Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước, Tổ tiên của cộng đồng dân tộc Việt Nam, nơi in đậm dấu tích di sản văn hóa từ thời đại Hùng Vương dựng nước với những câu chuyện truyền thuyết lịch sử, các di chỉ khảo cổ và các di tích đền, đài, lăng, tẩm thờ tự các Vua Hùng. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, các di tích tín ngưỡng được những triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ, đã trở thành nơi hội tụ văn hóa tâm linh thể hiện đạo lý truyền thống, sự tri ân công ơn các Vua Hùng, là nơi hội tụ khối đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Các di tích Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền Quốc tổ Lạc Long Quân và nhiều công trình văn hóa khác được tôn tạo ngày càng khang trang và tôn nghiêm. Bảo tàng Hùng Vương với hàng ngàn hiện vật, tài liệu khoa học được lưu giữ và trưng bày thuộc các giai đoạn thời kì đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam phục vụ đồng bào cả nước về thăm viếng Tổ tiên và tìm hiểu lịch sử thời đại Hùng Vương. Hàng năm cứ vào dịp mùng 10 tháng 3 Âm lịch, đông đảo du khách từ khắp mọi miền đất nước lại hành hương về Đền Hùng để tưởng nhớ và tri ân công lao dựng nước của Tổ tiên.
Đặc biệt, với những giá trị độc đáo riêng có và nổi bật toàn cầu, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đây là di sản tiềm năng, có giá trị to lớn thuận lợi cho việc phát triển du lịch tâm linh trở về với cội nguồn dân tộc. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì nằm trong danh mục các địa bàn tiềm năng phát triển thành Khu Du lịch Quốc gia với định hướng khai thác phát triển du lịch về nguồn, khai thác thế mạnh hệ thống di tích thời đại Hùng Vương, tham quan tìm hiểu các giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc.
Tháng 10/2020, Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, điều này càng cho thấy rõ vị thế của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Đây là cơ hội thuận lợi, là tiền đề để tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa, lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn với phát triển dịch vụ du lịch.
Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng là Khu du lịch tâm linh, cần khai thác tốt lợi thế du lịch về nguồn, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững và phát triển kinh tế – xã hội. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề ra kế hoạch, mục tiêu, giải pháp khai thác giá trị Khu Du lịch Quốc gia trong phát triển du lịch của tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử Đền Hùng, của thời đại Hùng Vương và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; hệ thống hóa và tiếp tục nghiên cứu, thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; hướng dẫn và phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy di sản, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, phục vụ chu đáo đồng bào, thu hút du khách về Đền Hùng; chủ động trong việc kết nối Đền Hùng với các tuyến, điểm di tích trong tỉnh, các doanh nghiệp lữ hành để tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng, hấp dẫn, chuyên nghiệp; Xây dựng và tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm, các sản phẩm du lịch học đường, giáo dục truyền thống lịch sử cội nguồn; Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, đa dạng các mặt hàng lưu niệm, xây dựng môi trường du lịch sinh thái, đảm bảo văn hóa, văn minh trong khu vực Di tích, kích cầu du lịch. Tập trung triển khai hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch cục bộ các phân khu chức năng trong Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 để thu hút đầu tư liên doanh, liên kết xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thực hiện công tác đón tiếp phục vụ đồng bào và du khách về Đền Hùng gắn với các biện pháp phòng, chống dịch. Tích cực tuyên truyền, khuyến cáo du khách thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế qua các biển cảnh báo, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và bố trí cán bộ hướng dẫn nhắc nhở du khách đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch khác, đồng thời bố trí dung dịch sát khuẩn phục vụ du khách. Qua các hoạt động tuyên truyền, người dân, du khách đến dâng hương nâng cao ý thức, chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch.
Khai thác giá trị Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng để phát triển du lịch đòi hỏi sự tập trung phối hợp vào cuộc của các ngành, đơn vị trong tỉnh, trong đó, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng sẽ phát huy vai trò trong thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, thường xuyên chủ động, tích cực, phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi, chu đáo, an toàn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng nỗ lực thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tạo môi trường an toàn nhất để đồng bào an tâm về thắp hương tri ân công đức Tổ Tiên vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay.
Lê Trường Giang
Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng