Tháng Chạp. Những đợt gió mùa Đông Bắc nối đuôi nhau tràn về. Rét tái rét tê. Lâu lắm rồi năm nay mới lại rét đến vậy. Đúng là một năm thời tiết cực đoan. Đầu năm, ngay dịp Tết đã mưa đá, sấm chớp rồi. Tiếp đó là lốc xoáy, lũ lụt. Sau thì bão dồn dập ập vào. Lở đất, lũ cuốn. Cuối năm thì lại rét thế này đây. Thêm nữa, đại dịch Covid hoành hành cả thế giới. Đi đâu cũng phải dè chừng. Khẩu trang, khoảng cách… phiền đáo để. Lúc nào cũng phải nhớ 5K. Mong cho chóng qua cái năm khỉ gió này. Cũng chỉ còn ít ngày nữa thôi. Mấy hôm nữa là Tết ông Táo rồi. Cố lên. Sang năm mới rồi, Tết này, chả biết chúng nó có về sớm cho không? Bà Tịch co ro trong rét vừa dọn quán vừa nghĩ vậy.
Tiếng người đi chợ sớm mai ồn ào. Họ bàn tán rôm rả. Nhóm thì xoay quanh chủ đề sắm Tết. Nhóm thì hỏi thăm nhau về tiến độ cày cấy. Tốp khác lại nói chuyện thời sự, thế sự. Cánh xe máy vèo vèo phóng qua. Mấy cái xe tải nhỏ chở hàng thuê cũng vậy. Hối hả lắm. Rau quả, gà vịt, tạp hóa, lá dong… đủ thứ. Cái thì của nhà làm ra. Cái thì cất buôn từ nơi khác về. Tất cả theo xe đổ ra chợ. Hình như ai cũng vội. Rõ khổ. Làm cật lực cả năm rồi cuối năm vẫn cứ vội. Xe máy, ô-tô bóp còi inh ỏi. Cánh các bà đi bộ nghe tiếng còi xe vội dạt cả ra vệ đường. Có bà tức quá chửi đổng. Mẹ cha cái thằng Hào dửng mỡ. Đã gió rét rồi lại còn rồ máy lên cuốn theo một luồng gió nữa làm cho bà mày càng rét hơn. May mà đường mới sửa không thì bụi bốc lên toét hết cả mắt.
Quán bà Tịch nằm ở ngay cổng làng. Mọi người vào ra cái làng Cổ Cò này đều qua cửa quán của bà. Thế nên, chuyện to chuyện nhỏ, chuyện buồn vui của làng bà đều nghe thấy cả. Thông tấn vỉa hè, thông tin của các bà đi chợ dẫu không muốn nghe nó vẫn cứ đến tai bà. Thì đấy, chuyện họ đang bô bô kia kìa. Nào giá cả, sắn khoai, nào gà vịt, đất cát, rồi “ông nọ bà kia”, trộm gà mất chó đó… Toàn tin nóng hổi cả. Lát nữa xem, nhiều người lúc chợ về lại chả ghé quán bà tiếp tục buôn dưa lê nữa ấy chứ.
Từ ngày mở quán này, bà Tịch năng động hẳn. Vừa thêm thu nhập lại vừa thêm niềm vui. Quán bà thành nơi tụ tập, điểm hẹn của người làng Cổ Cò. Cứ tầm từ nửa buổi sáng trở đi là quán bà đông hẳn. Chả cứ các bà mà mấy ông hưu trí cũng đến. Người thì mua thứ này thứ nọ. Người thì chuyện gẫu với nhau. Được cái, tính bà xởi lởi hay chuyện nên ai cũng quý. Hơn nữa, quán bà ở dưới gốc đa cổ thụ, mùa đông ấm áp, mùa hè bóng mát tha hồ cho mọi người dừng chân.
Bà Tịch có ba người con, một trai hai gái. Họ đều đi công tác xa. Gái cả là giáo viên vùng cao. Trai thứ là bộ đội biên giới. Gái út được cậu xin cho vào làm việc ở Ủy ban thị xã. Em trai bà là giám đốc một sở quan trọng của tỉnh này nên các con bà kéo nhau lên đó cả. Ông đã lần lượt xin cho hai đứa con gái bà vào biên chế nơi đây. Vùng cao dễ xin việc hơn. Thằng con trai bà thì nhập ngũ rồi cũng được điều lên trên đó. Từ chiến sĩ, anh ta tiến dần lên thành cán bộ một đồn biên phòng. Chẳng biết giỏi công tác dân vận cỡ nào mà chỉ mấy năm sau anh ta đã cưới cô vợ người Mông cùng là giáo viên với chị gái của mình. Thế là chúng sinh con đẻ cái ấm bới tất cả ở Hà Giang. Đến giờ, bà Tịch đã có bốn cháu. Ba ngoại, một nội. Nếp tẻ đủ cả. Đứa nào cũng hiền ngoan, học giỏi.
Tuy con đàn cháu đống vậy nhưng bà Tịch vẫn phải vò võ một mình ở quê. Điều này là do bà chứ không phải tại ai cả. Chồng bà, ông Tân đã bỏ bà đi mấy năm nay sau một cơn bạo bệnh. Bà buồn chán, đau khổ vô cùng. Đến đũa còn phải có đôi, chim còn phải có cặp, vậy mà bà mới hơn năm chục tuổi chứ nhiều nhặn gì đâu đã phải lẻ bóng đơn côi rồi. Ông ấy khôn, đi trước bà để bà thành góa bụa? Thời gian đầu sau ngày chồng mất, các con bà thay nhau đón bà lên ở với chúng. Vui con vui cháu, bà khuây khỏa, nguôi ngoai phần nào. Tuy vậy, chỉ được mươi mười lăm ngày là bà lại đòi về. Nhớ nhà, nhớ quê, nhớ hàng xóm, bà không chịu được. Đặc biệt, hình ảnh người chồng yêu thương trong ngôi nhà đầu xóm ở quê cứ xuất hiện như kéo gọi bà về.
Không đành lòng để mẹ cô đơn, con bà cùng xúm vào bảo bà bán đất bán nhà lên ở với chúng. Chỗ nào dễ sống thì sống. Đất lành chim đậu. Mẹ đừng cổ hủ nữa. Bà không nghe. Đi thế nào được. Chôn nhau cắt rốn ở đây, mồ mả ông bà tổ tiên ở đây, bố chúng mày cũng nằm ở đây, tao là dâu trưởng họ, bỏ đi thế nào được? Chúng mày khỏe chân, khỏe tay, đi được thì cứ đi. Nhưng phải nhớ cho điều này, anh Tiến còn công tác thì thôi chứ sau này hưu rồi thì phải về đây mà ở trông coi thờ cúng tổ tiên. Cáo chết ba năm quay đầu về núi. Quê mình tuy nghèo thật nhưng tương lai rồi sẽ khá lên. Chắc chắn là như thế. Chúng mày cứ ngẫm mà xem. Dân Hà Nội đấy. Họ tràn cả ra vùng ven để mua đất, xây biệt thự, nhà vườn, làm trang trại, làm chỗ nghỉ cuối tuần đấy. Quê mình đây cũng thế. Bình yên, trong lành. Đáng sống lắm chứ. Tao giữ nơi này là giữ cho chúng mày. Dù đi đâu ở đâu cũng còn chỗ mà về. Bà gay gắt nói với chúng vậy. Cuối cùng, các con bà cũng phải nghe theo. Và thực sự những tháng hè, ngày Tết, nhà bà đúng là nơi nghỉ ngơi sum vầy của các con, các cháu thật.
“Cho bà Tịch mấy quả cau này”. Đang lúi húi bày hàng, bà Tịch nghe tiếng người sau lưng. Ngoảnh lên, mẹ Ngần đang nhe nhẻn. Vẫn ngồi dạng chân trên chiếc yên xe đạp, Ngần cầm ba quả cau đưa bà. “Cau rằm hả?”. Vừa bước ra đón chùm cau, bà Tịch vừa hỏi lại. “Vâng. Cau cúng rằm của nhà cháu đấy. Ngon phải biết”. “Mẹ mày có ăn đâu mà biết?”. “Biết chứ bà. Cháu nhìn mã nó đẹp thì chắc chắn nó phải ngon rồi”. “Ừ. Ngon thật mày ạ. Mấy đứa xóm trong cũng vừa cho tao đây này”. Lôi bọc cau ra, bà Tịch mở cho Ngần xem. Dễ có đến gần hai chục quả cả thảy.
Cả cái làng Cổ Cò này chỉ còn vài người ăn trầu. Trong số đó có bà Tịch. Thế nên, nhà đám bây giờ khoản cau trầu thưa vắng lắm. Chỉ có giỗ chạp hay cưới hỏi, theo phong tục thì phải có. Có để làm phép. Hình thức thôi. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, các cụ dạy rồi. Chẳng ai bày trầu cau tiếp khách như xưa nữa. Thì có ai ăn đâu mà bày? Vì vậy, nhiều người cúng giỗ xong thường mang cau đó cho bà Tịch. Bà cất đi vừa để ăn dần vừa dành cho bạn trầu. Họ đến thì bà bổ cau ra. Trầu không cả một giàn trong vườn đó. Tha hồ mà ăn. Thoải mái mà chuyện. Bà chẳng phải mất tiền mua cau bao giờ. Có đận nhiều người cho cau quá, bà đã bổ ra phơi khô dùng dần. Cánh trẻ thường gọi bà là người ăn trầu cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Bà cười, hở ra hai hàm răng đều tăm tắp đen nhánh như hạt na. Tất cả vẫn còn chắc đẹp như thời con gái.
Một cơn gió bấc bất chợt ào đến. Bà Tịch rùng mình. Kéo cái khăn choàng kín cổ, bà cầm mấy cái gốc tre khô rum lại trong chiếc chậu nhôm hỏng. Nhặt thêm mấy mảnh củi nhỏ bà cài xuống dưới gốc tre. Sau đó, lấy tờ báo cũ bà loay hoay bật lửa. Lửa bén vào củi rồi liếm dần tới rễ tre, gốc tre. Bà chụm môi thổi nhẹ. Gió tiếp sức. Ngọn lửa bốc dần lên. Củi tre nổ lách tách. Sau đó, ngọn lửa như nhảy múa. Bếp lửa rực hồng. Bà đặt chiếc kiềng lên trên chậu lửa. Rồi đến chiếc ấm siêu đun nước. Bà ngồi xuống, hai tay hơ bên bếp, miệng suýt xoa. Mỗi khi có cơn gió thổi tới, ngọn lửa lại bùng lên làm ửng hồng đôi má U60 của bà. Những nếp nhăn trên mặt bà bỗng biến đâu hết cả. Đặc biệt, khi bà ăn trầu, cái sự hồng này lại càng rõ nét. Ánh mắt bà long lanh. Chẳng biết bà say trầu hay bắt ánh lửa mà trông bà đẹp hẳn. Áo khăn choàng kín người, chỉ hở ra khuôn mặt ửng hồng và đôi mắt đẹp nên rất khó đoán tuổi bà. Bà lại biết cách ăn mặc nên càng khó đoán hơn. Những người lần đầu tiên gặp bà, kẻ thì bảo bà năm mươi, người khác lại chỉ đoán bốn mươi. Có người cam kết rằng cùng lắm bà cũng chỉ bốn nhăm, bốn sáu là cùng. Đa phần đều cho bà trẻ đến cả chục tuổi. Nghe mà mát lòng mát ruột.
“Có đứa nào về chưa hả bà?”. “Ông Có hả? Chưa ông ạ!”. Đang lúi húi chắt nước vào phích, nghe tiếng hỏi, bà Tịch biết ngay là ông Có đã sang. Ông này ở cạnh nhà bà. Tên là Có nhưng đời ông khá vất vả. Bộ đội chống Mỹ về, chiến đấu trong vùng chất độc da cam nên đẻ mấy đứa con toàn dị tật chết yểu. May mà có cái Huệ trước lúc ông nhập ngũ. Chị này lấy chồng xa. Sau mấy lần đẻ hỏng, vợ chồng ông đành “ở vậy”. Thế rồi, bà ấy lại bỏ ông đi sau một cơn đột quỵ. Rõ khổ. Vậy là ông trắng tay. Ông cô đơn gần chục năm nay. Khi ông Tân mất, dân làng dở đùa dở thật cứ gán ghép ông với bà Tịch. Hai người nghe thấy vậy chỉ cười. Thì người ta muốn tốt cho mình, có bầu có bạn lúc về già chứ có ý gì đâu?
Kéo chiếc ghế con đặt cạnh chậu lửa, bà Tịch mời ông Có ngồi. Ngọn lửa như có ma lực níu ông xuống. “Bà cho xin miếng trầu ăn cho ấm bụng”. “Trầu tôi để trong cái cơi ở tủ quán đó. Ông lấy hộ cái”. Vừa xúc ấm pha trà bà Tịch vừa nói với ông Có. Quen chỗ, ông Có mở tủ lấy cơi trầu. Cầm một miếng bỏ vào mồm ông nhai một cách ngon lành. Làng Cổ Cò này, đàn ông ăn trầu duy nhất chỉ có ông. Thực ra, ông cũng chỉ mới biết ăn trầu sau ngày ông Tân mất một thời gian. Lúc đầu cũng khó ăn lắm. Có bận ông say lử lả. Còn say hơn cả say thuốc lào. Vậy mà sau đó thì ông nghiện. Nghiện lúc nào ông cũng không hay. Trầu phải mặn vôi, thêm thuốc lào vào ăn mới đã.
Mấy lần ông Có định sắm “bộ đồ nghề” ăn trầu như bà Tịch nhưng nghĩ nó buồn cười nên lại thôi. Lúc nào thèm trầu thì cứ sang bà ấy. Lo gì. Đàn ông đàn ang, cơi cối làm gì, kỳ quặc lắm. Ăn bên ấy đủ rồi, lúc về bỏ túi mấy miếng là ổn. Thế rồi, chẳng biết ông nghiện ăn trầu hay phải lòng bà Tịch nữa mà một ngày không ngồi ở quán bà đôi lượt là ông nhớ. Ngược lại, bà Tịch cũng nhiễm thú uống trà từ ngày ông Có hay sang quán. Cứ ông ấy sang là bà pha trà. Người ta “rượu khà, trà chép”, đằng này hai ông bà lại “trầu già, trà đặc” đối ẩm với nhau chuyện tràn cung mây. Nhưng cũng nhiều lúc họ lại ngồi lặng im, miệng chép chép vị trà hoặc nuốt nước cốt trầu, cùng nhìn xa xăm tư lự.
Nhớ cái đận làng nâng cấp con đường này, không có bà Tịch và ông Có ra tay thì còn lâu mới thi công thông được. Thì đường cũ bê tông rộng ba mét, đi lại dễ dàng rồi cần gì phải nâng cấp nữa? Nông thôn chứ phải thành phố đâu mà cần đường rộng? Hơn nữa, xã đã đạt danh hiệu “nông thôn mới” rồi bày vẽ “nâng cao” gì cho mệt? Mấy hộ ngại đóng góp tìm cách phá ngang. Họ rỉ tai bà Tịch: “Nhà bà ở đầu làng, cần quái gì đường to mà đóng với góp. Bước ra cửa là quốc lộ, đường nhà nước hẳn hoi cần gì đường làng?”. Bà Tịch ngồi nghe chỉ ậm ừ.
Nếu theo thiết kế nâng cấp con đường này thì nhà bà mất gần trăm mét tường rào, vào sâu hơn mét nữa. Vị chi là mất hơn trăm mét vuông đất. Kể cũng xót thật. Ông Có là đảng viên. Chi bộ phân công ông phụ trách xóm này. Ông không biết bắt đầu từ đâu. Chợt nhớ tới bà Tịch. Bà ấy là vợ thương binh. Ông Tân là bạn chiến đấu với ông thời chống Mỹ. Các con bà đều là cán bộ nhà nước. Có đứa còn là sĩ quan quân đội nữa. Từ những nhân tố đó ông đã tỉ tê tâm sự, vận động, thuyết phục bà. Bà Tịch nghe ra ủng hộ liền. Các con bà biết tin còn cho bà cả chục triệu đồng xây lại tường rào và đóng góp thêm với làng. Theo gương bà, các hộ khác cùng hưởng ứng. Xóm đầu làng thông, các xóm sau cứ thế theo. Sau mấy tháng thi công, con đường chính hoàn thành. Nó rộng rãi, phẳng phiu, đẹp như mơ. Khu đất nhà bà Tịch lộ ra hai mặt tiền thoáng đãng càng có giá. Các hộ khác trong làng triển khai phương án bám đường mở rộng kinh doanh dịch vụ. Bóng dáng thị tứ hình thành. Đúng là đường mở đến đâu dân giàu đến đó. Tết này là Tết đầu tiên mọi người được đi trên con đường lớn thênh thang này.
“Hai ông bà tình tứ quá”. “Chụm đầu bên bếp lửa giờ này thì còn gì bằng”. “Góp gạo thổi cơm chung đê”. “Bà Tịch có mua gì ở chợ không tôi mua cho?’. “Nhất ông Có đấy. Tha hồ ấm áp nha”… Các bà đi chợ qua thấy ông Có bà Tịch vậy thi nhau trêu đùa. Bà Tịch đáp lại cũng không vừa. “Có thích thì vào đổi cho này. Chả tình tứ lại không à? Không mua gì đâu. Chờ các con nó về xem sao đã”. Ông Có chỉ cười trừ. Tuổi này còn gì mà phải xấu hổ? Sắp xuống lỗ rồi, tình yêu tình báo, tán tỉnh cà kê dê ngỗng gì nữa? Thế là vui rồi. Mấy bà cười rinh rích với nhau đi qua.
Chuyện gán ghép này, các con hai phía ông bà tuy ở xa nhưng chúng đều nghe thấy cả. Bọn chúng tỏ ý băn khoăn. Nghe nó cứ sao sao ấy. Sáu bảy mươi cả rồi giờ lại yêu với chả cưới. Riêng chị Huệ thì có vẻ xuôi xuôi. Gì bằng có người trông nom chăm sóc bố mình. Sau ngày mẹ mất, chị đã cho thằng Tuấn lên ở với ông ngoại rồi nhưng vẫn không ổn. Ông chiều cháu quá để cháu trốn học vào quán net chơi game. Sức học cháu sa sút. Cháu tụ tập đua xe. Nhà trường gửi giấy thông báo về cho chị. Chị đành phải lôi con về trực tiếp kèm cặp, dạy dỗ. Thế là bố chị lại cô đơn. Đón bố về ở với mình thì cụ không nghe. Giờ mà được bà Tịch, mẹ của Tiến “góp gạo thổi cơm chung” thì còn gì bằng. “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Các cụ dạy cấm có sai bao giờ. Nhà người ta có con trai dẫu có đi xa chăng nữa thì ngày lễ, ngày Tết vợ chồng cái con họ vẫn về. Gia đình vẫn được sum họp quây quần đầm ấm. Đằng này, bố mình được mỗi mình là gái. Gái phải theo chồng, phải lo cho nhà chồng. Thế nên, ngày Tết bố vẫn phải một mình đơn côi. Thương lắm. Giờ mà bố tục huyền được thì còn gì hơn. Với bà Tịch hàng xóm tốt bụng, hiền lành nữa thì chỉ có nhất.
Chị em con bà Tịch thì có ý phản đối việc này. Dân làng gán ghép vậy, mẹ đừng có ngả nghiêng nhé. Già rồi, tái giá tái rổ làm gì? Về để hầu hạ ông ấy à? Mẹ thiếu gì cứ bảo chúng con. Hai chị em gái thay nhau nói. Riêng Tiến thì lặng im. Bà Tịch thừ người. Nào đã ý tứ gì đâu mà chúng nó đành đạch ra thế? Thiếu gì ư? Thiếu tình cảm sớm khuya. Thiếu bóng đàn ông trong nhà. Vật chất tao không thiếu, tao thiếu những thứ đó đấy. Đêm hôm mưa bão gió rét, mất điện, nhà tối om om, sợ lắm chứ. Chúng mày có biết cảm giác trống vắng cô đơn ấy không? Như cái đêm đầu năm đấy. Cơn giông trái mùa ập về. Sấm chớp nhì nhằng. Sét nổ ngay đầu nhà. Mưa như đổ đá xuống. Qua ánh chớp, bà nhìn thấy cả một sân đá lổn nhổn. Gió gào rít, quăng quật. Cây cối ngả nghiêng. Bỗng “rầm” một cái ngay trước cửa. Điện phụt tắt. Đêm đen mù. Trời tối om. Bà hoảng hốt kêu rú lên. Chớp lóe sáng. Một cành xoài gãy, rơi ập xuống che kín cửa nhà. Nghe tiếng kêu, ông Có khoác áo mưa, cầm đèn pin chạy sang. Bà Tịch run lập cập vì rét và sợ. Kéo cành xoài ra, ông Có vào động viên an ủi bà. Mãi một lúc sau, trời ngớt mưa, ông Có đang định về thì bà khẩn khoản đề nghị: “Ông ở đây với tôi kẻo tôi sợ lắm”. Nghe vậy, ông Có ngần ngừ rồi miễn cưỡng ở lại. Đêm đó, hai người thức chong chong cùng cây đèn pin Trung Quốc. Khi pin cạn cũng là lúc trời vừa sáng. Cả ngày hôm đó, ông Có đã giúp bà dọn dẹp sau cơn giông… Chúng mày có ở nhà đâu mà biết?
“Lũ cây xanh táo nở hoa tím đẹp quá bà ạ. Nó làm nền cho hoa cúc, hoa hồng rực rỡ hơn”. Ông Có nhìn theo tốp các bà đi chợ, ngắm hoa hai bên đường nói cắt ngang dòng suy nghĩ của bà Tịch. Bà Tịch đáp lời: “Ra giêng, gặp mưa xuân xuống thì còn đẹp nữa ông ạ”. “Dạo ấy, nghe bà, tôi cho xóm mình trồng hoa hai ven đường, các xóm trong họ làm theo. Bây giờ trông thích thật. Đường mới, hoa tươi, đủ các màu nhìn cứ như công viên”. “Nông thôn mới nâng cao mà lị”… Hai người vừa sưởi ấm nhai trầu vừa ngắm hoa tâm sự. Chuyện nọ xọ chuyện kia ríu rít quên đi cả cái rét.
Đúng là theo sáng kiến của bà Tịch, mặt đường bê tông rộng sáu mét, mỗi bên lề đường hơn nửa mét đất nữa rồi mới đến rãnh thoát nước. Tha hồ rộng rãi phong quang. Ta tận dụng hai bên lề đường trồng hoa, bảo đảm bảo mai kia đẹp phải biết. Nói là làm. Hai ông bà cuốc xới, xin các loại giống hoa về trồng. Dân làng thấy thế càng tán tỉnh trêu đùa họ. Đến khi hoa nở, nhất là hoa mười giờ đỏ rực cả vạt dài hai bên ven đường làm nền cho các loại hoa khác thì ai cũng tấm tắc khen. Các xóm lại đua nhau làm theo mô hình xóm ông Có bà Tịch. Giờ đây, con đường này đang rực rỡ hoa, đang rộn rịp người xe đi lại kia. Không khí đón Tết, chào Xuân sao rộn ràng đến vậy. Dân làng ai cũng tự hào. Khách xa đến đều ngỡ ngàng. Làng văn hóa nông thôn mới nâng cao có khác.
Thi thoảng, đã có những chiếc xe khách dừng trước cửa quán. Bà Tịch thấp thỏm đứng ngồi. Mấy hôm nay, hễ cứ có xe khách đỗ là bà lại ngó ra. Không phải con cháu nhà bà. Cũng không phải mẹ con nhà chị Huệ. Toàn những đứa đi làm xa về Tết. Con bà thường hai lăm, hai sáu chúng nó mới về cơ. Biết vậy mà bà vẫn cứ mong. Ông Có thì vợ chồng Huệ về. Quà cáp, lễ Tết cho bố xong là đi. Ba ngày Tết, hầu như năm nào cũng thế, chỉ một mình ông ấy thui thủi trong nhà. Phận con gái, lấy chồng xa đành phải chịu. Nó còn phải lo cho nhà chồng của nó chứ. Bà Tịch thì khả dĩ hơn. Các con bà, chí ít là vợ chồng thằng Tiến, xong Tết thì vợ chồng nó mới đi. Năm nào nó phải trực thì vợ con nó sẽ ở lại ăn Tết cùng bà. Vậy nên, Tết nhà bà vui lắm. Đặc biệt, những năm hai đứa con gái bà cho cả nhà về đúng dịp Tết, đại gia đình bà sum họp hội tụ thì đúng là… “vui như Tết”.
“Chắc phải vài ngày nữa chúng mới về bà ạ?”. Nhìn mấy người lục tục xuống xe, ông Có nói. “Thì ra ông cũng mong vợ chồng con Huệ?”. “Mong chứ. Tết sum họp mà. Bà còn khá. Chứ tôi thì…”. Ông Có thừ người buông lửng câu nói. Bà Tịch hiểu ý. Ông này lại nghĩ đến ngày Tết cô đơn đây. Ông ấy bảo sợ Tết lắm. Tết đến, nhà ông vắng lặng, buồn tênh. Tính ông ấy cẩn thận, chẳng đến nhà ai dịp Tết. Ông bảo: “Bà nhà tôi mất, Tết nhất đến nhà người ta chơi, ngại lắm. Đầu năm mới để họ mất dông à? Phải kiêng cho họ bà ạ”. “Kiêng thì ông sang nhà tôi”. “Thôi. Bà thông cảm. Cứ thế cho nó lành”. Nghe ông Có nói vậy, bà càng thương ông hơn. Cùng cảnh ngộ nên bà rất hiểu. Nhưng mà… kiêng nhà nào thì được, chứ nhà mình mà ông ấy cũng ý tứ, kiêng cữ là sao? Mãi mấy năm gần đây bà mới hiểu điều này.
“Giá dạo đó, ông đừng ngăn cản chúng thì bây giờ đâu đến nỗi?”. Bà Tịch buông tiếng thở dài sau câu nói của mình. “Ai mà biết trước được. Âu cũng là duyên số bà ạ”. Nói xong, ông Có nở nụ cười buồn. Chuyện hai người vừa nhắc tới là chuyện tình của Tiến và Huệ. Hai đứa con của họ chơi thân với nhau từ bé. Chơi đồ hàng, đuổi chim bắt bướm, chơi bi, chơi khăng… Đủ thứ trò chơi con trẻ nhà quê. Đặc biệt, trò “chồng vợ” thì chúng chơi không biết bao nhiêu lần. Rồi, bất chợt một ngày nọ, chúng trở nên ngượng ngùng, nhất là Huệ. Hơn Tiến năm tuổi, Huệ phổng phao xinh đẹp hẳn lên. “Gái thập tam, nam thập lục” có khác. Huệ ý tứ bao nhiêu thì Tiến vẫn cứ tồ tê, ngờ nghệch bấy nhiêu. Đến khi anh trổ mã thì tình yêu với Huệ ập đến. Cả Huệ cũng vậy. Hai đứa phải lòng nhau. Bố mẹ hai bên đều biết. Vợ chồng bà Tịch ngăn cản. Vợ chồng ông Có thấy vậy cũng cấm đoán con gái mình. Huệ được bố mẹ xin cho đi làm công nhân xa nhà ở dưới xuôi rồi nàng lấy chồng luôn ở đó. Còn Tiến cũng được cậu kéo đi lên tận Hà Giang tạm làm chân bảo vệ một trường học. Rồi anh nhập ngũ. Chuyện tình hai người kết thúc. Bây giờ, mỗi khi gặp nhau, sau phút ngượng ngập bối rồi, họ đều vui vẻ khi nhắc lại chuyện cũ. Rất vô tư.
“Ngày đó, tôi thương thằng Tiến lắm – ông Có giãi bày – Đẹp trai thế mà để nó lấy con Huệ nhà tôi hơn nó năm tuổi. Mai kia con Huệ già xấu để nó gọi bằng chị suốt đời à? Ngộ nhỡ đâu nó chán lại bỏ con Huệ thì có phải tội cả hai đứa không?”. “Ông thật là… Tình yêu đâu kể tuổi tác, thời gian. Giá chúng nó nên vợ thành chồng, ở gần gựa đây thì bây giờ chúng mình đỡ khổ”. Bà Tịch chép miệng thở dài. Bà nói vậy thôi chứ ông Có biết thừa là dạo đó bà cũng cản con trai bà ghê lắm, bây giờ bà nói đãi bôi thôi. Ơ! Nhưng mà chẳng biết bà ấy thuận miệng vô tình nói “chúng mình”, hay là… Mà dạo này bà này hay nói thế lắm. Làm như mình với bà ấy là một vậy? “Chúng mình”? Ngẩn ngơ trước hai từ thân thương đó, ông Có ngồi lặng im nhìn bà Tịch
Bếp than hồng rực đỏ. Bà Tịch với cơi trầu lấy một miếng đưa ông Có: “Ăn thêm miếng nữa cho ấm bụng cả thể. Chúng nó chả về thì thôi. Cần gì”. Bà nói trống không, vẻ bất cần nhưng pha chút hờn dỗi. Ông Có tiếp tục nhai trầu. Nuốt miếng nước cốt trầu, nhìn sâu vào mắt bà Tịch, ông nói: “Không thông gia với nhau cũng hay bà nhỉ?”. Bà Tịch thoáng ngạc nhiên. “Thì là bạn, là hàng xóm tốt chứ sao?”. “Đã đành là thế rồi. Ý tôi nói là… là… hay là… chúng mình… góp… góp gạo thổi cơm chung đi bà?”. Bà Tịch sững sờ trố mắt nhìn. Rồi bà phá lên cười: “Ông dở người à? Tuổi này mà còn…”. Ông Có cắt ngang: “Tôi nói nghiêm túc đấy. Bà cứ nghĩ kỹ đi”. Thấy vẻ mặt nghiêm trọng của ông Có, bà Tịch dừng cười nhìn ông trầm ngâm. Ông Có tiếp tục tấn công: “Thì bà chả vừa nói tình yêu đâu có tuổi tác, thời gian đấy thôi?”. Bà Tịch nhoẻn cười: “Khỉ gió cái nhà ông này!”.
Hết ngày, con cháu của ông Có và bà Tịch vẫn chưa về. Cả ngày sau cũng vậy. Hai đêm rồi, bà Tịch trằn trọc không sao ngủ được. Phần vì gió rét run người, phần vì câu nói của ông Có hôm trước. Nhớ con, nhớ cháu. Thương mình, thương đời. Càng gần Tết càng lắm nỗi suy tư. Ngày xưa còn trẻ mong Tết bao nhiêu thì bây giờ tuổi cao lẻ bóng càng sợ Tết bấy nhiêu. Mỗi tuổi mỗi đuổi xuân đi. Mình còn xuân đâu nữa mà đuổi? Cả ông Có nữa. Vậy mà, bên ông hàng xóm này nhiều khi mình cũng cảm thấy xốn xang. Gần bảy mươi rồi nhưng ông ấy trông vẫn còn phong độ lắm. May trời cho ông ấy cái sức khỏe, không thì ốm đau một mình là gay. Cả mình cũng vậy. Chỉ sợ mai này… Đêm cuối năm, mong con đợi cháu về, bất chợt hình ảnh ông Có trong cái đêm giông gió đầu năm cứ hiện về. Và câu nói “góp gạo thổi cơm chung” hôm trước cứ văng vẳng bên tai bà. Chả lẽ lại thế?
Hai ba tháng Chạp, bà Tịch nghỉ bán quán. Bà lúi húi sửa soạn mâm cỗ cúng ông Táo. Xong xuôi đâu đấy, bà sang nhà ông Có. Lại phải nhờ ông này cúng giúp mình thôi. Ngày Tết quan trọng lắm. Có phải rằm hay mùng một đâu mà thắp hương lòng thành thôi. Đây là Tết ông Táo. Phải cúng khấn cho cẩn thận. Việc này bà đâu có biết làm. Nhờ ông ấy cúng cho. Một năm có ba ngày bà nhờ ông Có cúng. Đó là Nguyên tiêu, Tết ông Táo và bữa Tất niên. Riêng giao thừa và Tết Nguyên đán thì bà tự cúng. Ông Có đã bày cho rồi. Có nhờ thì ông ấy cũng không giúp. Kiêng mà. Năm mới, ông không đến xông nhà ai đâu. Chẳng lẽ bà lại làm nốt cả ba cái tuần tiết này. Đàn bà, con gái sao có thể được? Không thiêng, không nghiệm đâu. Thế nên, cứ phải ông Có khấn cho chu đáo. Mình là dâu trưởng họ mà.
Vừa cúng khấn xong, hai ông bà đang ngồi nói chuyện thì vợ chồng Tiến đưa con về. Anh ta hớn hở: “Tết này con không phải trực, đưa cả nhà về ăn Tết với bà luôn”. Mẹ con, bà cháu ríu rít. Ông Có cũng vui lây. Được lúc thì ông kiếu về. Mọi người giữ ông lại. Tiến nói: “Mời ông ở lại uống rượu với mẹ con con. Chả mấy khi vợ chồng con về cả nhà, ông ở lại vui với nhà con đi ông!”. “Cháu nó nói phải đấy. Ông ở lại đi”. Bà Tịch tiếp lời. Bỗng có tiếng gọi từ bên nhà ông Có vọng sang. Huệ cũng vừa đưa con về Tết bố. Ông Có vui quá nhất định cáo lui. Bà Tịch sốt sắng: “Ông về mở cửa cho chúng nó rồi bảo chúng nó sang tất cả đây. Trưa rồi. Ông cúng tối cũng được. Tiến đâu? Theo ông Có sang mời cả nhà chị Huệ sang đây uống rượu”. Tiến hăm hở dập hai chân đứng nghiêm theo kiểu quân đội, đáp: “Rõ! Con xin tuân lệnh bà!”.
Cỗ trưa hôm đó, nhà bà Tịch vui lắm. Bố con ông cháu ông Có đều sang cả. Tiến đợi đón bằng được họ sang. Có mấy bước chân là tới, chối từ sao được. Hơn nữa, cũng trưa rồi. Lúc sang nhà Tiến, Huệ đi sau nói nhỏ: “Mình tác thành cho hai cụ, Tiến nhé!”. Bị bất ngờ, Tiến sững người dừng lại. Đoạn, anh mỉm cười nhìn Huệ. Huệ tiếp lời: “Mình nói nghiêm túc đấy. Đồng ý không?”. Chị nhìn thẳng vào đôi mắt Tiến. Tiến ậm ừ: “Ý kiến hay đấy. Thế nhưng… còn chờ các cụ xem sao chứ”. “OK. Cứ thế đi”.
Lâu lắm rồi, ông Có mới uống rượu nhiều như hôm nay. Cả bà Tịch nữa. Thì có ai đâu ngoài hai gia đình họ. Con cháu được ngày Tết sum họp với bố mẹ ông bà. Ngược lại ông bà cũng vậy. Thế thì cứ vui cho thỏa thích. Đủ thứ chuyện râm ran. Chuyện công tác, học hành. Chuyện làng quê xóm xã. Chuyện xưa, chuyện nay. Một năm bề bộn sắp qua rồi. Ai biết gì, nhớ gì thì kể nấy, nói nấy. Mấy đứa trẻ thấy ông bà, bố mẹ chuyện nổ như ngô rang thi thoảng cũng góp vui.
“Con thấy năm nay về, làng mình có con đường mới đẹp quá. Vợ Tiến, người Mông lên tiếng. Huệ tiếp lời: “Đúng thế. Chị cũng thấy vậy. Vừa rộng, phẳng, thẳng, sạch lại rực rỡ hoa hai bên nữa”. Nhấp một ngụm rượu, đặt chén xuống, ông Có khà khà: “Cũng nhờ bà Tịch đấy. Hiến đất mở đường. Sáng kiến trồng hoa. Giờ đã giống đường công viên chưa?”. “Thì cũng phải có ông lãnh đạo mới được thế chứ”. Bà Tịch cất lời. “Hai cụ nhà mình tuyệt vời. Cả nhà ta nâng chén mừng đường mới nào!”. Tiến hào hứng. Lũ trẻ con thấy thế cũng “dô dô”. Tất cả cùng chạm chén. Rất khí thế.
“Con có ý kiến thế này – Huệ lên tiếng – Năm cũ sắp qua rồi. Đón năm mới con có một đề xuất”. Mọi người dừng gắp rót, hướng cả về phía Huệ. Huệ nháy mắt ý nhị nhìn Tiến. Bà Tịch sốt sắng: “Chị có sáng kiến gì chăng?”. Huệ mỉm cười: “Dạ. Con nói ra điều này bà phải ủng hộ con cơ”. “Thì chị cứ nói. Giúp được thì tôi ủng hộ”. “Rằng thì là… là… bà cho bố con… góp gạo thổi cơm chung được không ạ?”. Ông Có suýt sặc rượu, trố mắt nhìn con gái. Bà Tịch cũng ngây ra. Mọi người sững sờ. Riêng Tiến đoán được ý của Huệ nên chỉ cười ruồi. Bà này vẫn táo bạo, quyết đoán như xưa.
Trong ngà ngà men say, ông Có gắt với con gái: “Cái con này! Chỉ được cái cầm đèn chạy trước ôtô”. Tiến đột ngột cất lời: “Con ủng hộ”. Bà Tịch quay mặt lại với Tiến: “Lại được cả anh nữa? Việc này không khiến các anh, các chị nhé”. “Vậy là bà đồng ý với con rồi đấy!”, Huệ cướp lời reo lên. Ông Có nhìn con gái, nhìn bà Tịch. Mặt bà Tịch đỏ bừng. Không biết vì rượu hay vì chuyện này mà mặt bà ấy ửng đỏ đến thế.
Ngoài kia, con đường vào làng Cổ Cò càng trưa càng nhộn nhịp người xe qua lại. Gió đã lặng rồi. Lất phất mưa bay. Hình như là mưa xuân. Hai bên đường, hoa đua nhau khoe sắc. Cây đào trước ngõ, ngay cạnh quán, cành nào cành nấy chúm chím nụ hồng. Một vài bông nở trước đỏ rực. Không ai bảo ai, tất cả con cháu của ông Có và bà Tịch đều nhìn về phía họ, rồi cùng nhìn ra con đường làng trước nhà. Ai cũng cảm thấy rạo rực lâng lâng. Đúng là Tết đã đến, Xuân đã về trước ngõ thật rồi!
Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu