Không sấm chớp đùng đùng, sầm sập từng cơn, rồi bất chợt dừng, mưa này rắc nhè nhẹ, lai rai vài ba ngày một đợt, liên miên, chầm chậm thấm sâu, đất sũng nước, ô tô, xe máy, trâu bò, chân người nhào cho nhão nhoét, khách bộ hành vừa dò dẫm vừa nhẫn nhịn chịu đựng những tia nước bẩn, những mảnh bùn quánh đặc bắn lên từ những bánh xe ào qua. Mưa tháng Bảy, vào ngày ba, ra ngày bảy, rãy ngày tám: Mưa ngâu.
Nhìn vợ chồng Hải tùm hụp mũ áo, ủng cao đến gối đẩy xe ra cổng, nổ máy chệnh choạng lội bùn, cụ Phương lắc đầu ngao ngán. – Ông ơi, cháu buồn tè. Cụ vội vã chạy vào. Cu Tún ôm bụng dưới nhăn nhó. Vừa nhắc nó lên, chưa kịp tụt quần, nó đã xòe xòe vọt ra dòng nước âm ấm, nồng nồng khai, ướt đẫm quần cháu, áo ông. Vỗ bẹt vào mông nó, cụ mắng yêu: – Bố con chó, ướt hết cả rồi này. Từ buồng tắm ra, hai ông cháu tươi tỉnh thơm tho đến bên bàn ăn. Cụ mở nồi cơm điện, hương nếp hoa vàng thơm lựng bốc hơi nghi ngút. Thấy ông gắp ra ba quả trứng dính mấy hạt cơm, Tún ngúng nguẩy: – Cháu ứ ăn trứng. – Lại nhõng nhẽo rồi. Thế cháu ăn ruốc nhé. Tún cười, xoáy hai đồng tiền trên đôi má bầu bầu trắng mịn như quả trứng đang bóc trên tay ông. – Ông bóong cơ! – Nào thì bón. Há to mồm nào. Ăn khỏe chóng lớn đi học cô Tâm. Được độ chục thìa nó vạch bụng: – Cháu no rồi. Cụ nắn nắn cái bụng lép: – Chưa căng. Há mồm ra, ăn thi với ông nào. Ông móm mém trệu trạo, cháu uể oải, phụng phịu, bữa sáng lai rai đến vài chục phút.
Cụ gọi điện thoại lên trường mẫu giáo xin cho cu Tún nghỉ học. Nó mới hơn ba tuổi mà nặng ngót mười hai cân, đường đến trường hơn cây số nhầy nhụa trơn như đổ mỡ. Ông ơi! Cháu buồn uống Coca. Cụ mở tủ lạnh: – Coca của cháu đây. – Cháu ứ Coca, nước lọc cơ. – Ừ thì nước lọc. Nó uống ừng ực, nước chảy ướt cả áo. – Ông ơi, cháu buồn xem “Thầy dởm”. – Nào thì thầy dởm. Cụ chọn đĩa bật máy, màn hình hiện ra cảnh mấy ông thầy dởm ăn uống nhồm nhoàm, cãi nhau om tỏi. Tún ta cười típ cả mắt.
– Cụ Phương có nhà không đấy?
– Có đây. Ông Hiền phải không? Mời ông vào nhà.
– Ngóng mãi chẳng thấy cụ đi qua, nghĩ cụ buồn nên cháu sang chơi cho vui. Nói vậy chứ trong thâm tâm ông Hiền lại lo cụ yếu mệt, bởi ngày nào cụ cũng đưa cu Tún qua cổng nhà ông để đến trường mẫu giáo.
– Trời đất này thì làm được gì, uống nước đi rồi ta làm ván cờ nhé.
Bàn cờ được bày ra cùng đĩa bánh kẹo, cái điếu cày và ấm nước chè Thái tỏa hương thơm ngát. – Giá chúng mình biết đánh cờ tướng có lẽ hay hơn. Nhưng ta cứ chơi cái kiểu trẻ con trâu bò này cũng thú, phải không ông? – Vẫn ăn ba quân mới được chém tướng chứ ạ! Mời cụ đi trước. – Ông lại nhường. Nào thì đi. Cụ đẩy quân ở nước hòa một bước. – Cụ lại hãm tướng lùa quân? – Phải. Tôi vốn không thích chém giết. Tướng lìa quân thì tướng vô dụng. Quân không tướng như hổ không đầu mà. – Đánh với cụ khó thật. Sau vài chục nước đi, ông Hiền bị vây bí, hết nước, xin thua. Ván sau “Thua đi trước” ông Hiền vẫn ồ ạt tấn công chém quân, dồn tướng. Cụ Phương kiên trì vừa tránh vừa lừa. Vây được tướng của ông Hiền cụ lại dồn vây quân chứ không chém, ông Hiền lại thua. Bày lại quân xong, ông rít một hơi thuốc lào, ngửa mặt từ từ nhả khói: – Ván này cháu quyết phục thù.
– Ông ơi hết thầy dởm rồi, thay băng cho cháu. – Cháu thích băng gì nào? – Tôm và Jerry.
– Ừ thì Tôm.
Chuông điện thoại reng reng. – Bà đấy à? Ừ. Có bác Hiền sang chơi cũng vui. Tún đang xem băng. À, ừ. Nó chuẩn bị đủ rồi. Chỉ việc cắm cơm và hâm lại nồi canh măng. Thế bà làm gì đấy. Trẻ con có ngoan không? Ừ. Bảo các cháu tạnh mưa tôi sang. Nhớ đừng cho chúng ăn vặt để bữa chính ăn được nhiều cơm. Ừ. Ừ… Thôi nhé. Quay sang ông Hiền, cụ cười: – Bọn trẻ đòi tôi sang chơi. Cứ giờ này ngày nào chẳng thế, đành nói dối cháu vậy, biết làm thế nào. – Hai cụ sướng thật đấy. Các chú ấy chu đáo quá, nhà lại chẳng thiếu gì nhà máy của các chú ấy chắc ăn nên làm ra ghê lắm, nên cán bộ mới đầy đủ như thế. – Đúng vậy, nghe các cháu kể họ làm ăn phát đạt, lương công nhân một tháng trên 5 triệu cơ. – Nhưng mà cứ mỗi người một nhà thế này, lắm lúc nghĩ cũng buồn. Cu Tún sà vào lòng ông: – Ông cho cháu sang bà đi. – Mưa thế này đi sao được. Tạnh ráo ông cho sang. – Ứ ừ đi bây giờ cơ. – Lại hư rồi. Nó khóc ré lên, tay cào, chân đạp, suýt làm cụ ngã.
Reng reng chuông điện thoại. – Nín đi để ông xem ai gọi nào. Nó ngoan ngoãn vâng lời. – Bố đây. Ừ, nó đang khóc đòi sang bà đây này. Lại không về à? Biết rồi. Ừ. Ừ. – Cụ ơi! Thằng Tún tè ra ghế rồi. – Chà cái con chó này hư quá. Khóc vãi cả đái ra thế này, xấu lắm, bác Hiền cười cho. Cụ vội vàng thay quần áo cho cháu rồi lấy nước lau kỹ chiếc ghế Đài Loan bóng lộn.
Chuông điện thoại reng reng. Cụ Phương cao giọng: – Hải à? Biết rồi. Bố sẽ lo. Chim với chả chóc. Đặt cạch máy, cụ nói với ông bạn cờ: – Bác uống nước, ăn bánh đi, tôi cho mấy con chim ăn, xong ta lại chơi tiếp. Cụ loay hoay bên mấy lồng chim trước thềm rồi vòng ra đầu hồi, bực bội quay vào: – Thế là mất toi con chim sáo mới mua. Nó lấy mất cả lồng, ông ạ. – Đứa nào mà láo thế nhỉ? Cụ có đoán biết không? – Biết cả đấy nhưng làm gì được. Dạo trước nó còn lấy mất cả con gà chọi và đôi chim câu sắp ra giàng. Tiếc đáo để, ông ạ!
Reng reng chuông điện thoại. – Bà à? Ừ. Tôi đang sắp cắm cơm đây. Sao? Hết ga à. Thì gọi họ mang đến, số điện thoại trên bình ga ấy. Thế à? Để đấy tôi gọi cho.
Thấy cụ Phương không vui lại bận rộn, ông Hiền cáo từ ra về, bụng nghĩ: – Ông cụ tám mươi này vẫn phải giữ nhà, nuôi con đỏ, buồn thật!
Chuông đồng hồ điểm mười tiếng, cụ Phương vo gạo, cắm cơm. Điện không vào, nồi Thái hẳn hoi, vừa mua hồi tết, hỏng sao được. Cụ bật công tắc đèn, lại mất điện! Cụ lẩm bẩm: – Chán thật, làm gói mì tôm cho qua bữa vậy. Tún ăn mì tôm với ông nhé. – Cháu ứ ăn mì. – Thế cháu ăn cháo gói nhé. Ứ, cháu ăn cơm cơ. – Mất điện rồi nấu sao được. Nó òa khóc: – Ứ mì tôm, ứ cháo, cơm cơ. Cụ Phương bực mình: – Nhiễu sự. Để ông nấu bếp ga vậy, cụ chuyển gạo từ nồi điện sang nồi nhôm, bật bếp ga. – Ông ơi xếp hình đi, hai ông cháu lấy bộ xếp hình, xếp gì nào? – Nhà tầng cơ. – Nào nhà tầng. Một tòa nhà ba tầng xanh đỏ có hàng rào bao quanh, có cả cây cối, cổng cao và gara ô tô. – Tún ở tầng nào? – Cháu ở tầng ba. – Tầng nào để cho ông? – Tầng hai. – Tầng nào của bố mẹ. – Tầng một. – Sao thế? – Cháu thích ở cao nhất. Bố mẹ ở tầng một còn nấu cơm, đi chợ.
Bây giờ cháu thích xếp hình gì nữa nào? – Tàu hỏa sình sịch cơ. Một hộp nữa được mang ra. Nó hí hoáy bày đường ray vòng tròn, đặt tàu hỏa và bấm nút. Đoàn tàu lạch cạch chạy. Nó vỗ tay: – Tàu hỏa đưa Tũn đi học này, đi chơi này… Bỗng thấy mùi khét cháy cụ vội vàng vào tắt bếp, mở vung. Xoong cơm bốc khói vàng khè. Cụ lẩm bẩm: – Giá như nấu bếp củi bỏ vào đây một hòn than cháy đỏ sẽ đỡ khét ngay. Khốn nỗi lấy đâu ra than! Cụ lấy thìa gạt bỏ cơm trên, lựa lấy một ít ở giữa nồi, cơm vàng khè khét lẹt. Thằng bé kêu đói, nhất định không ăn. – Thế ông cháu mình ăn tạm mì tôm vậỵ. Có điện ông nấu cơm cho. Cụ nấu mì tôm, thêm trứng gà, thịt nạc băm. Được vài miếng nó nhè ra giãy đành đạch. Bực quá, cụ đét cho nó khá mạnh. Nó càng khóc dữ. Dỗ mãi chẳng được, cụ ứa nước mắt. Ngoài kia nước mắt vợ chồng Ngâu vẫn rả rích. Tiếng khóc cu Tún nhỏ dần, nó nghẹo đầu vào vai ông lim dim ngủ, thỉnh thoảng lại ấm ức. Thương cháu, hối hận, nước mắt ông chảy dài… Bỏ bát mì tôm, ông ôm cháu lên giường vỗ về, ru rín. Cháu ngủ yên. Ông chong chong đôi mắt. Ngày vẫn có hai mươi bốn giờ, mà sao hôm nay lại dài thế. Dù ngắn hay dài, mỗi khi màn đêm buông xuống lại trừ đi mất một ngày. Mà mình còn được bao nhiêu ngày nữa nhỉ? Mỗi đêm giấc ngủ càng đến chậm, đi đái vặt càng nhiều, có đêm bốn năm bận. Sợ các con mất ngủ ảnh hưởng công việc, chiều không dám uống nước chè, tội không dám ăn canh. Mà thiếu canh cơm cá, cơm thịt cứ như nắm rơm khô. Sáng ra thấy mặt trời mọc vừa mừng lại vừa lo. Nhớ dịp mừng song thọ tám mươi, cả làng mừng cho hai cụ phúc lộc thọ trường, đề huề con cháu, hạnh phúc vẹn toàn, thấy mình như trẻ lại. Vậy mà mới được hơn năm, bước chân đã thấy nặng, đường đi không vướng gì cũng vấp, rượu thuốc ngâm cao ban long mới uống một ly mặt đã phừng phừng, trời đất đung đưa. Thằng Tư tặng bố cái ô đen mua tận bên Tàu, vừa che nắng mưa vừa làm gậy chống. Bà lão vẫn thoăn thoắt bước chân, lưng thẳng, mắt sáng nhưng đôi tai ngày càng nặng. Nói chuyện cứ như cãi nhau, gọi điện thoại cả xóm nghe thấy mà đầu dây bên kia bà vẫn “nói to lên tôi chưa nghe rõ”. Ngẫm lại đời mình, mẹ cha mất sớm, ruộng đất không một tấc cấm dùi, chuyên cày thuê cuốc mướn. Cơm hẩm một gạo hai sắn, rau già, tép đồng, cua ruộng… Ba mươi hai tuổi, nhờ cải cách ruộng đất được chia một chân bò (bốn nhà chung nhau một con) hai sào năm thước ruộng, một phần ba ngôi nhà gạch cổ. Bà lão bây giờ cùng tuổi cùng cảnh được chia một phần ba ngôi nhà ấy (phần ba còn lại làm nơi thường trực dân quân). Bà con làng xóm vun vào, trụ sở dân quân rời đi nơi khác. Vách ngăn dỡ bỏ. Hai người hơn một, đấu cật chung lưng, dậy trước mặt trời, lên giường sau giờ Tuất. Bể Đông chẳng biết ở đâu, nhưng đã có bát cơm đầy tuy vẫn còn độn khoai, độn sắn. Muộn đường duyên phận, nhưng ruộng ngấu, mạ già, mau mắn đường sinh. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã ba đứa gái trứng gà trứng vịt. Đất chẳng đẻ thêm nên vẫn lắm gian truân. Nhờ chịu khó và căn cơ nên dần dần cũng thấy dễ chịu. Thèm một đứa con trai nối dõi. Ai dè nghỉ ngót chục năm mà lúc sinh trở lại một lèo hai cậu. Nay ba cô đã lên bà. Thằng Tư, thằng út sinh sau muộn vợ nên bây giờ mỗi người lại một nơi “tạm li dị” như mấy ông bạn hay đùa. Giá như hồi ấy chúng nó nghe cụ làm thêm cái nhà trên mảnh đất thổ cư ba sào… Nhưng nó cứ khăng khăng, đất con mua rồi, có điều kiện ra ở đây cho thoáng mát và trồng cây ăn quả làm của để dành. Mà hai nhà chỉ cách nhau hơn cây số, xa gì cho cam. Hai cụ đành chiều con. Giờ đây thằng Tư hai đứa. Thằng út mới có một con chó con này. Cụ vỗ nhẹ lưng cháu nựng: – Ngủ ngoan để ông dọn dẹp nhà cửa nhé. Bừa bộn quá đi thôi. Cụ khẽ lựa thế nằm, dịch dần xa nó rồi rón rén trở dậy. Đầu tiên cụ kiểm tra điện rồi cắm ngay nồi cơm, phòng thằng bé dậy đòi ăn. Cụ lẩm bẩm: – Có điện là yên tâm rồi. Quay sang đống đồ chơi xếp bộ nào vào hộp ấy đặt lên giá. Cùng lũ gấu bông lớn nhỏ, đàn ooc gan, điện thoại và vô số ô tô các loại, từ chạy dây cót đến điều khiển từ xa. Chợt nhìn thấy cái hộp to mẹ nó mang về chiều qua, cụ mở hộp. Một siêu nhân bằng kim loại, mặt mũi dữ dằn gớm ghiếc, dao súng dắt quanh mình. Cụ vội xếp trả vào hộp cất kỹ tận nóc tủ. Cụ thở phào, may quá, vì lúc mẹ nó mang về nó còn chơi bên bà, chưa kịp xem. Bạn cụ có hiểu sơ sơ về tử vi, có lần bảo cụ: Thằng bé này tuổi Tuất, mệnh ốc thượng thổ, tính tình nóng nảy, hay làm càn, thích sống phiêu bạt… Thời buổi thiếu nhân ái thừa bạo lực mà cho trẻ chơi thứ này thật nguy hiểm. Cụ tự trách mình chưa quan tâm căn dặn các con khi mua đồ chơi. Tiếp theo là giải quyết nồi cơm cháy khét. Cạo sạch, vét hết cơm khét trong nồi cho vào túi ni lông buộc cẩn thận cho vào thùng rác. Cụ lẩm bẩm, giá như kẻ trộm không bắt mất con chó… Buồn thật là buồn. Cái lưng già gặp thời tiết ẩm lại đau nhiều. Cụ đang định ngả lưng một tí thì thằng Tún cựa quậy rồi gọi toáng lên: – Ông ơi cháu buồn tè, tè xong nó kêu đói. May mà cụ liệu trước. Nó háo hức ăn hết bát cơm to với thịt kho tàu. No nê nó đòi xem Tôm và Jerry. Cụ tranh thủ ra vườn hái rau ngót sạch do tự tay cụ trồng. Hôm nay cụ hái bằng nửa mọi ngày vì mưa không đem ra cho cụ bà được. Cụ đang nhặt rau, cu Tún lại gọi: – Ông ơi, cháu buồn ị! Lau rửa cho cháu xong, cụ lấy đồ chơi ra: – Chơi ngoan nhé để ông chuẩn bị nấu cơm. Xong mọi việc nhìn đồng hồ đã 5 giờ chiều. Cụ bật điện cho bình nước trong phòng tắm rồi pha một ấm chè, nhâm nhi đợi các con. Ngày nào cũng vậy, cụ chỉ yên tâm khi các con để xe ngoài sân vui vẻ vào nhà. Đường từ cơ quan về nhà phải qua thành phố Việt Trì và con sông Lô khá rộng đang mùa nước lên. Thời buổi nhộn nhạo giao thông ai mà không nghĩ ngợi.
Cơm xong, nghe vợ chồng Hải bàn nhau mai đi bệnh viện. Cụ ngạc nhiên: Đi thăm ai? Hải khai: – Ông sắp có đứa cháu nữa rồi, con đưa cô ấy đi khám thai đây ạ! Cụ vừa vui vừa thương con. Cái thằng vừa sinh sau đẻ muộn lại muộn vợ, muộn con. Năm nay mình hơn tám chục tuổi, như chuối chín cây rồi. Có mệnh nào cũng hợp lẽ trời. Còn chúng nó sẽ xoay sở ra sao. Đoán được ý cha. Hải thưa: – Chúng con có sức khỏe, công việc ổn định, thu nhập tàm tạm, ông cứ yên tâm, chẳng phải lo xa cho chúng con. Cụ nhắc nhở: – Nếu chỉ lo gần, gặp việc lớn trở tay sao kịp. Lo xa không bao giờ thừa các con ạ!
Chuông điện thoại reng reng. Chỉ có mẹ gọi máy bàn cho bố, vợ Hải nhắc tổ hợp đưa tận tay bố chồng.
– A lô! Bà đấy à? Có việc gì mà vui thế? Rồi, rồi. Nó vừa khoe với tôi. Tốt, tốt! Cụ cười nhưng mắt lại chớp chớp. Ngoài trời vẫn rả rích mưa ngâu. Quỹ nhân gian của cụ sắp bị trừ đi một ngày nữa rồi.
Truyện ngắn của Nguyễn Văn Lạc