Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn là nhà văn gắn bó với Tam nông: nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam. Đó là nhận định của mọi tầng lớp độc giả, kể cả bác học lẫn bình dân và được khẳng định qua các tác phẩm của ông nói chung, hay “Quê hương và bầu bạn” (truyện ngắn, ký, tạp văn do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ xuất bản) nói riêng.
1. Trước hết về nông thôn: Phạm trù nông thôn Việt Nam ở đây là phạm trù xã hội, nơi trước ngày đất nước thống nhất, có 90% người dân Việt Nam sinh sống. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn là nhà văn của nông thôn, đặc biệt là nông thôn miền núi. Điều ấy đã nhiều người biết đến. Ở ông có một tình yêu sâu đậm vùng đất tạo nên xã hội ấy. Ông yêu đến dốc lòng, cởi dạ, dốc hết tâm can cho đối tượng mình yêu. Hình như số phận đã buộc ông vào với những đam mê, bắt ông phải gánh vác suốt cả cuộc đời, như đam mê cơm ăn, khí thở vậy. Tạo hóa sinh ra ông và khoác cái ách đam mê ấy vào vai, để ông vui cũng nó, buồn cũng nó, trăn trở, vật vã cũng vì nó. Ngược lại, chính vùng nông thôn ấy đã mê hoặc ông, thấm sâu vào máu thịt. Dẫu cho ở các đề tài khác, sức lực ông vẫn sung mãn, nhưng nông thôn vẫn như bùa ngải quyến rũ ông, khiến, nếu như rời xa nông thôn ông sẽ thiếu đi nhựa sống. Và cho đến tận bây giờ, qua 70 năm sáng tác, ngòi bút của ông vẫn bị đề tài nông thôn mê hoặc, minh chứng cho sự sắp đặt kỳ diệu đó.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn am hiểu tường tận văn hóa làng xã nông thôn vùng Trung du Bắc Bộ, nơi khởi nguồn của dân tộc, với tập tục thờ cúng Hùng Vương, thủy tổ của người Việt; thờ cúng thành hoàng; thờ cúng các anh hùng có công dựng nước và giữ nước; trọng vọng, tôn kính, thờ cúng những người giầu tiền của có công sức đầu tư đóng góp xây dựng, giúp mở mang bộ mặt bề thế, khang trang ở làng xã. Những tác phẩm như “Yếu tố Việt – Mường và Tày – Thái trong nền tảng văn hóa Đất Tổ” (Quê hương và bầu bạn trang 284), “Văn hóa làng xã” (sđd trang 274), “Nghĩ về truyền thống uống nước nhớ nguồn” (sđd trang 263), “Sức mạnh làng Việt” (sdd tr 316), “Bài học từ làng” (sđd tr 322), “Làng cổ vùng Đất Tổ” (sđd tr 333) v.v… đã nói lên điều đó.
Chính từ hiểu biết sâu sắc về văn hóa đó mà khi tiếp cận với các nhà văn Trung Quốc ông lý giải được ngay: “Nông thôn Trung Quốc vốn kết cấu thôn xã mạnh về tổ chức Nhà nước, khác với nông thôn ta có kết cấu xóm làng mạnh về yếu tố cộng đồng” (sđd trang 115). Từ lý giải trên ông rút ra được kết luận: “Chúng ta có văn hóa làng là cơ sở văn hóa Việt Nam. Nhờ có làng chúng ta mới không bị đồng hóa bởi một nền văn hóa đồ sộ Trung Hoa ở cận kề” (sđd tr 120). Kết luận đó giúp cho ông, và mở lối cho những người viết như ông, an tâm với những gì mình đã chọn về đề tài nông thôn, về đề tài làng xã Việt Nam trong sự nghiệp sáng tác của mình.
2. Về nông dân: Nông dân là lực lượng sản xuất quyết định đến sự thành bại của cách mạng ở nông thôn Việt Nam. Nhà văn Nguyên Hữu Nhàn am tường gần như mọi tập quán, lối sống của người nông dân, đặc biệt là nông dân Trung du, miền núi phía Bắc. Trong các tác phẩm của mình, ông đã mô tả hình tượng người nông dân vùng Trung du một cách sâu sắc và am tường hình tượng người nông dân đó. Chính vùng đất ông gắn bó đã hun đúc, sản sinh ra, thổi hồn, đắp cốt để người nông dân trung thành tuyệt đối với phong cách riêng, làm nên một xã hội nông thôn Trung du, miền núi Bắc Bộ giàu bản sắc; phong phú về ngôn ngữ, tính cách; gắn bó với nhau trong cộng đồng làng xã, mường động. Ông đã khắc họa một cách xác đáng bản sắc nông dân Việt Nam nói riêng và nông dân vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nói riêng. Trong bản sắc đó, sự đấu tranh không khoan nhượng về vấn đề sở hữu và sở hữu ruộng đất của họ giữ vai trò hết sức quan trọng. Người nông dân có thuộc tính thâm căn cố đế gắn liền với vấn đề sở hữu. Tiến trình từ kháng chiến chống thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, ở giai đoạn cải cách ruộng đất rồi hợp tác hóa nông nghiệp và ngay cả khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, công nghiệp hóa thì bản sắc sở hữu của nông dân vẫn là vấn đề cốt lõi. Các tác phẩm của ông như “Kế thừa di sản văn hóa Hùng Vương” (sđd tr 229) “Người Mường Phú Thọ” sđd tr 235) “Tục chàm thau ở Thanh Sơn” (sđd tr 239) “Bí mật làng Mường” (sđd tr 245), “Truyền thống hôn nhân” (sđd tr 295), “Tín ngưỡng phồn thực ở một làng Mường” (sđd tr 306), “Lễ hội dân gian quanh Đền Hùng” (sđd tr 312), “Sông Đà huyền thoại” (sđd tr 346), “Lễ hội dân gian với sự phát triển cộng đồng làng xã ở vùng Đất Tổ” (sđd tr 355), “So sánh tín ngưỡng gia tiên của người Mường và người Việt ở Phú Thọ” (sđd tr 367) v.v… đã giúp cho bạn đọc cả nước hiểu kỹ hơn về điều đó. Nó cũng giúp cho các nhà văn đương thời và sau này, chọn lọc, tiếp thu, nâng cao tầm hiểu biết để nghiên cứu, vận dụng vào sáng tác của mình một cách có luận cứ khoa học.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn thực sự là người đi trước, cùng với các văn nghệ sỹ đầu đàn khác, gương cao ngọn đuốc trí tuệ để mở đường, phát lối cho những nhà văn có nhiệt huyết về đề tài tiến sâu vào địa hạt khó khăn và gian khổ đó. Không có những nhà văn như ông thì bao nhiêu trầm tích văn hóa ở các vùng sơn cước sẽ bị lãng quên, bị bào mòn, mất dấu và tan chảy trước sự thâm nhập của các hiện tượng văn hóa mới du nhập.
3. Về nông nghiệp: Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đi nhiều, viết nhiều và ghi chép, học hỏi những người làm nông nghiệp ở những vùng đất ông đã đi qua cũng rất nhiều. Cuộc sống gắn bó với nông nghiệp đã tạo cho ông những hiểu biết nền nông nghiệp lúa nước với bao nhiêu điều phong phú gắn liền từ thiên nhiên, đồng đất, kinh nghiệm làm ăn, đất đai, thổ nhưỡng. Cuộc sống ấy tạo cho ông cách nghĩ, cách hành văn, cách nhận định và dự báo về tương lai việc quản lý nền nông nghiệp đó. Không những thế, sự xốc vác trong tìm tòi và khám phá còn giúp ông tiếp cận với nền khoa học kỹ thuật mới, cách làm ăn mới, dắt dẫn bạn đọc đến với những trào lưu sản xuất đổi mới. Ông bày tỏ, khêu gợi, cổ vũ và động viên bạn đọc trong các tác phẩm như “Những người đi tiên phong” với địch và thiên địch trong mùa màng, IPM hướng dẫn cho nông dân trở thành chuyên gia của chính họ với chân lý: tôi nghe tôi sẽ quên, tôi thấy tôi sẽ nhớ, tôi làm tôi sẽ hiểu (sđd tr101). Hay “Chuyện làm ăn” (sđd tr 138) “Ngược về Thanh Thủy” với nghề làm nấm và mộc nhĩ, nuôi nhím, nuôi ong, nuôi gà tạo thành mô hình xây dựng nông thôn mới (sđd tr 162). “Tam Nông ngày mới” với chuyện đối thoại giữa đồng chí Bí thư Huyện ủy với nông dân để cởi bỏ mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư làng xã (sđd tr 178) v.v…
Những kiến thức về tam nông đã thấm đẫm vào sự nghiệp văn chương của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, hay nói đúng hơn ông đã bị nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam nói chung và Trung du miền núi phía Bắc nói riêng mê hoặc.
Ngay từ lúc mới là cậu bé 15 tuổi và bắt đầu viết những trang văn đầu tiên ông đã chấp nhận gắn mình với tam nông bằng truyện ngắn “Cô gái ươm bèo” in trên báo Phú Thọ. Rồi sau đó các tác phẩm của ông ra đời cũng đều gắn liền với nỗi niềm si mê đó. Tính theo thể loại là các tập truyện ngắn “Chuyện làng Gành” 1975, “Chuyện kể trong làng” 1994, “Phố làng” 1989, “Người quê” 2005, “Tết ở bản Dèo” 2006, “Gió thổi qua rừng” 2007, “Vui như hội” 2009, “Sín Lù” in chung năm 2014 và các truyện ngắn in trong “Tuyển tập Nguyễn Hữu Nhàn” 2013, “Quê hương và bầu bạn” 2017. Các tiểu thuyết “Dốc nắng” 1984, “Làng Cói Hạ” 1989, “Không cô đơn” 1993, “Chớm nắng” 2000, “Rừng cười” 2008. Lại còn nhiều kịch bản phim, nhiều công trình khảo cứu có giá trị nữa. Tất cả có đến nhiều nghìn trang sách, cho thấy sức lao động và thành quả văn chương của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn thật đồ sộ.
Trong kho tàng đồ sộ ấy, vì si mê có, vì cần thiết thêm vốn viết có, và còn vì muốn chen chân vào cái địa hạt hóc búa này cũng có, tôi đã đọc đi đọc lại tiểu thuyết “Chớm nắng” của ông. Và muốn bộc bạch một vài suy nghĩ qua “Chớm nắng” để làm sáng tỏ thêm sự gắn bó và thành công của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn với nông nghiệp, nông thôn và nông dân qua 70 năm sáng tác.
Ở tác phẩm “Nhà văn và bầu bạn” có hai nhà văn là nhà văn Trúc Thông và nhà văn Đặng Vân đã giới thiệu tiểu thuyết “Chớm nắng” của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn. Đấy là các nhà văn có tên tuổi. Khi đọc một tác phẩm, mỗi độc giả thường có những yêu thích và suy tư của riêng mình. Tôi cũng không là ngoại lệ, nhất là khi đọc những tiểu thuyết như “Chớm nắng” này.
Rất nhiều người biết nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn dày công nghiên cứu về văn hóa làng xã. Trong tác phẩm “Văn hóa làng xã” (sdd tr 274) ông đã giúp độc giả hiểu kỹ thế nào là văn hóa làng và văn hóa xã, chỉ khi đã am hiểu rồi thì mới gộp chung thành “Văn hóa làng xã”. Làng xã thực sự là của cộng đồng, gắn kết xây dựng nên đất nước. Ông có lý khi bảo vì thế nên có chuyện gì tai biến người ta đều kêu “Ới làng nước ơi” chứ không ai kêu “Ới huyện nước ơi” hay “Ới tỉnh nước ơi” để tìm người hỗ trợ.
“Chớm nắng” viết về một làng quê nông thôn đặc trưng ở vùng Trung du Bắc Bộ. Ở làng Đinh Xá đó, đầu tiên chỉ có Kẻ Táu là dân chính cư giữ quyền độc tôn, rồi vì có dân ngụ cư (ngoại tịch) đến, dân chính cư chèn ép, khinh rẻ, bắt họ ra ở xóm lẻ là xóm Dọc và Lõng Thú. “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Dân ngụ cư khi có sức mạnh bèn làm đình miếu riêng, chạy chọt xin “giải quy” lập thành xã riêng, lấn áp Kẻ Táu. Lại nữa, những non bấy trong nhận thức ở giai đoạn cách mạng đánh đổ phong kiến đã làm lu mờ văn hóa làng xã. Mọi việc thờ cúng tổ tiên, dòng họ mà ông cha ta đã theo đuổi nhiều đời đều bị coi là mê tín dị đoan. Mọi yếu tố tâm linh trong văn hóa làng xã, lưu trữ trong đình chùa, miếu mạo, trong tập quán lối sống mang lại giá trị chân, thiện, mỹ cho lối sống của dân làng bị xem thường. Thế là nền móng văn hóa làng xã bị xuống cấp, giống như “cái sân gạch lát lá nem ngót trăm năm chẳng còn sót được viên lành cho cỏ giờ mọc tòi lên theo các kẽ gạch vỡ. Cỏ và rêu phủ kín mặt sân” (Chớm nắng – Tuyển tập Nguyễn Hữu Nhàn tr 256).
Sự xuống cấp về văn hóa đó đã tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội có chức quyền như Chủ tịch xã Ngô Lâm, Trưởng phòng Vịnh đục nước, béo cò, tham ô, nhũng nhiễu đã đành, đến cả ông lão tám mươi tuổi thuộc hàng cha chú trong dòng họ Đinh Công là thành phần cố nông hồi cải cách ruộng đất được Đảng tin cậy tuyệt đối cũng xa đọa, biến chất, tham lam, bần tiện, tráo trở, lừa cán bộ xã, dối gian, ăn chặn tiền của, đấu tố anh em, kiện tụng con cháu, chống lại Trưởng tộc Đinh Công Lương và những người họ Đinh Công chân chính, chống lại chính dòng họ đã đùm bọc che chở cho mình.
Những kẻ vô văn hóa đó hiện thân của sự xuống cấp trầm trọng của văn hóa làng xã dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn.
Nghị quyết 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” đã định hướng cho văn hóa nước nhà. Lễ hội Trò Táu được lãnh đạo tỉnh cho phục dựng. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã bám vào đây đưa ra vấn đề và giải quyết vấn đề để văn hóa làng xã phát triển đúng hướng.
Hàng loạt nhân vật được điển hình hóa xuất hiện trong “Chớm nắng” với tính cách khác nhau, nhân sinh quan khác nhau, đối chọi nhau, thống nhất nhau. Có nhân vật xuất hiện thoáng qua, có nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối nhưng tất cả các nhân vật ấy đều như đang sống, đang đi lại, chạy nhảy trên trang sách của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn. Nhân vật Đinh Công Sâm là một thí dụ. Từ một người cố nông nhưng chỉ vì nhận thức về văn hóa làng xã yếu kém ông ta đã trở thành một kẻ khốn nạn, táng tận lương tâm ở cái tuổi gần đất xa trời. Hay nhân vật Trưởng phòng văn hóa Vịnh ít học, là kẻ trí thức lưu manh, bất nhân bất nghĩa, với đầy những việc làm đen tối, bẩn thỉu, xấu xa của một kẻ gặp thời hãnh tiến. Hay nhân vật Đinh Công Thử, một trí thức chân chính đi ra từ nông thôn trở thành tài giỏi, am hiểu kỹ lưỡng những việc hết sức cụ thể của văn hóa làng xã, có những công trình nghiên cứu khoa học sâu sắc nhưng lại nhu nhược trong gia đình, trong dòng họ, trong làng xã, bảo thủ, trì trệ, không bắt kịp với trào lưu đổi mới đang ùa nhập vào cuộc sống. Hay nhân vật Nhiên vô tư, trong sáng, nhân vật trung tá Nhân vị tha, nhân ái v.v… đều được nhà văn điển hình hóa đến mức độ tinh xảo.
Tất cả các nhân vật nông dân ấy hợp thành một xã hội nông thôn giầu bản sắc Trung du Bắc Bộ, làm nên một “Chớm nắng” riêng của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn vừa phong phú vừa giầu sắc thái riêng. Nó đã cùng với những tiểu thuyết tầm cỡ về đề tài nông thôn, nông dân của nhà văn Nguyễn Khắc Trường và các nhà văn khác tạo nên một diện mạo văn học trong thời kỳ đổi mới.đ
“Chớm nắng” là tiểu thuyết viết về văn hóa, lấy bối cảnh nông thôn và nông dân với những hiện trạng dòng họ, chi phái bè cánh, thôn xã phân quyền, đấu đá xảy ra phổ biến ở các vùng nông thôn. Tính cách các nhân vật trong tiểu thuyết còn nguyên vệt bùn đất của ruộng đồng, khắc khổ, xù xì, gai góc. Cái chất của người nông dân thật hột hiện ra, lại một lần nữa minh chứng cho tài năng và vốn sống của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, một nhà văn sinh ra từ nông thôn, lớn lên ở nông thôn và gắn bó với nông thôn, viết và thành công vang dội với đề tài nông thôn, nông dân và nông nghiệp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Thông qua tiểu thuyết của mình nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn muốn gửi gắm vào đó những cảnh báo cần phải đặc biệt lưu tâm, những tâm tư, tình cảm của ông cũng như bạn đọc đồng quan điểm về việc kế thừa và phát huy văn hóa làng xã để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Riêng tôi, đọc lại ghi chép của tác giả Dư Hồng Quảng trong bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn “Hãy trở về học cha ông” (sđd tr 171) tôi càng thêm kính yêu ông, một nhà văn viết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; một nhà nghiên cứu về văn hóa có danh tiếng không chỉ trong tỉnh Phú Thọ mà còn trong nước.
Rất may mắn cho bạn đọc, nhất là các bạn văn vì đã được Hội Liên hiệp Văn học ghệ thuật tỉnh Phú Thọ xuất bản và phát hành tác phẩm “Quê hương và bầu bạn” của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, ghi lại biết bao những tư liệu, kinh nghiệm sống, những trải nghiệm và kiến thức của một nhà văn đã dành cả đời viết, cày xới trên cánh đồng chữ về nông nghiệp, nông thôn, nông dân vùng đất Trung du, miền núi phía Bắc.
Vũ Quốc Khánh