Tháng 8-1920 Nguyễn Ái Quốc bắt đầu làm thợ ảnh đến tháng 4-1923 thì thành nghề và quảng cáo nghề ảnh của mình trên báo La Vie Ouvrière: “Xin giới thiệu với độc giả và bè bạn: Mọi loại ảnh cũ, hoặc trích trong báo chí… đều có thể chụp lại, làm thành như ảnh mới, ảnh kỹ thuật. Giá từ 20 phrăng, do Nguyễn Ái Quốc, số 3, đường Macsê đê Patơriásơ”[1].
Thời kỳ ở Việt Bắc, Bác tạo mọi điều kiện cho các đồng chí quay phim làm việc. Điều kiện thiếu ánh sáng, Bác đồng ý cho dỡ hẳn một phần mái nhà, tại một cuộc họp trong rừng. Bộ Chính trị đang làm việc với Bác, quay phim cũng được phép mang máy tới. Bác gợi ý cho cả về chỗ đặt máy và lúc nào thì bấm máy để tạo hình đẹp nhất. Và có lần, để chiều theo ý chuyên môn, Bác đã miễn cưỡng mặc thêm chiếc áo kaki đứng trước ống kính cho thêm phần…long trọng”[2]. Chỉ có là người trong nghề và thực sự giỏi nghề Bác mới có thể nhìn người khác chụp ảnh là biết đạt hay không. Nghệ sỹ lão thành Võ An Ninh kể: “Tôi nhớ nhất cái lần đoàn đại biểu các dân tộc ít người về Hà Nội chào mừng Bác. Hôm ấy thì tôi có chụp. Bác đến chỗ tôi, nói vui:
– Này, hình như cái vừa chụp bị hỏng rồi!
– Dạ, vâng, hình như cái đó hơi rung. Con xin Bác cho chụp lại!
Bác cười: “Được”
…Bác cũng từng làm thợ ảnh, cho nên Người rất quan tâm đến chúng tôi. Nhiều khi thấy tôi đến, Bác bảo chú Ninh phải chụp thế này thế kia, không thì hỏng đấy!”[3].
Cũng phải là người từng cầm máy chụp từng tấm ảnh mới trân trọng giá trị từng bức một. Ngày 4- 9-1965 Bác gửi tặng nghệ sỹ Đinh Ngọc Liên hai tấm ảnh Người chụp chung với nghệ sỹ. Bác nói với người phục vụ: “Nói với chú Liên, Bác gửi biếu chú hai ảnh. Nếu chú muốn nhiều nữa thì bỏ tiền ra”[4]. Qua lời kể của nghệ sỹ Kim Côn cho thấy Bác là người thợ ảnh giàu kinh nghiệm. “Đêm qua gần như thức trắng để phóng xong bộ ảnh, kịp gửi đến các cơ quan và các đơn vị bộ đội. Trời vừa hửng sáng, tôi vớt mẻ ảnh vừa phóng đưa ra thác Rẩy xả nước. Tôi cảm thấy buồn vì trong số ảnh vừa rọi, có những chiếc phủ một màu xám xịt. Đang mải mê suy nghĩ, lỗi ở khâu nào? Bỗng nghe tiếng động có chân người bước đến, tôi vội nhìn lên. Hồi hộp, miệng lắp bắp: – Chào Bác ạ!
Rõ ràng, sau khi tập thể dục xong, biết tôi đang xả nước ảnh, Bác đã lặng lẽ đến xem. Như hiểu được nỗi băn khoăn của tôi, Bác mỉm cười, rồi chỉ vào bức ảnh xám nói: – Tấm ảnh này bị gờ-ri (gris: xám), là tại chú rọi non sáng quá đấy mà. Phải răng-phoóc-xê (renforser: do phóng non sáng, ảnh phải ngâm lâu trong thuốc hiện)…”[5].
Chi tiết sau cho thấy Bác là người thợ, theo đúng đạo lý Việt: luôn tri ân với người dạy dỗ, rèn luyện nghề nghiệp cho mình. Ngày 25- 6-1946, Bác và đoàn tuỳ tùng đã đến viếng mộ ông Khánh Ký, một nhiếp ảnh gia hàng đầu, một nhà yêu nước. Đứng trước mộ ông, Bác không cầm được nước mắt. Bác kể về những kỷ niệm không thể nào quên, khi cụ Phan Chu Trinh dẫn Bác đến học nghề ảnh với ông Khánh Ký và được ông tận tình hướng dẫn cặn kẽ. Nhờ thế, chẳng bao lâu Bác đã làm thành thạo, từ khâu chụp, buồng tối đến chấm sửa phim, ảnh”[6].
Một đạo diễn giỏi là người ngoài việc giỏi tìm ra những chi tiết đắt trong các khuôn hình cụ thể còn phải cho người xem thấy được tính hệ thống, chủ đề xuyên suốt của những hình ảnh. Đây là một trường hợp như thế, qua lời kể của Kim Côn. “Lần đó tôi chụp đồng chí Vô-rô-si-lốp, Chủ tịch Đoàn Xô-viết Tối cao Liên Xô sang thăm. Làm xong ảnh, đưa lên Bác duyệt, tôi hết sức ngạc nhiên. Bác đảo thứ tự ảnh. Bác chọn bức ảnh đặc tả Bác bắt tay Chủ tịch Vô-rô-si-lốp đưa lên đầu tiên, sau đó xếp các ảnh quan trọng khác theo dòng sự kiện. Sau này, được các chuyên gia Liên Xô giảng về phóng sự ảnh, tôi vỡ lẽ ra rằng, từ một tập ảnh sự kiện Bác đã biên tập thành một phóng sự ảnh có sức cuốn hút người xem. Bởi phóng sự ảnh ấy mang đến cho công chúng thấy được cái ẩn ý đằng sau sự kiện. Từ cái bắt tay nồng nàn ấy của hai vị nguyên thủ quốc gia nói lên đầy đủ sức mạnh đoàn kết giúp đỡ của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa anh em đối với sự nghiệp giải phóng đất nước của nhân dân ta”[7].
Người đạo diễn phải vừa có con mắt thẩm mỹ tinh tế, vừa có sự quan tâm hết lòng đến người xem. Năm 1956, Phủ Chủ tịch đón một vị Tổng thống. Anh em Nhà máy Đèn Hà Nội vào mắc điện “Thấy một đèn pha chiếu sáng đặt dưới một gốc cây, Bác nói: – Ngọn đèn này phải để khuất trong lùm cây, vừa đẹp, vừa đỡ chói mắt đồng bào đi qua đường.
Bác nhanh nhẹn bước tới ngọn đèn. Đồng chí tổ trưởng Dương Văn Hậu lo Bác vấp ngã, vội chạy đến…
Nhưng Bác đã cúi xuống, rất “nghề nghiêp”, hai bàn tay bưng lấy thân ngọn đèn pha giấu vào lùm cây đinh hương. Ngọn đèn pha được đặt lại, đẹp hẳn lên, người ngoài nhìn vào không bị chói mắt, mà chỉ thấy những tia sáng chiếu qua các kẽ lá hắt lên một màu xanh dịu”[8].
Diễn viên điện ảnh – Đức Lưu, nhớ lại. “Khi đóng phim, Bác đóng rất có “nghề”. Chúng tôi đã là diễn viên, mà khi quay nhiều cảnh phải quay đi quay lại. Nhưng Bác đóng rất tự nhiên, nhập vai tốt hơn các diễn viên. Tôi thật sự cảm phục Bác và học tập được ở Bác rất nhiều trong cách đóng phim. Duy chỉ có một cảnh quay Bác vui chơi với các cháu thiếu nhi phải quay đi quay lại mấy lần. Bởi vì các cháu thiếu nhi yêu mến Bác, muốn ngắm nhìn “ông Tiên hiền lành”, nên khi quay cứ ngắm nhìn Bác mãi, thành thử cảnh quay chưa đạt. Lúc đó, Bác phải đứng ra làm một chân “đạo diễn” để uốn nắn các cháu”[9].
Bác còn là một diễn viên thuyết minh. Hôm ấy Phủ Chủ tịch chiếu phim Hoàng tử lấy cóc. Phim lồng tiếng Pháp. Người thuyết minh chưa kịp xem trước nên khi thuyết minh thường không đạt ý. “Bác bảo: – Chú thuyết minh như vậy mất cả hay của phim đi. Chú để Bác thuyết minh cho.
Bác nói rồi ra hiệu cho đồng chí thuyết minh đứng dậy. Người cầm lấy ống nói và ngồi vào ghế. Bác theo dõi trên màn ảnh, lắng nghe đối thoại rồi thuyết minh. Đôi khi Bác giải thích thêm những ý trong khi chuyển cảnh mà người xem cảm thấy khó hiểu. Bác thuyết minh rõ ràng song ngắn gọn súc tích. Tiếng Người ấm và diễn đạt hết sức tình cảm của các cảnh trong phim. Mọi người lúc đầu thấy Bác thuyết minh thì vừa ngạc nhiên, vừa thích thú. Nhưng rồi đều bị cuốn hút bởi hình ảnh trong phim qua lời thuyết minh của Bác”.
Phim hết, Bác cười giải thích: “Phim hay về nội dung tốt. Câu chuyện khuyên mọi người muốn có lứa đôi hạnh phúc thì đừng quá lệ thuộc vào hình thức bề ngoài, phải thấy cái đẹp bên trong. Cái đẹp về phẩm giá. Các tài tử đóng khéo. Màu sắc đẹp, tình tiết hấp dẫn”[10]. Đấy là bài học không chỉ cho nghề thuyết minh mà cho tất cả những ai trình bày một vấn đề: phải hiểu sâu nội dung thì mới chuyển tải chính xác ngôn ngữ biểu đạt.
Bác là người trong nghề nên rất hiểu từ chuyện bếp núc lặt vặt đến chuyện nghề như xây dựng khuôn hình, nhân vật, tư tưởng…của phim. Do vậy phẩm chất phê bình trong Bác như là lẽ tự nhiên vậy. Câu chuyện của tác giả Hoàng Văn Bổn về một cảnh quay giả cho thấy điều ấy. “Bàn bạc mãi, đành bấm bụng bí mật dẫn nhau lên Sơn Tây. Cậu Dũng xung phong làm tên lính Mỹ bị bắn ngã lộn nhào… Suốt một buổi sáng, quần quật như trâu lăn, cậu Dũng nhào lộn đến rách cả đít quần…
Được lệnh vào chiếu duyệt tại Phủ Chủ tịch, chúng tôi hí hửng và lo sợ. Dối Bác là có tội, là điều không nên… Tranh luận mãi, cuối cùng, có đồng chí tắc lưỡi: Đành liều.
Buổi chiếu duyệt ấy, rất đông cán bộ lãnh đạo cấp cao dự.
Chúng tôi lấm lét liếc chừng Bác theo từng thước phim ráp chạy xè xè, theo từng hình ảnh loang loáng trên màn ảnh. Mồ hôi ướt đầm mặt mũi chúng tôi.Cái cảnh khốn khổ ấy chạy qua màn bạc lúc nào, chúng tôi không hay biết.
Bỗng có một bàn tay khều nhẹ vào vai tôi: – Bác.
Giọng Bác ấm áp, nho nhỏ: – Lần sau, các cháu đừng làm thế nữa…
Chúng tôi đã hiểu tất cả. Nhưng vì quá bàng hoàng xúc động nên cứ ngơ ngơ ngác ngác.
Bác lại ôn tồn:- Các cháu lau mồ hôi đi. Quay được những thước phim thế này, tốt lắm, dũng cảm lắm. Đừng để những thước phim “bắn tỉa” như thế làm mất lòng tin của đồng bào khi được xem các cảnh anh hùng của chiến sĩ, đồng bào ta mà các cháu đã quay thật.
Bác mỉm cười: – Không thể nào cùng một cảnh, một khung hình mà các cháu quay rõ được người bắn tỉa và kẻ bị bắn tỉa, tất cả đều rõ như thế…”[11].
Xem bức Nữ dân quân, người trong ảnh trông rất đẹp, Bác hỏi vui: “Đây là dân quân thật hay đóng giả?”. Bức Tuổi thanh xuân miêu tả một cô gái thành thị đội nón, mặc áo sơ-mi trắng, cổ lá sen có rua hoa, ảnh chụp nửa người, đặc tả bộ mặt xinh xắn và tươi. Bác góp ý là cô này tuy đẹp nhưng không có vẻ Việt Nam. Xem bức ảnh Tháp Phổ Minh, chụp qua vòm cửa nhà để bia, ống kính góc độ hơi hẹp nên không lấy được toàn bộ hình tháp. Bác nói: “Tháp gì mà lại cụt cả đầu lẫn chân thế kia?”. Đến bức ảnh Phong cảnh Sa Pa trên có đề mấy câu thơ chữ Hán. Bác hỏi: – Đây là ảnh hay tranh? Chúng tôi trả lời:- Thưa Bác, đây là ảnh ạ! – Là ảnh – Bác nói tiếp, sao lại bắt chước tranh?”[12]. Bác rất hiểu các trường phái ảnh hiện đại nước ngoài. Cũng trong dịp xem triển lãm này Bác hỏi trong triển lãm này có bức ảnh nào thuộc loại lập thể (cubisme) hay vị lai (futurisme) không? Được nghe trả lời không có, Bác nói tiếp: “Các tranh ảnh thuộc trường phái kể trên rất khó hiểu và ngay đến các nhà chuyên môn có khi cũng không hiểu nổi”.
Tiếp đó Bác nói chuyện chúng tôi nghe về cuộc đời làm thợ ảnh của Bác hồi ở Pháp, bị bọn chủ hiệu ăn bớt, bóc lột, về sự giúp đỡ của cụ Phan Châu Trinh dạy Bác học nghề. Bác còn nói đến vấn đề rửa phim và ảnh, dạy cho chúng tôi cách rửa ảnh sao cho đẹp, sao cho phù hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi”[13].
Đạo diễn điện ảnh Hà Lan Giôris Ivens, người đã được Bác Hồ “kết nghĩa anh em”, là em của Bác. Câu chuyện sau được đạo diễn Phrideuman xúc động kể lại: “Nguyện vọng đầu tiên của Giôris Ivens khi đến Việt Nam là được gặp Bác Hồ. Bác đã tiếp nhà đạo diễn trong một bầu không khí thân mật. Cùng tiếp với Bác có nhà thơ Tố Hữu. Điều bất ngờ là câu đầu tiên Bác nói là đọc hai câu thơ trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du: “Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai”. Bác Hồ nắm chặt đôi bàn tay của nhà đạo diễn trong bàn tay mình với một nụ cười đằm thắm như gặp lại người bạn cũ thân thiết. Bác nói: “Tôi đã biết tài nghệ của đồng chí từ năm 1922 kia”.
Bác Hồ kể: “Ngày ấy bạn bè đã trao một nhiệm vụ nặng nề cho tôi: “Anh Nguyễn phải viết ngay một bài bình luận về nội dung bộ phim tố cáo tư bản đã lợi dụng tôn giáo để áp bức và đi xâm lược các dân tộc… và ca ngợi bản lĩnh nghệ sĩ tài hoa của Giôris Ivens”. Bài báo ấy tôi đã đăng trên báo Nhân đạo tháng 6 năm 1922”. Nghe Bác Hồ kể, đạo diễn Giôris Ivens vô cùng cảm động. Ông không ngờ bước đi đầu tiên của cuộc đời nghệ thuật của mình đã được Nguyễn Ái Quốc – một nhà bình luận Điện ảnh Việt Nam đồng tình và bảo vệ cách đây gần nửa thế kỷ. Và giờ đây trước mắt ông là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
“Lúc lâm bệnh nặng, đạo diễn Giôris Ivens đã gọi tôi đến bên ông. Ông đã nói với tôi: Tôi có một món nợ với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi sẽ không đền đáp được với Người. Giữa những năm đế quốc Hoa Kỳ rải thảm lửa xuống hai miền đất nước Việt Nam, tôi đã đến với nhân dân, với Tổ quốc của Bác Hồ. Tôi đinh ninh mình sẽ sớm cất cao tiếng ngợi ca Người, một vĩ nhân của những vĩ nhân trong thời đại nhiều biến cố, nhiều đỉnh cao của thành tựu. Nào ngờ tôi đã muộn màng đến với Hồ Chí Minh. Trái lại Bác Hồ, chính Bác Hồ đã phát hiện ra tôi, lúc tôi hãy còn chập chững đi vào con đường Điện ảnh. Tôi đã tìm được bài của Nguyễn Ái Quốc viết về tôi đăng trên tờ báo Nhân đạo tháng 6/1922. Nhiều giọt nước mắt của tôi nhỏ xuống trang báo, giấy đã ngả màu gần nửa thế kỷ nay. Cuộc đời nghệ thuật Điện ảnh của tôi có biết bao nhiêu nhà bình luận trên thế giới đánh giá. Nhưng lúc này, cái lúc tôi đang ngả lưng xuống ván thì mới thấy những bài viết của Bác Hồ về con đường nghệ thuật của tôi từ ngày mới lên đường, mà lại đúng với tôi hơn tất cả. Hồ Chí Minh – người là nhà nghệ thuật lớn trong diện mạo của một vĩ nhân”[14]. Từ câu chuyện của Giôris Ivens về Bác Hồ lại toát ra một vấn đề của phê bình nghệ thuật: phát hiện và ủng hộ những nhân tố mới tích cực, có triển vọng!
NGUYỄN HẢI ANH
[1] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử – Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tập 1, tr 222.
[2] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 244.
[3] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 342.
[4] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử – Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 9, tr 296.
[5] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 173.
[6] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 175.
[7] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 178.
[8] Ban Tuyên giáo Trung ương – Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 48.
[9] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 1, tr 270.
[10] Nguyễn Ngọc Châu (biên soạn) – Đưa Bác về Pắc Bó. Nxb Lao động Xã hội, 2007tr 139.
[11] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 2, tr 62.
[12] Lữ Huy Nguyên- Sđd, Nxb Văn học, 1995, tr. 298.
[13] Lữ Huy Nguyên – Sđd, Nxb Văn học, 1995, tr. 299.
[14] Hồ Chí Minh với nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 3, tr 181,183, 184.