Bụi nước li ti len lỏi vào khắp nhà, khiến trời se lạnh. Phương kéo tấm chăn mỏng lên ngang cổ, nằm lắng nghe tiếng thở đều đều, hít hà mùi mồ hôi quen thuộc của chồng. Những lúc thế này, kỷ niệm từ thời thanh xuân lại ùa về trong ký ức của cô.
Cũng những ngày cuối năm học cách đây hai chục năm về trước. Phương đang chuẩn bị thi học phần năm thứ hai Trường Cao đẳng Sư phạm. Nắng và tiếng ve ran cùng mầu hoa phượng đỏ đến chói chang, khiến ngồi học bài mà đầu óc chẳng ai tập trung hoàn toàn cả. Con đường trước cổng trường vắng ngắt không một bóng người. Sân ký túc xá trầm ngâm nằm phơi nắng khiến cho tâm trạng sinh viên càng thêm uể oải. Trời không một gợn gió. Cây xà cừ lực lưỡng là thế mà cành lá cũng bất động. Chỉ có tiếng ve kêu là ồn ã, ồn ã đến inh tai, nhức óc.
Bỗng ngoài hành lang tầng hai nhà B2 khu ký túc xá nữ có tiếng người hỏi rụt rè:
– Em ơi. cho tôi hỏi cô Phương ở phòng nào?
Tiếng người lạ, lại là tiếng con trai, khiến đám con gái các phòng dỏng tai lên nghe ngóng. Cô bạn giường bên nháy nháy, nhưng Phương không nhúc nhích, chỉ lẩm bẩm:
– Mình có quen ai đâu?
Bên ngoài cái Lanh giọng lanh lảnh, không ra nghiêm túc, chẳng ra trêu đùa:
– Chúng em ở đây có đến ba cô tên Phương. Hồng Phương, Thu Phương và Thụy Phương. Cô nào cũng xinh đẹp. Anh hỏi Phương nào?
– Tôi hỏi cô Thị Phương?
– Ồ, thế thì không có rồi! Các cô ấy đều sắc nước hương trời, chẳng ai đặt tên đệm là Thị đâu. Hay anh quên?
– Cô ấy đệm là Thị thật mà. Chính anh trai A Hưng của cô ấy bảo tôi thế!
Nghe đến đây Phương giật mình, vội bỏ sách vở đứng dậy. Giọng cái Lanh vẫn oang oang:
– À ra thế! Chắc ông anh trai định làm mối cô em gái cho anh hả?
Rồi nó gọi toáng lên:
– Cả nhà ơi! Bạn Phương nào có anh trai đang tìm người yêu cho thì ra đón khách nhé!
Phương chạy ra cửa. Nhìn thấy anh bộ đội đang đứng lúng túng trước cửa phòng bên cạnh, mặt cô nóng đỏ lên:
– Anh Đam phải không ạ! Sao anh biết em ở đây mà tìm?
Nghe thấy thế, đám bạn nữ các phòng ồ lên:
– Hóa ra là người yêu của Thụy Phương chúng mày ạ. Thế mà còn giấu cả anh ấy, ngụy trang là Thị Phương cho ra dáng là chân quê nữa cơ chứ!
– Mình khờ quá, cứ chạy ra nhận đại là Thị Phương, có phải quen được anh bộ đội đẹp trai này không? Chả gì thì Thu Phương với Thị Phương cũng na ná như nhau. Anh ấy có phát hiện ra thì bảo nhầm, cả nhà nhỉ?
Rồi chúng nó phá lên cười, mặc kệ Thụy Phương lúng túng như gà mắc tóc, chẳng biết làm gì nữa. May thay Hồng Phương ở phòng cuối chạy ra:
– Thôi các cậu ơi, để anh ấy vào phòng uống nước đã chứ?
Khi mọi người đã quây quần trong phòng thì câu chuyện mới dần dần sáng tỏ. Chả là ngày đầu nhập học, thầy giáo gọi tên các sinh viên để làm quen. Qua Hồng Phương đến Thu Phương không có chuyện gì. Đến Phương thứ ba thầy hỏi:
– Em cũng tên là Phương à?
– Dạ vâng ạ.
– Thế em là gì Phương?
Phương ấp úng:
– Em là Th…hụy Phương ạ.
– Thụy Phương à? Tên đệm hay quá!
Thì ra Phương nói tiếng Kinh chưa đúng âm ngữ, lại cả ngượng, nên phát âm chữ Thị thành Thụy. Thầy tưởng thật, ghi vào danh sách lớp là Thụy Phương. Từ đó cô được gọi là Thụy Phương để phân biệt với hai bạn tên Phương khác. Cả lớp không biết, cứ theo thầy mà gọi. Thế là Thị Phương có tên mới Thụy Phương. Phương thấy chẳng ảnh hưởng, lại còn hay hay, nên cũng chả thanh minh làm gì nữa.
Đam ngồi chơi, kể lại những kỷ niệm của A Hưng đã không quản hy sinh thân mình cứu anh khỏi trái cối cá nhân trên mặt trận 809 cho Thụy Phương và các bạn nghe một lúc, rồi chào ra về. Cô đưa tiễn anh đến cổng trường. Đam hẹn thi xong được nghỉ, nhắn anh để cùng lên Quân y viện thăm A Hưng. Phương hơi bối rối, rồi cũng nhận lời. Từ trước đến giờ, Phương chưa có người trai nào hẹn, nên thoáng chút ngượng ngùng, nhưng nỗi ngượng qua đi, cô lại thích thú, tưởng tượng ra lúc mình được đi cùng Đam. Cô bất giác e lệ, mỉm cười một mình.
Nửa tháng sau, Phương thi xong, Đam đến. Hai anh em bắt xe lên Quân y viện thăm A Hưng. Đến nơi đúng vào lúc Hưng xuất viện, được cấp trên cho phục viên. Thế là họ kéo nhau ra bến xe khách. Tuy cùng ở Bách Thanh nhưng anh em Hưng ở thượng huyện, còn Đam ở hạ huyện. Nếu đi từ thành phố vào, phải qua nhà Đam trước rồi mới đến nhà Phương, nhưng nếu đi theo đường Ba Khe thì đến lối ngược lên nhà Phương, rồi mới đến quê Đam. Ở Quân y viện về đường qua Ba Khe gần hơn, nên ba anh em đưa nhau về thăm nhà A Hưng.
Xe dừng ở bến lúc đã già nửa chiều. Hơi núi đá phả ra man mát. Từ đây về nhà Phương còn một chặng đường ngược dốc bằng xe ôm nữa. Xuống xe. A Hưng giơ cánh tay còn lại, khoát một vòng bao quát thung lũng núi đá trước mặt và khoe với Đam:
– Đây là núi Củm Còn quê mình. Bản mình là bản người H’Mông trắng, có gần hai chục nóc nhà. Họ Thào nhà mình với họ Sùng là hai họ to nhất, có thể chỉ huy các họ khác đấy.
– Sao lại gọi là H’Mông trắng?
– À, người già gọi thế để phân biệt với các nhóm người H’Mông khác như H’Mông hoa, H’Mông đen, H’Mông xanh thôi.
– Thế các nhóm H’Mông có nói tiếng giống nhau không?
– Vẫn giống nhau mà. Giống nhau hết đấy. Chỉ khác cách ăn mặc của phụ nữ thôi.
Đam gật gật đầu như đã hiểu.
Đường trong bản từ nhà này đến nhà kia là dốc đất, hoặc lát bằng đá núi. Các nhà thường cách nhau một mảnh vườn nhỏ trồng rau hoặc cây ăn quả, được rào bằng cây vầu, cây gỗ hay ngăn bằng đá xếp. Đa phần vách các nhà đều thưng bằng ván, chỉ có vài nhà trình tường hoặc thưng bằng nứa đan nóng đôi. Trâu bò, dê của các nhà đều thả trên núi. Chỉ khi nào cần cầy bừa, kéo gỗ người ta mới đi bắt về nên trong bản không thấy có gia súc gì ngoài ngựa.
Nhà A Hưng ở giữa bản. Đó là ngôi nhà ba gian hai trái, tường trình bằng đất nện. Những cây cột gỗ kê trên các hòn đá tảng hình quả bí, mái lợp ngói ống. Nhà có ba cửa ra vào, lại có một gác lát bằng gỗ để ngô bắp. A Hưng bảo:
– Nó được làm từ thời cụ cố nhà A Hưng đấy. Gỗ này lấy từ trên núi đá cao và xa lắm. Giờ hết rồi, chẳng kiếm ra ở đâu nữa.
Vừa lúc bố mẹ và vợ Hưng đi làm về. Mọi người quây lấy Hưng. Hết nói nói, cười cười lại xuýt xoa. Ông bố rít một hơi thuốc lào, rồi nâng bên tay áo lụng thụng của Hưng lên:
– Giá bố đổi được cái tay này cho con có phải hơn không?
Cả nhà rơm rớm nước mắt. Nhưng nét mặt ông lại tươi lên ngay:
– Hôm nay nhà mình có khách quý, bạn chiến đấu của A Hưng lên chơi, em Phương lại về nữa. Chuyện buồn cũng qua rồi. Vì thế con dâu nhanh tay bắt gà làm cơm để cả nhà cùng đón khách nhé!
Vợ A Hưng vâng dạ. Thế rồi lúc sau mâm cơm được dọn lên, đặt ngay ngắn trên chiếc bàn thấp giữa nhà. Mọi người quây quần ngồi trên các ghế xung quanh. Bố Hưng lấy chai rượu trên ban thờ xuống, rót ra mấy chén:
– A Đam là người Kinh, nhưng đã từng sống chết cùng A Hưng, chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Hôm nay lên chơi, coi như người H’Mông ta. Vậy mời A Đam uống với cả nhà ta chén rượu này để kết thân, lấy đường đi lại lâu dài.
Ông nâng chén rượu lên ngang mày. A Hưng và Đam cũng bắt chước làm theo. Rồi ông hạ tay, đưa chén chạm vào chén của Đam và Hưng, nghiêm trang nói:
– Con ma nhà ta hãy chứng kiến lời Thào A Mai này, phù hộ cho A Đam và chúng ta tình cao hơn đỉnh núi Củm Còn, chân cứng hơn đá suối Ú quê ta nhé!
Nói xong A Mai ngửa cổ uống một hơi hết sạch chén rượu. A Hưng và Đam cũng nâng chén làm theo. Rượu cay nồng, vào đến đâu biết đến đó. Đam khẽ rùng mình. A Hưng hỏi bố:
– Bố vẫn nấu rượu bằng mầm ngô đấy à?
– Vẫn mầm ngô, men lá thôi. Chẳng có loại nào hơn loại này cả mà.
Bữa cơm diễn ra trong không khí đầm ấm, khiến Đam tưởng như đang ở nhà mình. Lúc sắp đi ngủ, Phương kéo Đam ra hè, thì thầm:
– Mai có chợ phiên Lũng Vầy, anh có muốn đi chơi chợ với Phương không?
– Muốn chứ! Mà có xa không?
– Hơi xa thôi. Phải cưỡi ngựa đi đấy.
– Anh không biết cưỡi ngựa.
– Đã có Phương rồi, anh lo gì chứ? Để em nói với bố luôn nhé.
Tiếng Phương như chìm trong hơi thở dốc. Tự nhiên Đam thấy xao xuyến trong lòng. Anh đã đi qua bao nhiêu đoạn đường, bao nhiêu đèo dốc lên đây, những mong trả ân nghĩa cho A Hưng cứu anh thoát chết trên cao điểm 809 đã đành. Nhưng đấy có phải là tất cả đâu? Lời mời của người con gái H’Mông với anh đêm nay sao mà ngọt ngào đến vậy. Nó như một lời ru êm ái, đưa anh chìm vào giấc mơ đầy hoa và quả ngọt.
Sáng hôm sau, trời mới tơ mơ. Ông Thào A Mai đã dậy dắt con ngựa tía lực lưỡng ra ngõ. Đam đi theo. Lát sau, Phương cũng ra. Hôm nay em mặc bộ váy áo H’Mông mới, lung linh và duyên dáng khiến Đam suýt không nhận ra. Chiếc váy mầu trắng, hình chóp cụt với nhiều nếp xòe rộng, áo xẻ ngực có thêu hoa văn ở cánh tay và yếm lưng, đầu quấn khăn vành rộng, làm cho dáng thanh mảnh, cao ráo, trắng trẻo của Phương thêm quyến rũ. Em đeo khuyên tai, vòng cổ và nhẫn bằng bạc trắng, tay cầm chiếc ô nhiều mầu. Đúng là người sơn nữ H’Mông xinh đẹp.
Tự tay ông Thào A Mai thắng chiếc yên đôi, giữ cho Phương trèo lên trước ngồi phía sau, rồi hướng dẫn cho Đam trèo lên sau ngồi phía trước. Thấy Đam lúng túng, ông bảo:
– A Đam chưa quen cầm cương nên phải ngồi trước, để em Phương ngồi sau còn điều khiển ngựa.
Đam lí nhí vâng lời. Rồi Phương cho ngựa đi nước kiệu theo con đường mòn xuống chợ. Buổi sớm trời lành lạnh. Màn sương mỏng như tấm khăn voan khoác hờ lên núi rừng, khiến cảnh vật hiện ra trong mắt Đam nửa như thực, nửa như mơ. Đây là lần đầu tiên anh được cưỡi ngựa, lại cưỡi chung với một người con gái đẹp, đi trong buổi sáng huyền diệu đến thế này, khiến anh lòng như có lửa âm ỉ.
Phương áp người vào lưng Đam, vòng tay qua lườn anh, cầm dây cương điều khiển con tía. Động thái ấy dù tự nhiên nhưng cũng làm Đam cảm thấy nhột nhột. Anh ngồi thẳng đuỗn, không dám thở mạnh. May mà đến đoạn đường bằng, Phương lỏng dây cương và đưa cho anh, lại hướng dẫn anh cách điều khiển ngựa làm anh lấy lại tự tin hơn. Đi một đoạn anh quen dần. Con tía cũng như quen với người cầm dây cương mới.
Bỗng một con chim từ bụi rậm bay vút ra làm Đam bị bất ngờ. Anh luống cuống giật mạnh dây cương. Con tía lập tức phi nước đại, khiến Phương ngả người về phía sau, suýt ngã. Cô vội ôm chặt lấy Đam, rồi đưa tay ghìm dây cương lại. Con tía trở về nước kiệu thong thả. Phương cười khúc khích:
– Bắt đền anh nhé! Làm em tý nữa ngã. Lần sau đừng giật dây cương như thế, ngựa tưởng anh giục nó phi nước đại đấy.
– Anh xin lỗi, anh chưa quen. Con chim làm anh bị bất ngờ…
– Nói vui thôi. Không sao mà! Lần đầu điều khiển ngựa được thế là giỏi lắm rồi.
Phương tủm tỉm cười động viên, lại bảo:
– Giờ thì anh quen rồi chứ? Con tía biết đường xuống chợ đấy, anh cứ lỏng dây cương là nó khắc đưa anh đến nơi thôi!
Khác với lúc gặp Đam ban đầu, bây giờ Phương đã không còn rụt rè bẽn lẽn nữa. Về quê hương, Phương đã lấy được thế chủ động. Cái chủ động của người con gái gắn với vùng đất mà mình quen thuộc. Giọng Phương nhẹ nhàng, ấm cúng, chỉ bảo cho Đam những cách điều khiển ngựa. Đường xuống dốc, lắm lúc người đổ về phía trước. Theo thói quen của người cưỡi ngựa, Phương đạp vào bàn để chân, dấn người lên, làm bộ ngực tròn, săn chắc áp sát vào lưng Đam, khiến anh nhột cả người. May mà Phương tinh ý, kịp nhận ra, thu người lại giúp Đam đỡ lúng túng.
Mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi phía trước cũng là lúc con tía đưa họ đến chợ. Phương dắt ngựa buộc vào bãi, rồi rủ Đam vào quán thắng cố. Hai người kéo ghế ngồi quanh bàn với những người ăn sáng. Chảo thắng cố sôi sùng sục, tỏa vào không gian mùi ngầy ngậy, beo béo của thịt, của xương, của lục phủ ngũ tạng ngựa đã hầm chín, cùng với mùi cay cay, thơm thơm của quế, thảo quả, hoa hồi làm Đam thấy bụng đói cồn cào.
Vừa lúc ông chủ bưng hai bát tô thắng cố ra mời. Phương múc một thìa vừa thổi, vừa xuýt xoa đưa lên miệng. Đam bắt chước làm theo. Thìa thắng cố nóng hôi hổi, vị vừa thơm, vừa ngọt, đậm đà và béo ngậy. Những tầu cải mèo, cải ngồng, cải lẩu được nhúng chín tới, gắp ra nhúng vào bát nước chấm đặc biệt thơm vị cay của ớt núi giòn giòn, càng làm cho bát thắng cố thêm hấp dẫn. Nhìn những người khách nhâm nhi chén rượu ngô Sán Lùng thơm phức, rồi xuýt xoa mà Đam thấy phát thèm. Hiềm một nỗi anh chưa quen uống rượu nên biết ngon mà đành chịu. Phương biết nên trêu:
– Con ma nhà em đã nhận anh là người nhà họ Thào rồi. Anh phải tập uống rượu đi cho quen, kẻo trở thành xa lạ đấy!
Được đà, Đam cũng té nước theo mưa:
– Nhưng em là con gái, đi lấy chồng là con ma cũng cắt khẩu em khỏi nhà bố mẹ, cho về nhà người khác rồi, chẳng bắt nạt anh được nữa đâu!
Phương đấm thùm thụp vào lưng Đam, cười bẽn lẽn:
– Còn lâu nhé! Có ai để ý đến em đâu mà đi lấy chồng được.
– Nhỡ có người để ý đến rồi thì sao?
– Thì… thì… Mà em không biết nữa… Anh đừng làm em luống cuống đấy.
Chợ bắt đầu đông dần. Phương dắt tay Đam lách qua dòng người, đến dãy hàng thổ cẩm. Ở đây, những bộ váy áo của người H’Mông, người Thái đen, Thái trắng, người Mường, người Dao, những chiếc túi, chiếc khăn, những chiếc ô nhiều mầu sặc sỡ được bầy trên các sạp gỗ cuốn hút nam thanh, nữ tú. Một toán thanh niên trông thấy Phương. Họ túm lại vây quanh, ríu rít chuyện trò như người quen lâu ngày không gặp. Đam biết ý lùi lại, vờ xem hàng, nhưng Phương đoán ra, kéo họ lại cùng anh và giới thiệu:
– Bạn em đấy. Bạn học hồi phổ thông mà. Thân nhau thôi. Còn anh Đam là bộ đội cùng đánh giặc với A Hưng nhà mình, mới ở dưới xuôi lên chơi. Bắt quen nhau đi.
Toán thanh niên vồn vã:
– Mới lên đây à? Thấy chợ vui không? Ở chơi lâu sang bản mình uống rượu nhé!
Đam thật thà:
– Vui lắm, nhưng mai phải về rồi!
– Thế à! Tưởng còn ở lâu với Phương chứ?
Phương biết ý, cười vừa trả lời thực, vừa muốn trêu bạn:
– Mai mình cũng về chung với A Đam đấy. Về còn đi học mà!
Đám bạn Phương vẫn chưa tha:
– Tưởng ở nhà luôn, rồi lấy chồng để bọn tớ còn được uống rượu mừng?
– Chưa đâu. Phương còn đi học để làm cô giáo chứ. Lấy chồng sớm không tốt. Hồi đi học các thầy cô ở trường chúng mình chả bảo thế thôi.
– Nhưng cái bụng người H’Mông mình khác cái bụng người Kinh, người Mường. Cái bụng người H’Mông mình thích bắt vợ sớm mà. Ai bảo Phương cứ xinh đẹp như thế làm gì?
Tiếng cười đùa của họ làm nhộn nhịp cả gian hàng.
Chia tay họ, Phương kéo Đam đi xem các sạp hàng bán đồ trang sức. Thôi thì đủ các loại vòng cổ, vòng tai, lại rất nhiều nhẫn. Nhẫn bạc, nhẫn vàng, loại nào cũng có. Tưởng Phương thích mua, Đam chỉ vào chiếc nhẫn bạc có khắc hình chữ P, bảo:
– Em muốn mua cái nhẫn này không? Hay Đam mua tặng Phương nhé?
– Ồ, chưa được đâu. Con gái H’Mông chỉ đeo một cái nhẫn thôi. Đeo hai cái là báo với mọi người mình có chồng rồi đấy.
– Thế à! Anh không biết.
Như vừa nghĩ ra chuyện gì, Phương đỏ mặt hỏi Đam:
– Anh có biết ban nãy bọn bạn bảo Phương gì không?
– Làm sao anh biết được.
– Bọn nó bảo có phải anh lên đây định cướp em về làm vợ không? Em bảo chưa đâu, phải mấy lần lên nữa mới cướp được chứ? Lần này lên chơi thôi.
Rồi Phương cười. Tiếng cười giòn tan, đầy sức mê hoặc, khiến Đam mặt đỏ dừ như người say rượu, say thuốc.
Hai người dắt nhau đi hết các gian hàng thì trời đã sang trưa. Chợ dần thưa bớt người. Tiếng sáo Mông gọi bạn bắt đầu dìu dặt trên các lối mòn về bản. Đam và Phương dắt ngựa ra khỏi bãi. Cái cảm giác nhồn nhột sau lưng khi sáng vẫn ám ảnh khiến anh vừa thích thú, vừa ngài ngại. Vì thế Đam bảo Phương ngồi trước, anh ngồi sau. Như đoán được tâm trạng Đam, Phương đồng ý nhưng ranh mãnh cười:
– Anh khôn vừa vừa thôi. Đường về phải leo dốc nhiều, anh ngồi sau không ôm em chặt là ngựa hất văng ra đấy nhé!
Quả đúng như vậy. Càng gần về đến nhà đường càng dốc. Đam cứ như bị tụt về phía sau yên ngựa. Không còn cách nào khác anh đành bám hờ vào eo Phương. Cái cảm giác mềm và ấm nơi đầu ngón tay mách bảo rằng Đam thật có diễm phúc. Người anh tự nhiên thêm rạo rực. Phương biết anh còn rụt rè, đang cho ngựa đi nước kiệu cô giật cương nhẹ. Con ngựa chồm lên. Theo đà Đam tụt lùi lại phía sau. Phương cười và nói trong hơi thở:
– Em đã bảo anh phải ôm chặt lấy em mà không nghe. Nhỡ ngã là em không chịu trách nhiệm đâu đấy.
Nghe Phương nói, không còn cách nào khác Đam đành xích người về phía trước ôm lấy Phương. Cả cánh tay, cả bàn tay, cả bộ ngực gắn chặt với thân thể em làm một, khiến anh cảm nhận được những rung động nhỏ nhất của em. Đam mỗi lúc một ngây ngất. Dây cương trong tay Phương hình như cũng thay đổi theo cảm xúc của em. Nó khi căng, khi chùng làm cho con tía cũng lúc đi nhanh, lúc đi chậm. Đam càng có lý không dám nới lỏng vòng ôm, khiến hơi thở cả hai như thêm dồn dập.
Về đến nhà, mọi người đi vắng hết. Chỉ còn Đam và Phương. Họ bối rối cùng dắt ngựa vào tầu. Không gian như xúi giục Đam. Anh run run nắm tay Phương, thủ thỉ:
– Đi chợ hôm nay thích em nhỉ?
Cô cũng ngước đôi mắt một mí lên nhìn anh, âu yếm hỏi lại:
– Anh có vui không?
– Anh vui mà. Chỉ tiếc mai về xuôi rồi, không được đi chợ Lũng Vầy nữa.
Rồi Đam nhìn Phương ngất ngây, giọng run run nói tiếp:
– Mà này, Phương ơi… anh yêu em nhiều đấy. Em có yêu anh không?
– Em… không biết… nữa…
Nói chưa hết câu Phương đã vùng chạy vào nhà, bỏ Đam ngơ ngẩn ở lại.
Thế mà thấm thoắt đã hai chục năm rồi. Thời gian như bóng ngựa phi qua khe cửa. Bây giờ Phương và Đam đã có hai con. Đứa trai đang học Đại học. Đứa gái đang học trường chuyên ngoài thành phố.
Nghĩ đến đây Phương tủm tỉm cười một mình. Cô khẽ cù vào nách, lay Đam dậy. Ngoài trời cơn mưa trưa đã dứt, trả lại cho Lãng Khuê bầu không khí trong lành, mát rượi.
Trích tiểu thuyết “Lãng Khuê” của Vũ Quốc Khánh