. Xu hướng giải trí lôi kéo không ít tác giả với những tác phẩm vụn vặt, nhất thời, lặp lại mình và lặp lại người khác. Một số tác phẩm trong khi miêu tả hiện thực đã sa đà vào những tình tiết ngẫu nhiên, suồng sã, kích động những bản năng thấp kém. Trong lý luận, một số tác phẩm vồ vập quan điểm nghệ thuật nước ngoài thiếu chọn lọc. Một số tác phẩm nhân danh đi tìm “mỹ học của cái khác” nhưng thực chất là xa rời phê bình chuyên nghiệp. Phê bình chạy theo cánh hẩu. Văn hóa tranh luận có lúc bị tổn thương.
Nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót đó có nhiều, nhưng phổ biến là chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, thiếu vốn sống, thiếu chuyên nghiệp, vội vã tiếp thu các trào lưu ở nước ngoài mà thiếu đi chiều sâu học tập, tiếp thu thành tựu trong nước. Một nguyên nhân khác tác động không nhỏ đến tình hình văn học nghệ thuật là văn hóa đọc hiện nay bị thu hẹp, công tác phát hành gặp nhiều khó khăn, chưa có lối thoát.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Càng đi sâu thực tiễn, Đảng ta càng nhận thức được rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo ra sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”. Văn học nghệ thuật với tư cách là một lĩnh vực thuộc kiến trúc thượng tầng chắc chắn không thể đi ngoài quy luật đó. Hơn nữa, đây lại là lĩnh vực của tài năng với những nét đặc thù nên không thể vội vã, áp đặt một cách máy móc mọi ý kiến chủ quan. Chúng ta phải có thời gian để tích lũy vốn sống, để nghiền ngẫm và nhào nặn chất liệu hiện thực thành những hiện tượng nghệ thuật bằng xương bằng thịt. Phải có thời gian để hình thành một đội ngũ các nhà văn nghệ sĩ tiêu biểu của thời kì đổi mới. Họ thông hiểu thời thế và cuộc sống của những người đương thời. Sứ mệnh trên vai họ, không ai có thể làm thay được.
Sự nghiệp đổi mới đã trải qua 35 năm với biết bao thành tựu mang tính lịch sử, làm thay đổi cuộc sống xã hội và diện mạo của đất nước. Thực tiễn đó cung cấp cho văn nghệ sĩ biết bao chất liệu quý giá. Cuộc sống đang đòi hỏi văn học nghệ thuật phải có bước chuyển mình mạnh mẽ, cần có những bước phát triển đột phá về chất, tập trung mọi tài năng, tâm huyết cho ra đời những tác phẩm lớn, những tác phẩm có tầm khái quát cao rộng về thời kì đổi mới, về sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang làm thay đổi tận gốc rễ cuộc sống của dân tộc. Toàn giới văn học nghệ thuật phải thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm. Chỉ có tác phẩm lớn thì văn học nghệ thuật mới thực sự có ích, đóng góp tích cực vào việc xây dựng con người, một vấn đề sống còn của đời sống xã hội hiện nay.
Nhà thơ Hữu Thỉnh (1)
(1) Cố vấn BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Nguyên Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.