Thời đại Hùng Vương có những nét văn hóa đã trở thành “gốc rễ” của văn hóa Việt Nam. Lời thề xuất quân chống lại nhà Hán của Hai Bà Trưng cách đây 2000 năm có đoạn phải “dựng lại nghiệp xưa họ Hùng” là một minh chứng về một nền văn hóa Việt đối diện với văn hóa phương Bắc mà từ hàng ngàn năm trước ông cha ta đã có ý thức giữ gìn và bảo tồn như một nét văn minh của người Việt. Vậy những nét văn hóa đó là gì?…
Văn hóa rừng
Ngay từ đầu, rừng được xác định là một địa bàn sinh sống quan trọng của dân tộc Việt Nam. Huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ kể lại rằng Tổ phụ Lạc Long Quân đã nói với Tổ mẫu Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, ở với nhau lâu không được. Vậy nàng hãy đưa năm mươi con lên rừng. Ta đưa năm mươi con xuống vùng biển”. Bởi thế nên dân gian ta có câu cửa miệng: “Rừng vàng, biển bạc”. Người con trai trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ sau đó đã lên ngôi ở Phong Châu (Phú Thọ), là một vùng rừng núi, lấy hiệu là Hùng Vương và lập ra quốc gia Văn Lang.
Sự tích trầu cau ra đời vào thời Hùng Vương thứ tư cho thấy cây trầu, cây cau, vôi, những nguyên liệu làm nên món trầu cau truyền thống của người Việt Nam ta, được người dân phát hiện ra ở rừng. Đây là một câu chuyện cổ tích của dân tộc ta nhưng cũng chứng tỏ “miếng trầu là đầu câu chuyện” cũng không thoát khỏi nguồn gốc là từ rừng!
Bên cạnh đó, sự tích Bánh chưng, bánh giầy đã kể lại rằng: “Vào đời Hùng Vương thứ sáu, vua tuổi già nên muốn truyền ngôi. Nhân gần đến ngày giỗ Hùng Vương thứ năm, vua Hùng bảo các con hãy đi kiếm của ngon vật lạ để dâng lên. Ai tìm được sẽ truyền ngôi cho… Đến ngày giỗ, các quan lang lần lượt đem về, nào là món gân nai hầm, nào là món tay gấu, rồi món nem công, chả phượng cực kỳ thơm ngon…”. Điều này cho thấy, vào thời Hùng Vương thứ sáu đã bắt đầu có việc khai thác các sản vật của rừng để chế biến các món ăn cầu kỳ phục vụ cho đời sống tâm linh, thờ cúng ở kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang.
Cuối cùng, trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, Sơn Tinh là thần núi Tản Viên đến xin vua Hùng thứ mười tám cưới Mỵ Nương. Nhưng vì có Thủy Tinh, thủy thần sông Hồng cũng xin cưới Mỵ Nương nên vua Hùng đã dùng cách thách cưới. Lễ vật có “một trăm ván cơm nếp, hai trăm nẹp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi. Ai đem lễ vật đến trước sẽ cưới được Mỵ Nương…”. Nhìn vào lễ vật thì chúng ta thấy được vua Hùng ưu ái Sơn Tinh rõ ràng. Vì voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao là những sản vật chỉ có ở rừng. Bởi thế, Sơn Tinh là người đến sớm hơn Thủy Tinh và cũng là người lấy được Mỵ Nương!
Truyện xưa là vậy nhưng đủ để cho ta biết người Việt cổ đã khai thác rừng và coi trọng rừng như thế nào! Chính vì vậy, trên trống đồng Đông Sơn, một linh khí của thời Văn Lang cũng có những khắc những con vật ở rừng như chim, thú như hươu nai, cáo, chim lạc… Vào mùa lễ hội, người dân Văn Lang cũng đội những chiếc mũ bằng lông chim rừng.
Về mặt tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có liên quan đến rừng. Đó là Mẫu Thượng Ngàn. Mẫu Thượng Ngàn theo tương truyền là Quế Hoa Mị Nương công chúa, con vua Hùng Vương. Sau khi sinh được bà thì mẹ bà cũng qua đời nên lớn lên bà quyết chí tu hành, không kết duyên, về sau cùng mười hai nàng thị nữ vào rừng sâu. Sau đó nhiều lần bà hiển linh, dạy dân trồng trọt, làm ăn, biết lên rẫy làm nương, đi rừng, làm ruộng bậc thang. Ngày 1/12/2016, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cũng đã chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Rừng cũng là nơi chứng kiến sự xâm lược đầu tiên đến từ phương Bắc và cuộc kháng chiến đầu tiên của dân tộc. Tư liệu cổ nhất ghi chép về việc nhà Tần xâm lược nước ta là sách Hoài Nam tử của hoàng thân nhà Hán là Hoài Nam vương Lưu An, sống sau thời Tần khoảng trên 50 năm. Lưu An lý giải thêm nguyên nhân “nam tiến” của vua Tần là do “ham sừng tê, ngà voi, lông trả, ngọc châu và ngọc cơ của người Việt, bèn sai Đồ Thư mang 50 vạn binh chia làm 5 đạo…” (Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh (1991), Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, tr.132). Để tránh thế mạnh của quân Tần, người Việt rút vào rừng sâu đánh tỉa dần quân giặc và cùng nhau bầu thủ lĩnh mới để chống địch. Thục Phán trở thành thủ lĩnh đứng lên chống Tần. Về sau Thục Phán chính là An Dương Vương, người lập ra nhà nước Âu Lạc, nhà nước tiếp nối của nhà nước Văn Lang.
Văn hóa biển
Qua các bằng chứng khảo cổ học, nhân dân Văn Lang thời các Hùng Vương đã ngang dọc Biển Đông. Trong khi đó, văn hóa Trung Quốc xuất phát từ vùng Hoàng Hà trở lên phía bắc châu Á, hoàn toàn không có ý niệm Biển Đông gắn liền trong văn hóa từ khởi nguyên.
Đầu tiên, điều này thể hiện bởi các nền văn hóa biển nổi tiếng thời tiền sử – sơ sử tại Việt Nam là: Văn hóa Soi Nhụ, Văn hóa Hạ Long… với những di chỉ “đống vỏ sò” hay “cồn sò điệp”. Chuyện chế ngự các loài thủy quái trên biển để phát triển ngành kinh tế biển cũng được nhắc đến từ xa xưa. Theo Lĩnh nam chích quái, Lạc Long Quân, Thủy Tổ dân tộc Việt là người có công diệt Ngư tinh vùng Biển Đông để nhân dân Lĩnh Nam được an cư lạc nghiệp. Truyện kể rằng: Lạc Long Quân đã rút gươm chém Ngư Tinh làm ba khúc. Khúc đầu hoá thành con chó biển. Lạc Long Quân lấy đá ngăn biển chặn đường giết chết con chó biển, vứt đầu lên một hòn núi, nay gọi hòn núi ấy là Cẩu Ðầu Sơn. Khúc mình của Ngư Tinh trôi ra xứ Mạn Cẩu, nay còn gọi là Cẩu Ðầu Thủy. Khúc đuôi của Ngư Tinh thì Lạc Long Quân lột lấy da đem phủ lên hòn đảo giữa biển, đảo ấy nay còn mang tên là Bạch Long Vĩ… Sau đó, cũng chính Lạc Long Quân đã dẫn các con về miền biển để làm chủ Biển Đông. Một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ sau này lập ra Bách Việt. Riêng người con trai trưởng lập nên nhà nước Văn Lang.
PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội) người tham gia nhiều cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ học tại các di chỉ Cù Lao Chàm, văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo cho biết: “Thời Đông Sơn thể hiện rất rõ, cư dân Đông Sơn phải chiếm lĩnh được biển họ mới giao thương, trao đổi được các trống đồng”. Trên thực tế, trống đồng không chỉ hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam, mà còn được phát hiện ở phía nam Trung Hoa, ở Nhật Bản và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Myanma, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia…
Hiện nay, tộc người Minangkabau ở Indonesia theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Việt Nam và Indonesia là có nguồn gốc từ người Việt. Người Minangkabau cũng có tục nhuộm răng và có nhiều thói quen sinh hoạt tương đồng với người Việt như “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, khách đến nhà sẽ được chủ nhà mời trầu cau. Vì sao có sự tương đồng kỳ lạ này? Đó là do một bộ phận người Việt cổ đã vượt Biển Đông để đi chiếm lĩnh vùng đất mới, mở mang lãnh thổ cư trú và phát triển giống nòi của dân tộc mình.
Trong khi đó, văn hóa Trung Quốc xuất phát từ vùng Hoàng Hà trở lên phía bắc châu Á, hoàn toàn không có ý niệm Biển Đông gắn liền trong văn hóa từ khởi nguyên. Bởi vùng nam sông Trường Giang là thuộc lãnh thổ của Bách Việt. Bách Việt có nghĩa là “một trăm nước Việt”. Đây mới chính là chủ nhân của nền văn hóa vùng sông Trường Giang xuống phía nam. Và Việt Nam lại là hậu duệ của Bách Việt, khi nhà Tần đã tiêu diệt hết các nước Việt khác. Đặc biệt, các bản đồ của Trung Quốc trước đây cũng chứng minh vùng biển của Trung Quốc chỉ kéo dài tới đảo Hải Nam. Bởi vậy, Việt Nam là chủ nhân văn hóa của Biển Đông từ ngàn xưa cho đến nay.
Văn hóa Tết
Thủy tổ của các vua Hùng, tổ tiên của người Việt ngày nay, là Thần Nông. Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên chép: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam – Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương”.
Thần Nông là người dạy dân trồng trọt. Sách Thương Quân thời Xuân thu Chiến quốc của Trung Quốc đã khen thời Thần Nông rằng: “Đời Thần Nông, con trai cày mà ăn, con gái dệt mà mặc, không dùng hành chính mà dân được được trị, không dấy binh đao mà làm vua thiên hạ”.
Do nhu cầu canh tác nông nghiệp, người Việt cổ đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thời”). Trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán. Sau này nó được biết đến là Tết Nguyên đán, tức là Tết của người Việt.
Khổng Tử (511-479 TCN) là nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa. Trong sách Kinh Lễ, ông viết: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”.
Sách Giao Chỉ Chí của Trung Quốc cũng có đoạn viết về Tết. Sách viết: “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này”. Như vậy, Tết là ngày lễ hội lớn của người Việt cổ nhằm mừng một vụ mùa nông nghiệp mới. Về bản chất, Tết là khoảng thời gian người nông dân được nghỉ ngơi vui chơi trước khi bắt đầu một chu kỳ canh tác, gieo trồng mới… Như vậy, Tết là đặc trưng của văn hóa Việt cổ. Nấu bánh chưng bánh giầy, ăn trầu cau… là những nét độc đáo vào ngày Tết của người Việt cổ còn lưu lại đến tận bây giờ.
Mặt khác, năm mới ở Trung Quốc bắt đầu bằng việc xua đuổi con “Niên” (năm). Theo truyền thuyết, ngày xửa ngày xưa ở Trung Quốc có con thú dữ gọi là “Niên”, trên đầu mọc sừng, hết sức hung dữ. Con “Niên” quanh năm suốt tháng sống dưới đáy biển, cứ vào đầu năm mới thì nó mới lên bờ để giết súc vật và hại người. Tuy nhiên, con vật này sợ tiếng ồn nên người Trung Quốc đã dùng pháo tre trúc và pháo nổ đốt để xua đuổi. Con “Niên” sau bị Hồng Quân Lão Tổ của Đạo giáo Trung Hoa thu phục và trở thành vật cưỡi của vị thần tiên này. Bởi vậy, những ngày đầu năm trong tâm thức của người Trung Quốc xưa là một nỗi sợ chứ không phải là mừng vụ mùa như người Việt cổ.
Những nét văn hóa khác
Trước khi kết duyên với Âu Cơ và sinh ra trăm con Bách Việt, Lạc Long Quân là vị vua của vùng đất Lĩnh Nam. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân đã có nhiều chiến công hiển hách như: diệt Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh và đẩy lùi sự xâm lược của Đế Lai đến từ phương Bắc. Ngoài các chiến công đó, Lạc Long Quân còn có công dạy cho người dân biết cách trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn để ở, phòng thú dữ và đề ra quy tắc ứng xử cha con, vợ chồng.
Theo sử cũ thì đến khoảng thế kỷ thứ VII trước công nguyên, 15 vùng Việt Cổ đã chịu thừa nhận quyền lực chung của người thủ lĩnh bộ Văn Lang và tôn xưng là Hùng Vương. Điều này được phản ánh đầy đủ tại Bản Ngọc phả Hùng Vương. Bản Ngọc phả Hùng Vương được coi là viết sớm nhất về thế thứ các đời vua Hùng ra đời vào năm Thiên Phúc nguyên niên (980) đời vua Lê Đại Hành, nhà Tiền Lê. Các triều đại sau đó đều cho tiến hành sửa chữa, sao chép lại và bản Ngọc phả đền Hùng còn được lưu giữ đến ngày nay là bản được sao chép có niên đại vào năm Hoằng Định thứ nhất (năm 1600) đời vua Lê Kính Tông nhà Hậu Lê. Tên gọi đúng và đầy đủ của bản Ngọc phả này là Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền, nghĩa là Ngọc phả cổ truyền về mười tám đời vua Hùng; hoặc Cổ Việt Hùng thị thất thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền, nghĩa là Ngọc phả cổ truyền về mười tám đời thánh vua triều Hùng nước Việt cổ.
Vậy Nhà nước Văn Lang có nghĩa là gì? Theo các tài liệu thì Văn là người, nhóm người, tộc người, cộng đồng người… Còn Lang là sông. Ghép lại, Văn Lang có nghĩa là cộng đồng người lập nghiệp bên lưu vực những con sông. Người Văn Lang cũng được gọi là người Việt. Chữ Việt có hai nghĩa. Chữ Việt bộ Mễ là nghĩa là thời bình người Việt làm nghề nông sinh sống, lúa gạo trữ trong kho. Chữ Việt bộ Tẩu nghĩa là thời chiến người Việt cầm vũ khí đi chống xâm lăng để giữ nước. Điều này rất đúng với cư dân Việt cổ. Sách Việt giám thông khảo tổng luận cũng chép về việc quản lý đất nước thời Văn Lang chủ yếu theo tục lệ cổ truyền: “Dân không có thói gian dối”, “buộc nút dây mà làm chính sự”.
Cơ sở kinh tế của văn minh Văn Lang là nông nghiệp lúa nước. Đó là câu “Ruộng lạc, theo nước thủy triều lên xuống mà làm” chứng tỏ rằng người Việt cổ đã có được phương thức làm ruộng nước ở ven sông, ven biển, tránh những ảnh hưởng xấu đến mùa màng. Lịch nông nghiệp đã hình thành. Dân chúng thời Hùng Vương thạo nghề bắt cá, chài lưới (điển hình bằng tục vẽ mình), nghề nông (truyện bánh chưng, bánh giầy, dưa hấu), nghề luyện kim (truyện Phù Đổng Thiên Vương), và nghề buôn bán (truyện Chử Đồng Tử, Mai An Tiêm). Bên cạnh đó, chữ Khoa Đẩu là thứ chữ đầu tiên của người Việt cổ đang được nghiên cứu. Đó là một thứ có hình dáng như những con nòng nọc nên còn gọi là chữ nòng nọc. Đặc biệt nhất là trống đồng. Trống đồng Việt Nam phân bố ở nhiều nơi trên đất nước ta, từ Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn đến Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Sông Bé, Khánh Hòa, Vũng Tàu… và cả hải đảo xa xôi Phú Quốc. Ngoài ra, bằng con đường giao lưu văn hóa, trao đổi, trống đồng còn có mặt ở các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia… Trống đồng ngoài chức năng là một nhạc khí, còn tượng trưng cho quyền lực của các vị thủ lĩnh người Việt ngày xưa.
Về văn hóa tín ngưỡng, truyện Chử Đồng Tử – Tiên Dung cũng phản ánh tín ngưỡng sơ khai của thời đại Hùng Vương. Một số ý kiến cho rằng đây là đệ tử đầu tiên của Phật giáo cổ du nhập vào nước ta. Bên cạnh đó, nhuộm răng đen, một hình thức chống sâu răng của người Việt cổ, đã trở thành tục lệ chung. Cùng với nó, tục ăn trầu, xăm mình cũng phổ biến và được truyền từ đời này sang đời khác. Hiện nay, Việt Nam cũng có 2 di sản về thời đại Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đó là là hát Xoan, những điệu hát có từ thời Hùng Vương, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo tồn khẩn cấp năm 2011. Và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của việc thờ cúng tổ tiên của người Việt, được công nhận là di sản văn hóa tâm linh tiêu biểu của nhân loại vào năm 2012.
Năm Canh Tý 40, vào mùa Xuân, hai chị em Trưng Trắc – Trưng Nhị (con gái Lạc tướng Mê Linh) hội quân ở cửa sông Hát, lập đàn thề, phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Hán. Lời thề xuất quân của Hai Bà Trưng vang lên: “Một xin rửa sạch quốc thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kẻo oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn thửa công lênh này”. Vì sao Hai Bà Trưng phải xây dựng lại “nghiệp xưa họ Hùng”? Bởi Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng là nhà nước đầu tiên của người Việt. Ngoài ra, xây dựng lại “nghiệp xưa họ Hùng” cũng là để bảo tồn nền văn minh của người Việt và các dạng thức biểu hiện của nó.
Nguồn Văn nghệ số 17/2021