Luật lệ ở Ấn Độ cấm trai gái lấy người khác đẳng cấp. Theo luật Hoàng gia Nhật Bản, nếu phụ nữ kết hôn với thường dân, sẽ bị tước bỏ thân phận Hoàng gia. Ở Việt Nam, chuyện “Tiên Dung lá ngọc cành vàng, kết hôn với chàng không mảnh khố che thân” lúc đầu cũng không được Vua Hùng chấp nhận.
Đi dọc sông Hồng, từ Phú Thọ xuống Hưng Yên theo câu chuyện xưa, chúng tôi đến nơi vinh danh truyền thuyết tình yêu Tiên Dung – Chử Đồng Tử. Đền được xây dựng ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tương truyền vào khoảng năm 300 trước Công nguyên, ở thôn Chử Xá, nhà cháy khiến hai cha con Chử Đồng Tử chỉ còn chung một mảnh khố thay nhau mặc khi ra ngoài. Lúc người cha sắp chết, bảo con hãy giữ chiếc khố lại mà dùng. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố để chôn cất cha, còn mình thì chịu cảnh trần truồng. Chàng mưu sinh bằng cách ban đêm kiếm cá, ban ngày dầm người dưới nước, bơi đến gần các thuyền để bán hoặc đổi cá lấy thức ăn.
Một hôm thuyền rồng của công chúa Tiên Dung (con gái Vua Hùng thứ 18) qua vùng Chử Xá. Nghe tiếng chiêng trống, đàn sáo, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát bên bụi lau. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung sai người quây màn ở bên bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử đang lẩn tránh. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc, sau hỏi han sự tình, thấy chàng thật thà, hiếu thảo, cường tráng, khôi ngô, lại nghĩ do trời xui đất khiến, nên xin được cùng nhau nên duyên vợ chồng.
Vua Hùng nghe chuyện con gái lá ngọc cành vàng tự ý kết hôn với một người nghèo đến không có mảnh khố che thân thì rất tức giận, không cho Tiên Dung trở về cung. Nàng cùng chồng phải buôn bán mưu sinh trong dân gian, giúp dân mở chợ lập phố, chữa bệnh cứu người, khiến cả một vùng tấp nập, phồn thịnh.
“Môn đăng hộ đối” là quan niệm xưa về hôn nhân tương xứng, giống như hai bên cánh cửa có cân đối thì khép lại mới kín kẽ, mới thành cái cửa. Đến thế kỷ 20, luật lệ Hoàng gia của các nước cũng còn rất khắt khe. Là con đầu lòng của Quốc vương Thái Lan Adulyadej, Công chúa Rajakanya trước khi kết hôn với một người đàn ông Mỹ năm 1972, đã phải từ bỏ tước hiệu Hoàng gia của mình.
Hãng tin Kyodo News ngày 29/10/2018 cho biết khi kết hôn với một thường dân là Kei Moriya, Công chúa Nhật Bản Ayako đã mất địa vị Hoàng gia của mình. Là cháu của Nhật hoàng Akihito, Công chúa Ayako đã từ bỏ tất cả để lấy chồng là Kei Moriya, nhân viên của một công ty vận tải biển. Trước đó, năm 2005, Công chúa Nori, con gái duy nhất của cựu Hoàng đế Akihito, cũng từ bỏ tước vị Hoàng gia của mình để kết hôn với Yoshiki Kuroda, một nhà thiết kế đô thị ở Tokyo. Cô không được nhận bất kỳ khoản trợ cấp tài chính nào.
Hiện nay, Hoàng gia Nhật Bản chỉ còn 17 thành viên, trong đó có 5 thành viên nữ chưa kết hôn. Ai kết hôn với người thường sẽ mất tư cách thành viên. Ngày 22/12/2021, một hội đồng đã đưa ra đề xuất giải pháp ngăn tình trạng Hoàng gia ngày càng bị thu hẹp quy mô, trong đó có việc không tước danh hiệu của Công chúa sau khi kết hôn với dân thường. Luật lệ Hoàng gia không dễ sửa nhưng thực tế biến chuyển buộc nước Nhật phải cân nhắc các phương án.
Về chuyện “môn đăng hộ đối” trong đời sống hôn nhân, Hàn Quốc có vẻ “cấp tiến” hơn các nước trong khu vực. Trong phim ảnh Hàn Quốc ngày nay luôn có các cuộc tình theo mô típ chàng Hoàng tử – cô Lọ Lem trong truyện cổ Grimm. Trong đời thực, nam giới thu nhập thấp lấy phụ nữ giàu hơn mình cũng là chuyện bình thường. Nhật báo Hàn Quốc Hankyoreh ngày 20/1/2023 dẫn báo cáo của Ngân hàng Hàn Quốc cho biết, hôn nhân giữa đàn ông có thu nhập thấp và phụ nữ có thu nhập cao ở Hàn Quốc xảy ra thường xuyên hơn so với 34 nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới.
Thực tiễn trên cho thấy, phong tục nếu không phù hợp cũng nên bỏ. Luật lệ là do con người làm ra, cần sửa thì sửa. Luật lệ phải đem lại văn minh, hạnh phúc. Quản lý là để phát triển. Nếu đề xuất Công chúa sau khi kết hôn với dân thường không bị tước danh hiệu Hoàng gia trở thành hiện thực thì chứng tỏ sức mạnh của tình yêu sẽ lên ngôi ở Nhật. Không gì là không thể thay đổi, chỉ có tình yêu là mùa xuân vĩnh cửu. Tình yêu chiến thắng tín điều. Tình yêu xóa đi định kiến.
Trở lại câu chuyện Tiên Dung – Chử Đồng Tử, sau này, lòng hiếu thảo và công đức của hai vợ chồng được Vua Cha ghi nhận và mối tình tuyệt đẹp của họ được muôn đời tôn vinh. Hôm nay, về Hưng Yên đi dọc sông Hồng, nghe lại chuyện tình Chử Đồng Tử- Tiên Dung khiến chúng ta thêm tin rằng tình yêu không bị giới hạn bởi luật lệ của con người.
Dư Hồng Quảng