Nguyễn Khắc Thông đến với thơ tuy có hơi “muộn” nhưng là cái “muộn” của quả chín già, hương trầm trong lõi gỗ. Đọc anh tôi thấy lung linh một vẻ đẹp nhân cách trong những câu thơ thấm đẫm hồn quê, hồn người. Nết đất, nết người trong thơ anh hiện lên mang đầy khí thiêng, hồn sông núi miền đất Tổ cội nguồn dân tộc. Anh đã làm giàu có thêm cho mảnh đất sinh thành những nét đẹp của văn hóa nơi Lô giang thao thiết; nơi ba sông hợp lại, còn đó một “Ngã ba Hạc phú” nổi tiếng của Tiến sỹ, Thượng thư Nguyễn Bá Lân như vừa mới viết. Nơi ấy anh có một tuổi thơ lam lũ, lớn lên trong đói nghèo nhưng luôn được tắm mình trong những câu chuyện của bà, của mẹ về lịch sử và văn hóa. Đó cũng là nơi anh neo trụ để sinh tồn và dâng hiến. Là người sống chi chút với đời, nặng lòng yêu quê hương xứ sở nên thơ anh luôn canh cánh một nỗi niềm trước những sự băng hoại về đạo đức và lối sống ở đâu đó hôm nay.
Ở tập thơ mới này, có rất nhiều câu thơ hay viết về mẹ, về em, về đất Tổ cội nguồn. Bật ra khỏi bài những câu thơ ấy neo vào lòng bạn đọc, làm nên một giọng điệu, một phong cách. Văn hóa truyền thống và lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước nơi Kinh đô Văn Lang xưa đã nuôi anh lớn lên và cho anh một cái nhìn thẳm sâu về thời thế và nhân thế. Cũng vì vậy mà anh cũng như thơ anh là của những gì thuộc về truyền thống với một ý thức công dân đầy trách nhiệm.
Có thể nói đây là tập thơ anh viết bằng cả tấm lòng, đầy trăn trở và tâm huyết về đất Tổ cội nguồn, về những người thân yêu ruột thịt, về tình nghĩa vợ chồng, về đất và người Trung du, về tình yêu thiên nhiên và con người, về chính anh và bè bạn… Vì thế mà nó đằm thắm, thao thiết, bâng khuâng.
Mảng đề tài để lại nhiều dấu ấn trong tập thơ này đó là những bài thơ anh viết về quê, về mẹ, về chính anh và bè bạn, về những kỷ niệm thấm đẫm hồn quê, hồn người.
Từ trong lam lũ đói nghèo lớn lên nên anh luôn nặng nợ với quê hương, và “Quê hương mỗi người chỉ một” nhưng đọc “Quê tôi” lại thấy bao miền quê trong đó: “Rạch luống thương đau, mơ hết đói nghèo/ Sục ruộng ngấu Mẹ bước lùi cấy mạ/ Giấc mơ xanh lót bằng đời rơm rạ/ Mẹ toan lo lấp khoảng trống đời mình”.
Người mẹ của anh cũng là người mẹ Trung du, người mẹ Việt Nam không chỉ “bước lùi” khi cấy mạ đâu mà họ luôn nhún nhường, chịu thương chịu khó, lúc nào như cũng “lùi” lại để chồng con tiến lên.
Có thể còn phảng phất hơi thơ của ai đó nhưng tuyệt nhiên không có sự lặp lại, bắt chước bởi “Quê tôi” của anh, chỉ anh mới có “Vầng trăng nghiêng khua cạn giếng đình /Mẹ tóc mây, em tóc xanh mầu nắng/ Vẫn tha thiết những chiều xưa bến vắng/ Sương trôi về mùa đã chuyển sang thu”.
Mùa đã sang thu nhưng lòng anh vẫn mãi như xưa, dù luôn “Tất tưởi mong quê phải khác bây giờ”.
Khác là khác về cuộc sống, còn nét đẹp của mẹ, của văn hóa làng, của truyền thống lịch sử và văn hóa thì phải giữ, nếu không “Sẽ không lớn nổi thành người”. Nguyễn Khắc Thông là con người như vậy nên đọc anh là thấy “quê”, thấy mình, thấy đằm thắm, mộng mơ và ấm áp. “Làng vẫn xanh cổ tích lúc nguyên sơ/ Mái chèo khua tiễn những chiều… yếm thắm/ Em thả hồ sen trắng ngần trăng đuối đắm…/ Bát chè xanh làng sum tụ hình quê”.
Ai lớn lên ở Trung du sẽ biết điều này và nhờ có điều này mà ăn nước trăm quê không mất giọng làng mình “Sóng sông Hồng như nghìn trang sách lật/ Chảy vào tôi, Lô giang nặng sa bồi”…
Phù sa của văn hóa cội nguồn “chảy” vào anh và từ anh “chảy” đến muôn nơi, muôn người qua những câu thơ ấy, lắng lại đắp bồi thành trầm tích neo lòng, neo chúng ta lại như con thuyền ở bến Lô giang, Đà giang, Thao giang “Xuống thuyền lại nhớ bến xưa/ Bâng khuâng “Hạc phú” như vừa đây thôi…/ Đã qua bao khúc lở bồi/ Ba sông hợp lại thành lời nước non/ Câu chờ một dạ sắt son/ Để cho câu đợi vuông tròn từ đây/ Tôi về Bến Hạc chiều nay/ Tìm em thuở ấy cỏ may có còn?”.
Đọc “Cỏ may có còn” lại nhớ trăng vàng lối cỏ bờ đê “Áo em vô ý cỏ găm dày”. Cỏ còn đấy mà em ở đâu, em có còn nhớ hay em đã quên. “Lá dong mẹ gói đất trời/ Lạt mềm buộc lại đầy vơi vuông tròn/ Lang Liêu dâng bánh nước non/ Trầm thơm huyền tích vẫn còn quanh ta/ Con là của mẹ của cha/ Mẹ, cha là của ông bà Rồng, Tiên”.
Và thật hạnh phúc trên mảnh đất huyền thoại nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi, của trời đất của cha Rồng mẹ Tiên ấy, Nguyễn Khắc Thông đã có một người vợ lúc nào cũng như con thuyền trên bến Lô giang đợi anh, lo cho anh và chia sẻ cùng anh mọi buồn vui, tiếp mở cho anh “giong buồm” về gặp Đà giang, Thao giang để ra biển lớn “Than đỏ hết lòng từ mẹ, cha ủ lửa/ Em khơi hồng căn bếp ấm bàn tay/ Cha, mẹ gội tóc bằng mồ hôi trên củi ướt/ Cháu con vào đời nhờ hơi ấm bàn tay”.
Bàn tay ấy đã nhen lửa cho cái bếp nhà luôn ấm, nhen lửa cho thơ anh tỏa sáng. Có lẽ nào chỉ đọc thôi mà không thấm ”Anh cứ đứng lặng người trên bến đỗ/ Để lòng mình tìm lại buổi nguyên sơ/ Bóng em dịu hiền đổ dài trên vách/ Thương cành mềm, cò lặn lội đồng xa”…
Thật cảm động mà không phải đi tìm đâu mà trong con người anh luôn thường trực, luôn thấy “Hình như em đứng đâu đây/ Hoa em thơm tỏa như ngày mới yêu”.
Còn nhiều những câu thơ như thế trong tập thơ này, nhất là khi anh viết về những kỷ niệm của một thời cắp sách tới trường… Ở đó có cái xao xuyến, bâng khuâng tiếc nuối về một ánh mắt, về những ngày chia xa “Nhớ buổi chiều xanh, nhớ lúc chia phôi/ Hoa sữa nồng nàn bay theo lòng mong đợi/ Em chẳng đến trường… mùa thu xa vời vợi/ Thơ nghẹn lời rươm rướm mắt mùa thương”…
Thương chẳng có mùa nhưng mùa thương ấy vẫn mãi vẹn nguyên những rung động đầu đời, để rồi dù có đi đâu ở đâu anh cũng luôn nhớ về Lô giang, Lập Thạch quê mình. Nơi ấy có đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, có cái giếng quê như “mắt làng”, có con thuyền neo đậu và cả âm vang của dòng Lô luôn thao thiết trong anh.
Cũng như khi viết về quê hương, về những người thân yêu ruột thịt, về những kỷ niệm, tôi đã gặp những câu thơ “nằm lòng” khi anh viết về Kinh đô Văn Lang xưa, về truyền thống lịch sử và văn hóa cội nguồn.
Đã bao nhiêu bài thơ viết về Việt Trì nhưng đã ai có phát hiện này như anh “Dọc đường Nguyễn Tất Thành/ Gió về cây ngon ngót”. Có lẽ chỉ đến anh, du khách về mảnh đất cội nguồn mới cảm nhận được “San sát đồi – đảo ốc/ Vặn mình xanh biếc xanh”.
Là người Trung du nhưng đã mấy ai biết “Sông Lô xanh vắt dọc Trung du”. Quan sát tinh tế này còn gặp trong rất nhiều bài thơ anh viết về Lễ hội về Đền Hùng, về Minh Nông, Bạch Hạc (Việt Trì).
Thấm đến tận cùng câu hát Xoan ở Hùng Lô mới có thể hiểu được cội nguồn của đâu chỉ là câu hát “Hoa gạo mong chờ đỏ mắt nhớ tháng Ba/ Câu hát Xoan nâng mái đình cong vút/ Thẳm vào đêm tưới ngọt lành cho đất/ Có tự bao giờ câu hát hóa vành nôi”…
Đọc ngẫm và tôi như nghe được lời ru của mẹ Âu Cơ… Lời ru truyền đời ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn anh, tâm hồn tôi, tâm hồn của tất cả chúng ta, của dân tộc Việt. Đó chính là trầm tích của văn hóa…
Ở mảng đề tài này, Nguyễn Khắc Thông đã có nhiều tìm tòi phát hiện để làm lạ đi những cái đã quen, làm mới lại những điều đã cũ “Xát muối lòng thuyền, khép lại cánh buồm nâu/ Sông bến như gương khỏa tay là vỡ/ Cầu ngược xuôi, em gánh hoa sang phố/ Vải chín bờ này Tu hú gọi bờ kia”…
Và đây nữa “Đám mây mầu truyền thuyết/ Đậu trên tán Chò Nâu/ Đọng hương thơm huyền tích”… Viết về Đền Hùng như thế chỉ có thể là một người rất hiểu về lịch sử và văn hóa của mảnh đất cội nguồn. Thành công này của Nguyễn Khắc Thông không phải chỉ là “thảng thốt” đâu mà để có “thảng thốt” này phải là người có nhiều trở trăn va đập.
Và từ va đập, trở trăn anh đã cho chúng ta thêm ý thức “Hết thịnh suy hưng mạt lại êm đềm/ Sao tránh khỏi là bồi trong đục/ Thời mở cửa gió lành và gió độc/ Tán vẫn lên xanh cây gạo chứng nhân già”…
Dưới bóng cây cổ thụ nghìn năm cũng như khi đứng trước ngã ba sông nhìn bãi bồi Bạch Hạc, những con tàu hối hả ngược xuôi, anh đã có những thước phim quay chậm bằng thơ rất thi sỹ “Sông Lô bay thảo câu thơ thành nét/ Cuốn trời cong vắt dọc Trung du/ Sông ưỡn mình, những con tàu rời cảng/ Lênh loang mờ sương khói bóng trăng lu”.
Trong cái náo nức, cái gần như “sương khói” ấy lòng chúng ta như chùng lại ở nơi “Sông rút ruột phù sa nuôi đất cát/ Thương đôi bờ xanh búng xác xơ/ Sông lẽo đẽo theo trăng về nẻo nhớ/ Mặt cồn lên ngực trẻ sóng lô xô”…
Và anh lại nhớ quê, nhớ làng “Phố làng khuất bóng trăng thu/ Còn đâu xao xác tiếng ru ơi à/ Mẹ còn đi cấy đồng xa/ Liềm trăng mẹ mắc hiên nhà lối quê/ Trùng trùng làng trọc bóng tre/ Nhớ khi khoai sắn, mẹ về bếp nhen/ Đêm đêm tiếng vạc mài nghiên/ Chìm vào dĩ vãng đua chen nhọc nhằn/ Làng quê khuất bóng nghìn năm/ Chạnh lòng thơ lại xếp vần u ơ”…
Trong tiếc nuối gần như xa xót ấy, hiện rõ một Nguyễn Khắc Thông luôn ý thức về văn hóa và cái đẹp của làng quê nghìn đời đã bị khuất lấp, chìm dần trong cái “bóng” của những cao tầng nơi phố thị.
Day dứt của anh cho chúng ta thức tỉnh, bởi đâu chỉ phố thị lắm đua chen mà hiếu, hỉ ở làng ở quê cũng đã khác… Không nhói lòng sao được khi mà “Nỗi chia ly phủ lớp bụi thời gian/ Thật, giả, trắng, đen, đám ma thời hiện đại…/ Người trong quách hồn vô lối/ Ngập ngừng theo gió khói hương bay” giữa “Những tiếng kêu chí hiếu xé lòng/ Tiếng khóc mướn kèm theo nhạc/ Nấc nghẹn lâm ly thống thiết/ Thuyền bát nhã đưa cụ vong qua sông Hải Hà/ Gọi khản cổ cháu con trả tiền đò công Sãi”…
Đâu chỉ đám ma ở làng đã khác xưa mà đâu đó hôm nay đã có rất nhiều lợi dụng văn hóa tín ngưỡng để làm tiền. Chính vì thế mà “đám ma ở làng thời hiện đại” của Nguyễn Khắc Thông như một lời cảnh tỉnh, một tiếng chuông báo động.
Cũng như ở hai mảng đề tài trên, thơ anh viết về những miền đất đã đi qua cũng có rất nhiều day trở và thảng thốt.
“Trở lại Lào Cai” gùi nỗi nhớ ngược đường chiều Tây Bắc là trở lại miền trăng “Gió cứ thổi dọc dài thương nhớ/ Mười búp tay hàng cúc khẽ cài đêm/ Vạt tóc mây tím trời trong chậu nước/ Hương rừng đưa vòm lá động tên em”…
Và khi nghe điệu Sli đêm ấy cùng anh, chúng ta như cũng mê hoặc trước “Mắt lúng liếng em đội mây vào chợ Sa Pa bồng bềnh trong câu hát men say”.
Say quá em mời rượu lẫn mây ở Sa-Pa có lẽ cũng chưa là gì với áo cóm khăn piêu và câu hát “khắp” ở Mộc Châu “Ban mở cánh thành người con gái Thái/ Những vòng xòe trăng nở dưới rừng thông/ Mắt em níu lòng anh từ dạo ấy/ Vẫn bồi hồi nhớ trái mận Loóng Luông”.
Không nhớ sao được khi đã mắc nợ với Mộc Châu, câu hát phải lòng hay phải lòng câu hát, xin đừng hỏi, khi trái tim đã loạn nhịp.
Sự “loạn nhịp” của Nguyễn Khắc Thông cho chúng ta những câu thơ hay. Và hay hơn cả là nỗi nhớ đã nở đầy trong hoa…
Hoài niệm về những chuyến đi đâu chỉ có vậy, “Ngày đã qua đáng yêu/ Anh gửi vào trang viết…/ Tình yêu luôn đầu tiên”.
Không biết có là sai không, khi ai ấy bảo rằng, tình nào chả là tình đầu, và dù có không phải thế thì hồi ức về những kỷ niệm đẹp cũng làm cho chúng ta vui lên trong những lúc buồn, để biết tin yêu và trân trọng hơn những gì ta đã có.
Hay không kém thơ tình, thơ viết về thiên nhiên vạn vật… của Nguyễn Khắc Thông trong tập thơ này cũng rất “gợi” với nhiều thi ảnh đẹp “Vườn xuân đưa lối chim xanh/ Tiếng chim lích chích hót thành ban mai”.
Dễ gì mà viết được câu thơ như thế… Cứ như không có chủ định gì nhưng tức cảnh thì làm sao gửi gắm được thế này “Lá chíu chít lên mùa/ Ai đã rửa mây để vòm trời biếc/ Nắng treo chuông náo nức/ Vốc mãi nhớ thương vẫn chẳng đầy”…
Tôi thích lối tư duy này của Nguyễn Khắc Thông… Và hình như anh thực sự là thi sỹ nhờ những câu thơ như thế.
Thế mạnh của anh là thơ truyền thống. Dù chưa nhiều những câu thơ bài thơ can dự vào thời thế và nhân thể, nhưng đọc anh là phải đọc bằng mắt. Lắng lại… Và ngẫm ngợi.
Đi theo mê đắm của cái đẹp, ra biển lớn nhưng luôn ý thức trở về nguồn, nên thơ anh đôn hậu, đằm thắm và nhiều giằng níu như con thuyền bên dòng Lô giang.
Bao trùm lên tất cả là một vẻ đẹp của đạo lý và nhân cách bắt nguồn từ cội rễ sâu xa là văn hóa. Tiếng thơ cũng như tiếng lòng anh như tiếng chim gọi bầy, trong trẻo và ấm áp.
Tình yêu quê hương, những người thân yêu ruột thịt và mảnh đất cội nguồn là mạch nguồn chủ đạo của thơ Nguyễn Khắc Thông. Đó cũng là căn cước cho thơ anh, thông điệp của thơ anh, gửi đến mọi người… Hơn cả thế là một thái độ sống, thể hiện rõ tâm thế của một người cầm bút luôn đứng về phía nước mắt, trên quê hương của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn “Công tột đỉnh kinh bang tế thế/ Dù phải trẫm mình vẫn nhất mực trung quân”.
Nguyễn Hưng Hải