Mùa làm sắn quê tôi bắt đầu vào cuối tháng mười. Đó là lúc mùa đông cũng vừa tới. Tôi còn nhớ, mỗi buổi sáng tờ mờ sương dày đặc, tôi cuộn mình trong chăn như con tằm cuốn kén mà vẫn cảm nhận được hơi sương buốt giá đang giăng đầy không trung, xuyên qua những kẽ cửa luồn vào nhà làm tôi lạnh cóng. Tôi chợt tỉnh giấc sau tiếng gáy vang của chú gà trống choai, nhưng vẫn nằm co mình không muốn dậy. Tôi nghe rõ tiếng rít thuốc lào của bố, thấy cả mùi ngai ngái của ấm chè xanh nóng hổi bốc hơi nghi ngút mà bố đang uống. Rít xong điếu thuốc lào, uống một ngụm nước chè, bố nói với mẹ tôi: “Đêm lạnh buốt thế này thì ngày trời nắng to và hanh lắm đấy”. Mẹ tôi đang loay hoay luộc nồi khoai dưới bếp, rơm cháy nổ tí tách, phả ra mùi thơm khoan khoái, ấm nồng mẹ lên tiếng: “Phải, tôi nghe dự báo thời tiết, hơn nữa sương nhiều lại buốt thế này là ngày nắng to”. Biết là rét đấy, sương đấy, gió đấy nhưng người làng tôi vào mùa sắn nhà nào cũng lên đồi dựng lều làm sắn đông vui cả dải đồi phía tây làng.
Tờ mờ sáng, bố tôi đánh xe bò đi trước, mẹ gánh quang với cơm nắm, khoai lang, nước uống, lỉnh kỉnh đồ đạc mang theo. Tôi lon ton chạy theo sau, bàn chân nhỏ dẫm lên những hòn sỏi, tê buốt nhưng trong lòng thấy rất vui. Tiếng xe cải tiến, tiếng bước chân người, tiếng cuốc xẻng, tiếng chào hỏi, gọi nhau ý ới… phá tan bầu không khí tĩnh mịch, một ngày làm việc nhộn nhịp nơi thôn quê bắt đầu.
Tôi thích thú nhìn bố nhún người nhổ lên khóm sắn củ sai chi chít, mắt bố sáng lên sau mỗi câu nói “Ồ, sắn năm nay được mùa, củ to dài, đùm rúm như nải chuối ấy…”. Chỉ một lát tôi đã thấy tấm lưng của bố ướt đẫm vì mồ hôi và những giọt sương còn đọng trên cây sắn rơi xuống. Thân cây sắn xù xì, đầy mắt làm bàn tay vốn chai sần của bố tôi thêm ửng đỏ. Nghỉ giải lao bố cùng mấy bác hàng xóm uống vài ngụm chè xanh, rít điếu thuốc lào rồi lại tiếp tục công việc. Sắn được mẹ con tôi chặt dời gốc chất đống giữa ruộng, mẹ tôi cho sắn vào bao tải rồi túm lấy hai đầu bao tải dâng lên, đặt xuống và trở mình liên tục sao cho những vỏ ngoài bong ra để lộ những thớ thịt sắn trắng ngà, củ nào chưa sạch mẹ nhặt riêng ra dùng sống dao đánh vảy, đây được gọi là công đoạn “đánh vảy”. Sau đó sắn được nhặt cho vào mủng mang về lều (lều sắn được dựng bằng những bó cây sắn chụm vào nhau), rồi dùng dao bất để thái thành những miếng mỏng hình bầu dục, những miếng sắn màu trắng như nhảy múa trên lưỡi dao rồi rơi xuống mủng.
Khi sương bắt đầu tan, nắng lên là lúc bắt đầu phơi sắn. Tôi hí hửng bê những mủng sắn mà mẹ đã thái ra tãi đều lên bãi phơi. Bãi phơi sắn phải là bãi đất có nhiều sỏi sạn hoặc là những dõng sắn đã nhổ mà nhiều sỏi sạn được lấp qua để làm bãi phơi, bãi phơi mà nhiều sỏi, sạn, có độ chênh sắn càng nhanh khô. Những miếng sắn được tãi sin sít, đều đặn khắp bãi tạo thành dải trắng trông rất đẹp mắt. Chiều đến khi mặt trời đã dần xuống, những miếng sắn lại được nhặt vào, sắn phơi khoảng 5 – 6 nắng thì khô hẳn đem về nhà cất được. Tôi còn nhớ khi nhặt những miếng sắn khô cho vào rổ xảo sóc cho sạch mẽ để mang về, những tiếng sòng sọc lúc đứt quãng, lúc nối tiếp rồi va chạm vào nhau bụi sắn bay ra tạo lớp trắng mờ mờ trong không trung bám lên quần áo, mặt mũi người một thứ bột trắng tựa như bông, hòa trong ánh nắng cuối ngày khuôn mặt ai cũng ánh lên niềm vui ngày mùa.
Những ngày làm sắn mọi người tranh thủ từng tí thời gian, bữa trưa cũng được ăn tại lều với những món ăn dân giã thôn quê được chính bàn tay mẹ tôi làm như: mắm tôm đồng chưng, cá diếc ướp thính nướng, tôm diu xào khế chua… lũ trẻ con chúng tôi thì tỏ ra thích thú với những bưa ăn tại lều như thế.
Đêm buông xuống, dưới ánh trăng mờ mờ, những lều sắn leo lét ánh đèn dầu, chỉ còn lác đác một vài bóng người, đa số là đàn ông và một vài đứa nhỏ không chịu về trong đó có tôi. Đêm tĩnh lặng, sương rơi xuống lạnh buốt, mọi người túm tụm lại vây quanh bên bếp lửa, nướng những củ khoai, vùi vài củ sắn ăn nóng hổi và rất thơm ngon.
Đâu đó tiếng chó sủa vọng lại từ nơi xóm làng xa. Trên những dải đồi, ánh lửa từ những lều canh sắn phía xa mờ ảo trong làn sương bạc, thỉnh thoảng có những tiếng cười nói vang vọng trong không gian. Tôi đưa mắt nhìn mọi thứ xung quanh, ánh lửa bập bùng chìm sâu vào những đôi mắt đầy niềm phấn khởi, hăng say lao động của bố và mọi người. Và rồi mí mắt nặng trĩu, tôi chìm vào giấc ngủ ngon lành.
Năm tháng qua đi, mọi thứ giờ đã thay đổi, ngày nay mùa làm sắn không còn vất vả và kéo dài như trước, không náo nức, không mong ngóng, lo âu. Nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, làm sắn bây giờ có máy đánh vảy, có máy ruôi, sắn được ruôi nhỏ nên rất nhanh khô. Bây giờ, vào mùa làm sắn nhiều công ty chế biến thức ăn gia súc, nhiều thương lái đánh ôtô về tận nương để thu mua sắn tươi.
Hôm nay, tôi trở về quê đúng vào mùa làm sắn, bao ký ức lại ùa về trong tôi. Mùa làm sắn bây giờ không còn những buổi phải dậy từ tờ mờ sáng với cái rét buốt của sương muối, cái hanh hao của nắng, gió heo may, với những bữa cơm trưa tại lều đậm vị hương đồng, với những buổi chiều nhặt sắn tay dính lèm nhèm nhựa, với những đêm ngủ lều lạnh buốt… tất cả giờ chỉ là kỷ niệm trong tôi để rồi mỗi dịp đông về tôi lại nhớ những mùa làm sắn đã qua.
T.L