Sáng hôm ấy, Seo Tỏa thấy một người lạ đến nhà, ngồi nói chuyện với ông nội một lúc lâu. Lúc trở ra, người khách ấy nở nụ cười thân mật, nói với Tỏa:
– Seo Tỏa đi với chú. Ông đồng ý cho Tỏa đi rồi.
– Đi đâu ạ?
– Đi lên huyện, ở trên đó, giúp việc cho các bác, các chú.
Thế là từ hôm đó, Seo Tỏa tạm xa ông nội, lên ở hẳn trên Ủy ban Hành chính huyện.
Seo Tỏa là con của Giàng A Tống, một chiến sĩ du kích dũng cảm. Người du kích ấy đã lập nhiều chiến công trong các chiến dịch chống phỉ, khi thì dẫn bộ đội luồn rừng khép kín vòng vây quanh hang ổ giặc, khi khéo léo gọi một toán phỉ vác súng ra hàng. Thế mà trong một trận phục kích bọn phỉ, A Tống bị một tên nổ súng bắn lén. Trước khi ngã xuống, A Tống còn kịp nã phát đạn hạ gục kẻ thù.
Năm ấy, Seo Tỏa mới bốn tuổi. Hai năm sau, mẹ Tỏa lấy một người tận trên Lùng Sán Chải, dắt Tỏa đi theo. Mẹ và bố dượng cứ cặm cụi với mảnh nương lởm chởm đá tai mèo, để Tỏa thui thủi ở nhà một mình. Thế là Tỏa lũi cũi lần về với ông nội.
Ông nội Seo Tỏa đã già, nhưng khỏe mạnh, săn chắc. Ông như cây sa mu lách đá mọc lên trên vách núi cheo leo, đứng vững trong nắng mưa, trong sương mù giá buốt. Ông có nguồn truyện kể vô tận. Mỗi ngọn núi, mỗi suối khe, từng tảng đá, từng hang sâu đều có chuyện. Ông cứ thủ thỉ kể cho Seo Tỏa nghe. Ông cũng thuộc nhiều điệu hát. Giọng hát của ông khe khẽ, trầm trầm, như nước suối chảy qua khe đá, như gió vi vút trên ngọn sa mu. Có bài hát nghe rõ lời, có câu chỉ nghe giọng ông ư a ư ời ngân dài như gió thoảng. Ăn máo của, ăn cơm ăn rau thì no, chứ Tỏa nghe ông kể chuyện và nghe ông hát thì không biết no, chẳng biết chán.
Lúc ở nhà, khi lên nương, Seo Tỏa thường được ông chỉ bảo cho bao điều. Lách lưỡi cuốc vào kẽ đá thế nào để hạt ngô bám đất mọc lên, làm sao để lũ đá xếp hàng bá vai nhau quanh nương thành hàng rào mà trâu húc không đổ, phang dao cách nào lái cho cây ngã xuống theo ý mình. Ông cho Tỏa tập cầy nương. Nương chênh vênh, đá lởm chởm. Làm sao để lưỡi cày vọc đất lên không bị sót, không vấp vào đá. Con trâu biết lựa bước đi cũng là do mình luyện cho nó. Ông vừa làm vừa chỉ dẫn.
Ông kể cho Tỏa nghe về cây khèn. Sáu ống trúc là sáu anh em tụ vào thân khèn, cùng hòa giọng bổng trầm để cây khèn biết hát, biết nói tiếng con tim. Ông dạy Tỏa thổi khèn và múa khèn. Ông già thế mà múa khèn mềm dẻo, khỏe khoắn, toàn thân uốn lượn mà tiếng khèn vẫn réo rắt theo nhịp múa, chả hề đứt hơi. Nghe ông nói, nhìn ông múa vài lượt là Tỏa biết làm theo. Ông khen Tỏa sáng dạ, nhưng còn phải tập nhiều mới thành chàng trai Mông thổi khèn hay, múa khèn giỏi để các cô gái làng gần bản xa đứng xem cười tít mắt.
Thích nhất là ông thủ thỉ về con ngựa. Ông bảo con ngựa cũng như con người. Có ngựa ngoan, thông minh và thuần tính, có ngựa chứng hung hăng. Nhưng ngựa nào cũng ưa vỗ về chăm sóc. Mình quý ngựa thì ngựa nó quý mình. Con ngựa đen mầu bồ hóng đã gắn bó với ông bao lâu nay. Bây giờ nó đã là lão ngựa gầy, sức không khỏe như xưa, nhưng ông vẫn quý, vẫn nhờ cậy nó đỡ việc nặng việc nhẹ hàng ngày.
Seo Tỏa xa ông, xa ngôi nhà cũ kĩ thân thuộc, xa con ngựa gầy mầu bồ hóng, nhớ lắm! Nhưng ông khuyên: “Đi đi! Đi mới lớn được. Đi mới biết nhiều. Đi mới có nhiều bạn. Thỉnh thoảng về chơi với ông!”
Bác Dìn là bạn chiến đấu của bố Seo Tỏa năm xưa. Bác Dìn giao cho Seo Tỏa làm giám mã. Hỏi giám mã là làm gì, bác ấy bảo là trông coi con ngựa của Ủy ban huyện. Ngày ngày cho nó ăn no, tắm táp cho nó. Khi cần thì đi cùng bác tới các xã, bác làm việc thì Tỏa trông coi ngựa, xong việc thì bác cháu cùng về. Ngày ngày cháu phải học chữ. Học vào lúc nào à? Thì đi học lớp buổi tối cùng người lớn. Phải học cháu ạ! Bác cũng phải đi học mà. Bác nhiều tuổi rồi, đi học chữ nó vào đầu chậm. Cháu còn bé, chữ sẽ vào đầu nhanh. Rồi cháu sẽ có nhiều chữ hơn bác ấy chứ! Thế cháu nhé! Bác Dìn vỗ vỗ vào lưng Seo Tỏa và cười rất vui.
Con ngựa mà Seo Tỏa có nhiệm vụ trông coi có tên là con Ngựa Hồng. Ấy là gọi theo mầu lông của nó nâu nâu anh ánh, gọi là Ngựa Hồng cho oai. Con ngựa cao lớn, Seo Tỏa đứng bên nó chỉ nhô lên cái đầu. Nó cao lớn hơn con ngựa nhà Tỏa. Và béo tốt hơn, khỏe hơn.
Vốn đã quen với ngựa ở nhà, Seo Tỏa chả có gì bỡ ngỡ trước con Hồng. Seo Tỏa cầm dây cương, phóc một cái ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa. Con Hồng phản ứng tức thì. Nó chồm hai chân trước, dựng đứng toàn thân trên hai chân sau, hí lên một hơi dài. Nó muốn nói: Ơ kìa! Cái kẻ oắt con này ở đâu đến mà nhảy phắt lên lưng ta? Seo Tỏa ghì dây cương, nép sát trên lưng ngựa. Con Hồng bổ hai chân trước xuống đất, bật hai chân sau hất mông lên. Seo Tỏa vẫn vững tay cương, quắp hai chân khẳng khiu nhưng rắn chắc, quyết không để con ngựa hất tung xuống đất. Con Hồng chẳng vừa, nó chồm dựng lên lần nữa rồi phóng vụt đi. Á à! Mày phi à? Thì tao phi với mày, Hồng ạ! Seo Tỏa rạp người trên lưng ngựa, nắm chặt dây cương, chân miết ghì bám chắc, toàn thân nhún nhún theo nhịp vó ngựa phi. Cỏ cây lướt nhanh, gió ù ù bên tai. Lúc đầu, Seo Tỏa cũng hơi run, nhưng kịp trấn tĩnh. Bây giờ thì Seo Tỏa thấy thích chí với cuộc làm quen của ngày đầu nhận nhiệm vụ giám mã.
Hình như con Hồng thấy chú bé cưỡi trên lưng mình là kẻ không vừa. Nó chuyển từ phi nước đại sang nước kiệu, vó băm băm đều đều trên đường đá. Rồi nó chậm lại, bước thư thả đều đều. Đủ rồi chứ? Chúng ta biết nhau rồi nhé?
Đến con suối nước chảy trên lớp đá cuội sàn sạt, Seo Tỏa khiển cương cho con Hồng dừng lại rồi nhảy phắt xuống. Seo Tỏa nhận ra mình đã nóng vội, quên mất lời ông thường thủ thỉ ở nhà. Ông vẫn bảo: Con ngựa cũng như con người. Hiểu nhau thì quý nhau. Mình quý ngựa thì ngựa quý mình. Giá như Seo Tỏa nhớ lời ông ngay lúc mới gặp con Hồng thì cuộc làm quen ngon nghẻ bao nhiêu.
Bây giờ ta nói chuyện với nhau nhé! Seo Tỏa vỗ vỗ vào lưng con Hồng. Mình biết tên bạn rồi. Ngựa Hồng! Cái tên đẹp đấy. Dáng vẻ cao ráo. Thân săn chắc. Lông mịn mượt. Bụng thon gọn, không gầy hóp, cũng không xệ thõng xuống. Cổ chắc như khúc sa mu. Ngực nở. Bờm dày mọc dựng lên mà mềm mượt. Vầng trán phẳng, trán này thông minh nhưng mà bướng, không dễ bị bắt nạt. Thế mới tốt. Đôi mắt to tròn, sáng long lanh, mi mắt ráo. Mắt này là tinh lắm đây. Đôi tai dựng đứng, linh hoạt. Tai này rất thính. Xem bộ vó chút nào! Hầy dà! Bốn vó thon chắc, thẳng thắn, móng khum khum, nhẵn ánh lên. Nghe tiếng chân cậu gõ đều đều lúc nãy, tớ đã biết rồi. Bây giờ nhìn càng rõ hơn. Chạy một cuốc mà lúc dừng chân cậu vẫn thở bình thường như không, chẳng thấy phì phò hí hóp. Sức khá đấy! Seo Tỏa thủ thỉ, tay vỗ về, xoa xoa, rất thân tình thiện cảm. Con Hồng đứng lặng yên, chỉ khẽ phất qua phất lại bộ lông đuôi dài óng mượt.
Seo Tỏa khum tay té nước suối tắm táp, kì cọ cho con Hồng. Chú ngựa thích thú, đón nhận tình cảm người bạn mới dành cho mình.
Mát mẻ rồi. Ta về nhé! Seo Tỏa nhảy phắt lên lưng ngựa. Tiếng vó ngựa gõ đều đều trên đường về. Seo Tỏa ngồi lắc lư, miệng huýt sáo véo von như tiếng chim…
*
Sáng nay bác Dìn có việc lên xã, Seo Tỏa được đi cùng. Khoái quá! Những ngày qua Tỏa cứ loanh quanh ở nhà, ngày ngày thái cỏ ngựa, cho ngựa ăn rồi dắt ngựa ra suối tắm táp. Thỉnh thoảng con Hồng được bồi dưỡng bằng đậu tương vàng xuộm hay cám nếp nương thơm lừng. Nó được ăn no tắm mát, béo nhẫy ra. Nhưng lâu không chạy qua dốc qua đèo, dễ béo phệ và chậm bước chân. Tỏa cứ muốn nhảy phóc lên lưng nó phóng một chặng vượt dốc rồi vòng quanh lũng núi trở về, nhưng chỉ sợ lại bị nhắc nhở như hôm nào, cái ý muốn tung hoành vó ngựa phi đành nén lại. Tỏa đi học cùng các anh, các chị, có cả các chú, các bác lớn tuổi. Thầy giáo khen Tỏa học nhanh, nhớ tốt, viết chữ đẹp nhưng mà ẩu. Ngồi học một lúc là Tỏa ngứa ngáy chân tay. Tỏa như con ngựa bị cột lâu bên gốc mận đầu nhà, bốn chân bứt rứt chỉ muốn phóng vù ra nương ra bãi, nhảy dựng lên rồi hí một hơi dài. Hôm nay được đi xa cùng bác Dìn, Tỏa khấp khởi mừng.
Hai bác cháu trên lưng ngựa, lắc lư theo nhịp vó ngựa lọc cọc lịch kịch gõ đều đều trên đường trong làn sương mỏng vờn bay. Bác Dìn mải nghĩ công việc, chả nói gì. Tỏa cứ ngó nghiêng ngắm cây rừng, nương rẫy, trời mây. Thỉnh thoảng một cánh chim vỗ cánh lướt qua. Con Hồng cứ nhẩn nha gõ móng đều đều.
Bác Dìn kìm dây cương. Con Hồng ngoan ngoãn dừng chân.
– Đến rồi! Bác lên trên kia làm việc. Cháu ở đây cho ngựa ăn, chờ bác nhé!
Bóng bác đeo túi chàm chéo vai, rảo bước. Trên kia là những mái nhà thấp thoáng dưới bóng những cây sa mu, những cây tống quá sủ dầu dãi trong sương mù.
Con Hồng cõng hai bác cháu qua mấy con dốc dài, vượt mấy vòng núi quanh co mà dừng chân thản nhiên như không. Khá lắm. Dai sức đấy, cậu bạn ạ! Giá như hai đứa mình được thỏa sức phi lên dốc rồi phóng sang triền núi bên kia cho bõ chuyến đi nhỉ. Nhưng mà thôi! Không được phép mà phi đi là bác Dìn cho ăn mắng đấy. Bây giờ Hồng ăn cỏ đi. Cỏ non ngon lắm đấy. Thỉnh thoảng nghểnh lên mà hít khí trời buổi sáng trong lành và hí một hơi dài cho thoải mái. Hồng hí cũng như tớ hát ấy mà! Phải không?
Con Hồng nhẩn nha bứt cỏ non bên đường. Seo Tỏa leo lên tảng đá cao, đón ánh nắng và đón làn gió man mát se se. Tiếng chim khướu líu lo luyến láy trên lùm cây ven suối. Seo Tỏa huýt sáo theo tiếng chim, cứ như là đôi bạn hát đối đáp nhau không dứt.
Có tiếng người hô “hầy hầy” phía con dốc sau những lùm cây. Tiếng chân ngựa bước dồn. Ba con ngựa thồ những bao tải đầy lặc lè trên lưng lao xuống dốc. Con Hồng né sang bên. Sườn nó va vào bức rào đá nương ngô bên đường. Bức rào đổ sập. Ba con ngựa thồ nặng chạy theo đà vút đi, người chủ của chúng rảo chân chạy theo, luôn miệng “ hầy hầy!”.
Một thằng bé tầm tuổi Tỏa từ trên đỉnh nương ngô chạy nhào xuống, mặt sừng sộ:
– Thằng kia! Ngựa mày húc đổ rào đá nương nhà tao rồi, làm đền đi!
Seo Tỏa sững người, hai tay nắm đấm thế thủ, mắt nhìn thẳng đối phương.
– Mày muốn gì?
– Muốn mày phải làm đền rào nương nhà tao!
– Không làm!
Thằng bé kia thấy Tỏa nói cứng, đành tự hì hụi xếp đá. Nhưng nó lóng ngóng, đá chồng lên lại đổ. Nó đưa tay áo quệt mồ hôi. Tỏa tỏ giọng đàn anh:
– Xếp thế không thành rồi. Có nhờ giúp không?
Thằng kia muốn nhờ nhưng không muốn nhún. Biết ý, Tỏa xắn tay áo ghé vào. Tỏa nói như ông nó dạy nó ngày nào. Nó vừa bê đá xếp, vừa chỉ bảo. Đá anh phải đứng dưới, đá em thì đứng trên mới vững. Đá có tay có chân đấy. Chân phải bám chắc xuống đất. Hòn đá này níu tay vào hòn đá kia. Thế này! Thế này! Thấy chưa!
Giọng Tỏa rất đàn anh. Thằng bé kia trố mắt nhìn, rồi làm theo. Loáng một chốc, đoạn rào đá được dựng lại chắc chắn! Seo Tỏa kiêu hãnh trước đôi mắt nể phục của thằng bé.
– Anh tên là gì?
– Seo Tỏa.
– Anh giỏi quá!
– Biết thôi, chưa giỏi. Mày tên là gì? Bao nhiêu tuổi?
– Là Seo Phừ. Được mười hai tuổi.
– Thế thì bằng nhau. Là bạn thôi!
Seo Tỏa và Seo Phừ cùng cười, nụ cười rất thân tình.
Mấy hôm liền bác Dìn có việc phải lên xã, nay đến làng này, mai đến bản kia.
Seo Tỏa phải đi cùng bác Dìn nên học hành chệch choạc. Hôm nay, con Hồng đưa bác Dìn lên Chu Lìn. Tỏa giắt cuốn sách vào thắt lưng đi theo. Con Hồng vừa dừng chân, bác Dìn đã cắm cúi vượt dốc lên bản. Dắt con Hồng đến bãi cỏ non, Seo Tỏa nhảy tót lên mỏm đá ngất ngư giở sách ra học. Trên vạt nương bên cạnh có bóng người ngó nhìn, Tỏa cuộn cuốn vở lại, không học nữa, nằm vắt chân ngắm trời mây. Người trên vạt nương cất tiếng hát, nghe thì biết ngay là giọng của cô bé mới lớn.
– Ờ ơ… mai ngày lớn lên mẹ dạy em tập thêu đường chỉ hồng
Mai kia lớn lên chị dạy em nhuộm vải chàm xanh thắm…
Tiếng hát muốn khoe là bạn kia ơi, có cô bé đang hái những quả dưa, đang bẻ những bắp ngô trên nương này. Seo Tỏa liền bứt lá đưa lên miệng đáp lại:
– Tu ti tu tù… Ngắt chiếc lá bên nương, mình cất lời theo con chim hót
Hái chiếc lá bên đường, mình cất lời theo tiếng chim ca… huy huy huýt huýt huy hùy…
Cô bé trên nương đã mang lù cở đến gần chỗ Seo Tỏa.
– Anh thổi kèn lá hay quá!
– Ấy hát cũng hay mà.
Thế rồi Seo Tỏa hái dưa và bẻ ngô cùng cô bé. Cuộc làm quen thật chóng vánh tự nhiên. Mau chóng biết tên nhau, Seo Say và Seo Tỏa. Cùng hái những quả dưa mũm mĩm. Cùng bẻ những bắp ngô căng hạt. Cùng xếp ngô xếp dưa vào lù cở. Khúc khích những tiếng cười.
– Nặng thế này Say làm sao gùi nổi!
– Say gùi được mà! Vừa đi vừa nghỉ.
– Đặt lên lưng ngựa, Tỏa đưa về.
Phút chốc, hai đứa đã ngồi vắt vẻo trên lưng con Ngựa Hồng, Tỏa ngồi trước, Say ngồi sau ôm lù cở đầy ních những bắp ngô và những quả dưa. Nắng trải vàng. Gió núi mát rượi. Tiếng chim rừng hót ríu ran như cùng vui với Seo Say và Seo Tỏa. Tiếng cười của Seo Say trong veo như ánh nắng.
Seo Tỏa quay về thì bác Dìn đã đứng đợi từ bao giờ. Giọng bác nghiêm nghiêm:
– Đi đâu về?
Seo Tỏa cứ kể thật với bác Dìn. Ông dạy Tỏa không được nói dối. Bác Dìn không nói gì. Con Hồng đưa hai bác cháu về. Vó ngựa lịch kịch lộp cộp gõ đều đều trên đường dốc quanh sườn núi…
Sau lần ấy, Seo Tỏa cứ muốn có dịp gặp lại Seo Say. Có hôm, con Ngựa Hồng đã đưa hai bác cháu đi qua nương ngô Seo Say, nhưng nương ngô vắng ngắt. Ngựa đi tiếp về phía nhà Seo Say, Tỏa phấp phỏng mừng thầm, nhưng bác Dìn không ghìm tay cương, ngựa cứ đi tiếp một con dốc cao cao. Ngựa dừng chân, bác Dìn đi lên con dốc lớp lớp những bậc theo bước chân trâu. Con Hồng lại nhẩn nha gặm cỏ, Tỏa thơ thẩn chờ như những lần trước.
Đâu đây có tiếng khèn vọng tới. Tiếng khèn hút bước chân Seo Tỏa. Ngôi nhà trình tường cao cao bên bãi sân phẳng nhẵn. Có ông già đang múa khèn và một thằng bé tầm tuổi Tỏa chăm chú đứng xem. Đúng rồi, ông già đang dạy cháu tập khèn, y như ông nội đã dạy Tỏa. Hai con chó gầy hóp bụng ngồi chống chân, dỏng tai nghe. Thấy bước chân người lạ, chúng xồ ra sủa ách ách, răng nhe ra như muốn xé rách ống quần người ta rồi bập cho một nhát. Thằng bé chủ nhà trố mắt nhìn, chả thèm đánh chó. Tỏa trừng mắt đứng thế thủ. Hai con chó sững lại, vẫy đuôi đi lùi rồi né ra một bên.
Ông già đưa mắt nhìn, khẽ gật đầu với chú bé khách lạ và vẫn tiếp tục động tác làm mẫu cho đứa cháu. Ông lão múa chậm rãi, thân hình uốn cong đưa chiếc khèn rà rà sát mặt đất rồi rướn người vút lên trong hòa âm của sáu ống trúc dìu dặt êm êm. Ông lão trao chiếc khèn cho đứa cháu, bảo làm theo như thế. Thằng bé ôm cây khèn, đi mấy đường quen thuộc, như có ý khoe với khách lạ từ đâu mới đến đây. Nó tỏ ra thuộc bài ông dạy. Ông già gật đầu khen: Được! Được!
Seo Tỏa chăm chú đứng xem, chân tay ngứa ngáy, cứ đưa đẩy theo nhịp múa và tiếng khèn. Ông già hỏi:
– Cháu cũng thích múa khèn à? Cháu múa đi!
Thằng kia trao khèn cho Tỏa. Tỏa ôm khèn, cúi chào ông già rồi quay sang nhún người chào thằng bé chủ nhà theo nghi lễ trước khi trình diễn. Chà chà! Thằng này khá, biết cả lí lối lễ nghi nữa kìa! Ông già nheo nheo mắt ưng ý lắm. Seo Tỏa ôm khèn, tay bắt các nốt, chao qua chao lại rồi xoay vòng, bước chân nhịp nhàng theo tiếng khèn nối hơi không ngắt quãng. Nó buông một tay, nhún người nhảy bật lên, tay vỗ đánh toách vào gót chân. Khèn xoay vòng. Lại bật người lên, hai gót chân đánh vào nhau đánh toách cùng nhịp tiếng khèn. Ông già gật gật đầu ưng ý. Thằng cháu cười thán phục. Seo Tỏa đã dừng lại, ôm khèn cúi chào hai khán giả chủ nhà.
– Cháu múa khèn khá đấy!
– Ông cháu dạy, cháu mới biết một ít.
– Cháu ở đâu, ông cháu là…
– Là ông Giàng A Sử ở Chu Lìn Chải.
– Ồi dô! Giàng A Sử ở Chu Lìn, ông biết ông cháu từ hồi còn trẻ. Đã thi múa khèn với nhau nhiều nhiều mà! Cho ông hỏi thăm ông Giàng A Sử nhé! Lâu quá cư tì không gặp nhau rồi.
Thế là Seo Tỏa có thêm đứa bạn mới. Đúng như lời ông nói: Đi nhiều biết nhiều. Mỗi đoạn đường thêm một người bạn!
Tỏa vẫn muốn có dịp gặp lại Seo Say. Nhưng dịp ấy chưa đến thì bác Dìn bảo Seo Tỏa đi học Trường Thiếu nhi dân tộc. Được đi học, Seo Tỏa thích lắm. Seo Tỏa chạy về báo tin cho ông. Đêm ấy, Tỏa nằm ôm tấm lưng gầy của ông, thương ông lắm. Tỏa nhớ lời ông hôm nào: Đi mới lớn lên được. Đi nhiều biết nhiều. Mỗi đoạn đường đi có thêm người bạn. Hôm nay ông bảo: Đi học tốt lắm. Học, mắt sẽ sáng thêm, nhìn xa hơn, cái đầu nghĩ rộng hơn, chân sẽ bước xa hơn. Đi học sẽ có thêm nhiều bạn mới.
Hôm sau, Seo Tỏa chào bác Dìn, chào mọi người, cuốc bộ vượt dốc tới trường. Vai đeo túi lanh đựng bộ quần áo chàm, nắm cơm nếp nương, vai vác cây khèn ông trao cho, chân đất, Seo Tỏa rảo bước, lòng bâng khuâng nhớ ông, nhớ bác Dìn. Nhớ con Ngựa Hồng. Và nhớ các bạn nhiều lắm…
Truyện ngắn của CAO VĂN TƯ