Từ lâu, văn học và âm nhạc đã song hành để tồn tại và phát triển. Hai lĩnh vực này có một mối quan hệ bền chặt, tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau. Một bộ phận không thể tách rời trong văn học nghệ thuật, đó là văn học dân gian. Với sự phong phú về thể loại, bài học ý nghĩa, hình tượng nhân vật, phương thức biểu đạt…, văn học dân gian chính là nguồn chất liệu độc đáo và quý giá để những người làm nghệ thuật có thể sáng tạo ra một sản phẩm vừa hợp thời đại, vừa thấm đẫm bản sắc dân tộc.
Có thể khái quát các thể loại trong văn học dân gian thành ba nhóm chính và mỗi nhóm đều trở thành chất liệu tuyệt vời để các nhạc sĩ, nghệ sĩ khai thác và sáng tác. Đầu tiên là nhóm truyện dân gian. Dựa vào các truyền thuyết, thần thoại, sử thi, cổ tích…, tác giả xây dựng nội dung bài hát theo một hướng mới nhằm truyền tải những thông điệp, bài học tốt đẹp. Ca khúc “Nổi trống lên các bạn ơi” của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã tái hiện lại truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên”, thể hiện ý chí, sức mạnh, tinh thần đoàn kết cũng như lòng tự hào về cội nguồn dân tộc của mỗi người con Việt Nam. Còn trong các ca khúc: “Người đàn bà hóa đá” của Trần Lập hay “Đá trông chồng” của Lê Minh Sơn, sự tích về hòn Vọng Phu đã được các tác giả khai thác và kể lại theo cách riêng để ngợi ca sự chung thủy, sắt son của người phụ nữ Việt Nam.
Truyện cổ tích Tấm Cám là một trong số các truyện cổ tích được các nhạc sĩ ưu ái nhất. Ca khúc “Bống bống bang bang” của nhạc sĩ Only C kể lại câu chuyện Tấm Cám để lên án những việc xấu xa và ca ngợi những điều tốt đẹp. Cùng là mượn câu chuyện Tấm Cám, “Kẽo cà kẽo kẹt” của Hoàng Thùy Linh lại ca ngợi sức sống mãnh liệt, sức mạnh tiềm tàng của người phụ nữ “từ bùn từ tro tàn vươn lên nhánh xoan đào”. Còn với ca khúc “Vũ trụ có anh” mới được Phương Mỹ Chi ra mắt ngày 26/4, “cô bé dân ca” đã có một sự kết hợp vô cùng khéo léo giữa văn học phương Đông và phương Tây. Chuyện về cô Tấm đã được lồng ghép với một câu chuyện cổ tích nước ngoài có cốt truyện tương đồng – Cô bé Lọ Lem để bộc lộ tâm trạng buồn bã của một cô gái trong tình yêu. MV “Mặt trăng” của Bùi Lan Hương lại được lấy cảm hứng từ truyền thuyết Mị Châu – Trọng Thủy. MV bám sát vào nội dung của truyền thuyết, nữ ca sĩ hóa thân thành Mị Châu nhưng vì “trái tim lầm chỗ để trên đầu”, tiết lộ bí mật nỏ thần cho chồng để dẫn đến kết cục là đất nước rơi vào tay giặc và công chúa bị vua cha chém đầu.
Tiếp đến là nhóm thơ ca với những vần thơ ngắn dài khác nhau, được thiết kế theo quy tắc gieo vần gồm có ca dao tục ngữ, thành ngữ, câu đố và vè. Các nhạc sĩ thường sử dụng nguyên vẹn hoặc bóng dáng một câu ca dao, tục ngữ để xây dựng một phần trong lời của ca khúc. Ví dụ, một câu tục ngữ quen thuộc về chuồn chuồn và thời tiết trong văn học dân gian được tác giả Lê Minh Sơn sử dụng trong bài “Chuồn chuồn ớt” để giãi bày tình cảm với cô gái bằng sự hóm hỉnh: “Chuồn bay thấp trời mưa, chuồn bay cao trời nắng, chuồn bay vừa, chuồn bay vừa đợi anh”. Một hình tượng vô cùng quen thuộc trong văn học dân gian, đó là con cò được khai thác trong ca khúc “Con cò” của Lưu Hà An: “Con cò mày đi ăn đêm, mày đi ăn đêm, sao đi một mình, một mình lầm lũi…”. Đó là hình ảnh đại diện cho người phụ nữ Việt Nam dù vất vả, tần tảo mưu sinh nhưng vẫn luôn cao thượng và tràn đầy tình yêu thương.
Đối với âm nhạc hiện đại, xu hướng sử dụng các câu ca dao, tục ngữ thường làm tên bài hát đang rất thịnh hành. Ví dụ như ca sĩ Hoàng Thùy Linh với các bài hát nổi đình nổi đám thời gian qua: “Kẻ cắp gặp bà già”, “Lắm mối tối ngồi không”. Các ca khúc của Bích Phương lại biến tấu một chút để có những cái tên khác biệt và dí dỏm hơn: “Kén cá chọn anh” hay “Chị ngã em nâng”. Ca khúc “Tát nước đầu đình” với sự hợp tác giữa Lynk Lee và Binz thì lại được thổi một làn gió rất hiện đại. Những câu ca dao cùng một đoạn rap được phối lại rất trẻ trung, hợp thời mà vẫn đằm thắm, nhịp nhàng. Đó chính là sự giao thoa, cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Ca dao, tục ngữ là thể loại có nhiều đặc điểm gần gũi, tương đồng về ca từ, phản ánh đời sống, thế giới tâm hồn con người một cách vượt trội hơn so với các thể loại còn lại nên thường được khai thác và biến tấu nhiều nhất trong các thể loại văn học dân gian.
Nhóm cuối cùng của các thể loại văn học dân gian là nghệ thuật biểu diễn sân khấu kết hợp giữa thơ ca và âm nhạc, điển hình là hát chèo. Tháng 3 vừa qua, nữ ca sĩ Hòa Minzy đã ra mắt MV “Thị Mầu” và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả. Ca khúc được lấy cảm hứng từ nhân vật Thị Mầu trong vở chèo dân gian “Quan Âm Thị Kính”. Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố dân gian và hiện đại, “Thị Mầu” được đánh giá là sản phẩm ấn tượng bậc nhất trong sự nghiệp âm nhạc của nữ ca sĩ tính đến nay. Qua sản phẩm này, Hòa Minzy hi vọng khán giả sẽ yêu thích và tìm hiểu về nghệ thuật chèo đặc sắc nhưng đang dần bị mai một.
Nhìn chung, các loại hình văn học dân gian được khai thác trong âm nhạc theo hai hướng là giữ nguyên bản và bám vào một phần, một hình tượng của nguyên dạng để sáng tạo và biến tấu. Xã hội ngày càng phát triển, thị hiếu công chúng cũng thay đổi từng ngày nên việc khai thác các sản phẩm âm nhạc vừa hợp thời, vừa mang đậm “hơi thở dân gian” được các nhạc sĩ vô cùng quan tâm và ưu ái. Khai thác các loại hình văn học dân gian một cách đúng đắn là hành động thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ, ý chí muốn gìn giữ và lan tỏa văn hóa truyền thống tốt đẹp tới nhiều thế hệ tại Việt Nam và bạn bè thế giới. Qua đó, cũng đề cao vai trò của văn học dân gian nói riêng và toàn bộ nền văn học Việt Nam nói chung trong việc giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc.
Mới đây, cộng đồng mạng đã phản ứng gay gắt trước một đoạn nhạc đang thịnh hành trên nền tảng TikTok, được chế lời phản cảm từ bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu kèm sau đó là nhiều câu ca dao, tục ngữ bị biến tấu lời thành những câu rap hết sức vô nghĩa và sáo rỗng. Đây là bài học cho việc “biến tấu” tác phẩm cần tôn trọng nguyên bản để không bị phản cảm. Việc tận dụng chất liệu văn học dân gian là điều rất đáng khích lệ nhưng cũng cần phải chắt lọc và sử dụng một cách thông minh để tạo ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng./.
Lan Nhi
Nguồn: dangcongsan.vn