Tôi đến xã Vân Du huyện Đoan Hùng vào những ngày tháng 3 hoa trái đơm bông ngào ngạt, lộc non xanh biếc trải dài, cây cối như được thay chiếc áo mới. Bộ mặt nông thôn khắp Vân Du đổi mới. Đời sống người dân ngày một nâng cao, bình quân thu nhập đầu người năm 2020 ước đạt 33 triệu/ năm, đường sá được bê tông hoá sạch đẹp.
Anh Nguyễn Hải Long – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Du cho biết: “Hội Nông dân xã hiện có 8 chi hội với 612 hội viên luôn đoàn kết giúp đỡ nhau, thi đua học tập làm theo gương Bác chăm chỉ, học hỏi phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, hăng hái lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, nguồn lao động mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất phát triển kinh tế gia đình vươn lên làm giàu, thoát nghèo đi lên”.
Trong phong trào thi đua học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Hội Nông dân xã Vân Du có nhiều hội viên tiêu biểu như: Nông dân Nguyễn Tiến Dũng sinh năm 1961 ở khu Đông Tiến B, phát triển kinh tế gia đình nhờ chăn nuôi trang trại tổng hợp: lợn, gà, vịt, ngan… Bác Dũng chia sẻ: “Sau khi xuất ngũ năm 1984 về địa phương kinh tế khó khăn, cái đói cái nghèo quanh quẩn, phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ không ngại khó, ngại khổ. Ngoài làm ruộng tôi luôn tự mày mò, học hỏi tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi của các hộ dân một số huyện lân cận, hễ nghe thấy ở đâu có người chăn nuôi giỏi là tôi lại lóc cóc đạp xe, có khi cả 30 chục cây số để đến tìm hiểu của những hộ nông dân chăn nuôi giỏi. Về nhà lúc đầu tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, dần dần có kinh nghiệm kỹ thuật, tôi đã mạnh dạn đầu tư tăng đàn. Đến nay gia đình tôi hàng năm xuất 4.000 gà thịt thương phẩm, gần 2.000 ngan, vịt và hơn 1 tấn lợn thịt…Tổng thu nhập hàng năm trừ chi phí cũng được gần 200 triệu đồng. Ngoài ra tôi còn cung ứng hỗ trợ các hội viên trong Hội con giống và thức ăn chăn nuôi cũng như kỹ thuật chăn nuôi”. Tuy trình độ học vấn còn hạn chế xong với ý chí ham học hỏi, bác Dũng đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình với nghề chăn nuôi. Mặc dù giá cả bấp bênh nên thu nhập chưa cao nhưng trong nhiều năm nay, gia đình bác đã tận dụng thời gian nông nhàn chăn nuôi, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình đi lên thoát nghèo và giúp đỡ nhiều gia đình khác trong xã.
Tạm biệt gia đình bác Dũng, anh Nguyễn Hải Long – Chủ tịch Hội nông dân xã Vân Du đưa tôi đến khu Nam Đẩu thăm mô hình chăn nuôi lợn khép kín hiện đại của gia đình nông dân Trần Quốc Hoàn sinh năm 1964. Đây là một mô hình nuôi lợn được áp dụng công nghệ hiện đại 4.0, việc chăm sóc được theo dõi trên máy camera. Nhìn trên máy theo dõi đặt tại sân sảnh nhà, qua màn hình theo dõi, chúng tôi thấy chủ trang trại lợn đang bật quạt gió hút mùi, kiểm tra nhiệt độ bên chuồng lợn con. Thấy có cuộc gọi của Chủ tịch Hội Nông dân xã, bác Hoàn đi vào thay quần áo bảo hộ tiếp khách. Vừa uống trà chúng tôi vừa được bác kể: Qua nhiều năm, chăn nuôi bị dịch bệnh, thất bại nhiều do công tác phòng dịch không đảm bảo, giá lợn bị rớt xuống thấp, có lúc tôi đã bị trắng tay, chuồng lợn bị xoá sổ hoàn toàn, mất cả tỷ đồng. Lúc đó tôi rất nản chí, muốn bỏ luôn không chăn nuôi nữa nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, được các cấp ngành tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nhiều gương nông dân vượt khó vươn lên học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vốn là người nông dân giàu nghị lực tôi đã quyết tâm vượt lên khó khăn mạnh dạn làm lại từ đầu. Lần này tôi rút kinh nghiệm mày mò đến các trang trại chăn nuôi lớn của một số huyện lân cận, tìm hiểu kỹ thuật phòng dịch. Sau đó huy động vốn vay từ anh em, bạn bè, các tổ chức tín dụng và chính sách hỗ trợ của Nhà nước được gần 1 tỷ, tôi quyết định bỏ toàn bộ chuồng trại cũ, xây dựng mới hệ thống chuồng khép kín theo hướng hiện đại. Lúc đầu tôi mạnh dạn nuôi 20 nái lợn và 200 con lợn thịt, nhờ làm tốt công tác phòng dịch tuyệt đối, năm đầu tiên sau 2 lứa lợn thu hoạch được giá tôi đã trả gần hết nợ cho anh em, bạn bè và mở rộng thêm quy mô trang trại. Hiện gia đình tôi đang nuôi gần 40 nái lợn đẻ, lợn giống đẻ ra mỗi lứa tôi để lại nuôi khoảng hơn 200 con lợn thịt, còn lại bán lợn giống. Lợn của gia đình tôi nuôi đảm bảo chất lượng nên lợn thịt và lợn giống nuôi xuất đến đâu thương lái trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Lào Cai, Tuyên Quang mua hết đến đó. Mỗi năm trừ chi phí tôi thu được khoảng hơn 500 triệu”. Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết, bác Hoàn luôn đoàn kết giúp đỡ các hội viên trong Hội làm giàu thoát nghèo thông qua việc thường xuyên cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi và kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân trong xã và các xã lân cận. Đây là tấm gương người nông dân giàu nghị lực vượt khó biết đổi mới cách nghĩ, cách làm vươn lên làm giàu thoát nghèo bền vững.
Những tấm gương hội viên Hội Nông dân ở xã Vân Du – Đoan Hùng học tập làm theo gương Bác vượt khó làm kinh tế giỏi như Nguyễn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn và nhiều tấm gương khác trong Hội đã góp sức mình nâng cao chất lượng hiệu quả các phong trào thi đua, các hoạt động dịch vụ tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh.
Trần Thị Liên