Tác phẩm “Đường cách mệnh”- Giá trị lý luận và thực tiễn

Tại Hội thảo “Tác phẩm “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc- Giá trị lý luận và thực tiễn” nhiều tham luận, ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận thẳng thắn, khách quan và khoa học đã đánh giá toàn diện, luận giải làm rõ giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Đường cách mệnh” đối với cách mạng Việt Nam.

Sáng 26/5/2022, tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Tác phẩm “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc- Giá trị lý luận và thực tiễn.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III phát biểu đề dẫn Hội thảo(Ảnh: Đình Tăng).
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III phát biểu đề dẫn Hội thảo (Ảnh: Đình Tăng).

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III cho biết, cách đây 95 năm, những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc dành cho lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu, Trung Quốc từ năm 1925 – 1927, được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông ấn hành và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1927 với tên gọi là “Đường cách mệnh”.

“Như tên gọi của nó, tác phẩm đã vạch ra con đường cách mạng Việt Nam, trong đó, xác định mục tiêu, lý tưởng, đường lối, động lực cách mạng, phương pháp cách mạng, vai trò của lý luận cách mạng và nhiều nội dung quan trọng khác. Như bó đuốc dẫn đường soi sáng cho cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, “Đường cách mệnh” không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam trong lịch sử, hiện tại và tương lai”- PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà nhấn mạnh.

“Đường cách mệnh” là bước ngoặt trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, đánh dấu sự chín muồi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của Người. Nó cũng là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Không chỉ đơn thuần là tài liệu huấn luyện cán bộ, “Đường cách mệnh” là tác phẩm truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, truyền bá con đường cứu nước mới của Nguyễn Ái Quốc vào phong trào cách mạng Việt Nam. Hơn thế nữa, nó là sự chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.

“Nhìn tổng thể, tác phẩm “Đường cách mệnh” là một hệ thống luận điểm sâu sắc về cách mạng, về đường lối cách mạng, về Đảng cách mạng, về đạo đức cách mạng, về quan hệ giữa Đảng với công hội, nông hội, đoàn thanh niên, v.v.. Mỗi luận điểm trong “Đường cách mệnh” đều hàm chứa sâu sắc về tư tưởng, tính tích cực trong hành động, tính nhân văn trong quan hệ con người, có ý nghĩa cấp thiết không chỉ đối với cách mạng giải phóng dân tộc mà còn đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng”- PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà nhận định.

Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: Đình Tăng).
Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: Đình Tăng).

Trong quá trình chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 23 tham luận của cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Học viện Chính trị khu vực III và các nhà khoa học của các cơ quan khoa học trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận, ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận thẳng thắn, khách quan và khoa học; đánh giá toàn diện, luận giải làm rõ giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Đường cách mệnh” đối với cách mạng Việt Nam. Các tham luận và các ý kiến phát biểu đã tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Bối cảnh ra đời và nội dung cơ bản của tác phẩm “Đường cách mệnh”; vai trò của “Đường cách mệnh” đối với việc trang bị lý luận, xác lập nền tảng tư tưởng và ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; vai trò của lý luận trong “Đường cách mệnh” và công tác lý luận của Đảng biện nay; về giai cấp lãnh đạo trong “Đường cách mệnh” và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới hiện nay; quan điểm về tinh thần độc lập tự chủ, về lực lượng cách mạng, về phương pháp cách mạng, về đại đoàn kết toàn dân tộc, về đoàn kết quốc tế trong “Đường cách mệnh”; quan điểm về xây dựng Đảng trong tác phẩm “Đường cách mệnh” và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Đường cách mệnh” và vấn đề xây dựng Đảng hiện nay; tư cách của người cách mệnh trong tác phẩm “Đường cách mệnh” với vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung và đối với đội ngũ giảng viên trường Đảng hiện nay nói riêng….

Trên cơ sở các tham luận và các ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận, Ban Chủ trì hội thảo kết luận: Hội thảo đã đạt được mục đích đặt ra là nhằm thảo luận làm rõ giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Đường cách mệnh” đối với cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội thảo không chỉ tiếp tục làm rõ giá trị trường tồn của tác phẩm “Đường cách mệnh” mà còn là bó hoa tươi thắm nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 – 19/5/2022)./.

Đình Tăng

Bài Viết Tương Tự

Next Post