Theo tác giả Nhượng Tống, Sử ký đáng đọc ở những giá trị riêng khác của nó. Đó là bộ sử không chỉ của một nhà, mà là sử dân tộc. Và qua nó “xét được các dấu vết biến thiên về văn hóa, về tư tưởng, về kinh tế, về chính trị ở thời cổ nước Tầu. Riêng về mặt văn chương, nó hàm có một vẻ đẹp mạnh mẽ và bao la”. Đây cũng chính là sự hấp dẫn ở bản dịch Sử ký của Nhượng Tống, nằm ngay ở chất giọng cổ phong của một dịch giả chuyên nghiệp đã kinh qua những dịch phẩm trước đó như Bả phồn hoa, Ngọc lê hồn, Chị cùng em (đều xuất bản 1928), Nam Hoa kinh (1944)… Dù dùng lối văn khẩu ngữ cho dịch phẩm, nhưng Sử ký qua lời dịch của Nhượng Tống, vẫn đậm chất văn chương.
Sử ký từng được nhà phê bình văn học đời Thanh, Kim Thánh Thán ghi nhận: “Kể văn chương xưa nay, chỉ có sáu người viết đáng gọi là tài tử: Một là Trang Chu, viết Nam Hoa Kinh; hai là Khuất Nguyên, viết Ly Tao; ba là Tư Mã Thiên, viết Sử Ký…”.
Sử ký đến với độc giả Việt Nam, công đầu thuộc về của Nhượng Tống qua sự chuyển ngữ uyển chuyển của ông, người mà ở lĩnh vực viết lách, ông để lại nhiều tác phẩm giá trị như tiểu thuyết Cô hàng hoa (1934), Lan Hữu (1940), hồi ký Đời trong ngục (1935)…
Riêng với tác phẩm dịch, những tinh hoa tri thức của Trung Quốc là mối quan tâm lớn của Nhượng Tống và nhiều tác phẩm đã được ông chuyển ngữ như Mái Tây, Sử ký, Nam Hoa kinh…
Đến nay, dù đã có nhiều bản dịch khác nhau của Phan Ngọc, Giản Chi – Nguyễn Hiến Lê… bản dịch Sử ký của Nhượng Tống được xem là bản dịch quốc ngữ có hệ thống đầu tiên ở Việt Nam.
Nguồn: Báo Văn nghệ