Dự chương trình trực tuyến có PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Thượng tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra; nhạc sĩ Đinh Công Thuận – Chánh Văn phòng Hội; cùng các nhạc sĩ là các tác giả trong chương trình: nhạc sĩ Trương Quang Lục, Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Đình Ân, Lê Tự Minh, Hoàng Mạnh Toàn (TP Hồ Chí Minh); nhạc sĩ Vũ Đức Tân, Nguyễn Thanh Nghĩa, Nguyễn Ngọc Thịnh, Lê Trọng Nin (Hà Nội); nhạc sĩ Kấn Tùng Lâm (Vĩnh Phúc); nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm (Đà Nẵng); nhạc sĩ Thế Long (Cần Thơ); nhạc sĩ Quang Vượng (Bình Phước)… nhiều nhạc sĩ và người yêu nhạc từ các tỉnh, thành trên toàn quốc cùng tham gia trực tuyến…
Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép lấy ngày mồng 3 tháng 9 hàng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam. Từ năm 2010 Ngày Âm nhạc Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành trong cả nước. 12 năm qua, vào mỗi dịp Quốc khánh 2/9, giới Âm nhạc Việt Nam lại cùng hòa mình với các hoạt động Ngày Âm nhạc Việt Nam trên cả nước, qua đó giới thiệu các tác phẩm mới sáng tác, động viên các nhạc sĩ, nghệ sĩ, phát huy giá trị truyền thống âm nhạc cách mạng Việt Nam, phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần lành mạnh.
Ngày Âm nhạc Việt Nam, Mồng 3 tháng 9 năm nay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng dân tộc với chương trình âm nhạc đặc biệt. Hơn 4 tháng qua, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã phải trải qua những ngày tháng hết sức căng thẳng, lực lượng tuyến đầu tại thành phố đã lên đến hàng vạn người với các y, bác sĩ, sinh viên, công an và các tình nguyên viên, thậm chí trong những ngày vừa qua, quân đội đã phải tham gia với mong muốn nhân dân thành phố hãy thực hiện nghiêm túc chỉ thị 16, giãn cách xã hội để dịch bệnh sớm qua đi. Chung tay với các lực lượng, các nhạc sĩ tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như các các nhạc sĩ trên cả nước đã đồng cảm và có những tác phẩm viết về thành phố mang tên Bác cũng như các tỉnh phía Nam trong thời gian vừa qua thể hiện tình cảm của mình. Hội kết hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ đã kịp thời thu thanh, thu hình và dàn dựng một số tiết mục tiêu biểu của các nhạc sĩ ở các tỉnh thành.
Trong những ngày tháng này, khi cả nước đang gồng mình để phòng chống đại dịch Covid-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các hội viên đã kịp thời sáng tác hàng trăm ca khúc, tuyển chọn dàn dựng thành chương trình ca nhạc để giới thiệu đến công chúng và gửi tới các lực lượng đang trên tuyến đầu chống dịch, san sẻ tình cảm, sự cảm thông sẻ chia và thắp sáng lên niềm tin vào trận chiến, cuối cùng: Chúng ta là người chiến thắng!.
Ngày 3 tháng 9 hàng năm đã trở thành Ngày Âm nhạc Việt Nam, đó là ngày cách đây hơn 60 năm, ngày mồng 3 tháng 9 năm 1960, Bác Hồ đã chỉ huy dàn hợp xướng và dàn nhạc hát vang “Bài ca Kết đoàn” trước thềm Đại hội Đảng lần thứ III. Hình ảnh Bác bắt nhịp “Bài ca Kết đoàn” đã được nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long ghi lại, và chính hình tượng của Bác mãi in sâu vào tâm trí của những người con đất Việt và của các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam, đã trở thành biểu tượng của khối đoàn kết dân tộc, tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc anh em, trở thành sức mạnh của biểu tượng văn hóa, sức mạnh của âm nhạc Việt Nam.
Trong diễn bến khó lường và phức tạp của đại dịch Covid-19, năm nay Hội Nhạc sĩ Việt Nam không thể tổ chức được chương trình hòa nhạc, các cuộc biểu diễn ca nhạc ở các trung tâm âm nhạc lớn như: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ và ở tất cả các Chi hội của Hội trên toàn quốc, vì vậy Hội đã có sáng kiến dàn dựng ghi hình để có chương trình Ngày âm nhạc trên nền tảng truyền hình số, chương trình trực tuyến sẽ lan tỏa các tác phẩm một cách nhanh nhạy nhất đến đồng bào và chiến sĩ cả nước. Chúc cho quý vị khán giả và các nhạc sĩ, nghệ sĩ vững niềm tin, đoàn kết một lòng chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Chương trình lần này đã tiếp tục giới thiệu 17 ca khúc mới, với cảm xúc của mình trước những sự kiện diễn ra hàng ngày, các nhạc sĩ đã ý thức được việc sáng tác các ca khúc về phòng chống dịch cũng như ngợi ca những con người thầm lặng lăn xả nơi tuyến đầu để mang lại niềm tin, sự yên tâm của nhân dân trong vùng dịch.
Đại tá, nhạc sĩ Xuân Thủy – Hiệu trưởng trường Đại Học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, cho biết về sự đồng hành trong công tác phòng chống dịch của các chiến sĩ, nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa trước đại dịch và chia sẻ về ca khúc mới của mình cũng như những tình cảm mà ông đã gửi gắm trong ca khúc: “Để hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các nhạc sĩ quân đội cả nước nói chung và các nhạc sĩ của trường nói riêng đã tích cực tham gia, chia sẻ tình cảm của mình. Đây là cuộc chiến tranh không tiếng súng đối với một kẻ thù vô hình, đồng hành với cuộc chiến này đã có rất nhiều bài hát hay, ca ngợi những bác sĩ, chiến sĩ, những khó khăn gian khổ trên mặt trận tuyến đầu. Với tôi, ca khúc này là sự chia sẻ của những người trong cuộc khi phải cách ly, chúng ta phải xa cách gia đình, thể hiện tình cảm con người với con người, những người con phải xa quê đối với cha mẹ và những tình cảm của cha mẹ cũng trông ngóng lo lắng cho con cái ở nơi xa. Xuất phát từ tình cảm đó mà ca khúc “Niềm tin” một góc độ tình cảm, tôi muốn gửi gắm đến tất cả mọi người, đó là niềm tin của chúng ta vào một chiến thắng không xa đối với đại dịch này”.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm: Năm ngoái Đà Nẵng đã chịu trận dịch nặng nề, nhưng năm nay đã giảm đi rất nhiều do được cách ly, thành phố thực hiện nghiêm túc, nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh. Ở nhà khi xem truyền hình, hình ảnh người mẹ gửi con thơ cho bà trông giúp để đi chống dịch, gặp tứ thơ của nhà thơ Đỗ Quý Doãn, tôi đã xúc động viết ca khúc “Thương con”.
Nhạc sĩ Thế Long: Đối với tôi, thành phố Hồ Chí Minh rất đặc biệt, đó là nơi tôi sinh ra và có quãng thời gian gắn bó trong những năm tháng theo học âm nhạc tại đây. Nơi đây cũng có rất nhiều người thân, bạn bè, những nhạc sĩ đồng nghiệp. Trong những ngày tháng 7 vừa qua khi thành phố Hồ Chí Minh phải hứng chịu đợt dịch bùng phát dữ dội, những hình ảnh khúc phố vắng người, dây giăng khắp nơi. Một cảm giác đau xót và cảm xúc dâng trào nghẹn ngào và tôi đã gửi vào tác phẩm “Thương lắm Sài Gòn ơi!”.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục: Nhân dân ta có truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo”, “tối lửa tắt đèn có nhau”… nhưng truyền thống đó càng thể hiện rất rõ trong thời gian vừa qua, khi tôi đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh – nơi đang gồng mình chống dịch, chứng kiến nhiều chuyến xe từ mọi miền đất nước chở các cán bộ, nhân viên y tế, anh em bộ đội, công an đến thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để hỗ trợ cho đồng bào đồng chí ở trong Nam chống dịch, hình ảnh làm tôi liên tưởng đến những hình ảnh tốt đẹp thời kháng chiến chống Mỹ có rất nhiều chuyến xe từ phía Bắc và mọi miền đất nước chi viện cho miền Nam để chống xâm lăng và tôi nghĩ rằng truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam có thể nói đó là yếu tố quyết định để chúng ta chống dịch thắng lợi.
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân: Chúng ta được xem tin tức hàng ngày vẫn thấy những thiên thần áo trắng, áo xanh, đó là những bác sĩ, y sĩ, y tá cùng những tình nguyện viên ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Được sự khích lệ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và cảm nhận đó tôi đã viết ca khúc “Việt Nam sẽ chiến thắng”.
Nhạc sĩ Kấn Tùng Lâm: Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tôi viết ca khúc “Thế giới bên nhau” nhằm cổ vũ động viên tất cả các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Thông điệp của ca khúc tôn vinh tình nhân ái giữa con người, sự sẻ chia đoàn kết cùng giúp đỡ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn, để chúng ta từng bước khống chế được dịch bệnh.
Nhạc sĩ Lê Tự Minh: Thành phố Hồ Chí Minh đang trong tâm bão của đại dịch, tuy nhiên người dân thành phố vốn kiên cường bất khuất. Thật là xúc động khi mà cả nước đang dồn sức cho thành phố mang tên Bác và làm chúng ta liên tưởng đến cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, khi mà cả nước dồn sức người sức của để giải phóng Sài Gòn. Tôi viết bài hát này để động viên mọi người Việt Nam giữ vững niềm tin để vượt qua khó khăn, trong những thời khắc gian nan để rồi đi đến chiến thắng. Mỗi khi đất nước lâm nguy hay có những sự kiện trong đại, chúng ta hãy đặt bàn tay lên trái tim mình cảm nhận hai tiếng “Việt Nam” thiêng liêng và đó chính là thời khắc này.
Tác giả: Thanh Nhã
Theo:http://www.hoinhacsi.vn