Tôi tới thăm nghệ nhân điêu khắc tranh đá Triệu Hoàng Giang, sinh năm 1961, ở khu 10, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Lâu nay, tôi coi anh Giang là người bạn vong niên thân thiết, cùng quê hương, lại cùng tham gia sinh hoạt trong Hội LH VHNT Phú Thọ, cùng có đam mê sáng tác VHNT. Qua các lần tâm sự, tôi biết anh Giang sinh ra trong một gia đình nông dân lao động nghèo, có 6 người con, anh là con út trong nhà. Cha anh chẳng may bị bệnh mất sớm, một mình mẹ anh phải làm ruộng vất vả, nuôi dạy các con ăn học nên người. Lần lượt bà mẹ đã tiễn 4 đứa con trai lớn lên đường nhập ngũ, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó có 1 người con đã anh dũng hy sinh ở chiến trường miền Nam.
Ngay từ hồi còn nhỏ, anh Giang đã thấm sâu vào trái tim và khối óc những đức tính lao động cần cù và tinh thần yêu nước của gia đình. Anh cũng sớm bộc lộ khả năng và tố chất đặc biệt đam mê hội họa, nên anh thường được các thầy, cô giáo giao cho nhiệm vụ trình bày tờ báo tường của lớp. Lớn lên, anh được cán bộ địa phương cử đi kẻ khẩu hiệu và vẽ tranh pa nô, áp phích cổ động của xóm làng. Năm 1978, anh Giang tốt nghiệp trường PTTH, được Nhà nước cử sang Bungari học nghề cơ khí chính xác, theo tiêu chuẩn, chính sách là con em gia đình liệt sỹ. Những năm tháng học nghề trên nước bạn, anh phát hiện ra hai điều đặc biệt là: Nghệ thuật tranh khắc đá phát triển rất cao và sâu rộng ở các nước châu Âu, đã cuốn hút và khơi dậy niềm đam mê hội họa của anh, nên anh quyết định đi tìm thầy để học thêm nghề tranh khắc đá cho mình. Hơn nữa, nhờ chiến thắng vang dội của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nên các anh đi đến đâu cũng được nhân dân nước bạn giang rộng vòng tay yêu thương chào đón. Anh vô cùng xúc động, tự hào được làm người con đất Việt và càng thêm kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, biết ơn những tấm gương chiến đấu hy sinh của hàng triệu đồng bào, đồng chí thế hệ cha anh đi trước đã làm nên chiến thắng, mang lại niềm vinh dự cho Tổ quốc và tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ. Anh thầm hứa với mình quyết tâm học bằng được những bí quyết của nghề tranh khắc đá để trở về nước tập trung sáng tác vào các đề tài mà anh yêu thích, như: “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” và “Cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta”, mong trả được một phần nhỏ công ơn to lớn đó.
Năm 1985, anh Giang trở về nước, làm nghề thợ sửa chữa đồng hồ. Anh xin địa phương cấp cho mảnh đất nhỏ diện tích 100m2 ở ven Tỉnh lộ 324, gần chợ Sơn Vi, để làm nơi sinh sống và hành nghề. Năm 1990, anh lấy vợ là chị Bùi Kim Tình, sinh năm 1964, làm ruộng, kết hợp buôn bán hàng tạp hóa ở chợ quê. Năm 1995, sau 10 năm nhờ chăm chỉ lao động và tích cóp vốn liếng, vợ chồng anh xây dựng được ngôi nhà ba tầng khá khang trang và đầy đủ tiện nghi. Ngoài nghề sống chính là thợ sửa chữa đồng hồ, anh Giang còn mua sắm vật tư kỹ thuật, máy móc cơ khí, làm thêm nghề thợ khắc đá, phục vụ cho các công trình xây dựng của nhân dân địa phương, có sử dụng đến các loại nguyên liệu đá mĩ nghệ. Năm 1996, khi cuộc sống gia đình đã ổn định, vợ chồng anh nuôi hai con trai ăn học, khôn lớn nên người, anh Giang mới bắt tay vào thực hiện ước mơ tuổi trẻ của mình là sáng tác những tác phẩm tranh khắc đá. Nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm, đã sử dụng chất liệu đá giòn, rạn nứt, dễ vỡ vụn ở các chi tiết nhỏ, đòi hỏi kỳ công và tỉ mẩn, tác phẩm của anh không thành công. Nhưng anh không nản trí, đã vào tận Thanh Hóa tìm các loại đá có độ nhẵn, mịn và rắn theo đúng yêu cầu nghệ thuật chạm khắc, mang về, làm bức tranh đầu tiên anh lựa chọn để khắc họa là hình ảnh “Bác Hồ đang quan sát tại chiến dịch Biên giới, trên núi Báo Đông (Cao Bằng), năm 1950”. Sau hơn nửa năm, tác phẩm đầu tay hoàn thành, anh vui mừng phấn khởi được kết nạp vào Chi hội Mĩ thuật, Hội LHVHNT Phú Thọ. Các hội viên, bạn bè và người thân đến xem bức tranh, đã động viên, khuyến khích anh tiếp tục khắc họa thêm nhiều tác phẩm về hình tượng Bác Hồ lên các bức tranh đá như: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III”; “Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập”; “Bác Hồ với các vị đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam”; “Hồn nước”; “Bác Hồ đang đọc Báo nhân dân”… Ngoài ra, còn nhiều tác phẩm tranh khắc đá của anh liên quan đến hoạt động của Bác Hồ như: “Bìa cuốn sách Nhật ký trong tù”; “Lán Nà Nưa” (Tuyên Quang); “Lán Khuẩy Nậm” (Cao Bằng); “Bác Hồ về thăm làng Kim Liên” (Nghệ An); “Nhà sàn của Bác Hồ” (Phủ Chủ tịch – Hà Nội); “Tàu La-tu-sơ trên đường sang Pháp”; “Nguyễn Ái Quốc ở Đại hội Tua”… Tất cả các bức tranh khắc đá này của anh, đều rất đẹp, sinh động, thể hiện rõ những nét khắc tinh xảo, kỹ lưỡng, cẩn thận, miệt mài và sáng tạo của tác giả. Người xem đặc biệt ấn tượng và khen ngợi nhất là tác phẩm “Bút tích bản thảo di tích cuối cùng của Bác Hồ”. Từng chi tiết nhỏ của nét chữ đến dấu chấm, phẩy, nét gạch, xóa của bản thảo, đều được anh khắc nổi trên đá giống y hệt bản thảo viết tay của Bác Hồ.
Suốt thời gian 25 năm qua (1995 – 2020), nhà điêu khắc Triệu Hoàng Giang đã hoàn thành được 37 tác phẩm tranh khắc đá, thể hiện cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Kích thước của mỗi bức tranh phần lớn là cỡ 30×40 cm, một vài bức cỡ lớn hơn. Bức tranh lớn nhất là tác phẩm “Chống gậy lên non xem trận địa”, có kích thước 100×120 cm, khắc họa trong không gian ba chiều, chiều nổi 20 cm. Bộ tranh vô cùng quý giá này của anh được đặt trang trọng trên các giá gỗ, có phủ vải đỏ, chiếm trọn 2 gian nhà tầng dưới của anh.
Từ năm 2007, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”, nay là Cuộc vận động “Học tập và làm theo, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bộ tranh khắc đá về chân dung Bác Hồ của anh được Nhà nước và các ngành, các cấp của Trung ương và địa phương, mang đi dự 8 cuộc triển lãm lớn ở các nơi như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Đại hội CCB toàn quốc, Quân khu 2, Nghệ An, Thái Nguyên, Phú Thọ, nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp… thu hút hàng vạn lượt người xem. Trong đó, có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp… và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ ta đến dự, đã ghi lưu bút và nhận xét. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi lời khen ngợi: “Nghệ nhân Triệu Hoàng Giang với bàn tay điêu luyện và đức tính cần cù, đã khắc nên những bức tranh bằng đá về cả cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta. Tôi xem rất cảm động, cảm phục và tôi có lời khen ngợi nghệ nhân…”. Nguyên cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ghi nhận xét: “Bộ tranh khắc đá với nghệ thuật tuyệt vời do nghệ nhân Triệu Hoàng Giang thực hiện, cần phải duy trì và phát triển lên một bước, để cho nghệ thuật tranh khắc đá Việt Nam có tiếng vang không những trong nước và cả quốc tế”. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ghi dòng chữ: “Tôi rất xúc động được gặp Bác qua tác phẩm tuyệt diệu của đồng chí Triệu Hoàng Giang. Xin cảm ơn đồng chí đã cho tôi được gặp lại, đọc lại, nghe lại tất cả những gì Bác căn dặn con cháu…”. Tôi nghĩ, những lời khen tặng đó là mơ ước, tự hào, phần thưởng cao quý nhất cho anh Giang và tất cả giới văn nghệ sĩ chúng ta đã và đang say mê sáng tạo. Sẽ là thiếu sót, nếu tôi không nhắc tới tấm bia đá khắc họa lời dạy bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” được đặt trang trọng tại Đền Giếng, của khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (Phú Thọ), được hàng triệu triệu đồng bào ta hàng năm về dự lễ giỗ Quốc Tổ cùng chiêm ngưỡng, cũng là tác phẩm của nghệ nhân điêu khắc Triệu Hoàng Giang dâng tặng.
Hôm nay, tôi lại đến xem phòng trưng bày của anh, thấy thiếu mấy bức tranh đá quen thuộc. Tôi cứ nghĩ là anh Giang đã bán cho ai đó. Nên nghe tôi hỏi, anh Giang vui vẻ trả lời:
– Bộ tranh khắc đá này là tài sản vô giá lớn nhất của đời tôi, thể hiện tâm nguyện suốt đời biết ơn Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu. Đây là kết quả của những năm tháng miệt mài nhờ trí tuệ, niềm đam mê và sức lực thời tuổi trẻ của tôi. Bây giờ, tuổi đã cao, thị lực giảm, tay run, tôi không thể làm thêm tranh khắc đá được nữa. Vì vậy cuộc sống của tôi hiện nay tuy còn nhiều khó khăn, đã có nhiều người đến hỏi và đặt mua mỗi bức tranh khắc đá này với số tiền lớn. Đó là số tiền rất lớn và vô cùng hấp dẫn đối với tôi. Nhưng tôi cảm thấy nếu làm như thế sẽ là có lỗi lắm. Vừa qua, tôi đã hiến tặng 7 bức tranh khắc đá này cho Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn lại 30 bức tranh khắc đá ở đây, rồi tôi cũng sẽ chờ dịp hiến tặng hết cho Nhà nước.
Ghi chép của Bùi Ngọc Quế