Thơ trở thành nhịp sống, hơi thở của chị, bao nỗi niềm những ưu phiền, buồn vui về cuộc sống chị đều chia sẻ vào thơ. Tập thơ “Chỉ còn là cổ tích” của tác giả do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2022 với 37 bài thơ, chứa chan tình đời, tình người.
Tập thơ ca ngợi cảnh đẹp quê hương đổi mới, qua đó thể hiện niềm tự hào về truyền thống cha ông, tình cảm với quê hương Đất Tổ và những nơi mà tác giả đã đặt chân qua:
“Việt Trì đêm nay
Sóng vỗ hợp lưu ba dòng sông ba dòng trăng
Đại lộ Hùng Vương – Nguyễn Tất Thành
Nhộn nhịp con tim thành phố
…
Nơi ông cha chọn Kinh đô khởi đầu dựng nước
Việt Trì đêm nay
Điện chở ban mai hướng về Nghĩa Lĩnh
…
Việt Trì thành phố lễ hội
Thành phố tôi yêu
Đổi mới từng ngày…”
(Đêm Việt Trì)
Trong bài “Tam Đảo” tác giả viết:
“Ở đây đâu phải biển khơi
Đảo lại đảo cứ đầy vơi xứ đồi
Sương bồng bềnh núi mồ côi
Thông reo vẫy gió chiều lơi bóng chiều
Dáng ai thấp thoáng chơi vơi
Bao nhiêu nỗi nhớ rối bời… thông ơi!”
Bài thơ ra đời vào mùa đông năm 2020, trong một lần đi dự trại sáng tác ở Tam Đảo, chứng kiến cảnh mây – núi, khói – sương mờ mịt Tam Đảo hoà quện vào nhau tác giả đã xúc động viết bài thơ này để ngợi ca vẻ đẹp mê hồn, hư ảo ở Tam Đảo và nói lên tâm trạng của mình trước cảnh vật nơi đây.
Cuộc đời tác giả Nghiêm Thị Xuân Thịnh thiếu thốn tình cảm, chị chịu nhiều nỗi buồn, nhiều mất mát đau thương và chị tìm đến thơ như một cái duyên để tìm sự an ủi, sẻ chia. Trong bài thơ Đời sen chị viết:
“Có phải em
Từ sỏi đá cỗi cằn lại bật mầm vươn cành
Vượt hạn khô, ngập mặn để sinh sôi…”
Chị thầm ví mình như loài sen đá sống thầm lặng, chống chọi với đời vươn mình đứng lên trước những khó khăn, vấp ngã. Rồi chị lại tự nhủ lòng mình:
“Cha mẹ sinh ra phận má hồng
Nắng gió phù vân dưỡng nuôi ta lớn
Mỗi bước đường đâu chỉ có cỏ hoa
…
Sau mỗi lần va vấp chênh vênh
Mỗi lần đau
Mỗi lần thất bại
Vẫn hiện hữu nụ cười dẫu trăm ngàn cay đắng…”
(Tự nhủ )
Bên trong vẻ bề ngoài yếu đuối, Nghiêm Thị Xuân Thịnh có một tâm hồn giàu nghị lực sống mãnh liệt, cứng cỏi dù trong hoàn cảnh nào trước đau thương mất mát chị không bao giờ gục ngã, khuất phục mà quật cường đứng lên, sống lạc quan, yêu đời. Có những lúc tưởng như không nỗi đau nào có thể đau hơn thế:
“Có ai tin trời ơi ai tin được
Bỗng một ngày anh bỏ em đi
Em lặng lẽ thu mình vào bóng tối
Nghe tim mình quặt thắt một niềm đau
Con còn nhỏ mà sao anh đã vội
Bỏ đi rồi để lại mẹ con em…”
(Sao chẳng một lời thưa)
“…
Chỉ còn ảo ảnh xa xôi
Như là sương khói vần trôi qua trời
Đau lòng em lắm người ơi
Khóc than lầm lụi nỗi đời bạc phai…”
(Như là sương khói)
Chồng chị mất đi khi chị mới ngoài 30 tuổi để lại con thơ còn nhỏ dại… Nỗi đau tận cùng quặn thắt, khóc không nên lời, chị tìm đến thơ để giãi bày, để bấu víu như níu lại niềm hy vọng vượt lên số phận, tự an ủi mình, chị viết:
“Gói lại nào tôi ơi
Những tháng ngày khờ khạo
Mở ra nào ngày mới
Tương lai tràn ánh xuân
Gói lại những phân vân
Cho lòng thêm thanh thản
Mở ra niềm khát vọng
Đón ngày xanh nắng hồng…”
(Mở ra gói lại)
Tập thơ có nhiều bài thơ tuyên truyền chống đại dịch Covid-19, động viên những chiến sỹ áo trắng, lực lượng tuyến đầu sẵn sàng hy sinh tham gia chống dịch, tác giả viết:
… “Đội ngũ chỉnh tề vạn người như một
Quân phục xanh bên sắc phục vàng
Cùng áo trắng sẵn sàng xung trận
…
Nhất định 5K, Vaccine và ý thức
Dịch mau tan
Đất nước mới thanh bình…”
(Chỉnh tề đội ngũ)
Xúc động trước tình cảm, tình yêu thương gắn bó, đùm bọc được sáng lên trong cuộc chiến chống đại dịch với những chuyến hàng cứu trợ tình nghĩa kịp thời chi viện cho những vùng tâm dịch, tác giả liên tưởng những tình cảm đó như cây ATM nghĩa tình:
“Cứ tưởng chỉ có cây tiền
Ngành ngân hàng độc quyền gọi ATM
Nhả mệnh giá theo lệnh người chủ thẻ
Vậy mà đó đây mọc lên các loại
ATM gạo, ATM xăng
Lại có cả ATM Oxi
…
Những khối óc biết nghĩ cho đồng loại
Những trái tim đau đáu nghĩa đồng bào
Ai cần gạo, ai cần xăng
Ai cần khí thở
Đã có ATM sẵn sàng cung cấp
…
Nhân yêu thương khi đại dịch tung hoành
Người Việt Nam bao đời nay vẫn vậy…”
Cây ATM cây nghĩa cây tình”
(Những cây ATM nghĩa tình)
Và đây nữa, những phiên chợ O đồng đầy tình người đùm bọc, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn vượt qua đại dịch:
… “Chợ không đồng chợ tình chợ nghĩa
Hay chợ Covid-19 ở vào thời dịch dã
Người thương người mong đại dịch qua mau
…
Trong gian khó tình người thêm cao thượng
Không khoản tiền nào mang được nghĩa nhân…”
(Chợ O đồng)
Nghiêm Thị Xuân Thịnh nhắc nhiều trong tập thơ về những hồi tưởng trong quá khứ, những kỷ niệm đã qua về những hy sinh lặng thầm của những người phụ nữ:
“Con lớn lên Điện Biên thành lịch sử
Níu áo mẹ tiễn cha vào chiến dịch
Nước mắt mẹ cạn khô đêm âm thầm trông ngóng
Nơi bóng cha rảo bước phía trời nghiêng”
(Ký ức Điên Biên)
“…
Đằng đẵng ngóng tin chồng nơi chiến trận
Khi anh trở về cờ phủ thi hài
Thắt nghẹn con tim chị như hoá đá
Oằn mình nỗi đau năm tháng lặng vào trong…”
(Chị tôi)
Đặc biệt bài thơ “Chỉ còn là cổ tích” tác giả đặt làm nhan đề tập thơ thứ 8 này khi chị tròn 80 tuổi. Bài thơ viết về mối tình đầu không hẹn ước của chính tác giả với một người con trai xa quê. Khi gặp lại người yêu quay trở về, thì mọi thứ đã đổi thay, dĩ vãng chỉ còn là chuyện cổ tích. Tác giả mượn lời người yêu quay về bộc lộ tình cảm ca ngợi quê hương đổi mới giàu đẹp, lung linh, rực rỡ sắc màu:
“Không biết bao lâu rồi anh mới quay trở lại
Với Việt Trì nơi ấy có em
…
Anh biết bây giờ Việt Trì không bụi nữa
Cũng không buồn vì phố đã khang trang
…
Hẹn anh về cùng sóng bước Văn Lang
Không quá trẻ để hồn nhiên nắm tay nhau trên cầu đi bộ
Ngắm Việt Trì đêm rộn rã sắc màu
Ánh đèn chai chỉ còn là cổ tích
Xưa lắm rồi phải thế không em?”
(Chỉ còn là cổ tích)
Nghiêm Thị Xuân Thịnh viết thơ để giãi bày tình cảm, sẻ chia những vui buồn, đau thương mất mát trong cuộc đời. Chị lấy thơ là nơi bộc bạch tâm tình, để lấy lại niềm tin yêu, lạc quan về cuộc sống ngày mai. “Chỉ còn là cổ tích” tập thơ chủ yếu viết theo thể tự do, lời thơ giản dị, ý thơ mộc mạc chân thành, thể hiện tình yêu của tác giả đối với quê hương, gia đình, bạn bè, những người thân bằng sự yêu thương, tâm tình; những ước nguyện, mong muốn sẻ chia về cuộc đời, ký ức của tác giả đã qua, giờ chỉ còn là cổ tích.
TRẦN LIÊN