Tại buổi gặp mặt, bên cạnh các ý kiến của lãnh đạo Liên hiệp, Ths. NSNA Trần Thị Thu Đông với tư cách là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Đại biểu Quốc hội đã có ý kiến phát biểu quan trọng về vấn đề chuyển đổi số Quốc gia và cách Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, trong đó có Hội NSNA Việt Nam tham gia vào tiến trình chuyển đổi tất yếu, mang tính chất đột phá này của Chính phủ.
Đây là một cơ hội tốt để Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cũng như Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trực tiếp bày tỏ, nêu ra những ý kiến về các vấn đề cấp bách có tính định hướng lớn cho sự phát triển của VHNT thời gian tới đến với người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Mở đầu phần phát biểu, NSNA Trần Thị Thu Đông chia sẻ: “Anh chị em văn nghệ sĩ cả nước nói chung, đặc biệt lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành ở Trung ương thấy rằng: Sau đại hội 13 của Đảng; Sau khi thành lập Chính phủ nhiệm kỳ mới, tuy tình hình đất nước gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 nhưng Đảng và Nhà nước, Chính Phủ và Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo cả nước từng bước vượt qua những khó khăn đó, đưa đất nước ta bước vào giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Kinh tế đã có sự phục hồi khá tốt, mọi hoạt động đang dần trở lại bình thường. Điều này đã củng cố và nâng cao sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng và Chính phủ, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ. Đặc biệt gần đây, được Đảng, Chính Phủ tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc, đã làm nức lòng không chỉ đối với đội ngũ làm văn hóa, VHNT mà còn tạo sự phấn khích, đánh giá rất cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Đặc biệt, hôm nay là ngày nghỉ mà Thủ tướng và các Bộ ngành còn bố trí làm việc để hỗ trợ, giúp đỡ cho LHH và các Hội VHNT chuyên ngành trung ương. Điều đó, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đối với lĩnh vực văn hóa, VHNT và anh chị em văn nghệ sĩ”.
Tiếp đó, Chủ tịch Hội NSNAVN cũng nêu ra một số bất cập trong các vấn đề về cơ chế chính sách đối với lĩnh vực VHNT, bà bày tỏ: “Về mặt chung, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, về cơ chế chính sách còn nhiều bất cập. Cụ thể như:
– Để cán bộ, người lao động làm việc tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các Hội VHNT tỉnh, thành phố ổn định tư tưởng, cống hiến hết tài năng, tâm huyết, trí tuệ của mình, rất cần các cơ quan chức năng xác định rõ: cán bộ, người lao động làm việc tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương hiện nay là công chức hay viên chức?
– Trong đề án sắp xếp các tổ chức chính trị xã hội; chính trị, xã hội, nghề nghiệp, trong đó có các hội VHNT chuyên ngành trung ương, thì các chức danh lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương chưa được quan tâm đúng mức. Điều này rất bất cập sau khi hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra, VHNT được quan tâm.
– Hiện nay lực lượng văn nghệ sĩ được đào tạo chuyên nghiệp, chất lượng cao chưa nhiều, chưa xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của thời kỳ mới đặt ra. Vì thế, Đảng và Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư hơn nữa để có chính sách tạo và bồi dưỡng nhân tài nhất là ở nước ngoài.
Phần nội dung quan trọng trong phát biểu của Chủ tịch Hội Trần Thị Thu Đông là về vấn đề chuyển đổi số Quốc gia và cách Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, trong đó có Hội NSNA Việt Nam tham gia vào tiến trình chuyển đổi tất yếu, mang tính chất đột phá này của Chính phủ thông qua đề xuất 02 chương trình liên quan.
Chương trình thứ nhất: “Xây dựng ngân hàng dữ liệu số về tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam giai đoạn 2022-2030”:
NSNA Trần Thị Thu Đông thay mặt Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khẳng định: “Đây là một trong các nhiệm vụ cơ bản góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chương trình kết hợp kỹ thuật công nghệ 4.0 và nghiên cứu văn hóa, văn học nghệ thuật tập trung vào 10 lĩnh vực chuyên ngành với mục đích hướng đến xây dựng một ngân hàng dữ liệu số quốc gia về văn học nghệ thuật, phục vụ công tác nghiên cứu, phổ biến và quảng bá giá trị trong kho tàng văn học nghệ thuật Việt Nam đến mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước”. Đồng thời nhấn mạnh, khi thực hiện được, chương trình sẽ trực tiếp mang lại những hiệu quả thiết thực:
+ Về mặt khoa học: Việc triển khai Chương trình sẽ xây dựng được một nền tảng tri thức trên kho tàng văn học, nghệ thuật để quản lý, bảo tồn và phổ biến tới mọi độc giả qua phương tiện và hình thức truyền tải hiện đại.
+ Về xã hội: sẽ được sử dụng phổ biến trên các thiết bị của độc giả trong và ngoài nước; phục vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước; giới thiệu tại các sự kiện văn hóa, du lịch.
Các tầng lớp nhân dân sẽ hiểu thêm, yêu hơn truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước cũng như thấy được giá trị kho tàng văn học nghệ thuật từ ngàn xưa để lại. Chương trình cũng sẽ góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu tới các độc giả quốc tế về nét đẹp, đặc trưng, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn học nghệ thuật Việt Nam”.
Về Chương trình thứ hai: “Xây dựng Không gian sáng tạo và chuyển đổi số tác phẩm Nhiếp ảnh Việt Nam”, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2025.
NSNA Trần Thị Thu Đông đã nêu rõ những mục tiêu quan trọng gắn với hiệu quả to lớn khi chương trình được thực hiện thành công, cụ thể:
1- Giới thiệu đầy đủ, toàn diện và liên tục về lịch sử hình thành, quá trình phát triển của đất nước Việt Nam bằng hình ảnh nói chung, về lịch sử phát triển Nhiếp ảnh Việt Nam nói riêng.
2- Sưu tầm, sắp xếp, phân loại các bộ ảnh, hiện vật, tài liệu trong lĩnh vực Nhiếp ảnh; quản lý, khai thác phục vụ giới thiệu, nghiên cứu và giáo dục; đồng thời phục vụ hoạt động tra cứu thông tin, khai thác dữ liệu số.
3- Tổ chức trưng bày, triển lãm và các hoạt động quảng bá khác trên cả không gian vật lý và không gian thực tế ảo 3D nhằm giới thiệu một cách đầy đủ, toàn diện hơn các tác phẩm nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam, nhất là những tác phẩm ảnh nổi tiếng với công chúng trong nước và quốc tế.
4- Không gian sáng tạo và chuyển đổi số Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ đầu tư, xây dựng theo hướng kết hợp các yếu tố truyền thống và hiện đại nhằm tăng tính thu hút, hấp dẫn công chúng.
5- Đảm bảo tính đa dạng, thẩm mỹ trong hình thức thể hiện. Chú trọng thiết kế theo ngôn ngữ riêng, độc đáo, mang đậm dấu ấn và những nét đặc trưng của thể loại nhiếp ảnh thông qua hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại.
Chủ tịch Trần Thị Thu Đông cũng khẳng định Không gian chuyển đổi số này sẽ được thiết kế mở, sáng tạo, hấp dẫn theo tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới về lĩnh vực Nhiếp ảnh.
Cuối phần phát biểu, Chủ tịch Hội NSNAVN không quên nhấn mạnh mong muốn nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đối với những đề xuất của Liên hiệp Hội nói chung và đề xuất của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nói riêng.
Hy vọng, giai đoạn 2022 – 2025, với sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ trực tiếp xây dựng thành công Không gian sáng tạo và chuyển đổi số tác phẩm Nhiếp ảnh Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Hội và Nhiếp ảnh Việt Nam đối với đất nước và trên ảnh trường quốc tế.
Hoàng Trang – Ảnh: Trần Hải (báo Nhân dân)